Bản tin BĐS 24h: Hà Nội tập trung hoàn thành chỉ tiêu phát triển nhà ở 2016-2020
Cập nhật lúc: 01/10/2020, 19:00
Cập nhật lúc: 01/10/2020, 19:00
Ngày 30/09/2020, Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP đã tổ chức giao ban trực tuyến với lãnh đạo quận, huyện, thị xã. Theo đó, công tác quản lý và phát triển nhà ở được quan tâm đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Nhằm đảm bảo chỉ tiêu phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020, TP đang tập trung đôn đốc các chủ đầu tư (CĐT) đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án trên địa bàn.
Từ đầu năm đến nay, TP đã hoàn thành 02 dự án nhà ở xã hội (254.404m2 sàn, 1.860 căn hộ), 38 dự án nhà ở thương mại (3.083.652m2 sàn, 23.333 căn hộ) và 13 dự án nhà ở thương mại đang triển khai theo cơ chế đặt hàng; quyết định chủ trương đầu tư 07 dự án nhà ở xã hội. Trên địa bàn thành phố hiện có 839 nhà chung cư chung cư thương mại đã đưa vào sử dụng, tổng số 239.880 căn hộ, tổng diện tích sàn 20.942.542m2. Đến nay, đã thành lập ban quản trị 632/833 nhà chung cư, bàn giao hồ sơ 560/632 cho ban quản trị; bàn giao kinh phí bảo trì 2% cho 399/526 ban quản trị (không bao gồm 106 tòa nhà chung cư xây dựng trước Luật nhà ở không có kinh phí bảo trì); bàn giao diện tích chung cho 490/632 ban quản trị; bàn giao phòng sinh hoạt cộng đồng cho 513/632 ban quản trị.
Toàn TP có 174 nhà chung cư tái định cư và 10 tòa chung cư thương mại có căn hộ tái định cư thuộc quỹ 30% bàn giao lại cho Thành phố. Đến nay đã tổ chức Hội nghị nhà chung cư với tất cả các tòa nhà chung cư tái định cư đủ điều kiện theo quy định; đã thành lập được 103 Ban Quản trị cho tòa, cụm tòa (tương ứng 110 tòa); đã bàn giao hồ sơ cho 91 Ban quản trị, bàn giao kinh phí bảo trì 2% cho 66 ban quản trị, với số tiền: hơn 78,9 tỷ đồng; bàn giao diện tích sinh hoạt cộng đồng cho 163/174 tòa. Đồng thời, đã xác nhận đủ điều kiện để bán nhà ở hình thành trong tương lai của 36 dự án nhà ở với tổng số 19.451 căn nhà, tương ứng khoảng 1.603.007m2 sàn kinh doanh.
Hiện, TP cũng đang tiếp tục tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chất lượng công trình xây dựng. Cơ quan chuyên ngành đã ban hành các kế hoạch kiểm tra trách nhiệm quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng, an toàn lao động tại các quận, huyện, thị xã. Thực hiện công bố chỉ số giá giao dịch bất động sản căn hộ chung cư; chỉ số giá xây dựng; công bố giá vật liệu xây dựng theo quy định… để làm cơ sở quản lý.
Ngoài ra, trong 9 tháng đầu năm 2020, các Đội Quản lý TTXD đô thị đã tiến hành kiểm tra 13.539 công trình (đạt 100% công trình), qua đó phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý đối với 305 trường hợp có vi phạm (chiếm tỷ lệ 2,25%). UBND cấp huyện, cấp xã đã xử lý dứt điểm 201/305 trường hợp (tỷ lệ 65,90%); đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền 104/305 trường hợp (tỷ lệ 34,10%).
TP cũng đã quyết định thu hồi đất (trường hợp thuộc thẩm quyền UBND TP), giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất được 363 dự án, diện tích là 639,7 ha.
Theo báo cáo của UBND TP tại cuộc họp giao ban trực tuyến giữa Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP với lãnh đạo quận, huyện, thị xã, Hà Nội đã hoàn chỉnh cơ chế đặc thù để cải tạo, xây dựng lại các khu nhà ở chung cư cũ trên địa bàn, báo cáo Bộ Xây dựng. Dự kiến diện tích nhà ở bình quân đến hết năm 2020 đạt 27,25m2/người (năm 2019 đạt 27,09m2/người.
