Bản tin BĐS 24h: Thuê \'đất vàng\' mùa dịch, đóng cửa vẫn oằn mình trả tiền
Cập nhật lúc: 06/02/2021, 19:00
Cập nhật lúc: 06/02/2021, 19:00
Theo dantri, báo cáo nhanh của Tổng cục quản lý thị trường (Bộ Công Thương), diễn biến phức tạp của dịch bệnh tiếp tục ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh, mua sắm của người tiêu dùng.
Tại Hà Nội, theo chỉ thị, tất cả các cửa hàng kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, quán Bar, quán game trên địa bàn thành phố tạm dừng hoạt động.
Trong khi đó, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống phải có biện pháp giãn cách, phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế; dừng các hoạt động lễ hội, sự kiện có tập trung đông người.
Anh Trung, chủ nhà hàng ở đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) than thở, thông thường thời điểm cuối năm nhà hàng đón rất nhiều đoàn khách tất niên, năm nay hủy gần hết vì dịch.
Một cửa hàng kinh doanh đồ uống trên đường Nguyễn Thị Định (Cầu Giấy) với lượng khách đến vắng vẻ vì dịch, buộc phải mở bán thêm cả… ô bán bún riêu án ngữ ngay trước mặt tiền.
Việc đa dạng hóa mặt hàng với hy vọng cửa hàng có thể gia tăng doanh thu, bù đắp phần nào số tiền thuê mặt bằng vô cùng đắt đỏ ở vị trí trung tâm này.
Bên cạnh đó, một quán trà chanh trên đường Nguyễn Phong Sắc thì phải ngậm ngùi đóng cửa, chuyển nơi bán quất cảnh. Đây là một trong những giải pháp tạm thời nhằm "cứu cánh" lúc khó khăn, bù lại chi phí mặt bằng.
Chịu tác động nặng nề không kém các cửa hàng kinh doanh, một số đơn vị cung cấp dịch vụ giáo dục cũng "oằn vai" vì gánh nặng chi phí mặt bằng. Một trường mầm non tư thục tại một chung cư ở Mỗ Lao, Hà Đông phải trả chi phí khoảng nửa tỷ đồng 6 tháng.
Vị trí "vàng", đắc địa… là những lợi thế vô cùng lớn đối với những người làm kinh doanh, dịch vụ. Tuy nhiên khi dịch ập đến, người thuê sẽ vô cùng chật vật, nghĩ đủ cách xoay xở.
Trong bối cảnh dịch diễn biến vô cùng phức tạp, nhiều nơi, nhiều địa phương đã tái khởi động các biện pháp kiểm soát như kêu gọi người dân hạn chế tối đa việc đi lại không cần thiết, hạn chế tụ tập đông người và thực hiện các biện pháp giãn cách an toàn.
2021 là một năm được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn đối với nền kinh tế khi dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn.
Theo tienphong, tại hội nghị tổng kết năm của ngành Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Tuấn Định cho biết, năm 2020, toàn ngành đẩy mạnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất, tiền thuê đất, tạo nguồn thu cho đầu tư phát triển; thu tiền sử dụng đất được 25.789,5 tỷ đồng (đạt 128,9% kế hoạch giao), tăng so với năm 2019 là 3.878,5 tỷ đồng; tiền thuê đất đạt 7.820 tỷ đồng (đạt 156,4%); tiền thu từ đấu giá quyền sử dụng đất đạt 12.356,7 tỷ đồng (đạt 125,4%).
Sở cũng đã tập trung rà soát, tháo gỡ vướng mắc, tồn tại để giao đất dịch vụ cho người dân với tổng nhu cầu sau khi rà soát là 50.378 hộ, tương ứng 539,162ha đất. Đến nay, các quận, huyện đã giao đất dịch vụ được 40.482 hộ, tương ứng 361,59ha, đạt 80,36% (tăng 10.223 hộ và 158,87ha so với năm 2016); cấp giấy chứng nhận và đăng ký kê khai đất đai lần đầu cho các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng được 3.613/6.685 thửa đất, đạt 54,05% (tăng 3.229 thửa so với năm 2017).
