28/03/2024 | 15:40 GMT+7, Hà Nội

Bài 3: Phản ứng người tiêu dùng khi biết sự thật về nguồn gốc hãng thời trang Giovanni

Cập nhật lúc: 27/10/2018, 07:01

Hơn 10 năm nay, trong suy nghĩ của người tiêu dùng, thương hiệu thời trang Giovanni là thương hiệu đến từ nước Ý và nó là hàng cao cấp nhưng phản ứng của họ sẽ thế nào khi biết sự thật, đó chỉ là thương hiệu được sản xuất ở Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam…?

Niềm tin nên đặt ở đâu?

Sau vụ việc Khaisilk bán khăn lụa Tàu gắn mác Made in Vietnam, nhiều người coi đây như "cái tát" vào người tiêu dùng. Khách hàng cảm thấy tổn thương khi bị một thương hiệu nổi tiếng lừa dối trong suốt một thời gian dài. 

Câu chuyện sẽ như thế nào, khi khách hàng nhận thêm thông tin, một thương hiệu thời trang nổi tiếng khác cũng đang “treo đầu dê, bán thịt chó” giống Khaisilk. Sốc hơn khi những sản phẩm đó mang phong cách Ý, hàng Ý nhưng lại có “made in China”.

Anh Nguyễn Minh Thắng (Hoàng Mai, Hà Nội) cảm thấy không tin khi được PV hỏi về vấn đề, nếu thương hiệu thời trang Giovanni không phải của Ý mà được sản xuất ở Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam... Anh Thắng cho rằng, hàng do người Việt Nam sản xuất rồi bán thì chất lượng sẽ khó kiểm soát nhưng đây là thương hiệu của Ý - một đất nước nổi tiếng nhất nhì thế giới về thời trang thì vấn đề bảo hộ thương hiệu rất khắt khe.

“Người Việt đang liên tục tự "tát" vào mặt nhau như vậy ư? Một Khaisilk đã đủ rúng động, giờ Giovanni còn tinh vi hơn, gắn mác thành thương hiệu thời trang thế giới”, anh Thắng nói.

Còn đối với chị Mai (Đống Đa, Hà Nội), người thường mua đồ Giovanni cho chồng cho biết, chị cảm thấy thất vọng trước thông tin này.

Theo như chị Mai, Giovanni là hàng cao cấp nên chị mua áo vest của hãng cho chồng mặc khi đi tiếp khách để luôn tạo được hình ảnh ấn tượng đối với đối tác. Trong suy nghĩ của chị Mai, thương hiệu Giovanni luôn gắn với sự đẳng cấp, sang trọng cho khách hàng.

“Nếu thương hiệu Giovanni không phải của Ý như những lời họ quảng cáo, vậy những người dân bình thường như chúng tôi nên tin vào đâu?”, chị Mai bức xúc nói.

Được biết, cho tới thời điểm hiện tại, Giovanni Group đã có tới hơn 60 dòng sản phẩm từ hàng trung, cao cấp, cho tới cận xa xỉ và có hệ thống phân phối tới 50 cửa hàng, trên 15 tỉnh thành trong cả nước. Thương hiệu này được bán cho cả khách Việt lẫn khách quốc tế.

Ngày 5/10 vừa qua, Giovanni khai trương cửa hàng tại TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk với sự tham gia của Hoa hậu Diễm Hương cùng đông đảo các doanh nhân, chính khách và khách hàng.

Hoành tráng, sang trọng, lại quảng cáo rầm rộ và luôn tạo niềm tin bằng hình ảnh những người nổi tiếng, thương hiệu thời trang Giovanni đã khiến những người ở tỉnh như chị Quỳnh (Đắk Lắk) hoàn toàn tin tưởng, đây là thương hiệu thời trang nổi tiếng ở Ý.

Theo chị Quỳnh, những người ở tỉnh như chị không quá sành sỏi về các thương hiệu thời trang như Hà Nội nên khi Giovanni khai trương lớn như vậy ai cũng tin vào chất lượng của sản phẩm. Trước những lời quảng cáo về thương hiệu mang phong cách Ý, hình ảnh toàn mẫu Tây càng khiến chị muốn chi tiền để được sở hữu các sản phẩm này.

“Hôm đó, tôi còn mua được một đôi giày về cho chồng. Ông ý sung sướng lắm vì là đồ Ý mà. Nếu đây không phải thương hiệu thời trang Ý thì tôi thật sự rất thất vọng”, chị Quỳnh nói.

