Bản tin BĐS 24h: Cả nước có gần 9.000 căn hộ tồn kho do ảnh hưởng đại dịch Covid-19
Cập nhật lúc: 09/02/2021, 19:00
Cập nhật lúc: 09/02/2021, 19:00
Một khảo sát về thị trường Hà Nội của Savills Việt Nam cho biết, trung bình giá trên thị trường sơ cấp ở Hà Nội tăng 5% mỗi năm. Một diễn biến đáng chú ý, đó là với việc cải thiện cơ sở hạ tầng, nguồn cung đang dần dịch chuyển về khu đô thị mới xa trung tâm thành phố hơn. Theo đó, nguồn cung tại Gia Lâm đang chiếm tới 38% thị phần và khu vực Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm chiếm 37% thị phần. Mức giá ghi nhận cho một số dự án chào bán trong năm 2020 tại vùng ven Hà Nội lên tới 50 - 60 triệu đồng/m2.
Cũng theo nhận định của GS. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm 2020 lượng dự án được cung ứng ra thị trường nhỏ giọt. Điều này dẫn tới một thực trạng rằng 3 năm sau, nguồn cung bất động sản sẽ rơi vào khan hiếm, cùng với đó, việc đầu cơ sẽ khiến giá nhà tăng rất cao. Các báo cáo và nhận định đều cho rằng, giá nhà sẽ còn tiếp tục quỹ đạo gia tăng không ngừng.
Trước đó, báo cáo của The Economist cho biết, giá bất động sản toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, bất chấp đại dịch. Ba yếu tố giúp giá nhà không chỉ đứng vững mà còn tăng đó là chính sách tiền tệ, các biện pháp tài khoá và mong muon có một nơi ở tốt hơn của người dân. Và thị trường bất động sản Việt Nam không chệch khỏi xu hướng chung của thế giới.
Liên quan đến câu chuyện giá nhà vẫn không có dấu hiệu chững lại, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) khẳng định: "Bộ Xây dựng sẽ nhanh chóng ban hành hệ thống pháp luật để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tránh tình trạng địa phương phải chờ quy định, kéo dài thời gian thực hiện dự án, dẫn tới tăng chi phí".
Giới chuyên gia cũng kỳ vọng, giá nhà trong năm 2021 sẽ có chiều hướng dịch chuyển ổn định khi chi phí hành chính được co hẹp.
Báo cáo về thị trường bất động sản Việt Nam năm 2020, Bộ Xây dựng cho biết, năm 2020, nhìn tổng thể, cơ cấu hàng hóa bất động sản đã được điều chỉnh từng bước nhưng vẫn chưa thực sự hợp lý, vẫn còn biểu hiện dư cung ở một số phân khúc bất động sản cao cấp tại các đô thị lớn, trong khi rất thiếu phân khúc nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cho hay, tính đến hết Quý I/2020, số lượng nhà ở đưa ra thị trường còn tồn, chưa có giao dịch ước tính vào khoảng gần 13.000 căn.
Trong quý II/2020 và quý III/2020, do tác động ảnh hưởng tiêu cực của tình hình đại dịch COVID-19 cũng như các khó khăn vướng mắc của cơ chế, chính sách,… đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện thủ tục đầu tư dự án, tiến độ triển khai các dự án, do đó nguồn cung bất động sản trong giai đoạn này không có sự gia tăng đáng kể.
Mặt khác trong thời gian này, thị trường bất động sản vẫn là kênh đầu tư thu hút vốn tốt, được cho là an toàn và lượng giao dịch vẫn khá tốt. Vì vậy, số lượng nhà ở đưa ra thị trường còn tồn, chưa có giao dịch tính đến hết Quý III/2020 ước tính vào khoảng gần 6.000 căn.
Sang quý IV/2020, thị trường được bổ sung thêm ước tính khoảng gần 30.000 căn; đồng thời lượng giao dịch trong quý IV vẫn khá ổn định. Do đó, số lượng nhà ở đưa ra thị trường còn tồn, chưa có giao dịch riêng trong quý IV/2020 ước tính khoảng gần 3.000 căn.
"Tổng hợp lũy kế đến cuối năm 2020, số lượng nhà ở đưa ra thị trường còn tồn, chưa có giao dịch trong năm 2020 ước tính vào khoảng gần 9.000 căn", báo cáo của Bộ Xây dựng nêu rõ.
Trong đó, các khu vực có số lượng bất động sản đưa ra thị trường chưa được hấp thụ nhiều chủ yếu là các địa phương chịu nhiều tác động ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 như: TP Đà Nẵng, tỉnh Khánh Hòa, tỉnh Kiên Giang, tỉnh Bình Dương,....
