Bài 2: Giảm giá sốc: “Con dao hai lưỡi” gây hại cho Go-Viet
Cập nhật lúc: 21/09/2018, 07:21
Cập nhật lúc: 21/09/2018, 07:21
Sau vụ thôn tính Uber của Grab, nhiều người nghĩ rằng hãng này sẽ giữ thế độc tôn trong lĩnh vực gọi xe trực tuyến. Tuy nhiên, với sự vận hành của công nghệ 4.0 trong xã hội hiện nay, nhiều hãng mới ra đời và thị phần gọi xe công nghệ đang bị san sẻ ít nhiều.
Trong cuộc đua khốc liệt nhất của những ông lớn mở siêu ứng dụng, có thể nói rằng, Go-Viet và Grab đang "vững tay chèo", còn những ứng dụng khác như FastGo, Vato, Aber, Mai Linh chưa thể là lựa chọn ngang tầm với Grab.
Ra mắt đầu tháng 8 tại TP.HCM, Go-Viet đã tỏ tham vọng “càn quét” thị trường khi chạy chương trình ưu đãi kịch sàn với đồng giá 5.000 đồng cho lộ trình dưới 8km.
Tuy nhiên, nhiều khách hàng phàn nàn rằng rất khó để đặt xe qua ứng dụng này khi thường xuyên gặp phải tình trạng không tìm thấy tài xế hoặc tài xế ở quá xa. Nhiều khách cho biết, họ cũng muốn trải nghiệm ứng dụng mới nhưng mãi không đặt được xe nên cũng chẳng biết phải nhận xét thế nào, mà tâm lý người Việt đã thử một lần không được thì khó có lần sau.
Điều này cũng dễ hiểu bởi Go-Viet mới chỉ phủ sóng ở một số quận nội thành gồm quận: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 10, 11, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh và khi tiến ra thị trường Hà Nội cũng rất giới hạn.
Nhưng chương trình khuyến mãi đồng giá 5.000 đồng cũng chỉ áp dụng chưa đầy 1 tháng sau đó tăng lên 9.000 đồng.
Việc ứng dụng gọi xe này đổi giá quá nhanh so với tuyên bố khi vừa đặt chân đến Việt Nam khiến nhiều khách hàng sốc. Hãng này cứ như thể một chàng thanh niên mới lớn, dùng chiêu mật ngọt để “dụ” các cô gái mới quen rồi sau đó bỏ bê, hiện hình thành anh chàng họ Mã không hơn không kém.
Giá cả không phải là duy nhất và chưa hẳn giảm sâu đã chiếm được lòng tin khách hàng, bởi thời đại ngày nay khách hàng rất thông minh và tỉnh táo. Không phải khách nào cũng thấy hào hứng với chương trình giảm giá sốc của Go-Viet khi nhiều người cho rằng, cần thời gian để nhận định chất lượng chứ không phải một sớm một chiều tin vào những chiêu khuyến mãi “phủ đầu” đối thủ. Một doanh nghiệp khi mới xâm nhập thị trường dùng chiêu giành thị phần là điều dễ hiểu, nhưng để duy trì được thị phần mới là điều khó.
Mới đầu, Go-Viet hứa hẹn miễn phí toàn bộ đồng phục gồm mũ bảo hiểm, áo khoác cho các tài xế mới; không thu chiết khấu trong thời hạn 6 tháng với các tài xế đăng ký ở đợt đầu tiên và hỗ trợ thêm phí cho tài xế cho mỗi chuyến... Tuy vậy, hầu hết tài xế đăng ký những ngày đầu chỉ được phát mũ bảo hiểm có logo, còn lại chưa được phát áo mưa, áo đồng phục. Có người được cấp tài khoản Go-Viet vẫn dùng đồng phục cũ của Grab để chạy xe.
Điều này đặt ra câu hỏi, Go-Viet đã đủ tiềm lực tài chính để bước ra một thị trường đầy thách thức khi đang có một “cây đại thụ” như Grab đứng sừng sững và hàng loạt các ứng dụng gọi xe khác đang hoạt động rất tích cực trên thị trường?
