19/01/2025 | 16:12 GMT+7, Hà Nội

Bản tin BĐS 24h: Đề xuất tăng gấp đôi mức xử phạt vi phạm trật tự xây dựng

Cập nhật lúc: 30/09/2020, 19:00

Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất tăng gấp đôi mức xử phạt hành chính đối với các vi phạm TTXD, dự thảo nghị định mới nhằm siết việc nhà đầu tư Việt Nam mua nhà, đất để nhập quốc tịch nước ngoài là những nội dung đáng quan tâm.

Vi phạm trật tự xây dựng: Đề xuất tăng gấp đôi mức xử phạt 

Theo số liệu báo cáo từ Sở Xây dựng Hà Nội, kể từ khi triển khai Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý TTXD, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh hiện đại giai đoạn 2016 – 2020”, công tác quy hoạch, quản lý TTXD, trật tự đô thị đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác quản lý TTXD nhiệm kỳ trước tỷ lệ vi phạm chiếm tới 18%, thì từ đầu năm 2020 đến nay đã giảm chỉ còn 2,5%. 

Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Việt Dũng cho biết: “Đến nay, đã xử lý dứt điểm 157/237 trường hợp vi phạm, chiếm tỷ lệ 66,2%. Các cơ quan chức năng đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền 80/237 trường hợp, chiếm 33,8%. UBND các quận, huyện, thị xã đã ban hành 669 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng với tổng số tiền xử phạt trên 13,4 tỷ đồng”.

Sẽ đề xuất tăng gấp đôi mức xử phạt hành chính các công trình vi phạm TTXD. 

Theo đánh giá, mặc dù số lượng công trình xây dựng vi phạm mới có chiều hướng giảm nhưng hình thức vi phạm phức tạp và khó lường hơn. 

Để tạo tính răn đe, trao đổi với báo chí, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Việt Dũng cho biết, Sở đang lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân về dự thảo Nghị quyết Quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng (theo quy định tại Khoản 2, Điều 20 Luật Thủ đô). Theo đó, trong dự thảo Nghị quyết, mức tiền phạt được quy định gấp 2 lần mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong Nghị định số 139/2017/NĐ-CP. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính, mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức. Các hành vi sẽ có mức phạt dự kiến như: 

- Thi công không che chắn hoặc có che chắn nhưng để rơi vãi vật liệu, phạt từ 2 – 20 triệu đồng; 

- Xây dựng không có hoặc sai nội dung giấy phép, mức phạt từ 12 – 120 triệu đồng; 

- Xây dựng không đúng với thiết kế được thẩm định, mức phạt từ 80 – 100 triệu đồng; 

- Xây dựng công trình làm hư hỏng hạ tầng kỹ thuật và công trình lân cận mức phạt từ 40 – 80 triệu đồng. 

- Đối với vi phạm xây dựng công trình không phù hợp với quy hoạch được duyệt, vi phạm chỉ giới, sai cốt xây dựng, lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình quốc phòng, an ninh, giao thông, cơi nới, lấn chiếm diện tích... mức phạt từ 200 - 240 triệu đồng. 

- Đặc biệt, những hành vi đã bị lập biên bản mà tái phạm, mức phạt từ 20 triệu đồng - 2 tỷ đồng. 

Chặn mua nhà ở nước ngoài để nhập tịch

Bộ KH&ĐT đang xây dựng dự thảo nghị định nhằm siết việc nhà đầu tư Việt Nam mua nhà, đất nhằm nhập quốc tịch nước ngoài. Các chuyên gia cho rằng, đây là điều cần thiết để tránh hiện tượng “chảy máu” ngoại tệ.

Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, đến tháng 7/2020, Việt Nam có 1.741 dự án đầu tư ra nước ngoài được cấp phép. Tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 22,9 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện 9,65 tỷ USD. Từ năm 2015 đến nay, số lượng dự án đầu tư ra nước ngoài tăng nhanh nhưng quy mô của mỗi dự án ngày càng nhỏ.

Dự thảo nghị định nhằm siết việc nhà đầu tư Việt Nam mua nhà, đất nhằm nhập quốc tịch nước ngoài

Ngoài lĩnh vực thế mạnh như trồng cây công nghiệp, thăm dò khai thác dầu khí, nhà đầu tư Việt Nam chuyển sang kinh doanh bất động sản. Trong khi đó, một số trường hợp cần thiết phải hạn chế để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật Việt Nam và tránh rủi ro về pháp lý, an ninh. Đối tượng bị hạn chế như nhà đầu tư là cán bộ, công chức, sĩ quan, người chưa thành niên, người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự…

Trước thực trạng trên, Bộ KH&ĐT xây dựng Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư 2020 và thay thế Nghị định 83/2015 NĐ-CP của Chính phủ quy định về đầu tư ra nước ngoài. Một trong những sửa đổi quy định quan trọng lần này là nhằm ngăn chặn tình trạng cá nhân mua nhà đất chỉ để nhập quốc tịch nước ngoài.

Theo đó, các cá nhân không được đầu tư ra nước ngoài gồm: Cán bộ, công chức, viên chức (theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức); Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước. Người chưa thành niên, người bị hạn chế/mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, biện pháp xử lý hành chính…, đang bị tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.

Thu hồi khu đất vàng ở 69 Nguyễn Du 

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Văn bản số 3936/UBND-ĐT về việc thực hiện kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ (TTCP) và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình liên quan đến việc chuyển nhượng cơ sở nhà đất tại 69 Nguyễn Du , quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Khu đất vàng có địa chỉ 69 Nguyễn Du bị thu hồi vì chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái quy định. 

Theo Thanh tra Chính phủ, cơ sở nhà đất tại 69 Nguyễn Du là tài sản Nhà nước do Công ty quản lý và phát triển nhà thuộc Sở Xây dựng Hà Nội quản lý cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thuê làm trụ sở; đến thời điểm tháng 1-2008 hợp đồng thuê hết hạn sau đó chưa ký lại. Tổng công ty xây lắp dầu khí PVC (công ty con của PVN) trước đó không trực tiếp thuê cơ sở nhà đất tại 69 Nguyễn Du.

Việc PVC, PVN, UBND TP Hà Nội có văn bản gửi Bộ Tài chính trình Phó Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND TP Hà Nội bán chỉ định cơ sở nhà đất 69 Nguyễn Du cho PVC (đơn vị đang thuê) để xây dựng trụ sở làm việc là không đúng thực tế.

Sau đó, PVC thuê Công ty cổ phần Sông Đà Toàn Cầu tư vấn đấu giá, phê duyệt giá khởi điểm và uỷ quyền cho Công ty tư vấn bán đấu giá trong khi UBND TP Hà Nội chưa có quyết định giao đất cho PVC là không đúng quy định của pháp luật về đất đai và đấu giá.

Tháng 12-2009, PVC ký hợp đồng (không số) chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành.

Khi tổ chức đấu giá, công nhận kết quả trúng đấu giá, PVC chưa được UBND TP Hà Nội giao đất, vì vậy việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại 69 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng như trên là không có cơ sở pháp lý, sai quy định Luật Đất đai 2003, Nghị định 05/2005 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị, đến thời điểm 31/10/2020 chưa thực hiện được việc thu hồi thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.