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Tuấn Định cũng nêu rõ những tồn tại, hạn chế ngành cần khắc phục liên quan đến công tác đấu giá quyền sử dụng đất mới đạt 51,8% kế hoạch; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa và xử lý đối với các cơ sở gây ô nhiễm chưa kịp thời. Việc kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường ở một số làng nghề, một số cụm công nghiệp chưa được giải quyết dứt điểm; vẫn còn tình trạng khai thác cát trái phép trên lòng sông chưa được xử lý dứt điểm...
Năm 2021, ngành Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phấn đấu thực hiện 7 nhiệm vụ trọng tâm: Tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hậu kiểm việc thực hiện quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; rà soát, xử lý dứt điểm các trường hợp còn tồn tại, vướng mắc và hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cá nhân, hộ gia đình.
Cơ bản hoàn thành cấp đất dịch vụ; bảo vệ môi trường, tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về môi trường, nhất là ở các làng nghề, các khu, cụm công nghiệp; đẩy nhanh việc xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp, bảo đảm 100% có hệ thống xử lý nước thải, phục vụ việc di chuyển các làng nghề đang hoạt động trong khu dân cư; quản lý chặt chẽ tài nguyên, khoáng sản...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông nhấn mạnh, ngành cần tập trung hậu kiểm đối với các dự án chậm tiến độ đã có kết luận thanh tra; giải quyết dứt điểm những vướng mắc, đơn thư liên quan đến đất đai; đầu tư các trạm quan trắc môi trường cố định đạt chuẩn, có giải pháp xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề, sông hồ, như tại các sông: Kim Ngưu, Nhuệ, Đáy.
Ông Nguyễn Trọng Đông đề nghị ngành Tài nguyên và Môi trường Hà Nội hướng dẫn các quận, huyện thực hiện kế hoạch sử dụng đất năm 2021 trình UBND thành phố phê duyệt; chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất phải đầy đủ, bổ sung các danh mục dự án đủ điều kiện, nhằm thu hút đầu tư phát triển, tăng nguồn thu từ đất; đẩy mạnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất, sớm xây dựng kế hoạch đấu giá đất tại các quận, huyện; tập trung hoàn thành dự án đầu tư xây dựng tổng thể hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai thành phố Hà Nội trong năm 2021 để chia sẻ, vận hành...
Theo VOV, cả năm 2020 và thời điểm đầu năm 2021, đất nền vẫn là “điểm sáng” trong thị trường bất động sản vốn ảm đạm vì dịch bệnh ở cả TP HCM và Hà Nội.
Cụ thể, khảo sát thực tế cho thấy, giá đất nền phân lô tại các khu vực lân cận Hà Nội như xã Kim Chung, Vân Canh (huyện Hoài Đức) khu CNC Hòa Lạc như các xã Bình Yên (Thạch Thất) Phú Mãn (Quốc Oai) đã bị đẩy lên mức khá cao. Nhiều dự án vốn “nằm ngủ” 10 năm nay bỗng nhiên là tâm điểm trong khu vực về chuyển nhượng mua bán.
Xa hơn các huyện ngoại thành Hà Nội, khu vực huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) giá đất cũng được đẩy lên, một dự án đất nền được mở bán từ tháng 9 với 13-15 triệu đồng/m2 đã đẩy lên giá từ 22-23 triệu đồng/m2. Sau 5 tháng và ngay cả thời điểm giáp Tết vẫn được chuyển nhượng nhộn nhịp.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, không chỉ đất nền dự án tại các trục đường lớn tăng giá mà thậm chí, đất đai trong làng, trong xã ở những khu vực như Hoài Đức, Thạch Thất, Sơn Tây, làng cổ cũng tăng giá mạnh.
