19/01/2025 | 06:03 GMT+7, Hà Nội

Những con số biết nói về thủ thuật tiêm filler đang "làm mưa làm gió"

Cập nhật lúc: 01/12/2018, 06:01

Thủ thuật tiêm filler làm đẹp thường được xem là an toàn và hiệu quả nhanh, chi phí rẻ và ít đau đớn hơn phẫu thuật thẩm mỹ nhưng không phải mũi tiêm nào cũng an toàn và hiệu quả.

Tiêm filler làm đẹp cùng với các công nghệ như phi kim, tiêm mỡ tự thân, tiêm Botox được xem là thủ thuật thẩm mỹ không xâm lấn tối thiểu có xu hướng phát triển mạnh trong những năm gần đây. 

Các loại thủ thuật thẩm mỹ không xâm lấn này được xem là an toàn và hiệu quả nhanh, chi phí rẻ và ít đau đớn hơn phẫu thuật thẩm mỹ nhưng biến chứng của chúng không phải là ít.

Số ca biến chứng vì tiêm filler làm đẹp

Theo thống kê của Hiệp hội Phẫu thuật Mỹ, năm 2010 có đến 1,8 triệu ca phẫu thuật tiêm chất làm đầy, đến năm 2016 tăng lên 2,6 triệu ca. Các ca tiêm filler tập trung phổ biến cho nâng ngực, thon gọn cằm, nâng mũi, sửa mí và căng da mặt.

Các nhà nghiên cứu Mỹ đã phân tích 1.748 vụ kiện cáo liên quan đến biến chứng vì tiêm filler từ năm 2014 đến 2016. Số liệu cho thấy, các biến chứng thường gặp nhất là sưng, nhiễm trùng, nổi u và đau nhức, trong đó 43% xuất phát từ tiêm đầy má và 30% làm dày môi.

Một trong những ca biến chứng kinh hoàng của tiêm filler.

Một trong những ca biến chứng kinh hoàng khi tiêm filler

Trong khi đó, nước Anh công bố số liệu số ca tiêm filler là 1.000 vụ năm 2017 và tăng gấp đôi 2016.

Tuy nhiên, đáng tiếc thay, theo điều tra của tờ báo hàng đầu nước Anh MailOnline, 80% số ca tiêm filler đều không thành công hoặc xảy ra biến chứng vì bác sĩ không có bằng cấp về lĩnh vực này.

Còn theo một nghiên cứu được công bố năm ngoái trên tạp chí The Journal of Clinical and Aesthetic Dermatology của Mỹ, cho đến năm 2017 ở nước này đã có tổng cộng 50 trường hợp mù mắt vì tiêm filler “rởm”. Năm 1980 ghi nhận 4 trường hợp mù mắt, đến năm 2000 con số đó tăng lên là 16.

Càng ngày các ca biến chứng của tiêm filler ngày càng tăng. Những con số trên đủ để thấy rằng, thủ thuật tiêm filler hoàn toàn không đơn giản và dễ dàng như lời quảng cáo của nhan nhản những cơ sở thẩm mỹ gần đây.

Hiệu quả tiêm filler chỉ được thời gian ngắn

Axit hyaluronic (HA) hiện đang là chất độn dùng để tiêm filler phổ biến nhất. Nó có tuổi thọ khoảng 6 tháng, nhưng còn phụ thuộc rất nhiều vào kích thước phân tử, vùng tiêm…Ví như tiêm vào vùng mí mắt thì có thể bị sưng do tính chất hút nước của HA.

Filler chỉ có tác dụng làm đẹp trong thời gian ngắn.

Filler chỉ có tác dụng làm đẹp trong thời gian ngắn

Nếu tiêm trong dung lượng cho phép nhất định HA sẽ có hiệu quả trong 3-6 tháng. Sau đó chất làm đầy sẽ tự tan dần trong cơ thể. Nếu như bạn muốn tác dụng của tiêm filler lâu dài thì phải đi “bảo dưỡng” thường xuyên, ít nhất 2 lần/năm.

Còn đối với chất làm đầy là collagen thì có vẻ hợp với cơ thể hơn. Tuy nhiên, nó cũng gây ra các phản ứng viêm từ nhẹ đến nặng. Tiêm collagen cũng chỉ có hạn sử dụng từ 4 - 7 tháng.

Đối với loại tiêm mỡ tự thân, là lấy chất béo chỗ nào để tiêm đầy vào chỗ khác thì tuổi thọ phụ thuộc vào các phương pháp xử lý chất béo và chất lượng mỡ. Nếu như là chất béo xấu thì khả năng biến chứng cao hơn. Đối với chất béo tốt cũng chỉ có tuổi thọ khoảng 3-4 tháng.

Như vậy là tất cả các loại tiêm filler đều có hạn sử dụng tương đối ngắn ngủi. Đó là đối với các chất tiêm làm đầy chất lượng. Còn đối với các chất tiêm "rởm" không đạt chuẩn thì tuổi thọ hiệu quả tiêm filler bị rút ngắn đi rất nhiều tùy vào biến chứng.

Tiêm filler giá rẻ không chất lượng

Mặc dù được coi là thủ thuật đơn giản và nhanh gọn nhưng nó cũng phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn về tay nghề và chất lượng của chất tiêm.

Khách hàng nên cân nhắc với dịch vụ tiêm filler giá rẻ

Khách hàng nên cân nhắc với dịch vụ tiêm filler giá rẻ

TS. BS. Phạm Cao Kiêm (Trưởng Khoa Thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, Bệnh Viện Da liễu Trung ương) trả lời trên báo Kiến Thức rằng: "Những sản phẩm filler giá dưới 3 triệu đồng chỉ có thể là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có kiểm định chất lượng. Vì vậy chị em tuyệt đối không nên ham rẻ mà sử dụng những sản phẩm làm đẹp không những không đẹp lên mà còn rước họa vào thân".

Tuy rằng không phải thật đắt là tốt nhưng phái đẹp cũng không nên ham rẻ quá mà quên đi chất lượng thật sự.

Tính đến 28/3/2018 chỉ có ba thương phẩm làm đầy là Restylane (Thụy Sĩ, điều chế từ 1966), Juverderm (Mỹ) và e.p.t.q (Hàn Quốc) được Bộ Y tế cấp phép. 

Chính vì yêu cầu khắt khe nhằm hạn chế tai biến theo đúng chuẩn của FDA mà giá của filler chính hãng dao động từ 500 - 1.000USD/ml, tùy loại filler chính hãng sử dụng cho từng loại vị trí khác nhau; nâng mũi, phải tốn 500 - 1.000USD, nâng ngực phải mất khoảng 8.000USD... 

Trong khi đó, rất nhiều cơ sở thẩm mỹ lại rao giá rất rẻ, có nơi chỉ bằng 1/10 giá trên. Vậy liệu những lọ tiêm làm đầy đó liệu có thực sự chất lượng?