Phần mềm quản lý của Go-Viet cũng lộ ra nhiều điểm khuyết sau khi hãng này tung chiêu chèo kéo các tài xế về nhà mình. Cụ thể, mỗi tài xế có tổng cộng 9 cuốc xe sẽ được thưởng 220.000 đồng. Chính vì món hời trước mắt này mà các tài xế đã tìm cách trục lợi, đặt cuốc ảo để kiếm tiền từ ông chủ của mình, rồi họ lại bị chính ông chủ của mình khóa tài khoản không thương tiếc.
Go-Viet thể hiện, ngay những ngày đầu tài xế mới bắt đầu "chập chững" đã không cùng họ đi theo con đường dài. Khi những đứa "con thơ" mắc sai lầm là ngay lập tức phạt nặng mà chẳng cần ra biện pháp "uốn nắn". Như vậy, chiến lược marketing ban đầu của hãng này vẫn còn rất “non tay”, chưa suy tính kỹ và nó trở thành “con dao hai lưỡi” khiến Go-Viet phải buộc lòng xử lý hậu quả một cách thiếu chuyên nghiệp khiến bao nhiêu công sức xây dựng hình ảnh biến mất trầm trọng trong mắt cả tài xế và khách hàng.
Sau những động thái mạnh tay của Go-Viet, các hãng khác như Grab vẫn “bình chân như vại” và cho thấy tiềm lực của kẻ đứng đầu thị trường khi phản ứng rất nhanh, thậm chí còn giảm giá mạnh tay hơn đối thủ nhằm triệt tiêu thị phần nhỏ mà Go-Viet mới giành được.
Nếu Grab không tung chiêu khuyến mãi đón đầu đợt sóng giảm giá mạnh của Go-Viet thì với lực lượng tài xế hùng hậu (150.000 tài xế so với 25.000 tài xế của Go-Viet), hãng này hoàn toàn có thể đánh bại được mẹo vặt của chàng tân binh còn non nớt mới đặt chân vào thị trường.
Grab cũng “từ chối bình luận về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp khác” và nhấn mạnh: “Hoạt động kinh doanh của Grab vẫn đang tăng trưởng ổn định” như một lời khẳng định Grab là "cây đại thụ" ở thị trường Việt trong lĩnh vực gọi xe trực tuyến, dễ gì đối thủ nào đánh bại.
Nhớ lại lời của nhà đồng sáng lập Grab - bà Tan Hooi Ling đã từng phát biểu với giới báo chí rằng: “Grab muốn có nhiều đối thủ cạnh tranh để có các bài học, nâng cao chất lượng”. Như vậy, Grab luôn sẵn sàng với những đối thủ mới, họ cũng luôn kỳ vọng về một thị trường sôi động chứ không ôm trong mình thế độc tôn, để có thể tự cải thiện bản thân và mang đến cho khách hàng những dịch vụ tốt nhất.
Một ứng dụng gọi xe trực tuyến mới ra đời là FastGo cũng vậy, dù là một hãng xe còn non trẻ ra mắt thị trường đầu tháng 6 nhưng hãng này đã định hướng con đường đi cho riêng mình là duy trì lợi thế cạnh tranh lành mạnh với đối thủ để đem lại dịch vụ tốt nhất cho khách hàng trên chính quê hương mình.
Trong chương trình “Quốc gia khởi nghiệp” phát ngày 15/9 vừa qua, CEO của FastGo cho biết, họ tôn trọng tất cả các đối tác bằng cách tạo ra cơ chế chính sách khiến cả đôi bên đều vui vẻ và hạnh phúc, không tạo ra áp bức hay sự khó chịu nào đối với lái xe. Chỉ như vậy thì cả tài xế và khách hàng đều được lợi đồng thời chính FastGo cũng nhận được lợi nhuận hơn.
Đối với những startup chưa chuẩn bị đủ nguồn lực tài chính, nhân sự và công nghệ, trước sức ép thị trường sẽ khó lòng theo được lâu dài trong cuộc chiến công nghệ đang rất cam go và gay cấn hiện nay.
14:20, 19/09/2018
13:01, 19/09/2018
08:45, 19/09/2018
07:40, 13/09/2018
11:19, 31/08/2018