19/01/2025 | 02:22 GMT+7, Hà Nội

Bản tin BĐS 24h: Gần 1.000 doanh nghiệp địa ốc giải thể

Cập nhật lúc: 19/02/2021, 19:00

Gần 1.000 doanh nghiệp địa ốc giải thể; Lãi suất cho vay mua nhà giảm sâu; Lợi nhuận doanh nghiệp bất động sản và gam màu kỳ vọng 2021 là những nội dung chính.

Gần 1.000 doanh nghiệp địa ốc giải thể

Bộ Xây dựng cho biết, trong Quý IV/2020, hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đã bắt đầu hoạt động trở lại. Mặc dù thị trường còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp kinh doanh và doanh nghiệp phát triển bất động sản đã có những giải pháp để tiếp cận khách hàng, thay đổi khu vực phát triển để đón đầu xu thế dịch chuyển dòng vốn FDI, xu thế đô thị hóa ở những địa phương ngoài các đô thị lớn. 

Thống kê gần 80 doanh nghiệp bất động sản lớn đang giao dịch cổ phiếu trên sàn cho thấy, với số liệu kinh doanh khả quan  các tháng cuối năm, hầu hết các doanh nghiệp báo cáo hoặc dự kiến đạt và vượt kế hoạch lợi nhuận sau thuế đề ra cho năm 2020. 

Gần 1.000 doanh nghiệp địa ốc giải thể
Gần 1.000 doanh nghiệp địa ốc giải thể

Bộ Xây dựng đánh giá, thị trường bất động sản cả nước trong Quý IV/2020 đã tăng mạnh so với đáy suy giảm nhờ sự phục hồi nhanh của phân khúc nhà ở và khu công nghiệp qua đó giúp ngành vẫn duy trì được tăng trưởng dương cả năm 2020, trong bối toàn nền kinh tế chịu tổn thương của dịch COVID – 19. Ngành kinh doanh bất động sản đã đóng góp khoảng 4,42% GDP. Ngoài ra, trong năm 2020, ngành bất động sản cũng có sự thanh lọc, với việc nâng cao năng lực và tăng khả năng thích nghi của các doanh nghiệp tham gia thị trường; số doanh nghiệp thành lập mới năm 2020 kinh doanh bất động sản 6.694 doanh nghiệp, giảm 15,5% so với năm 2019; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể 978 doanh nghiệp.

Lãi suất cho vay mua nhà giảm sâu

Theo Tienphong, về tín dụng ngân hàng cho vay bất động sản, Bộ Xây dựng cho hay, theo thống kê vẫn tăng trưởng trong quý IV/2020 cho thấy thị trường vẫn tăng trưởng và không có sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư đột biến khác.

Mới đây Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản đề xuất lùi lộ trình áp dụng tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được cho vay trung dài hạn được quy định tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 22/2019 về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng.

Theo đó, từ đầu 2020 đến hết 30/9/2020, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm từ 45% trước đó xuống mức 40%. Thực tế, quy định mới về việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, nhu cầu tín dụng nói chung suy giảm do dịch COVID-19, nhưng tín dụng bất động sản vẫn giữ được sự tăng trưởng.

Theo các chuyên gia ngân hàng thì thời điểm hiện nay đang lãi suất cho vay mua nhà có xu hướng giảm về vùng thấp nhất 10 năm trở lại đây
Theo các chuyên gia ngân hàng thì thời điểm hiện nay đang lãi suất cho vay mua nhà có xu hướng giảm về vùng thấp nhất 10 năm trở lại đây

Dẫn số liệu khảo sát một số ngân hàng, Bộ Xây dựng cho biết, nhiều ngân hàng cũng hạ lãi suất cho vay mua nhà.

“Nhìn chung, so với thời điểm cuối 2019, lãi suất cho vay mua nhà cố định năm đầu tiên đã thấp hơn và theo các chuyên gia ngân hàng thì thời điểm hiện nay đang có xu hướng giảm về vùng thấp nhất 10 năm trở lại đây” – Bộ Xây dựng thông tin.

Cũng theo Bộ Xây dựng, ngoài việc nguồn cung vốn chủ yếu cho thị trường bất động sản là tín dụng ngân hàng, thị trường bất động sản trong năm 2020 vẫn có sự thu hút các nguồn vốn khác như vốn đầu tư cá nhân, kiều hối gửi về và vốn từ phát hành cổ phiếu, trái phiếu của các doanh nghiệp niêm yết và vốn FDI. 