Luật pháp chỉ ủng hộ nếu đúng luật…

Giovanni là thương hiệu thời trang Ý, sau này được Công ty cổ phần tập đoàn Giovanni mua lại hoàn toàn và trở thành thương hiệu sở hữu của tập đoàn. Nếu câu chuyện đúng sự thật và dừng lại ở đây thì nó là một niềm tự hào khi Việt Nam có thương hiệu thời trang toàn cầu do người Việt sở hữu.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, thực tế lâu nay, doanh nghiệp dệt may và da giày Việt Nam vẫn chỉ làm ở công đoạn có giá trị gia tăng thấp là cắt, may, lắp ráp…theo đơn hàng từ nước ngoài, không chủ động khâu nguyên liệu và thiết kế mẫu mã, thương hiệu riêng, nên lợi nhuận không đáng kể.

Nói cách khác, về cơ bản, hai ngành dệt may và da giầy của Việt Nam còn đang ở giai đoạn gia công, làm thuê và phụ thuộc ý tưởng theo hợp đồng với đối tác ngoại, yếu thế, tự ti, thậm chí đánh mất sự sáng tạo và tự chủ của mình, cũng vì thế chỉ được nhận giá trị gia tăng và lợi nhuận thấp, dễ gặp rủi ro trước các biến động thị trường nước ngoài.

“Có thể thấy, sự kiện tìm kiếm các liên kết và sử dụng những phương thức tư vấn và nhượng quyền thương mại quốc tế, kết hợp với chủ động nghiên cứu, xây dựng và phát triển thương hiệu riêng như cách làm của Giovanni Group là hướng đi đúng, mang tính tiên phong và thể hiện sự nhạy bén, tầm nhìn chiến lược, sự đầu tư nghiêm túc của Giovanni Group nói riêng, của cộng đồng doanh nghiệp Việt nói chung. Tất nhiên, nếu điều này đúng sự thật”, ông Phong nói.

Cũng theo ông Phong, nếu Giovanni có mua lại một thương hiệu thời trang Ý thì đây là một thương hiệu thời trang đáng tự hào và phát triển chuyên nghiệp với hệ thống nhận diện thương hiệu chuẩn mực và đồng bộ.

 Các doanh nghiệp luôn được tự do phát triển nhưng phải trong khuôn khổ của pháp luật.

Đồng quan điểm với chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, ông Nguyễn Sỹ Anh, giám đốc Công ty luật L&P Consulting Law Firm cho rằng, luật pháp Việt Nam luôn tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp Việt được phát triển một cách minh bạch và tốt nhất.

“Các doanh nghiệp hay người dân luôn được tự do phát triển nhưng phải trong khuôn khổ luật pháp quy định. Người Việt có thể sở hữu thương hiệu nước ngoài là điều đáng tự hào, Nhà nước và luật pháp luôn ủng hộ. Nhưng nếu họ có dấu hiệu vi phạm, thì dù họ có mạnh đến đâu, vươn ra thế giới như thế nào cũng phải bị xử lý theo pháp luật”, ông Anh nói.

Theo ông Nguyễn Sỹ Anh, nhiều doanh nghiệp Việt đã lấy cái mác hàng nước ngoài hay thương hiệu nước ngoài để đánh lừa người tiêu dùng. Họ luôn tìm mọi cách để lách luật, trốn thuế, gây nên những hậu quả nghiêm trọng. Chính vì vậy, người dân hãy luôn cố gắng để trở thành người tiêu dùng thông minh, lựa chọn thương hiệu, sản phẩm một cách hiệu quả và xứng đáng với số tiền mình đã bỏ ra.

Khẩu hiệu “người Việt Nam dùng hàng Việt” luôn được người dân rất đề cao và ủng hộ trong những năm qua. Người tiêu dùng sẵn sàng khen ngợi và chi tiền nếu như người Việt tự sản xuất ra những hàng hóa có chất lượng đảm bảo, tốt. Và càng đáng tự hào hơn nếu nó vươn ra được thế giới, sánh vai với năm châu. Giovanni sẽ là “con cưng” của làng thời trang Việt nếu họ kinh doanh trung thực.

Gây dựng thương hiệu vốn đã khó, người Việt làm chủ được thương hiệu quốc tế lại càng hiếm. Nếu thương hiệu Giovanni cũng là giả, thì chẳng khác nào "gáo nước lạnh" dội vào niềm tin người tiêu dùng trong nước. Nhất là khi thương hiệu này từng được người dân tin tưởng, có giá trị và muốn vươn ra quốc tế.