An Phú Farm và hành trình 7 năm mở trang trại nuôi heo trùn quế
Cập nhật lúc: 25/06/2021, 16:51
Cập nhật lúc: 25/06/2021, 16:51
Trước tâm lý dè chừng của người tiêu dùng khi mua thịt heo vì e ngại các loại thuốc kháng sinh, thuốc tăng trọng, năm 2015, anh Dương Hiển Tú - Giám đốc cửa hàng thực phẩm hữu cơ An Phú Farm mạnh dạn mở trang trại chăn nuôi heo trùn quế. Đây là cửa hàng tiên phong trong việc tự sản xuất thực phẩm từ trang trại để cung cấp đến tay người tiêu dùng.
Thịt heo trùn quế: Từ nông trại xanh đến nguồn đạm lành
Theo khảo sát của PV, tại 10 cửa hàng thực phẩm hữu cơ lớn ở TP. Đà Nẵng, đa phần bán thịt heo thảo mộc, thịt heo Eco Pig thì An Phú Farm (Cty TNHH MTV Nông trại An Phú) lại khẳng định thương hiệu khi chọn một lối đi riêng, thông qua việc dùng trùn (giun) quế để nuôi heo. Sau nhiều năm ở Hàn Quốc học về chăn nuôi hữu cơ, anh Dương Hiển Tú - Giám đốc cửa hàng thực phẩm hữu cơ An Phú Farm đã chọn theo đuổi đam mê sản xuất nông nghiệp hữu cơ từ trùn quế.
Trùn quế là loài có hàm lượng protein và đạm cao, giàu nguyên tố vi lượng, hội đủ 12 loại axit amin và nhiều loại vitamin, chất khoáng cần thiết giúp heo tăng sức đề kháng và lớn nhanh. Với sự phong phú về Vitamin A, E, C và các vi lượng khoáng chất nên khi ăn thịt heo nuôi từ trùn quế sẽ tốt cho sức khỏe của con người.
Trải qua gần 7 năm nuôi heo trùn quế, hiện nay, nông trại của An Phú Farm gồm 3 cơ sở: Tại xã Hòa Phú - huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) có diện tích 5.000m2, gồm 17 chuồng nuôi khoảng 200 con heo; tại huyện Thăng Bình (Quảng Nam) có quy mô 300 con heo và huyện Đại Lộc (Quảng Nam) nuôi theo mô hình hộ gia đình với diện tích 40m2 gồm 4 chuồng.
Ở mỗi giai đoạn, tùy theo thời gian nuôi mà trang trại sẽ có chế độ dinh dưỡng khác nhau, nhưng tựu trung là thức ăn của heo không nấu lên như phương pháp truyền thống mà cám heo sẽ được ủ men vi sinh cho đến khi chín, có mùi thơm ngậy sau đó mang ra trộn với trùn quế, ngũ cốc, rau lang, cây chuối băm nhỏ, đậu nành...
Ngoài ra, để tăng sức đề kháng và sức khỏe cho heo trong khẩu phần ăn còn có những loại thảo mộc như: Gừng, sả, nghệ, tỏi... hay chè xanh, nước kẹo đường giúp cho heo kích thích thèm ăn và thúc đẩy quá trình tiêu hóa. Thức ăn từ thảo mộc còn được coi như là một loại kháng sinh cho heo giúp kháng khuẩn do vi khuẩn gây ra. Từ đó, chất lượng và năng suất của thịt của được cao hơn.
“Thức ăn tự chín bằng công nghệ ủ men vi sinh, nên có mùi thơm và chất dinh dưỡng cao. Heo được cho ăn 3 bữa/ngày. Trong đó, bữa sáng và tối cho thức ăn trộn sẵn, buổi trưa nhiệt độ cao nên sẽ bổ sung rau, chất xơ, các loại thảo mộc để heo có đầy đủ chất, thời gian còn lại cho heo vui chơi, thả rông. Với các loại thảo mộc, giúp tạo sức đề kháng lâu dài cho heo, ví dụ vào mùa lạnh trời hay mưa cho heo ăn lá Hoàng Ngọc, chuyên trị đau bụng, hay trong đệm lót sinh học, vi sinh vật phát triển tạo vi sinh vật có lợi”, anh Dương Hiển Hiếu - chuyên viên nông nghiệp An Phú Farm, chia sẻ.
