19/01/2025 | 02:06 GMT+7, Hà Nội

Bản tin BĐS 24h: Nhận diện xung lực mới cho thị trường BĐS trong năm 2021

Cập nhật lúc: 06/01/2021, 19:00

Nhận diện xung lực mới cho thị trường BĐS trong năm 2021; TP HCM hạn chế xây cao ốc ở 7 quận nội thành; Bất động sản 2021 giá tăng, thanh khoản rực rỡ là những tin chính trong bản tin BĐS 24h hôm nay.

Nhận diện xung lực mới cho thị trường BĐS trong năm 2021

Theo Kinh doanh & Phát triển,  chia sẻ tại toạ đàm “Toàn cảnh bất động sản 2021: Nhận diện xung lực mới”, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Tài chính – Ngân hàng đã chỉ ra 6 xung lực rất mới cho thị trường BĐS phát triển trong năm 2021.

Thứ nhất, thị trường BĐS đã và đang điều chỉnh rất nhanh và nhạy bén trong thời gian vừa qua. Về kinh tế vĩ mô, năm 2021 dự báo tăng trưởng kinh tế 6,5-7%. Đến 2030 dự báo tăng trưởng kinh tế bình quân của Việt Nam trong 10 năm tới ở mức 7%. Việt Nam là một trong những nước có tăng trưởng cao, kéo theo thu nhập bình quân đầu người cũng tăng ở mức 6,5%. Đây là một xung lực lớn cho thị trường BĐS.

Thứ hai, là xung lực pháp lý, các văn bản pháp luật đã được tinh giản và sửa đổi đáng kể. Trong đó nổi bật là Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán, cho phép huy động vốn qua việc thành lập quỹ. Năm 2021, xung lực từ việc sửa đổi các văn bản này chắc chắn sẽ tác động tốt đến việc huy động vốn của doanh nghiệp BĐS, Luật Đầu tư, Luật PPP cũng được sửa đổi.

Nhận diện xung lực mới cho bds 2021
Nhận diện xung lực mới cho thị trường BĐS trong năm 2021
 

Thứ ba, là xung lực từ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất. Nhà đầu tư nước ngoài coi Việt Nam là 1 địa điểm hấp dẫn. Trong số 30 doanh nghiệp Nhật Bản chuyển dịch đầu tư có tới 15 doanh nghiệp chọn Việt Nam, trong đó có cả doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ. Nói cách khác, Việt Nam thu hút được cả "chim sẻ" và cả "đại bàng".

Thứ tư, là giải ngân vốn đầu tư công. Khi kinh tế suy thoái thì đầu tư công là một kênh tạo ra hệ số lan toả cực kỳ lớn, Năm 2020, việc quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công đã đóng góp khoảng 6,5% tương ứng 0,02 điểm% trong mức 2,91% tăng trưởng năm 2020.

Thứ năm, là xung lực từ chuyển đổi số cực kỳ nhanh và hiệu quả. Trong số các doanh nghiệp bất động sản ngoài việc đầu tư chuyển đổi số để bán hàng, marketing, việc áp dụng công nghệ số cũng là một kênh tốt để huy động vốn.

Cuối cùng là xung lực từ lãi suất. Hiện lãi suất cho vay đang thấp nhất trong vòng 15 năm, ở mức 8-10% tuỳ vào thời hạn. Đối với giai đoạn năm 2011-2012, lãi suất cao gấp đôi so với bây giờ. Đây là thời điểm thuận lợi để cá nhân, hộ gia đình mua nhà cửa, kể cả đi vay.

Bên cạnh đó, vẫn còn 4 rủi ro liên quan đến thị trường BĐS trong năm 2021 được TS Cấn Văn Lực chỉ ra. Đó là, rủi ro pháp lý, mặc dù còn nhiều vướng mắc nhưng các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam có tính linh hoạt cao và cũng khá "quen" với rủi ro này để tìm cách vượt qua.

Rủi ro dịch bệnh khi dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn trên thế giới; về đòn bẩy tài chính, song các doanh nghiệp kiểm soát đòn bẩy tài chính khá tốt, năm vừa qua 300.000 - 400.000 nhà đầu tư F0 trên thị trường chứng khoán. Nhưng đây chỉ là dịch chuyển dòng tiền chứ không phải đòn bẩy tài chính; rủi ro vay nợ khi quy mô nợ gấp 3,5 lần quy mô GDP của nền kinh tế toàn cầu. Hiện tại, lãi suất còn thấp thì rủi ro thấp nhưng nếu lãi suất tăng lên thì sẽ tạo rủi ro lớn hơn. Việt Nam vẫn có nền tảng tốt để chống chịu các cú sốc tài chính.

