19/01/2025 | 10:34 GMT+7, Hà Nội

Bản tin BĐS 24h: Phân khúc căn hộ bình dân chỉ chiếm 1,2%

Cập nhật lúc: 15/01/2021, 19:00

Phân khúc căn hộ bình dân chỉ chiếm 1,2%; Không để TP Thủ Đức thành điểm 'nóng' xây dựng sai phép; Điểm mặt hàng loạt hành vi bị cấm khi sử dụng nhà chung cư là những tin chính trong bản tin BĐS 24h hôm nay.

Phân khúc căn hộ bình dân chỉ chiếm 1,2%

Theo báo cáo hoạt động kinh doanh bất động sản năm 2020, Sở Xây dựng TP HCM cho biết, năm qua đã xác nhận đủ điều kiện huy động vốn sản phẩm hình thành trong tương lai của 28 dự án, tổng số 15.135 căn nhà. Trong đó 13.703 căn hộ với 900.416 m2 sàn, 1.429 căn nhà thấp tầng với gần 500.000 m2 sàn xây dựng và 3 căn biệt thự với 1.589 m2 sàn, tổng giá trị vốn cần huy động hơn 61.000 tỷ đồng.

Cụ thể, phân khúc căn hộ cao cấp giá trên 40 triệu một m2 khoảng 5.300 căn, tỷ lệ 35%; phân khúc trung cấp giá 20 - 40 triệu mỗi m2 hơn 9.600 căn, tỷ lệ 63,5%. Nhà ở phân khúc bình dân chỉ còn 163 căn, tỷ lệ 1,2%. Như vậy, nhà phân khúc bình dân giảm tới 98,6% so với tỷ lệ 53,7% năm 2019 (12.366 căn hộ). Lượng căn hộ huy động vốn tập trung nhiều nhất ở quận 9 với 8 dự án, quận 2 có 7 dự án, quận 7 có 4 dự án, còn lại nằm rải rác ở các quận huyện...

Nhãn

Cũng theo đánh giá của Sở Xây dựng, so với năm 2019, số dự án căn hộ giảm 14, tỷ lệ 33%, số căn nhà ở cũng giảm theo, tỷ lệ 34,3%. Phân khúc căn hộ trung cấp tăng mạnh đến 84,6%, phân khúc cao cấp giảm 2,1%. Tình hình số lượng nhà ở bổ sung cho thị trường năm qua giảm mạnh theo nhận định của Sở Xây dựng, có thể do nguyên nhân dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, phải thực hiện giãn cách xã hội nên ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư xây dựng cũng như thực hiện các thủ tục tiếp theo.

Ở góc độ khác, theo đánh giá của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, các chi phí đầu vào quá cao đã khiến cho doanh nghiệp phát triển nhà ở không còn mặn mà xây nhà bình dân và giá rẻ. Giá đất, chi phí xây dựng, vật tư... cùng tăng nên giá bán tăng theo. Mặt khác, vướng mắc pháp lý kéo dài càng làm khan hiếm nguồn cung, tạo đà cho làn sóng tăng giá nhà ở các dự án mới.

Về nhà ở xã hội, năm 2020, Sở Xây dựng đã hoàn thành 4 dự án với quy mô 4.204 căn hộ, lũy kế từ năm 2016 đến 2020 xây dựng hoàn thành 15.177 căn hộ và tiếp tục đôn đốc chủ đầu tư triển khai nhanh tiến độ các dự án.

Theo ước tính, năm 2020 TP HCM phát triển được 8,87 triệu m2 sàn nhà ở tăng thêm, nâng tổng diện tích nhà ở trên địa bàn thành phố là 190,7 triệu m2, diện tích nhà ở bình quân đầu người là 20,6 m2. Trong năm 2021, TP HCM dự kiến phát triển thêm 8 triệu m2 diện tích sàn xây dựng nhà ở và nâng diện tích nhà ở bình quân đầu người lên 21,04 m2. 

 Không để Thành phố Thủ Đức thành điểm 'nóng' xây dựng sai phép

Đó là chỉ đạo của khẩn của UBND TPHCM về tăng cường công tác trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố nói chung và Thành phố Thủ Đức nói riêng.