“Nguyên nhân của thực trạng này trước hết là do nhu cầu của các nhà đầu tư trên thị trường hiện rất lớn. Nhà đầu tư đang "khát" các sản phẩm sinh lời. Trong khi đó, nguồn cung bất động sản trên thị trường lại khan hiếm. Họ phải tìm đến cả các sản phẩm đất nền vùng ven, trong các làng xã để đầu tư khiến giá đất tại đây tăng mạnh” - ông Nguyễn Văn Đính nói.
Theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nguồn cung mới trong 3 quý đầu năm 2020 chỉ đạt trên 20.000 sản phẩm lần đầu chào bán. So với năm 2019, con số này rất khiêm tốn, chỉ đạt trên 35%.
Ngoài việc nguồn cung sản phẩm bất động sản ra thị trường hạn chế, khi dịch bệnh dòng tiền từ các lĩnh vực đầu tư khác tìm đến phân khúc đất nền như một kênh “trú ẩn” tạm thời. Lãi suất ngân hàng liên tục giảm trong năm 2020 và chưa có dấu hiệu lên cũng khiến nguồn tiền nhàn rỗi đi tìm tới bất động sản, trong khi thị trường đất nền giá tăng lên theo tuần, theo tháng.
Dù có nhiều cảnh báo về tình trạng giá đất bị đẩy cao hơn so với giá trị thật nhưng giới đầu tư vẫn dành nhiều kỳ vọng cho đất nền vùng ven. Kể cả trong thời điểm dịch bệnh, các nhà đầu tư vẫn chọn đất nền làm kênh rót vốn khiến nhiều khu vực vẫn tấp nập người mua, kẻ bán. Thời điểm cuối năm, nhu cầu tìm kiếm đất nền để đầu tư gia tăng nên ở một số khu vực, phân khúc này đã có dấu hiệu tăng nóng.
GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, các nhà đầu tư nên cẩn trọng với cơn sốt đất nền. Việc giá đất tại nhiều địa phương tăng mạnh là do sự nhiễu loạn của giới đầu cơ, cò đất lướt sóng kiếm lời. Điều này là rất nguy hiểm với các nhà đầu tư và thị trường bất động sản.
“Sốt đất ảo sẽ chỉ trong ngắn hạn, giá đất sẽ không thể tăng mãi được. Đến lúc bong bóng vỡ, nhiều nhà đầu tư tháo chạy không kịp sẽ bị thiệt hại rất lớn, thậm chí mất cả cơ nghiệp. Mặt khác, việc này còn gây thiệt hại chung cho đất đai khu vực đó, tác động mạnh đến toàn bộ nền kinh tế cũng như quá trình xây dựng các khu đô thị sau này” - GS Đặng Hùng Võ nói.
Cụ thể, tại Hà Nội nhiều dự án được đầu tư hạ tầng chất lượng tốt đã tăng giá mạnh, tăng khoảng 5% so với năm 2019, thị trường ghi nhận một số dự án có giá bán kỷ lục, đạt ngưỡng 300 triệu đồng/m². Việc đô thị hóa mạnh các vùng Sơn Tây, Thạch Thất, Hoài Đức… đã đẩy giá đất trong làng xã khu vực này lên mức 25 – 30 triệu đồng/m², tăng so với năm 2019 khoảng 50%. Các vùng như Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên cũng tăng khoảng 20 - 30% so với năm 2019.
Tại TP Hồ Chí Minh, Giá bán căn hộ bình dân đã được đẩy lên thành phân khúc trung cấp. Giá bán căn hộ trung cấp tăng mạnh (so với năm 2019 tăng 26,5% và so với năm 2018 tăng 50,7%). Giá bán trung bình căn hộ cao cấp là 72,9 triệu đồng/m². Giá trung bình của liền kề, nhà phố, shophouse là 74,2 triệu đồng/m².
