19/01/2025 | 09:40 GMT+7, Hà Nội

Bản tin BĐS 24h: Giá thuê kiot chung cư tại Hà Nội tăng mạnh

Cập nhật lúc: 24/10/2020, 19:00

Giá thuê kiot chung cư tăng mạnh; tồn tại nhiều vướng mắc trong quy định lựa chọn nhà đầu tư dự án NƠXH; BĐS phía Tây bùng nổ những tháng cuối năm là những tin chính trong bản tin BĐS 24h hôm nay.

Giá thuê kiot chung cư có dấu hiệu tăng mạnh

Theo Savills Việt Nam, điểm sáng mặt bằng thị trường bất động sản bán lẻ thương mại đang có dấu hiệu khởi sắc. Số liệu thống kê của Savills mới đây cho thấy, mặt bằng bán lẻ tại TP HCM quý III/2020 giảm 1 điểm phần trăm theo quý và 2 điểm phần trăm theo năm. Việc kiểm soát tốt làn sóng COVID-19 đợt 2 và công suất cao giúp các chủ nhà củng cố niềm tin vào thị trường.

Còn tại Hà Nội, chủ nhà và khách thuê lạc quan hơn khi các biện pháp phòng dịch được nới lỏng. Lượng khách mua sắm dần hồi phục nhưng vẫn duy trì ở mức thấp. Nhiều đề nghị giao dịch lớn chủ yếu đến từ các khách thuê ngành ẩm thực mở rộng từ TP HCM ra Hà Nội. Các nhà bán lẻ nước ngoài đang trì hoãn gia nhập thị trường.

Giá thuê kiot chung cư có dấu hiệu tăng mạnh

Lý giải về mặt bằng khối đế chung cư tăng giá, các chuyên gia bất động sản cho rằng, nếu nói tất cả khối đế chung cư đều tăng giá thì không đúng, mà hiện tượng này chỉ xảy ra tại những khu vực có dân cư về ở lấp đầy. Mặt bằng tăng do chủ đầu tư tăng giá, nên các nhà đầu tư thứ cấp cũng phải tăng.

Hơn nữa, nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ vẫn tăng trưởng ổn định, vì các cửa hàng ở đây đa phần kinh doanh các mặt hàng thiết yếu như nhu yếu phẩm, ngân hàng, phòng khám, hàng ăn…đã có một lượng khách lớn, ổn định. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có những khối đế chung cư cũng đang gặp phải tình trạng để trống nhiều do ở khu vực ngoại thành, dân cư còn thưa thớt.

Đối với khu vực trung tâm, mặc dù giá thuê cao nhất thị trường, nhưng tỷ lệ lấp đầy luôn đạt 100%, hầu như không có mặt bằng để cho thuê. Trong khi đó, ở khu vực ngoại thành, nguồn cung dồi dào, giá thuê thấp, nhưng lại rất khó cho thu.

Theo bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Hà Nội, giá chào thuê trung bình tầng trệt và tầng một tại các trung tâm thương mại ngoài trung tâm đạt 24,53 USD/m2/tháng, giảm 1,5% theo năm và 0,78% theo quý.

Dự báo về thị trường khối đế chung cư từ nay đến những tháng đầu năm 2021, đại diện Savills Hà Nội nhìn nhận, các phân khúc khác của thị trường mặt bằng bán lẻ nói chung và khối đế chung cư nói riêng có dấu hiệu phục hồi tốt. Đặc biệt, hoạt động bán lẻ truyền thống sẽ trở lại mạnh mẽ trong dịp mua sắm cuối năm khi nhu cầu mua sắm của người dân tăng lên.

Nhiều vướng mắc trong quy định lựa chọn nhà đầu tư dự án NƠXH

Các quy định về lựa chọn nhà đầu tư, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đang gặp nhiều vướng mắc trong đấu thầu cũng như quy trình phê duyệt chủ trương đầu tư.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM cho biết, trên thực tế có nhiều “khu đất do Nhà nước đang quản lý” được quy hoạch xây dựng nhà ở xã hội, và các địa phương muốn đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội nhưng không thực hiện được, do khoản 4 Điều 12 Nghị định 25/2020/NĐ-CP chưa quy định chi tiết các tiêu chí thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội trong trường hợp này, dẫn đến lãng phí quỹ đất công và không thực hiện được việc xã hội hóa đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Do đó, để góp phần đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, HoREA đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2015/NĐ-CP, trong đó có một Điều bổ sung điểm c vào khoản 4 Điều 12 Nghị định 25/2020/NĐ-CP.

Nhiều vướng mắc trong việc lựa chọn nhà đầu tư dự án NƠXH

Cụ thể, với tiêu chí về nguồn vốn đầu tư, đề xuất lựa chọn nhà đầu tư sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước để thực hiện dự án nhà ở xã hội. Tiêu chí về lợi nhuận định mức đề xuất lựa chọn nhà đầu tư giảm tối đa lợi nhuận so với lợi nhuận định mức 10%.