Cùng với đó, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hòa Bình giao Chủ tịch UBND quận 2, 9 và Thủ Đức tiếp tục chỉ đạo thực hiện công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.

Cụ thể, tăng cường lực lượng thực hiện công tác quản lý trật tự xây dựng đảm bảo kiểm soát chặt chẽ tình hình trật tự xây dựng, không để phát sinh điểm nóng về xây dựng không phép, sai phép trên địa bàn, đến khi bộ máy hành chính Thành phố Thủ Đức chính thức hoạt động.

 Không để Thành phố Thủ Đức thành điểm “nóng” xây dựng sai phép

Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND TP HCM cũng giao Sở Xây dựng thành lập Đội Thanh tra địa bàn Thành phố Thủ Đức trực thuộc Thanh tra Sở Xây dựng để thực hiện công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố Thủ Đức (trên cơ sở sáp nhập Đội Thanh tra địa bàn quận 2, 9 và Thủ Đức).

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố, đặc biệt tại các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp, điều chỉnh, thành lập.

Liên quan đến cấp giấy phép xây dựng tại Thành phố Thủ Đức, mới đây Sở Xây dựng TP HCM đã có văn bản hướng dẫn điều chỉnh, chỉnh lý biến động trên giấy phép xây dựng công trình, nhà ở của tổ chức, cá nhân.

Đối với hồ sơ chưa có giấy phép xây dựng, cơ quan có thẩm quyền khi cấp giấy phép ghi địa chỉ theo đơn vị hành chính mới, là Thành phố Thủ Đức

Đối với giấy phép xây dựng đã cấp, nếu cá nhân, tổ chức có nhu cầu điều chỉnh, cơ quan chức năng ban hành phục lục điều chỉnh, chỉnh lý biến động với nội dung: Xác định điều chỉnh, chỉnh lý biến động địa chỉ xây dựng công trình và địa chỉ tổ chức, cá nhân theo đơn vị hành chính mới theo nghị quyết 1111/NQ-UBTVQH14 ngày 9/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để cấp cho cá nhân, tổ chức trong thời gian không quá 24 giờ.

Trong trường hợp cá nhân, tổ chức không có nhu cầu điều chỉnh, cơ quan chức năng giải quyết các thủ tục hành chính tiếp theo có trách nhiệm cập nhật đơn vị hành chính mới, không phải yêu cầu tổ chức, cá nhân điều chỉnh, chỉnh lý biến động tại giấy phép xây dựng đã cấp.

Nhiều dự án trọng điểm chưa thu hút được đầu tư nước ngoài

Cụ thể, đại diện UBND TP HCM cho biết trên địa bàn thành phố có tổng cộng 11 dự án thuộc danh mục dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài đến năm 2020 gồm các dự án xây dựng nhà ga hành khách xe buýt tại Chợ Lớn hiện hữu; 3 dự án đường trên cao tuyến số 1, 2, 3; 2 tuyến tàu điện 1 ray (monorail) số 2 và số 3; tuyến xe điện mặt đất số 1; tuyến đường sắt đô thị (metro) số 6; Khu xử lý chất thải rắn công nghiệp nguy hại Tây Bắc Củ Chi (huyện Củ Chi); Khu Đô thị Đại học quốc tế (huyện Hóc Môn); các bện viện trong Cụm Y tế Tân Kiên (huyện Bình Chánh).

Theo UBND TP HCM, mặc dù thành phố đã tiếp xúc và làm việc với nhiều nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội hợp tác trong việc phát triển các dự án giao thông, đường sắt đô thị trong thời gian qua, song vẫn chưa đạt được kết quả do các nhà đầu tư vẫn chưa nhìn thấy hiệu quả khi đầu tư dự án ở thời điểm hiện tại.

Nhiều dự án trọng điểm chưa thu hút được đầu tư nước ngoài
 

Sở dĩ các dự án vẫn chưa thu hút các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, nghiên cứu tham gia đầu tư theo UBND TP HCM là do các dự án giao thông, đường sắt đô thị đóng vai trò quan trọng trong hệ thống hạ tầng giao thông công cộng của thành phố. Tuy nhiên, các dự án này chỉ phát huy hiệu quả rõ nét khi được đầu tư và phát triển đồng bộ.

