18/01/2025 | 20:21 GMT+7, Hà Nội

Bài 3: Mang trong mình sứ mệnh cao cả nhưng đề án sữa học đường liệu có khả thi khi thực hiện tại Hà Nội?

Cập nhật lúc: 24/09/2018, 07:00

Hiểu được sứ mệnh cao cả của đề án chương trình Sữa học đường nhưng không ít người lo ngại không biết đề án này có khả thi khi thực hiện tại Hà Nội?

Sữa học đường không phải là một chương trình mới

Tại Việt Nam, vào năm 2006, Bà Rịa – Vũng Tàu là địa phương đầu tiên trên toàn quốc tiên phong triển khai chương trình này và đã đạt được những kết quả tích cực trong việc góp phần thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng và cải thiện thể chất cho thế hệ mầm non của tỉnh.

Tiếp theo đó, sáng ngày 15/9/2014, Bắc Ninh là tỉnh thứ hai tại khu vực phía Bắc triển khai thành công chương trình Sữa học đường. Nối tiếp thành công của hai tỉnh trên, sau Bắc Ninh, chương trình Sữa học đường được tiếp tục triển khai tại tỉnh Đồng Nai.

Hà Nội đang trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu có năng lực, cung cấp đầy đủ sữa cho tất cả các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn.

Tính đến thời điểm hiện tại, đề án Sữa học đường đã được thực hiện thêm tại một số tỉnh như: Nghệ An, Đà Nẵng và mới đây nhất là Hà Nội đang trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu có năng lực, cung cấp đầy đủ sữa cho tất cả các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn. Theo đó, Sữa học đường sẽ có tem mác riêng do Bộ Y Tế cấp phép.

Sứ mệnh cao cả của đề án sữa học đường

Đề án Sữa học đường là chương trình tự nguyện, được áp dụng với các trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học đang theo học tại các cơ sở giáo dục, nhằm giúp cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thông qua hoạt động cho trẻ em uống sữa hàng ngày.

Chương trình mang mục đích mong muốn giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai, đặc biệt là những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn được tiếp cận nguồn dinh dưỡng tốt, nâng cao thể lực và giúp các em phát triển toàn diện hơn.                                                                                                               

Những kết quả thiết thực mà đề án sữa học đường đã mang lại

Mô hình Sữa học đường được tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) thuộc Liên Hiệp Quốc (UN) kêu gọi và ủng hộ, với lịch sử hơn 100 năm tại các nước phát triển và hơn 50 năm tại các nước đang phát triển.

Chương trình Sữa học đường hiện nay đang được lan rộng trên toàn cầu và được đánh giá là có khả năng làm giảm gánh nặng chi phí cho y tế, giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng… 

Không thể phủ nhận rằng, mô hình Sữa học đường đã đem lại những kết quả tích cực khi được hiện thực hóa trên nhiều quốc gia và khu vực, trong đó có Việt Nam.

Chương trình Sữa học đường nếu được triển khai tốt sẽ có tác động rất lớn đối với trẻ em.

Cụ thể, tại buổi khai mạc Ngày hội Sữa học đường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ngày 23/11/2017 ở trường Mầm non Phước Hiệp, ông Đặng Minh Thông - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, chương trình đã được triển khai tại tất cả các trường mầm non trên địa bàn tỉnh, với khoảng 70 ngàn trẻ của gần 170 trường mầm non công lập và tư thục, trẻ dưới 6 tuổi tại các trung tâm bảo trợ xã hội, trẻ từ 3-5 tuổi suy dinh dưỡng ngoài cộng đồng được thụ hưởng.

Không chỉ riêng Bà Rịa – Vũng Tàu, ngay tại Bắc Ninh – nơi đã nhanh chóng triển khai thực hiện chương trình nhằm tiếp nối sự thành công cũng đã đạt được những hiệu quả nhất định,thể hiện rõ thông qua tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm nhanh. Trong năm học 2016-2017, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân nhà trẻ còn 1,6% (giảm 1,16% so với đầu năm học), mẫu giáo còn 2,4% (giảm 2,17%); thể thấp còi nhà trẻ còn 2,9% (giảm 1,19% so với đầu năm học), mẫu giáo còn 3% (giảm 2,8%)…

Có thể nói, những con số bên trên như một minh chứng thể hiện rất rõ hiệu quả của chương trình Sữa học đường, thông qua tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm nhanh. Đây được coi là dấu hiệu tích cực cho đề án này khi triển khai tại Việt Nam.

Đem lại hiệu quả rõ rệt song đề án Sữa học đường liệu có khả thi khi thực hiện tại Hà Nội?

Nhiều người tự hỏi, với những số liệu thể hiện rất rõ sự hiệu quả của đề án Sữa học đường đem lại như vậy, tại sao có rất nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng?

Đúng vậy, người ta không thể phủ nhận những dấu hiệu tích cực của đề án Sữa học đường, thế nhưng, sau một “cú vấp” tại Đồng Nai vào tháng 3/2018 khiến cho 73 học sinh ở trường Mầm non Phú Lộc và trường Tiểu học Phạm Văn Đồng bị ngộ độc nghi do sữa, mọi chuyện đã hoàn toàn thay đổi.