Thu hồi nhà công vụ sử dụng sai mục đích trong năm 2021

Cụ thể, một số chỉ tiêu tiết kiệm trong quản lý, sử dụng tài sản công mà Thủ tướng Chính phủ nêu ra tại Quyết định này là:

Nhà công vụ phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng; nâng cao hiệu suất sử dụng nhà công vụ; thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng, đối tượng hết thời gian sử dụng nhà công vụ theo quy định.

Thu hồi nhà ở công vụ
Thu hồi nhà công vụ sử dụng sai mục đích trong năm 2021
 

Tổ chức rà soát, sắp xếp lại tài sản công, đặc biệt là đối với các cơ sở nhà, đất bảo đảm sử dụng đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức theo chế độ quy định và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ; kiên quyết thu hồi các tài sản sử dụng sai đối tượng, sai mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức; tổ chức xử lý tài sản dùng pháp luật, công khai, minh bạch, không để lãng phí, thất thoát tài sản công. Thực hiện nghiêm quy định pháp luật về đấu giá khi bán, chuyển nhượng tài sản công; xử lý nghiêm các sai phạm.

Thực hiện mua sắm tài sản theo đúng tiêu chuẩn, định mức và chế độ quy định đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch. Hạn chế mua xe ô tô công và trang thiết bị đắt tiền; thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ về khoán xe công, tổ chức sắp xếp, xử lý xe ô tô đảm bảo tiêu chuẩn, định mức theo đúng Nghị định số 04/2019/NĐ-CP…

TP HCM hạn chế xây cao ốc ở 7 quận nội thành

Cụ thể, khu vực trung tâm (quận 1 và 3) và 5 quận nội thành hiện hữu có dân số giảm trong 10 năm gần đây (4, 5, 6, 11, Phú Nhuận) ưu tiên tăng các chỉ tiêu quy hoạch như dân số, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng... cho các dự án cải tạo, xây dựng mới thay thế chung cư cũ trước năm 1975; các dự án cải tạo, chỉnh trang nhà ở kênh rạch. TP HCM sẽ hạn chế xây mới dự án cao tầng tại 7 quận này nếu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, xã hội tương ứng.

Đối với các quận 8, 10, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú và Gò Vấp, TP HCM sẽ đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kỹ thuật, xã hội để kêu gọi đầu tư dự án nhà ở. Thành phố Thủ Đức và 3 quận nội thành phát triển (7, 12, Bình Tân) sẽ ưu tiên phát triển các dự án nhà ở mới, chung cư cao tầng dọc các trục đường lớn.

TP HCM hạn chế xây cao ốc
TP HCM sẽ tăng chỉ tiêu dân số, mật độ xây dựng cho các dự án cải tạo, thay thế chung cư cũ và hạn chế các dự án xây cao ốc mới ở 7 quận nội thành.

Liên quan đến vấn đề này, Theo UBND TP HCM, với dân số năm 2025 khoảng 10,1 triệu người, dự báo nhu cầu nhà ở của TP HCM 5 năm tới hơn 81 triệu m2 sàn, 5 năm tiếp theo là 68 triệu m2 sàn. Vốn để phát triển nhà ở 5 năm tới cần gần 420.000 tỷ đồng. Trong đó vốn đầu tư nhà ở thương mại hơn 219.000 tỷ đồng, nhà ở xã hội 15.700 tỷ đồng, còn lại là vốn xây dựng nhà riêng lẻ của hộ gia đình. 5 năm tiếp theo nhu cầu vốn cần 545.500 tỷ đồng.

Quá trình phát triển nhà ở trên địa bàn TP HCM 10 năm qua được cho có nhiều kết quả đáng kể nhưng chưa bền vững và đáp ứng nhu cầu về nhà ở giá thấp, nhà ở xã hội, chưa đa dạng về sản phẩm, chưa đồng bộ hạ tầng kỹ thuật.

Trước đó, trong báo cáo về đề án “Xây dựng chương trình phát triển nhà ở TP HCM giai đoạn 2021-2030” của Sở Xây dựng TP HCM, sở này cũng nêu giải pháp hạn chế phát triển nhà cao tầng khu vực trung tâm nếu chưa có hạ tầng tương xứng.

