Bài 2: Luật sư phân tích dấu hiệu vi phạm pháp luật về quảng cáo của hãng thời trang Giovanni
Cập nhật lúc: 26/10/2018, 07:00
Cập nhật lúc: 26/10/2018, 07:00
Thương hiệu thời trang Giovanni đang có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.
Lừa dối người tiêu dùng, đánh mất lương tâm người bán hàng nhưng Giovanni lúc nào cũng quảng cáo, kiên định với một mục đích duy nhất: “Tái hiện nét thanh lịch tự nhiên và phong cách Ý tại Việt Nam và Đông Nam Á, bản sắc thương hiệu của Giovanni Group (bao gồm 3 thương hiệu Giovanni Sartoria, Giovanni và GioGio) được xây dựng xung quanh yếu tố tiên quyết là tinh thần của nước Ý (Spirit of Italy). Đó là chất Ý đầy hiện đại, sáng tạo với những tiêu chuẩn quốc tế khắt khe về chất lượng nhưng cũng phóng khoáng về phong cách, hợp với xu hướng phát triển thời đại và luôn phù hợp với mục đích sử dụng của người tiêu dùng".
Khi PV đưa ra câu hỏi về vấn đề quảng cáo không đúng nơi xuất xứ và giá trị của sản phẩm, đánh lừa người tiêu dùng thì đại diện Giovanni vẫn một mực bao biện cho hành vi của mình.
“Chất lượng sản phẩm mới là trên hết, cảm nhận của khách hàng khi dùng sản phẩm mới là câu chuyện chúng ta nên quan tâm. Tại sao không ủng hộ một doanh nghiệp Việt có thể tự mình vươn ra thế giới, mà cứ xoáy sâu vào câu chuyện tên thương hiệu ở đâu”, ông Nguyễn Giang Minh Đức - trưởng phòng truyền thông của Giovanni Group nói.
Theo như Giovanni Group, câu chuyện sản xuất ở nước thứ hai, thứ ba là câu chuyện rất bình thường mà bất kỳ thương hiệu lớn nào trên thế giới cũng làm. Và với họ, sản xuất ở Trung Quốc, Việt Nam hay Thái Lan cũng là lẽ đương nhiên.
Sản phẩm thời trang mang thương hiệu Ý, được thiết kế và sản xuất tại Ý khác hoàn toàn so với tại Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam… vậy mà họ vẫn tự hào rằng, Giovanni đang mang trong mình mang sứ mệnh cao cả, đem tới những sản phẩm tốt nhất, đẳng cấp đến tay người tiêu dùng. Vậy đối với Giovanni, đâu mới là giá trị thực của một thương hiệu?
Việc mà người tiêu dùng cần là sự trung thực trong bán hàng - đó mới là niềm tin bền vững giúp thương hiệu phát triển.
Liên quan tới vấn đề trên, luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law firm, thuộc Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho rằng, để biết chính xác Giovanni Group có vi phạm pháp luật hay không thì cần phải nghiên cứu và có kết luận của cơ quan điều tra.
"Đối với hàng hóa và các sản phẩm dịch vụ, khi quảng cáo phải đảm bảo yếu tố trung thực, không được gây nhầm lẫn, đặc biệt là nhầm lẫn về xuất xứ hàng hóa, về thương hiệu hoặc tên thương mại. Nếu doanh nghiệp vi phạm về điều này là vi phạm về quảng cáo", luật sư Trương Anh Tú nói.
Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội).
Cũng theo luật sư Tú, ở Việt Nam, đã xảy ra nhiều câu chuyện về nhầm lẫn, khi tất cả những hình ảnh, bài viết, nhân vật và diễn viên quảng cáo của doanh nghiệp đều hướng khách hàng nhận định rằng đó là thương hiệu đến từ một nước nổi tiếng trên thế giới. Thực chất, nó chỉ là thương hiệu thuần Việt, bán với giá bán "trên trời" nhiều năm liền. Câu chuyện mập mờ, gây nhầm lẫn, thiếu trung thực của các thương hiệu cần các đơn vị chức năng vào cuộc để điều tra và xử lý nghiêm minh.
Nói rõ hơn về vấn đề này, luật sư Nguyễn Sỹ Anh - Giám đốc Công ty luật L&P Consulting Law Firm cho biết: "Trong trường hợp, cơ quan chức năng vào cuộc và kết luận đúng về vi phạm thì Giovanni sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Nếu Giovanni sai phạm về quảng cáo sẽ là trường hợp quảng cáo sai sự thật. Trong Điều 8, Luật Quảng cáo năm 2012 có quy định rõ: Cấm quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố", ông Sỹ Anh phân tích.
Cũng theo luật sư Nguyễn Sỹ Anh, trong tường hợp này, Giovanni còn có hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động liên quan đến cùng ngành hàng. Khi công ty đưa thông tin gây nhầm lẫn để đánh bật các đối thủ cạnh tranh, người tiêu dùng sẽ chú ý vào họ hơn là các công ty thương mại khác.
Điều 3, Luật Cạnh tranh năm 2018 có nhắc tới “hành vi cạnh tranh không lành mạnh”. Đây là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác.
Ở khía cạnh người tiêu dùng thì họ lầm tưởng Giovanni là thương hiệu của Ý, do vậy quyền lợi của người tiêu dùng không được đảm bảo. Lúc này, công ty có dấu hiệu gian trá và lừa đảo khách hàng.
Trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, có quy định các hành vi bị cấm: Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác. Những vi phạm trên có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Thông thường là phạt tiền và buộc chấm dứt hành vi, vi phạm đó, thậm chí, có thể bị tước giấy phép kinh doanh. Ngoài ra, người tiêu dùng có thể khởi kiện thương hiệu nếu quyền lợi bị xâm phạm.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc...
07:00, 25/10/2018
07:00, 23/10/2018
08:12, 01/08/2018