Cụ thể, Sở Xây dựng Hà Nội đã xây dựng dự thảo Đề án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội. Trong đó, nêu rõ những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ; đồng thời đề xuất một số giải pháp về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ. Kiến nghị cho phép quy định tỷ lệ khoảng 70% chủ sở hữu nhà chung cư không phải cấp D (nhà nguy hiểm) nhất trí là được thực hiện cải tạo, xây dựng lại thay vì 100% như quy định của luật hiện hành; cho phép nghiên cứu lập quy hoạch tổng mặt bằng 1/500 và triển khai theo dự án riêng đối với nhà chung cư cấp D, nhà chung cư hết niên hạn nằm trong các khu chung cư cũ.
Hà Nội hoàn chỉnh cơ chế đặc thù để cải tạo, xây dựng lại các khu nhà ở chung cư cũ trên địa bàn, báo cáo Bộ Xây dựng
Đề xuất được thực hiện chỉ định chủ đầu tư có đủ năng lực thực hiện đầu tư cải tạo nhà chung cư cấp D hoặc không phải là cấp D nhưng nằm trong kế hoạch cải tạo theo hình thức xã hội hóa khi các chủ sở hữu nhà chung cư này không lựa chọn được doanh nghiệp thực hiện dự án.
Cải tạo nhà chung cư cũ, nhất là tại các đô thị lớn nhằm vừa chỉnh trang đô thị, vừa tạo chỗ ở an toàn, chất lượng tốt, hạ tầng đồng bộ hiện đại cho người dân. Hiện, Bộ Xây dựng đang phối hợp chặt chẽ với UBND TP Hà Nội để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù này.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, cả nước hiện có tổng số 2.500 nhà chung cư cũ, tương đương khoảng hơn 3 triệu m2 sàn được xây dựng từ trước năm 1994. Qua rà soát, kiểm định của cơ quan chức năng, có 600 nhà chung cư hư hỏng nặng, nguy hiểm ở cấp độ C, D, chiếm khoảng 25%. Dẫn đầu danh sách chung cư cũ hư hỏng và nguy hiểm cấp C, D là Hà Nội với 179 nhà chung cư, Hải Phòng 178, TP. Hồ Chí Minh 130, Quảng Ninh 46, Nghệ An 22… Tuy nhiên, qua gần 10 năm, tỷ lệ nhà chung cư được cải tạo, sửa chữa lại chưa đến 3%.
Trước đó, Bộ Xây dựng đã đề xuất bổ sung chính sách nhằm hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan đến hoạt động cải tạo chung cư cũ. Hai địa phương là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được đề xuất chọn thí điểm cơ chế đặc thù.
Theo ông Nguyễn Trọng Ninh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, hiện việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư được thực hiện theo quy định của Nghị định số 101/2015/NĐ-CP về xây dựng cải tạo lại nhà chung cư, Thông tư số 21/2016/TT-BXD hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định 101. Tuy nhiên, các cơ chế của Nghị định này chưa mang lại hiệu quả cao, chưa đạt được theo mục tiêu đề ra.
Cả người dân và doanh nghiệp đều đang mong đợi cơ chế đột phá và những chính sách đặc thù sớm được triển khai nhằm thúc đẩy nhanh chương trình cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.
Tháng 3/2020, Thanh tra Chính phủ yêu cầu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) phải thu hồi 2 lô đất "vàng" số 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu (Hà Nội) về cho Nhà nước sau 4 năm Kết luận thanh tra số 2222 năm 2016 của Tổng Thanh tra Chính phủ được ban hành. Theo đó, 02 lô đất "vàng" này bị VNR đem góp vốn đầu tư ngoài ngành sai quy định nhưng tới nay lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan vẫn chưa kiểm điểm trách nhiệm theo kết luận thanh tra.