Riêng khu vực 5 huyện ngoại thành (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ) ưu tiên phát triển nhà theo dự án tại các thị trấn, khu dân cư nông thôn và khu vực đã có hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết nối đồng bộ với những tuyến giao thông chính; ưu tiên phát triển các khu du lịch kết hợp với sinh thái nghỉ dưỡng, khu đô thị mới, khu đô thị vệ tinh. Khu vực này đến năm 2025 cũng không phát triển các dự án mới đầu tư xây dựng nhà ở tại các khu vực chưa có kế hoạch đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tương ứng.

Bất động sản 2021 - Giá tăng, thanh khoản “rực rỡ”

Theo Cafeland, Nhận định về tiềm năng của thị trường bất động sản trong 2021 tại Toạ đàm “Toàn cảnh Bất động sản 2021: Nhận diện xung lực mới” vừa diễn ra, ông Quyết cho hay thị trường 2020 đón nhận tin xấu về Covid-19 và ảnh hưởng của tin này còn tệ hơn những năm 2011- 2012. 

Khác biệt rất lớn là thời điểm này lại diễn ra khủng hoảng thiếu nguồn cung chứ không phải khủng hoảng thừa như 2011 - 2012. Và chỉ trong 5 tháng cuối năm, nhiều yếu tố tích cực đã xuất hiện để dự báo một năm 2021 sẽ rực rỡ về thanh khoản và tăng trưởng tốt hơn rất nhiều so với thời gian qua. 

Cụ thể, bàn về pháp lý bất động sản - một trong những nền tảng quan trọng của thị trường, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM nhận định năm 2020 đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng cơ chế pháp lý cho lĩnh vực này.

Ngày 18/12, Nghị định 148 được ban hành để sửa một số điều trong luật Đất đai. Nếu đi mua tài sản trong một thửa đất của nhà nước, nếu mua cây cao su để thuê đất làm resort thì thời hạn thuê đất sẽ được theo thời hạn của nhà đầu tư mới. Nghị định 148 giải quyết vấn đề dịch vụ công về đất đai, giao sổ đỏ tận nơi cho người yêu cầu.

Gia tăng, thanh khoản bds
Bất động sản 2021 - Giá tăng, thanh khoản “rực rỡ”

Năm 2021 có điểm đặc biệt là luật Đầu tư, luật Xây dựng sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. 2021 cũng đồng thời là năm kiểm soát hiệu quả Covid-19, vaccine nghiên cứu thành công, nền kinh tế Việt Nam đang là điểm sáng, năm tới Bộ Xây dựng sẽ sửa đổi Luật Nhà ở, từ đó ban hành nghị định, xây dựng lại chung cư cũ, sửa đổi quy định để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào thị trường bất động sản phân khúc nhà vừa túi tiền, trung cấp, giá cả hợp lý.

Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia cho rằng nếu nhìn nhận vào giá để mua nhà thì khó có chuyện mặt bằng giá sẽ thấp hơn. Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho hay, từ 2002 - 2020, giá bất động sản Hà Nội tăng 33 lần, TP HCM tăng 16 lần và theo diễn biến này, giá bất động sản sẽ tiếp tục gia tăng. 

Thị trường nào sẽ là điểm đến dẫn dắt dòng tiền trong thời gian tới? Trả lời câu hỏi, GS.TS. Đặng Hùng Võ chọn Quảng Bình là nơi có nhiều tài nguyên để hỗ trợ phát triển bất động sản. Quảng Bình không phải ngẫu nhiên là điểm phân tranh đất đai trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Bên cạnh đó vùng đất này có nền du lịch phát triển.

"Tôi mới thấy có 1,2 doanh nghiệp đặt chân vào đây nhưng cung chỉ dậm chân tại chỗ mà không mở rộng. Tôi tính toán chỉ vài năm nữa Quảng Bình sẽ trở thành điểm đến mới ở miền Trung", ông Võ nói. 

Còn theo ông Trịnh Văn Quyết, nhà đầu tư nếu có nguồn lực dồi dào, trong 1- 2 năm tới có thể đầu tư vào khu vực vùng ven, cạnh các dự án đồng bộ về hạ tầng sắp vận hành. "Những khu vực vùng ven đều có khả năng tăng giá", ông nói. Ví dụ, ở Quy Nhơn đã có hiện tượng tăng giá từ vài chục triệu một lô ven biển lên mức hàng trăm triệu, tại khu vực Eo Gió. Ở Sầm Sơn cũng tương tự, trước đây nếu là 3 triệu đồng mỗi m2 thì hiện nay là 20 triệu đồng. 

