18/01/2025 | 20:01 GMT+7, Hà Nội

Bạn đã ăn chay đúng cách?

Cập nhật lúc: 04/10/2016, 06:50

Ăn chay là một khuynh hướng đang thịnh hành ở các nước phát triển. Chế độ dinh dưỡng này giúp phòng chống được nhiều bệnh tật.

Tuy nhiên, nếu quyết định ăn chay, nhất là ăn chay tuyệt đối và lâu dài, bạn sẽ phải lưu ý đến một số nguyên tắc để bảo đảm sức khoẻ.

Như thế nào là ăn chay?

Ăn chay có nghĩa là chỉ sử dụng các loại rau củ quả và các sản phẩm có nguồn gốc thực vật trong khẩu phần ăn mà không sử dụng thực phẩm có nguồn gốc động vật.

Ngày nay, những người có xu hướng ăn chay theo ý muốn cá nhân cũng có sự điều chỉnh nhất định. Nghĩa là họ không hoàn toàn chỉ sử dụng những thực phẩm có nguồn gốc thực vật mà họ có một quan niệm thoáng hơn trong dinh dưỡng.

Trong khẩu phần của những người ăn chay kiểu mới này, ngoài những thực phẩm có nguồn gốc thực vật, bắt buộc họ còn sử dụng thêm trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa.

Khi quyết định ăn chay, bạn cần cân nhắc xem chế độ ăn chay có phù hợp với tình trạng sức khỏe hiện tại hay không

Các nguyên tắc ăn chay đúng cách

Những người ăn chay thường xuyên cần lưu ý dùng hạn chế các loại thực phẩm có hàm lượng muối cao như tương, chao, cải muối, dưa cải, cà muối… Hạn chế dùng thường xuyên các thực phẩm chay công nghiệp do được xử lý quá nhiều khâu nên chất dinh dưỡng bị thất thoát nhiều.

Để cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể, ngoài ăn đủ 3 bữa chính nên ăn thêm bữa phụ. Các bữa ăn cần đa dạng và thay đổi món thường xuyên.

Ngoài ra khắc phục tình trạng thiếu các vi chất không có trong thức ăn nguồn gốc thực vật như kẽm, vitamin B12, acid folic… bằng việc bổ sung các vi chất này dưới dạng thuốc bổ.

Ăn chay được xem là đúng phương pháp khi mà chúng ta đảm bảo được sự cân bằng giữa cung và cầu về calo. Dù ăn chay theo loại nào thì dưới góc độ dinh dưỡng cũng cần tuân thủ các nguyên tắc cơ bản:

- Nên ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm trong khẩu phần ăn hàng ngày, thông thường đủ các nhóm thực phẩm: Chất đạm (nguồn gốc từ thực vật như đậu, đỗ, nấm); các sản phẩm từ sữa (sữa tươi, bơ, phô mai, sữa chua...), chất béo (các loại dầu ép và hạt có dầu), các loại tinh bột/đường (gạo, ngô, khoai), các loại rau, hoa, quả và muối khoáng.

- Thức ăn thực vật giàu đạm thường thiếu một số acid amin thiết yếu như lysine (gạo, bắp, lúa mỳ), threonine (gạo), tryptophan (bắp) và methionine (các loại đậu).

Nhưng tình trạng mất cân đối các acid amin sẽ không xảy ra nếu chúng ta biết cách phối hợp các loại đạm thực vật theo cách sau:

  + Rau đậu và các loại hạt. Ví dụ: Cháo với mè và đậu.

  + Ngũ cốc và họ rau đậu. Ví dụ: Cơm với đậu, súp đậu với bánh mỳ...

  + Ngũ cốc và sản phẩm từ sữa. Ví dụ: Bánh mỳ với sữa, cơm hoặc mỳ sợi với phô mai.

  + Rau có thể ăn với cơm, các hạt có dầu, phô-mai, mầm lúa mỳ.

- Nên ăn các loại thực phẩm “thuần khiết, tự nhiên” càng ít chế biến hoặc không cho thêm các chất bảo quản, chất tạo màu, mùi, phụ gia… thì càng có lợi về dinh dưỡng.

- Nên ăn có điều độ, chừng mực, không nên ăn quá nhiều một loại thực phẩm hoặc ăn quá ít một loại. Cần ăn chậm, nhai kỹ, không ăn quá no hoặc để quá đói và tránh ăn nhanh, nuốt vội.

Mọi người cũng cần lưu ý đến khâu chế biến. Tránh nấu quá chín các loại rau xanh để vừa giữ được hương vị của rau vừa bảo quản được lượng chất dinh dưỡng quý giá có trong đó.

Thời gian cần thiết để nấu các loại rau xanh không quá 15 phút. Đối với những thực phẩm khác cũng chỉ cần nấu đến khi chúng vừa chín tới.