19/01/2025 | 05:53 GMT+7, Hà Nội

Bản tin BĐS 24h: Đất quê “nổi sóng” vì chiêu trò thổi giá

Cập nhật lúc: 27/10/2020, 19:00

Đất quê “nổi sóng” vì chiêu trò thổi giá đất; dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM là những tin chính trong bản tin BĐS 24h hôm nay.

Đất quê “nổi sóng” vì chiêu trò thổi giá, tăng gấp 4 lần

Theo Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), thị trường Hà Nội đang có sự nghịch lý, giá đất ruộng ở vùng nông thôn đang tăng giá chóng mặt, tương đương với giá đất ở một số dự án lớn.

Trong hơn năm, từ 2011 - 2013, sau nhiều sự cố, hàng loạt nhà đầu tư đã tháo chạy khỏi thị trường BĐS Hà Nội, khiến thị trường rơi vào cảnh “đóng băng”, hoạt động giao dịch giảm sút mạnh mẽ, lượng cung tồn đọng lớn.

Ở một số nơi vài năm trước ngưỡng giá trong làng chỉ vài trăm nghìn cho mỗi mét vuông. Nay đã lên đến vài triệu, vài chục triệu đồng. Thậm chí đất vườn, một mét vuông đất ruộng cũng được đẩy lên vài triệu đồng.

Đất quê nổi sóng vì chiêu trò thổi giá đất

Trước quá trình tăng trưởng “nóng” đang diễn ra ở các vùng ven, thị trường BĐS Hà Nội đã xuất hiện nghịch lý.

Cụ thể, giá đất trong một số dự án được đầu tư cơ sở hạ tầng hàng chục năm vẫn loanh quanh ngưỡng 30 - 40 triệu đồng/m2, nhưng đất trong làng xóm không được đầu tư cơ sở hạ tầng tương xứng đô thị đã có giá chào bán từ 20 - 30 triệu đồng.

Tại khu vực Trâu Quỳ, một số chủ đất đang “hét giá” ngang với khu vực trung tâm Hà Nội.

Cá biệt, tại khu vực Trâu Quỳ, một số chủ đất đang “hét giá” lên mức 140 - 160 triệu đồng/m2, đắt ngang với quận Cầu Giấy, hoặc Thanh Xuân.

Tương tự, tại Hoài Đức, khu vực Đức Thượng, Lai Xá cũng đang tăng giá từng ngày. Hiện đang ở ngưỡng 25 - 30 triệu đồng/m2. Đặc biệt, những lô đất gần Quốc lộ 32, giá đất dao động từ 40 - 60 triệu đồng/m2.

Đại diện VARS nhìn nhận, giá đất đai tại các địa phương bị đẩy lên cao đã làm "chùn bước" sự quan tâm của các nhà phát triển bất động sản. Bởi lẽ, giá đất quá cao khiến việc đền bù giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Đã có hiện tượng doanh nghiệp lớn rút lui, sau khi vừa mới đăng ký tham gia nghiên cứu đầu tư tại những khu vực này.

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, sự tăng giá chóng mặt ở vùng ven Hà Nội ăn theo thông tin quy hoạch, phát triển hạ tầng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Tuấn, chuyên gia BĐS giải thích, sự tăng giá bất thường của giá đất vùng ven và nghịch lý nêu trên, một phần là do “bàn tay” của giới đầu cơ BĐS.

“Mức tăng giá BĐS đạt 20%/năm đều là bất thường, nhiều khả năng là chiêu trò “thổi giá” của giới đầu cơ đất. Do đó, trước khi quyết định tham gia vào thị trường, nhà đầu tư nên kiểm tra giá trị đất trong 1 năm, đồng thời xem xét kỹ các yếu tố pháp lý, quy hoạch và uy tín của chủ đầu tư”, ông Tuấn nói.

Tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM

Chiều ngày 26/10, Quốc hội thảo luận dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ: TP HCM là đô thị loại đặc biệt, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế.

Trong quá trình phát triển, TP HCM vẫn chưa phát huy hết tiềm năng của mình do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là mô hình tổ chức chính quyền địa phương chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị loại đặc biệt. Theo đó, do yêu cầu quản lý đòi hỏi cần tổ chức bộ máy chính quyền đô thị tinh gọn, hiện đại, có năng lực lập quy hoạch, kế hoạch, sử dụng hiệu quả các tài nguyên, phát triển các dịch vụ hạ tầng đồng bộ.

Xuất phát từ cơ sở thực tiễn, cơ sở chính trị và căn cứ pháp lý, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM là cần thiết để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, năng lực quản lý, điều hành của chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm đô thị và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của TP HCM.