“Với đà tăng trưởng như vậy, dự báo trong năm 2021 biến động về biên độ giá bán các sản phẩm BĐS trên thị trường sẽ tăng thêm khoảng 10% so với năm 2020” - ông Nguyễn Văn Đính nhận định.
Liên quan đến vấn đề này, phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, năm 2020, thị trường BĐS chỉ suy giảm chứ không suy thoái về nguồn cung cũng như giao dịch. Bước sang năm 2021, thị trường sẽ có nhiều chuyển biến nhờ vào sự thay đổi về luật và sự thích ứng của chủ đầu tư trong giai đoạn dịch bệnh. “Những điều chỉnh của thị trường là cần thiết; trong đó có điều chỉnh về phân khúc, quy mô, chất lượng và đều hướng đến mục tiêu thích ứng với thị trường. Qua những khó khăn cũng cho thấy, các chủ thể tham gia thị trường đã tích lũy được kinh nghiệm để sẵn sàng nắm lấy cơ hội” - ông Nguyễn Mạnh Hà nhìn nhận.
Cùng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho biết, thị trường BĐS vẫn đang gặp khó khăn trong 5 năm qua và Covid-19 chỉ là yếu tố khiến khó khăn trầm trọng hơn. Nhưng bối cảnh này lại là cơ hội để các doanh nghiệp đánh giá lại, và tìm một hướng đi bền vững. Năm 2020, đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng cơ chế pháp luật khi Luật Đầu tư, Luật Xây dựng sửa đổi được thông qua, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc. Nghị định 148 ban hành sửa một số điều trong Luật Đất đai đã giải quyết vấn đề dịch vụ công về đất đai, giao sổ đỏ...
“Các bộ luật sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1 năm nay, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. 2021 cũng đồng thời là năm kiểm soát hiệu quả Covid-19, vaccine nghiên cứu thành công, nền kinh tế Việt Nam đang là điểm sáng. Tới đây Bộ Xây dựng sẽ sửa đổi Luật Nhà ở, từ đó ban hành nghị định về chung cư cũ, sửa đổi quy định để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào thị trường bất động sản phân khúc nhà vừa túi tiền, trung cấp, giá cả hợp lý” - ông Lê Hoàng Châu cho hay.
Cụ thể, theo HoREA, tiến trình phát triển đô thị và đô thị hóa, phát triển hệ thống hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông sẽ tiếp thêm nguồn lực cho sự phát triển kinh tế xã hội và thị trường bất động sản TP HCM.
Thị trường bất động sản sẽ phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn, cả trong trung hạn và dài hạn, với những lực gia tốc mới, với ba điểm nóng.
Thứ nhất là việc TP HCM vừa chính thức lập TP Thủ Đức từ đầu tháng 1, là đô thị sáng tạo có tính tương tác cao, là đô thị loại 1, có quy mô kinh tế bằng khoảng 7 - 8% GDP cả nước, chiếm đến 1/3 GRDP của thành phố, đi đôi với mục tiêu xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh.
Thứ hai là việc chuyển đổi 4 huyện (Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh) thành quận trong 10 năm tới. Bên cạnh đó, hoàn toàn có khả năng chuyển đổi huyện Cần Giờ trở thành “đô thị biển, đô thị sinh thái, đô thị môi trường” gắn liền với việc bảo vệ nghiêm ngặt Khu dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn (Rừng Sác Cần Giờ) trong những năm sắp tới.
Thứ ba là việc Chính phủ đã quyết định cho TP HCM được chuyển đổi 26.000ha đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị, nhà ở giai đoạn 2016 - 2020, mà thực tế đã chứng minh 1ha đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị tạo ra giá trị gấp hơn 100 lần so với 1ha đất nông nghiệp.
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/ban-tin-bds-24h-thue-dat-vangmua-dich-20201231000000777.html
19:00, 05/02/2021
19:00, 04/02/2021
19:00, 31/01/2021