Theo kết luận Thanh tra, VNR đã lợi dụng thủ tục góp vốn và thực hiện trái chủ trương và quy định để hợp thức hóa việc chuyển nhượng tài sản, cơ sở kinh doanh có giá trị lớn ra ngoài doanh nghiệp không qua đấu giá, đấu thầu. VNR không xây dựng phương án lập pháp nhân mới nhưng vẫn tiến hành ký biên bản thỏa thuận với Công ty TNHH MTV Hà Thành. Quá trình góp vốn VNR đã quyết định giá trị góp vốn là 47 tỷ đồng thiếu cơ sở. Trong khi đó đơn vị thẩm định giá trị tài sản góp vốn là xấp xỉ 67,5 tỉ đồng.
Thanh tra Chính phủ đề nghị Thủ tướng yêu cầu VNR tiếp tục thực hiện việc kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến việc góp vốn kinh doanh ngoài ngành bằng quyền thuê đất và tài sản gắn liền với lô đất 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu. Đồng thời, đề nghị Bộ GTVT cùng Bộ Tài chính lập phương án sử dụng hai lô đất trên đảm bảo hiệu quả, đúng pháp luật, không để thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước.
Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản truyền đạt ý kiến Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình kết quả xử lý sau thanh tra về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại VNR. Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu: Bộ GTVT chỉ đạo Đường sắt Việt Nam khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực theo thông báo số 165/TB-VPCP năm 2018 liên quan đến việc góp vốn của VNR tại khu đất 80 Lý Thường Kiệt - 22 Phan Bội Châu (Hà Nội) đảm bảo thu hồi tài sản cho nhà nước. “Nếu không chấp hành nghiêm sẽ chuyển cơ quan chức năng xem xét hình sự”, văn bản nêu rõ.
Lô đất số 80 Lý Thường Kiệt diện tích 717,4m2 tài sản trên đất có khách sạn 5 tầng đang quản lý, sử dụng theo nguyên trạng do hết hạn hợp đồng thuê đất từ năm 1996 nhưng vẫn chưa có thủ tục thuê lại.
Lô đất tại 22 Phan Bội Châu diện tích 261m2 tài sản trên đất là nhà để xe hết hạn hợp đồng thuê đất 2015.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, "mặc" các kết luận của Thanh tra Chính phủ cùng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực về việc thu hồi "đất vàng" để trả về cho Nhà nước, khu đất 22 Phan Bội Châu lại biến thành bãi trông xe, sử dụng đất sai mục đích còn khách sạn Thương mại Sài Gòn ở địa chỉ 80 Lý Thường Kiệt đóng cửa để không.
2 lô đất vàng của VNR "mặc" quyết định thu hồi, "ngang nhiên" sử dụng đất sai mục đích?
Vậy, ai là người đứng sau thu lợi bất chính từ việc tận dụng lô đất để kinh doanh làm bãi giữ xe và nguồn thu từ điểm kinh doanh này về đâu?
Để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng trong việc góp vốn và thực hiện trái chủ trương quy định để hợp thức hóa việc chuyển nhượng tài sản, cơ sở kinh doanh có giá trị lớn ra ngoài doanh nghiệp không qua đấu giá, đấu thầu, lãnh đạo VNR phải chịu trách nhiệm như thế nào trước pháp luật đang là những câu hỏi mà dư luận đang thắc mắc?
Được biết, 02 lô đất vàng có địa chỉ tại 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu được Nhà nước giao cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) thuê và thời hạn thuê đất đã hết từ năm 1996. Đến tháng 5/2013, VNR lại thỏa thuận với Công ty TNHH Hà Thành hợp tác đầu tư, sở hữu, quản lý và kinh doanh khách sạn tại khu đất số 80 Lý Thường Kiệt và số 22 Phan Bội Châu. Theo đó, hai bên hợp tác góp vốn thành lập pháp nhân mới là Công ty TNHH Khách sạn thương mại Sài Gòn để đầu tư xây dựng và khai thác khách sạn tiêu chuẩn 4 sao tại các khu đất trên theo tỷ lệ góp vốn 50/50.
11:00, 27/09/2020
08:00, 05/09/2020
08:34, 17/08/2020