Tiêu chí về mức hưởng ưu đãi về thuế, về hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật đề xuất lựa chọn nhà đầu tư giảm tối đa mức hưởng ưu đãi về thuế, về hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

Với tiêu chí về dành diện tích đất để xây dựng nhà ở thương mại, đề xuất lựa chọn nhà đầu tư giảm tối đa diện tích đất để xây dựng nhà ở thương mại so với định mức được sử dụng 20% quỹ đất dự án nhà ở xã hội này, để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh thương mại.

Bên cạnh đó, với tiêu chí về thời hạn cho thuê, về tỷ lệ nhà ở xã hội cho thuê của dự án, nên lựa chọn nhà đầu tư có tỷ lệ nhà ở xã hội cho thuê cao, hoặc cho thuê dài hạn, hoặc dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê. Tiêu chí về giá bán, giá cho thuê, giá thuê mua nhà ở xã hội, đặt cọc tiền thuê nhà, đề xuất lựa chọn nhà đầu tư có đề xuất về giá bán, giá cho thuê, giá thuê mua nhà ở xã hội, hoặc đặt cọc tiền thuê nhà thấp nhất.

Và cuối cùng là tiêu chí về tiến độ thực hiện dự án, đưa vào sử dụng, đề xuất lựa chọn nhà đầu tư có đề xuất thời gian ngắn nhất.

Ngoài ra, ông Châu cũng cho biết, với trường hợp nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất phù hợp quy hoạch xây dựng nhà ở xã hội, nhưng chưa được giao đất, cho thuê đất, chưa được công nhận chủ đầu tư, vướng mắc này sẽ được giải quyết theo đề xuất tại khoản 12 “Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định thi hành Luật Đất đai”, bổ sung Điều 14b Nghị định 43/2014/NĐ-CP.

Ngoài ra, Chủ tịch HoREA cũng đề nghị xây dựng quy trình phê duyệt hợp lý đối với trường hợp dự án nhà ở xã hội phải có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ bởi theo quy định tại Điểm a khoản 7 Điều 1 “Dự thảo Nghị định” sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 3 Điều 8 Nghị định 100/2015/NĐ-CP nhà đầu tư phải lên Bộ Xây dựng 02 lần để làm thủ tục.

Do đó, Hiệp hội đề nghị hoàn thiện Khoản 7 Điều 1 “Dự thảo Nghị định” sửa đổi, bổ sung điểm a Khoản 3 Điều 8 Nghị định 100/2015/NĐ-CP, theo hướng xây dựng quy trình nhà đầu tư chỉ phải lên Bộ Xây dựng 01 lần, như sau: Trường hợp dự án nhà ở xã hội phải có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời đề xuất nhà đầu tư. Bộ Xây dựng xem xét về sự phù hợp với Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; yêu cầu đối với dự án và điều kiện của chủ đầu tư trước khi trình Thủ tướng Chính phủ có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư” - ông Lê Hoàng Châu kiến nghị.

Bất động sản phía Tây Hà Nội bùng nổ những tháng cuối năm

Theo đánh giá của giới chuyên gia, sự chuyển hướng của thị trường BĐS sang khu vực phía Tây được hậu thuẫn mạnh mẽ từ sự đột phá về phát triển hạ tầng trong vòng 2 năm trở lại đây với hàng loạt tuyến giao thông quan trọng được xây dựng, cùng với đó là hai huyện Hoài Đức, Đan Phượng chuẩn bị lên quận 2020 - 2025.

Thị trường bất động sản phía Tây Hà Nội đang dần bước vào giai đoạn phục hồi sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nhiều dự án bung hàng, thanh khoản được ghi nhận tăng rõ rệt.

Thị trường bất động sản phía Tây Hà Nội đang dần bước vào giai đoạn phục hồi

Báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2020, tại Hà Nội có 7.989 sản phẩm căn hộ chung cư mới được chào bán ra thị trường. Tỉ lệ hấp thụ từ các sản phẩm mới có sự tăng trưởng tốt qua các Quý. Trong Quý III/2020, căn hộ bình dân tiếp tục tiếp tỉ trọng nhỏ trong cơ cấu nguồn cung căn hộ theo phân khúc nhưng có tỉ lệ hấp thụ tương đối tốt. Lượng cung căn hộ cao cấp mới tung ra thị trường cũng rất hạn chế.

Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng chưa thấy hiện tượng dự án bất động sản công bố giảm giá. Có hiện tượng tặng quà khủng và khuyến mại lớn ở một số dự án để kích cầu thay vì giảm giá sản phẩm. Cả trước, trong và sau dịch, giá bán căn hộ chung cư gần như không có biến động.

Sự bứt phá về hạ tầng cùng với quỹ đất dồi dào khu vực phía Tây đã khiến khu vực này đang trở thành cực tăng trưởng của thị trường bất động sản ngay trong dịch bệnh. Phân khúc nhà liền đất được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm bởi quỹ đất khu vực phía Tây còn nhiều, giá cả phải chăng và đặc biệt giao thông thuận lợi đến trung tâm hành chính mới Mỹ Đình.