Trong khi các tỉnh/thành phố, đô thị lớn, tập trung như: TP Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Ninh và các địa phương đang có tốc độ đô thị hóa mạnh như: TP Cần thơ, tỉnh Long An, tỉnh Đồng Nai cơ bản vẫn giữ được phát triển ổn định của thị trường bất động sản, lượng nhà ở đưa ra thị trường chưa được hấp thụ ở mức vừa phải.
Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 mở ra thời cơ, vận hội mới hết sức đặc biệt, nổi trội để Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh trở thành tứ giác phát triển ở khu vực phía Bắc. Trong lĩnh vực thu hút đầu tư, nhiều người kỳ vọng Nghị quyết 58 sẽ là nền tảng quan trọng để Nghi Sơn nói riêng, Thanh Hóa nói chung tạo ra bứt phá trong thời gian tới.
Đặc biệt, Nghị quyết đã mở ra cho tỉnh Thanh Hóa những thời cơ, vận hội mới, để Thanh Hóa tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, đột phá, trở thành cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh trở thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc. Đây không chỉ là mốc son trong chặng đường xây dựng và phát triển của tỉnh, mà còn khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Thanh Hóa đối với quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Thực hiện thắng lợi Nghị quyết 58, tôi tin rằng, Thanh Hóa sẽ hiện thực hóa được “khát vọng thịnh vượng” và sớm trở thành tỉnh “kiểu mẫu” theo lời dạy của Bác Hồ lúc sinh thời", ông Trịnh Văn Chiến, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nhận định.
Theo đó, trong thời gian tới, cần tiếp tục ưu tiên bố trí vốn đầu tư từ ngân sách, tăng cường thu hút vốn trong và ngoài nước theo hình thức đối tác công tư và các nguồn lực trong nhân dân, để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng đô thị. Trong đó, tập trung đẩy mạnh hình thức đầu tư PPP cho phát triển đô thị (nhất là đô thị thông minh); phát triển và điều hành tốt thị trường bất động sản. Coi đây là đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng các biện pháp kích thích vào đất đai, tạo lập các công trình, nhà xưởng, vật kiến trúc…, từ đó tạo sự chuyển dịch về cơ cấu trong các ngành kinh tế.
Sử dụng các quỹ đầu tư hiện có, bao gồm quỹ đầu tư phát triển địa phương, quỹ phát triển đất, quỹ phát triển hạ tầng, quỹ phát triển nhà ở…, tạo nguồn kinh phí đầu tư cho các khu vực phát triển đô thị. Theo đó, các giải pháp huy động và sử dụng các nguồn vốn đầu tư phát triển đô thị một cách hiệu quả, bao gồm: Tập trung vào các khu vực và dự án có sức lan tỏa lớn; thu hút các nguồn vốn đầu tư trong nước và quốc tế bằng cách tập trung vào xây dựng 5 yếu tố cạnh tranh như sau: Quy trình nhanh gọn - cơ chế hấp dẫn - hạ tầng đảm bảo - môi trường trong sạch - nhân lực dồi dào.
Với những giải pháp mang tính đồng bộ trong thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng…, Thanh Hóa đã và đang trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư lớn, hứa hẹn sẽ kích hoạt thị trường bất động sản tiếp tục bùng nổ trong tương lai không xa.
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 12/2021/TT-BTC quy định mức thu, khai, nộp phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt, giảm 50% phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt so với hiện hành.
Theo đó, mức phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt được Bộ Tài chính đề xuất giảm từ 8% về mức 4% trên doanh thu kinh doanh vận tải đường sắt so với hiện hành (quy định tại Thông tư số 295/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016). Doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt thực hiện khai phí với cơ quan thuế và nộp phí vào NSNN.
Thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2021.
Được biết, do ảnh hưởng dịch Covid-19, ngành Đường sắt điều chỉnh quy định đổi, trả vé tàu Tết Tân Sửu, áp dụng từ ngày 2/2/2021. Theo đó, đối với hành khách đã mua vé tàu chạy trong thời gian từ ngày 2/2/2021 đến hết ngày 28/2/2021 (từ 21 tháng Chạp năm Canh Tý đến 17 tháng Giêng năm Tân Sửu), có nhu cầu đổi, trả vé, ngành Đường sắt có các chương trình hỗ trợ tối đa cho hành khách hàng.
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/ban-tin-bds-24h-ca-nuoc-co-gan-9000-can-ho-ton-kho-do-anh-huong-dai-dich-covid-19-20201231000000826.html
19:00, 08/02/2021
19:00, 07/02/2021
19:00, 05/02/2021