Lợi nhuận doanh nghiệp bất động sản và gam màu kỳ vọng 2021

Thị trường xây dựng Việt Nam đang ở cuối giai đoạn tăng trưởng, chuẩn bị bước vào thời kỳ tái cấu trúc với mức tăng dự đoán giảm về 6,8%/năm đến năm 2028. So với thế giới, mức tăng này còn cao so với con số trung bình ngành toàn cầu vào khoảng 3,4%/năm. Chưa kể, tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện vẫn diễn biến phức tạp, dự kiến sẽ gây ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp trong 1 - 2 năm tới.

Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Ricons công bố quý IV/2020 đạt 3.232 tỷ đồng doanh thu, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Khấu trừ chi phí, Ricons đạt 104 tỷ lãi ròng, cùng kỳ lãi gần 154 tỷ đồng. Luỹ kế cả năm, Ricons ghi nhận 7.955 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận ròng 251 tỷ đồng, lần lượt giảm 9% và 30% so với năm 2019.

Riêng năm 2020, lợi nhuận Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons đi đúng theo kế hoạch hoạch định sẵn với 14.597 tỷ đồng doanh thu thuần, 463 tỷ đồng lãi sau thuế; giảm hơn 30% so với năm 2019. Lên kế hoạch cho năm 2021, Coteccons đặt mục tiêu 1 tỷ USD doanh thu (tương đương 23.052 tỷ đồng).

Một ông lớn khác trong ngành xây dựng, Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình kết thúc năm 2020 đạt 11.228 tỷ đồng doanh thu thuần, 70 tỷ đồng lãi sau thuế; giảm lần lượt 40% và 83% so với năm 2019. Đây cũng là mức lợi nhuận sau thuế thấp nhất của doanh nghiệp này từ năm 2015.

Trước đó, Hoà Bình đặt kế hoạch doanh thu năm 2020 là 12.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng. Như vậy, HBC đã thực hiện được 90% mục tiêu doanh thu và 56% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Lợi nhuận doanh nghiệp bất động sản và gam màu kỳ vọng 2021
Lợi nhuận doanh nghiệp bất động sản và gam màu kỳ vọng 2021

Dưới góc nhìn của các chuyên gia tài chính, SSI Research cho rằng, dịch bệnh bùng phát trở lại có thể khiến các chủ đầu tư tạm hoãn mở bán và hoạt động môi giới bất động sản cũng ảm đạm. Điều này ảnh hưởng lớn đến doanh thu lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành. Khi doanh thu lợi nhuận giảm, hàng tồn kho tại doanh nghiệp lại tăng lên.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, lượng hàng tồn kho bất động sản tăng lên sẽ trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp nói riêng và cho nền kinh tế nói chung. Hàng tồn kho nằm trong nhóm dự án vướng mắc về pháp lý, bị dừng triển khai, không ra được sản phẩm làm tăng gánh nặng chi phí, lãi vay ngày càng lớn. Hơn nữa, những số liệu tồn kho của doanh nghiệp niêm yết chưa phản ánh được hết con số thực của hàng tồn kho trong lĩnh vực bất động sản trên cả nước, bởi hiện còn nhiều doanh nghiệp khác chưa niêm yết.

Báo cáo của SSI Research cho rằng năm 2020 đặt ra nhiều thách thức lớn cho năm 2021. Song khi dịch bệnh lắng xuống, nhu cầu đối với các khu công nghiệp Việt Nam sẽ tăng đáng kể. Nhiều công ty quốc tế trước đó đã chuẩn bị chuyển dịch cơ sở sản xuất sang Việt Nam sẽ sớm thực hiện kế hoạch này trong năm 2021. Đã có một số doanh nghiệp lớn đang có kế hoạch chuyển một phần hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang nước ta như Microsoft, Google, Panasonic, Sharp, Foxconn... Trong quý I/2021, Oppo có kế hoạch thuê 62,7ha tại Khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh và Pegatron sẽ thuê đất trong Deep C IP. Các khu công nghiệp có diện tích cho thuê còn lại lớn và mở rộng quỹ đất như SZC, IDC, BCM, KBC…Tuy nhiên, tác động tiêu cực lên ngành bất động sản là điều cần phải tính đến nếu dịch bệnh không được kiểm soát.