Bình luận về triển vọng thị trường trong quý 4/2020, Tổng thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đính cho hay, nhiều khả năng Việt Nam sẽ kiểm soát hoàn toàn được dịch bệnh Covid 19, kinh tế trong nước hồi phục, có tăng trưởng dương, lực cầu sẽ được tiếp sức để thị trường bất động sản nóng ấm, phục hồi trở lại.

Bên cạnh đó, quý IV cũng thường là thời điểm thị trường hồi phục trở lại, mọi hoạt động bắt đầu bước vào giai đoạn nước rút để kịp về đích, trong đó tỷ lệ người mua nhà thường tăng mạnh.

BĐS phía Bắc chững lại sau nhiều cơn sốt giá

Theo số liệu từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam tại Hà Nội, Thái Nguyên, Vân Đồn, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Lào Cai, Yên Bái…. sau khi sốt nóng hiện nhiều thị trường bất động sản tại khu vực phía Bắc giao dịch rất chậm.

Cụ thể tại Hà Nội, theo báo của của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), trong quý III/2020, căn hộ bình dân tiếp tục chiếm tỉ trọng nhỏ trong cơ cấu nguồn cung căn hộ theo phân khúc nhưng có tỉ lệ hấp thụ tương đối tốt.

Lượng cung căn hộ cao cấp mới tung ra thị trường cũng rất hạn chế. So với cùng kỳ các năm 2018 và 2019, lượng giao dịch và tỉ lệ hấp thụ từ các sản phẩm căn hộ mới chào bán tại Hà Nội giảm mạnh. Lượng giao dịch chỉ đạt 15,7% so với quý 3/2018 và 28.1% so với quý 3/2019.

Thị trường BĐS phía Bắc có dấu hiệu chững lại sau nhiều cơn sốt giá

Giá bán căn hộ phân khúc trung, cao cấp tiếp tục đi ngang, phân khúc bình dân tăng nhẹ khoảng 3 - 5%.

Một số chủ đầu tư cho rằng “nếu đưa hàng ra thị trường trong giai đoạn này kể cả giảm giá cũng rất khó bán”.

Phân khúc chung cư vẫn đứng giá, số lượng giao dịch không đáng kể; không có dự án mới, sản phẩm mới chào bán ra thị trường.

BĐS Quảng Ninh giao dịch rất chậm

Mặc dù là thị trường lớn và có quãng thời gian sôi động trước đó, nhưng hiện nay, thị trường BĐS Quảng Ninh cho thấy có dấu hiệu chậm phát triển và ít giao dịch. Nguyên nhân chính bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến các nhà đầu tư tâm lý e ngại, thăm dò, chờ đợi cơ hội và sự giảm giá.

Trong quý III/2020 chỉ ghi nhận khoảng 10 dự án có hoạt động bán hàng tại Hạ Long. Riêng tại khu vực huyện Hoành Bồ (có quy hoạch sát nhập vào đô thị Hạ Long) là nơi có hoạt động chào bán đất đai sôi động hơn nhưng các nhà đầu tư mới dừng lại ở mức đi tìm hiểu.

Giá đất nền tại Hải Phòng khoảng 30 triệu đồng/m2

Chủ yếu là các Dự án đất nền được chào bán trong Quý III/2020. Nguồn cung đạt 1.200 sản phẩm, lực hấp thụ đạt 50%. Giá bán đất nền tại các Dự án trong TP Hải Phòng khoảng 30 triệu đồng/m².

Có hiện tượng môi giới thổi giá tại Bắc Ninh, Bắc Giang

Quý III/2020, thị trường giao dịch mạnh ở phân khúc đất nền nhất là khu vực trung tâm thành phố và ven các khu công nghiệp Bắc Ninh, Bắc Giang. Lượng giao dịch, giá đất nền tăng mạnh so với Quý I và II. Tuy nhiên, giao dịch chủ yếu là hoạt động mua đi bán lại, lượng sản phẩm mới rất hạn chế. Có hiện tượng các môi giới và một số nhà đầu tư thổi giá, lướt sóng.

Theo thống kê có khoảng 90% giao dịch trên thị trường Bắc Ninh là đầu cơ nên thị trường tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, khó lường.Vì vậy, các nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường cần hết sức thận trọng.

Đất phân lô tại Lào Cai, Yên Bái đạt tỷ lệ tiêu thụ 50%

Quý III/2020 có một số hoạt động bán hàng từ những Dự án phân lô bán nền và nhà phố cao cấp. Điển hình như tại Nghĩa Lộ, Yên Bái đưa ra thị trường hơn 100 nền, tiêu thụ đạt 50

Thị trường BĐS tại các tỉnh thành khác thuộc Đồng bằng Bắc bộ

Các dự án được nhà đầu tư quan tâm nhiều là các dự án đấu giá đất, dự án có sự đầu tư bài bản từ các Chủ đầu tư uy tín và ở những khu đã có sự đầu tư phát triển hạ tầng, giá bán khởi điểm phù hợp. Giao dịch ở thị trường thứ cấp không nhiều bởi giá đã được đẩy cao và ảnh hưởng từ dịch bệnh.