Hiện nay, nông trại An Phú Farm đã tự chủ được 70% nguồn thực phẩm nuôi heo. Đặc biệt là với nguồn giun quế, trang trại nhập từ cơ sở nuôi giun của anh Võ Văn Trúc (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), một người có kinh nghiệm dày dặn trong chăn nuôi, có cơ sở chuyên nuôi trùn quế với diện tích khoảng 600m2 cho năng suất 50kg/ngày để đảm bảo chất lượng và nguồn cung thực phẩm cho heo.
Phòng trường hợp xấu nhất như: Thiên tai, thời tiết thất thường ảnh hưởng đến năng suất trùn quế, An Phú Farm nhập nguồn giun quế từ huyện Củ Chi (TP.HCM). Không chỉ vậy, nguồn phân từ trùn quế rất giàu chất dinh dưỡng nên đã được tái sử dụng để trồng rau, củ tại nông trại.
Anh Võ Văn Trúc, người được mệnh danh là “vua” trùn quế Quảng Nam chia sẻ: “Ở Việt Nam, các hộ chủ yếu nuôi trùn nước, nhưng anh nuôi trùn khô nên cho năng suất cao, sạch sẽ, phân trùn được phân phối đi khắp nơi nhưng con trùn quế hiện nay chỉ cung cấp cho nông trại An Phú Farm để chăn nuôi heo”.
Với các loại rau, An Phú Farm đã dành 500m2 trồng rau lang để làm thức ăn hàng ngày cho heo, các loại thảo mộc, cây chuối cũng được trồng ngay chính nông trại. Một số ít thực phẩm nông trại chưa có như cám bắp thì sẽ được nhập từ huyện Đại Lộc, thị xã Điện Bàn, giống bắp được chọn phải là giống không bị biến đổi gen, giống thuần Việt Nam.
Giống heo được chọn là giống F1 do tập đoàn Quế Lâm - nơi có trang trại nuôi heo hữu cơ tập trung với quy mô lớn tại TP. Huế cung cấp, có lưu nguồn gốc và gắn số vào tai để tiện theo dõi. Số ít lấy giống từ trang trại ở xã Hòa Phú có nuôi con cái để sinh sản ra heo con. Nguồn nước tại trang trại có giếng ngầm sâu 50m đạt tiêu chuẩn nước tiêu dùng trong sinh hoạt.
Quy trình chăm sóc đặc biệt ở điểm môi trường luôn sạch sẽ, thoáng mát, áp dụng công nghệ đệm lót sinh học không có mùi hôi, dưới đệm phủ một lớp mùn cưa dày khoảng 40cm được phun men vi sinh giúp phân tiêu hủy dễ dàng và bảo vệ môi trường, thường xuyên cho heo vận động bằng cách tắm bùn, thả rông.
Khoảng 2 -3 tuần trước khi xuất chuồng tần suất vận động sẽ nhiều hơn để giúp thịt săn chắc, mỡ heo khi chế biến giòn, heo khỏe mạnh. Vì vậy, với quy trình nuôi heo công nghiệp chuồng 20m2 nuôi được 20 con heo một năm cho ra 4 lứa như thế, trọng lượng có thể lên đến 100kg thì nuôi heo hữu cơ trùn quế 1 năm cho 2 lứa trọng lượng trung bình khoảng 50kg/con.
“Đặc điểm của thịt heo trùn quế là lớp mỡ trắng, thịt dày, da đỏ, khi luộc không có bọt đen, tồn chất, còn heo trùn quế luộc nước trong, mùi thơm, khi ăn cảm mỡ giòn, ko mềm quá, thịt vị ngọt thanh”, anh Dương Hiển Hiếu cho biết thêm.
Hướng tới những “bàn ăn hữu cơ”
Thị hiếu của người tiêu dùng đối với thịt heo trùn quế ngày càng tăng, nếu vào năm 2016 trung bình mổ 3 - 4 con/ tuần thì hiện nay tăng gấp đôi từ 7 - 8 con/ tuần, sức mua khoảng 100kg/1 ngày. Đặc biệt, vào dịp lễ tết là 200 - 300kg tập trung vào các sản phẩm là: †hịt sườn, ba chỉ.
Mỗi ngày, tại trang trại cho xuất chuồng từ 1 - 2 con, thực hiện mổ treo tại lò mổ Hòa Xuân - nơi có quy mô lớn nhất của TP. Đà Nẵng, khi mổ xong thịt được đưa ngay về phòng sơ chế của cửa hàng và bảo quản trong tủ lạnh từ 0 - 4 độ C. Đến 6 giờ sáng mỗi ngày đã có thịt heo tươi ngon bày trong cửa hàng.