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, năm 2021 khi năng lực chủ đầu tư được cải tổ, tình hình tài chính doanh nghiệp tốt lên, các vướng mắc về pháp lý được tháo gỡ cùng với việc chính quyền mới đi vào hoạt động sẽ đẩy nhanh tốc độ các dự án, tạo ra một nguồn cung dồi dào hơn cho thị trường trong năm 2021.

Trên sàn chứng khoán cũng vậy, SSI Research cho rằng, cổ phiếu của các chủ đầu tư sở hữu quỹ đất lớn, ở những vị trí chiến lược, đã hoàn thiện thủ tục pháp lý sẽ có triển vọng trong năm 2021.

Thị trường bất động sản Vĩnh Phúc “tăng nhiệt“ dịp đầu năm

Trong những năm qua, việc đầu tư xây dựng khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã ghi nhận nhiều thành tựu quan trọng, nâng cao tốc độ đô thị hóa, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho người dân. Nhờ vị trí địa lý thuận lợi, ngành công nghiệp phát triển và ngành du lịch, dịch vụ nơi đây cũng đang được “đánh thức”. Vĩnh Phúc không chỉ vươn lên trở thành một trong những tỉnh, thành có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, mạnh của cả nước mà còn là mảnh đất “vàng” để các nhà đầu tư bất động sản săn đón và sẵn sàng xuống tiền đầu tư.

Theo khảo sát, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều dự án khu đô thị, khu nhà ở lớn với sự đa dạng các loại hình sản phẩm như: Chung cư, nhà liền kề, shophouse, nhà biệt thự... Cùng với đó là sự xuất hiện của hàng loạt chủ đầu tư tên tuổi, là các tập đoàn lớn trong và ngoài tỉnh. Những ngày đầu năm 2021, thị trường bất động sản ở một số khu vực của tỉnh Vĩnh Phúc diễn ra khá sôi động. Đặc biệt, một số khu vực có vị trí đắc địa như phường Khai Quang, Định Trung thuộc TP. Vĩnh Yên và một số xã của huyện Vĩnh Tường, huyện Bình Xuyên, Yên Lạc...

Thị trường bất động sản Vĩnh Phúc “tăng nhiệt“ dịp đầu năm
Thị trường bất động sản Vĩnh Phúc “tăng nhiệt“ dịp đầu năm

Theo chia sẻ của một số nhà đầu tư lâu năm tại thị trường Vĩnh Phúc, sản phầm đất nền sổ đỏ luôn được các nhà đầu tư ưa chuộng do giá trị phù hợp với túi tiền và đặc biệt là tính thanh khoản cao.

Theo tìm hiểu, giá đất ở một số địa phương thuộc tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian qua đã tăng lên đáng kể. Không chỉ ở trung tâm và vùng ven TP. Vĩnh Yên, giá đất ở các địa phương nhất là ở TP. Phúc Yên, các huyện Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Yên Lạc,… cũng tăng mạnh và dự kiến sẽ còn tăng trong thời gian tới.

Hiện nay, giá đất bình quân tại TP. Vĩnh Yên vào khoảng 18 - 20 triệu đồng/m2. Giá đất tại một số dự án khu đô thị, khu nhà ở tại khu vực TP. Vĩnh Yên dao động 13 - 27 khoảng triệu đồng/m2. Còn giá nhà đất tại các đường chính của tỉnh như: Đường Mê Linh, Nguyễn Tất Thành, Hai Bà Trưng, Lý Thái Tổ… có giá dao động từ 40 - 60 triệu đồng/m2. Ngoài ra, các vùng ven hoặc đất sâu trong các khu dân cư cũng có giá từ 17 - 18 triệu đồng/m2.

Các chuyên gia khuyến cáo, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các nhà đầu tư cũng như khách hàng mua nhà, đất cần có sự sàng lọc kỹ lưỡng trong việc “chọn mặt gửi vàng” vào các dự án, cũng như lựa chọn cho mình loại hình sản phẩm đầu tư an toàn.

 

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/ban-tin-bds-24h-gan-1000-doanh-nghiep-dia-oc-giai-the-20201231000000963.html