Mặc dù ngay sau đó, Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu các phòng giáo dục tạm dừng đề án Sữa học đường. Các tỉnh khác cũng đã có những cam kết về chất lượng sữa cung cấp cho trẻ uống song vụ việc diễn ra tại tỉnh Đồng Nai vẫn như một ngọn lửa nhen nhóm, tạo lên muôn vàn sự lo âu cho các bậc phụ huynh. Nhiều cha mẹ băn khoăn về việc nên hay không nên quyết định đăng ký cho con trẻ tham gia chương trình này, khi mà thông tin về chủng loại sữa còn chưa rõ ràng.

Không chỉ thế, nhiều phụ huynh thậm chí còn bày tỏ những sự thắc mắc, lo lắng chính đáng về việc sữa học đường có một loại hay nhiều loại để phù hợp với thể trạng của từng trẻ nhỏ, và làm sao để kiểm tra được con họ phù hợp với loại sữa nào để đảm bảo đạt chất lượng tốt nhất ,tránh bị rồi loạn tiêu hoá, dị ứng…

Đành rằng, vấn đề nào rồi cũng có thể có những sai sót và kẽ hở xảy ra không như mong muốn song với bản chất tâm lý dễ bị kích động, hoang mang của người Việt, liệu rằng, sau một sự việc xảy ra gây ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều trẻ em như thế, người ta có thể ngừng lo lắng được hay không?

Chưa kể, trong khi Hà Nội là Thủ đô của Việt Nam – một trong những tỉnh thành có đời sống sinh hoạt cao bậc nhất cả nước, tất cả mọi vấn đề của trẻ nhỏ, từ việc học hành cho đến sức khỏe đều được người dân tìm hiểu một cách kỹ càng với kỳ vọng đáp ứng cho con cái của họ có một cuộc sống tốt nhất.

Dù cuộc sống vô cùng bận rộn và có nhiều mối lo, thế nhưng, những bậc phụ huynh ở thành thị dường như đều cố gắng hết sức để chú tâm đến chất lượng cuộc sống của con em mình nhiều hơn.

Hầu hết, những đứa trẻ ở thành thị đều được uống sữa mỗi ngày – những loại sữa phù hợp với sở thích, sức khỏe của chúng do chính cha mẹ tìm hiểu và tự tay lựa chọn. Vậy thì, liệu rằng, đề án Sữa học đường có được đông đảo phụ huynh chung tay tham gia chỉ để cho con họ được uống sữa mỗi ngày – loại sữa mà ngay đến họ cũng chưa được biết rõ và đảm bảo rằng sẽ không gây ảnh hưởng đến con trẻ, đặc biệt là lại từng xảy ra “sự cố” dù chỉ một lần tại tỉnh Đồng Nai vào đầu tháng 3 năm nay đã khiến cho 73 trẻ bị ngộ độc, gây ảnh hưởng không nhỏ đến thể trạng và sức khỏe của các bé.

Không dừng lại ở đây, nhiều cha mẹ còn tỏ ra e ngại về việc có khả năng một số công ty sữa sẽ lợi dụng đề án này để tiêu thụ sữa gần hết hạn, còn tồn dư…

“Sữa học đường phải có tiêu chuẩn riêng, đảm bảo nguồn sữa tốt nhất. Uống sữa phải uống đúng cách, đúng liều lượng”

Trao đổi với PV, PGS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển tiềm năng con người, cố vấn chương trình Sữa học đường (Bộ GD&ĐT) cho biết: “Chương trình Sữa học đường có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển tầm vóc và trí tuệ trẻ em Việt Nam trong tương lai. Tuy nhiên, uống sữa không phải uống một cách tuỳ tiện mà phải có tiêu chuẩn và liều lượng cụ thể”. 

PGS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh chia sẻ về đề án chương trình Sữa học đường.

Cũng theo ông Nguyễn Võ Kỳ Anh, sữa học đường phải có tiêu chuẩn riêng, tiêu chuẩn ấy phải đồng nhất cho tất cả mọi doanh nghiệp nếu muốn phục vụ sữa học đường. Không những vậy, việc vận chuyển cũng cần đảm bảo về mặt thời gian, cùng với đó là hướng dẫn cách bảo quản sử dụng sữa để nguồn sữa đến với trẻ là nguồn sữa tốt nhất, đúng chuẩn nhất.

Mặt khác, ông Nguyễn Võ Kỳ Anh cũng chia sẻ thêm, chương trình sữa học đường còn tồn tại nhiều khó khăn, ngoài vấn đề về kinh phí, còn là nhận thức của toàn xã hội.

Đề án Sữa học đường dù mang trong mình một sứ mệnh cao cả, với mục đích nhân văn đem lại sự phát triển lành mạnh cho trẻ em cả về thể chất lẫn trí tuệ. Đồng thời còn là mô hình giúp ngành chăn nuôi bò sữa và sản xuất sữa phát triển mạnh mẽ. Thế nhưng, vẫn đòi hỏi sự nhận thức của toàn xã hội một cách nghiêm túc và cao hơn nữa về vấn đề này, cần quản lý chặt chẽ từ khâu lựa chọn đơn vị thầu cung cấp sữa cho trẻ đến tinh thần của nhà sản xuất sữa. Đồng thời, nâng cao tinh thần vì trẻ em – vì thế hệ “vàng” tương lai của đất nước. Đẩy mạnh trách nhiệm vì cộng đồng thì đề án mới mong giảm thiểu bớt rủi ro . Từ đó sẽ giúp nhận được sự chung tay, đồng lòng của các bậc phụ huynh trên cả nước.