Mục tiêu là tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị tại TP HCM tinh gọn, hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả dưới sự lãnh đạo của Đảng và bảo đảm phát huy quyền làm chủ của nhân dân; phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tính minh bạch trong quản lý của chính quyền Thành phố; huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Để triển khai thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM từ ngày 01/07/2021 (bắt đầu từ nhiệm kỳ 2021 - 2026), Nghị quyết của Quốc hội cần có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 để có thời gian chuẩn bị ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức bầu cử đại biểu HĐND các cấp của TP HCM nhiệm kỳ 2021 - 2026 và các công việc khác.

Cần có cơ chế, chính sách đặc thù

Theo cơ quan thẩm tra, dự thảo Nghị quyết chưa đề ra được những giải pháp đổi mới thiết thực liên quan đến tổ chức cũng như phương thức hoạt động của HĐND TP trong bối cảnh không tổ chức HĐND ở tất cả các quận, phường trực thuộc. Vì vậy Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đề xuất cụ thể việc đổi mới tổ chức và hoạt động của HĐND TP để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo thực hiện tốt chức năng đại diện cho người dân.

Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị xem xét lại quy định về quyền quyết định ngân sách nhà nước của HĐND TP để đảm bảo tính chính xác.

Dự thảo Nghị quyết quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền thành phố thuộc TP HCM là phù hợp, tạo cơ sở pháp lý để khi TP HCM được cấp có thẩm quyền thành lập thành phố trực thuộc có cơ sở xem xét, áp dụng. Tuy nhiên, phần liên quan đến tổ chức chính quyền tại thành phố thuộc TP HCM trong dự thảo Nghị quyết vẫn chưa có sự khác biệt so với các đơn vị hành chính cấp huyện hiện nay, chưa có sự đổi mới để nâng cao hơn nữa vị thế. Do đó, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, bổ sung những quy định mới, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội hơn cho chính quyền thành phố trực thuộc so với chính quyền ở các quận để có thể đáp ứng được mục tiêu và kỳ vọng đã đặt ra.

Xu hướng đầu tư bất động sản dài hạn lên ngôi

Báo cáo thị trường của Savills cũng đã chứng minh trong Quý III/2020, nhà phố thương mại dẫn đầu thị trường với gần 850 giao dịch và tỷ lệ hấp thụ đạt 80%. Như vậy, giữa bối cảnh các kênh đầu tư nhiều biến động, nhà phố thương mại các tỉnh vẫn là kênh có sức hút đối với các nhà đầu tư có tầm nhìn.

Nhà đầu tư thông thái hiện nay sẽ chọn xuống tiền để đầu tư lâu dài, thay vì chờ thời điểm thị trường lên để mua nhanh, bán nhanh. Bên cạnh các thị trường cũ đã được khai thác, một số khu vực còn nhiều dư địa để phát triển như Uông Bí (Quảng Ninh), Hà Giang, Thanh Hóa hay Hậu Giang, Đồng Tháp, Mỹ Tho… đã trở thành đến mới cho các nhà đầu tư bất động sản.

Hơn nữa, là mô hình tích hợp "2 trong 1", nhà phố thương mại có thể thực hiện cả hai chức năng vừa để ở, vừa để kinh doanh sinh lời dòng tiền đều đặn. Tại một số dự án, sản phẩm nhà phố thương mại còn sở hữu hai mặt tiền, nhờ đó sản phẩm trở nên đắt giá hơn, biên độ sinh lời cao hơn so với sản phẩm nhà phố thương mại 1 mặt tiền thông thường.

Xu hướng đầu tư bất động sản dài hạn lên ngôi

Hiện tại, sản phẩm nhà phố thương mại 2 mặt tiền vẫn còn khá ít trên thị trường vì thế dự án nào sở hữu sản phẩm có lợi thế này đều nhanh chóng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư.

Ngoài ra, nhà phố thương mại hiện nay có tỷ lệ hấp thụ tốt một phần nhờ tỷ lệ khan hiếm (chỉ từ khoảng 2 - 5%/dự án). Sản phẩm này được chủ đầu tư đặt tại các vị trí đắc địa của dự án, vì vậy giá trị càng gia tăng theo thời gian, có tính thanh khoản cao.

Đầu tư bất động sản, đặc biệt đối với những sản phẩm có giá trị, chỉ dành cho các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính và tầm nhìn lâu dài. Làn sóng đầu tư tại thị trường tỉnh chiếm ưu thế hơn cả do lợi thế về quỹ đất, giá thành, nguồn hàng đa dạng hơn.

Trong thực trạng bất động sản tại các thành phố trung tâm ngày càng tăng cao, đầu tư bất động sản tỉnh là lựa chọn khôn ngoan cho nhà đầu tư giai đoạn khó khăn. Quan trọng nhất là nhà đầu tư không nên nuôi kỳ vọng sinh lời cao trong ngắn hạn mà cần xác định mục tiêu đầu tư dài hạn để đảm bảo an toàn.