Các khu vực vùng ven nếu được đầu tư sân golf và khu nghỉ dưỡng tương lai có thể sẽ còn tăng cao hơn. Và đây có thể là cơ hội cho các nhà đầu tư tại các thị trường mới trong thời gian tới. 

Điểm nghẽn về thể chế pháp luật là một trọng tâm cần phải giải quyết trong năm 2021

Ông Châu cho biết, thị trường bất động sản giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế, ảnh hưởng đến 35 ngành nghề khác nhau. Thị trường bất động sản vẫn đang gặp khó khăn trong 5 năm qua và Covid-19 chỉ là yếu tố khiến khó khăn trầm trọng hơn. Nhưng bối cảnh hiện nay có lợi ích là giúp chúng ta đánh giá lại, nhìn nhận và tìm một hướng đi bền vững.

Cụ thể, tại TP HCM, tỷ lệ nhà ở cao cấp trên thị trường chiếm trên 50%, nhưng nhà ở giá thấp, giá phải chăng chỉ chiếm rất ít, theo ông đây là con số cho thấy sự phát triển chưa bền vững. Bất động sản cao cấp có thể giúp doanh nghiệp xây dựng nhanh thương hiệu và uy tín nhưng không phục vụ nhu cầu của số đông người dân.

Điểm nghẽn về thể chế pháp luật là một trọng tâm cần phải giải quyết cho bất động sản Việt Nam bởi các doanh nghiệp đều mong muốn môi trường kinh doanh đạt được sự công bằng, minh bạc, thông thoáng, cạnh tranh lành mạnh.

Điểm nghẽn thể chế
Điểm nghẽn về thể chế pháp luật là một trọng tâm cần phải giải quyết trong năm 2021 (Ảnh minh họa)

Năm 2020 lluật xây dựng sửa đổi đã được thông qua, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc. Ngày 18/12, Nghị định 148 đã được ban hành để sửa một số điều trong luật đất đai. Nếu đi mua tài sản trong một thửa đất của nhà nước, nếu mua cây cao sư để thuê đất làm resort thì thời hạn thuê đất sẽ được theo thời hạn của nhà đầu tư mới. Nghị định 148 giải quyết vấn đề dịch vụ công về đất đai, giao sổ đỏ tận nơi cho người yêu cầu.

Cũng theo ông Châu: "Năm 2021 là một năm có điểm hội tụ đặc biệt khi Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp sửa đổi...cùng có hiệu lực từ tháng 1/2021. Bên cạnh nghị định 167 chúng tôi nỗ lực đề nghị hoàn thiện cơ chế pháp luật về BT, chúng tôi cho rằng việc dừng BT là chưa thỏa đáng, chỉ nên tạm dừng đến năm 2022.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) nhận định thêm: "Với rất nhiều lực đẩy, tôi cho rằng thị trường 2021 sẽ phục hồi mạnh mẽ. BĐS du lịch sẽ rất phát triển. Việc thành lập Thành phố biển đảo Phú Quốc đầu tiên của Việt Nam là cú hích cho BĐS du lịch phía Nam. Tôi kỳ vọng, du lịch phía Đông Bắc tại Hải Phòng, Quảng Ninh sẽ có thành phố biển đảo tương lai. Việc phát triển BĐS du lịch giúp đất nước chúng ta tiến nhanh.

Đối với phát triển BĐS còn có xu thế li tâm. Các doanh nghiệp BĐS đang dịch chuyển mạnh mẽ ra các tỉnh, dịch chuyển sang các địa phương có tiềm năng phát triển kinh tế xã hội. Chính vì thế Miền Trung, Tây Nguyên, Miền núi Tây Bắc còn rất tiềm năng phát triển bất động sản".

"Tôi cho rằng cơ hội cho thị trường BĐS 2021 là rất lớn, chúng ta đừng bỏ lỡ cơ hội. Nhưng chúng ta cũng nên lưu ý phòng trách rủi ro về pháp lý, kiểm soát rủi ro trong lĩnh vực tài chính, tín dụng doanh nghiệp, kiểm soát rủi ro quy mô doanh nghiệp", ông Châu nhấn mạnh.

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/ban-tin-bds-24h-6-xung-luc-moi-cho-thi-truong-bds-trong-nam-2021-20201231000000186.html