Theo UBND TP HCM, hiện nguồn vốn ODA cho đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông đô thị ngày càng được thắt chặt, trong khi đó, quy định pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) áp dụng cho dự án giao thông, đường sắt đô thị vẫn còn nhiều bất cập, còn tồn tại các nội dung chồng chéo, vướng mắc giữa Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư với các Luật khác như Luật Đất đai, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Do đó, việc tìm kiếm các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực phù hợp gặp không ít khó khăn trong thời gian qua.

Thời gian tới, trong giai đoạn 2021- 2025, TP HCM đề xuất 7 dự án đưa vào danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài gồm các Tuyến đường sắt đô thị số 2 - giai đoạn 2, tuyến số 3a, tuyến số 4 và tuyến số 5 - giai đoạn 1; Dự án Trung tâm tài chính tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm; Dự án Khu Liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc; Khu phức hợp Trung tâm Hội nghị triển lãm, Khách sạn và Thương mại dịch vụ tại Khu chức năng số 1 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Tỷ lệ trống của văn phòng cho thuê tăng cao

Theo báo cáo toàn cảnh thị trường của CBRE Việt Nam, thị trường văn phòng cho thuê TP HCM năm 2020 có nhiều dấu hiệu suy giảm, diện tích bỏ trống ngày càng nhiều hơn so với năm trước. 12 tháng qua, tỷ lệ trống của thị trường văn phòng hạng A lên đến 18,1% trong khi trước Covid-19 tỷ lệ trống ở phân khúc này chỉ trên dưới 4%.

Tỷ lệ trống của văn phòng hạng B cũng ghi nhận tới 9,1%. Nguyên nhân văn phòng bị bỏ trống ngày càng nhiều so với năm 2019 là do những khách thuê trả mặt bằng để ra khỏi thị trường hoặc chuyển sang những tòa nhà có giá thuê thấp hơn. Suốt năm 2020, có đến 27% số lượng giao dịch được thu thập bởi CBRE đến từ việc thu hẹp diện tích thuê văn phòng, tỷ lệ này đang có xu hướng tăng mạnh so với năm trước đó.

Tỷ lệ trống của văn phòng cho thuê tăng cao

Do Covid-19 đã thay đổi cơ cấu nguồn cầu của thị trường văn phòng. Nếu những năm 2018, 2019, không gian làm việc linh hoạt chiếm lĩnh thị trường khi dẫn đầu nguồn cầu thuê văn phòng thì trong năm 2020 gần như rất ít các giao dịch ở mảng này. Thay vào đó, các ngành như bán lẻ, thương mại và thương mại điện tử, công nghệ thông tin - sản xuất là ba nhóm ngành dẫn dắt nguồn cầu với 53% trên tổng số các giao dịch được thực hiện và thu thập bởi CBRE Việt Nam trong năm vừa qua.

Theo một khảo sát thực hiện bởi PwC, các khách thuê có xu hướng tái cơ cấu không gian làm việc theo mô hình kết hợp giữa việc làm tại văn phòng và ngoài văn phòng, bên cạnh việc điều chỉnh giảm mật độ chỗ ngồi trong văn phòng. Bằng cách này, các khách thuê có thể tiết kiệm một khoản chi phí thuê văn phòng nhưng vẫn duy trì được hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp cũng như đảm bảo được sức khỏe của nhân viên.

Theo bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn CBRE Việt Nam, đại dịch đã định hình lại các xu hướng thuê văn phòng suốt 12 tháng qua. Khách thuê cũng bắt đầu chú trọng hơn các yếu tố như tiết kiệm chi phí thuê, đảm bảo sức khỏe cho nhân viên cũng như duy trì được hiệu quả kinh doanh.

Để làm được điều đó, các khách thuê có xu hướng áp dụng mô hình kết hợp giữa làm việc tại văn phòng và tại nhà, thiết kế lại không gian với mật độ thấp hơn và đa dạng hóa nơi làm việc tại một số địa điểm ngoại vi hoặc sử dụng không gian làm việc linh hoạt.

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/ban-tin-bds-24h-phan-khuc-can-ho-binh-dan-chi-chiem12-20201231000000334.html