Thịt heo trùn quế là nguyên liệu chính trong nhiều món ăn được cửa hàng An Phú Farm chế biến như: Bánh gói, bánh chưng, bánh bao, dồi heo, thịt heo viên, thịt xíu, da heo...
Nếu so sánh về giá cả thịt heo thì thịt heo trùn quế đắt hơn thịt heo thông thường từ 30 - 50%. Lý giải nguyên nhân này, anh Dương Hiển Tú cho biết, trong ngành thực phẩm có một khái niệm là “thực phẩm rỗng”, đây là những thực phẩm bên trong chứa lượng giá trị dinh dưỡng thấp hoặc dinh dưỡng “rỗng”.
Ví dụ cùng một bó rau, một bó mua giá 5.000 đồng và một bó mua với giá 15.000 đồng, nhưng bó rau đầu tiên là thực phẩm “rỗng” không có dinh dưỡng và ngược lại bó rau thứ 2 có đầy đủ dinh dưỡng của rau, thì bó rau thứ 2 sẽ rẻ hơn bó rau thứ nhất. Vì vậy, không chỉ dựa vào giá cả để so sánh sự đắt hay rẻ của một thực phẩm. Từ đó, thịt heo trùn quế như quy trình và cách chăm sóc nêu trên cũng như nguồn dinh dưỡng người tiêu dùng nhận được là một cái giá hợp lý.
Theo anh Dương Hiển Tú, hiện nay nhiều người đánh vào tâm lý người tiêu dùng là thích thịt heo nạc trong khi bản chất của heo lại là lớp mỡ dày, nên đã cho heo ăn chất tạo nạc rất nguy hiểm đối với sức khỏe người tiêu dùng. Từ đó, đánh mất niềm tin với khách hàng. Hơn hết, khi chọn thịt heo, tâm lý của người tiêu dùng hiện nay quan tâm đến 3 điều: Heo được chăn nuôi theo quy trình như thế nào? Có an toàn không? Thịt có ngon không? Vì vậy, phải chinh phục được cả sự an tâm và vị giác của khách hàng. Vị giác thì có thể cảm nhận được, nhưng sự an tâm là câu chuyện của niềm tin.
Vì vậy, để người tiêu dùng tin tưởng và chọn lựa về một chuỗi cửa hàng sạch từ nông trại đến bàn ăn, trong tương lai gần, An Phú Farm sẽ số hóa quy trình chăn nuôi, thông qua việc lắp đặt hệ thống điện tử để người tiêu dùng theo dõi nhật ký nuôi heo: Ngày hôm nay heo ăn gì, được chăm sóc ra sao cũng sẽ được cập nhật vào nhật ký điện tử. Khách hàng tra cứu thông tin bằng cách quét mã sản phẩm trên ứng dụng sẽ truy cập được nhật ký chăn nuôi.
Với mong muốn cung cấp những thực phẩm tự sản xuất - tự chăn nuôi, kế hoạch dài hơi của cửa hàng An Phú Farm là mở rộng trang trại ở các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Tháp và Đồng Nai để làm phong phú và tạo chất lượng cho sản phẩm. Từ đó, tạo đà để mở thêm nhiều chuỗi cửa hàng cung cấp cho người dân mọi miền những thực phẩm an toàn và chất lượng.
Gần 7 năm trôi qua, với một chuỗi cửa hàng thực phẩm chọn tự sản xuất - tự chăn nuôi là một hành trình dài đầy thử thách, trải qua không ít khó khăn. Mặc dù đã làm chủ được quy trình từ chọn con giống cho tới chăn nuôi nhưng có những rủi ro không thể tránh khỏi…
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức” với niềm đam mê sản xuất nông nghiệp hữu cơ, cùng sự sát cánh của những nông dân giàu kinh nghiệm và sự đồng hành của các cán bộ VietGap, Chi cục Thú y tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Đà Nẵng, Quảng Nam… đã giúp anh Dương Hiển Tú viết tiếp câu chuyện tự sản xuất - tự chăn nuôi vào thương hiệu: An Phú Farm - cửa hàng thực phẩm hữu cơ “từ nông trại đến bàn ăn”.
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/an-phu-farm-va-hanh-trinh-7-nam-mo-trang-trai-nuoi-heo-trun-que-20201231000002923.html
09:58, 09/06/2021
09:40, 18/11/2020
07:15, 02/04/2020
14:15, 21/11/2019
19:00, 22/10/2019