19/01/2025 | 15:22 GMT+7, Hà Nội

8 vấn đề môi trường cấp thiết cần được ưu tiên giải quyết?

Cập nhật lúc: 12/10/2021, 11:45

Bảo vệ môi trường đang là vấn đề cấp thiết cần được ưu tiên giải quyết, nhằm bảo vệ và phát triển môi trường sống của toàn xã hội.

Nguy cơ mất rừng và tài nguyên rừng đang đe dọa cả nước

Thực tế nạn chặt phá rừng đã khiến nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt, đồng thời xảy ra ở nhiều khu vực. Mất rừng được coi là một thảm họa quốc gia.

Những năm gần đây, diện tích rừng tự nhiên ở Việt Nam ngày càng suy giảm nhanh, chất lượng rừng suy thoái nặng nề. Trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, tổng diện tích rừng bị thiệt hại ước tính hơn 22.800 ha, trong đó, diện tích rừng bị cháy khoảng 13.700 ha, còn lại do bị chặt phá trái phép. Bình quân mỗi năm, Việt Nam suy giảm khoảng 2.500 ha rừng. 

Sự suy thoái nhanh của chất lượng đất và diện tích đất canh tác

Sa mạc hóa và suy thoái đất là vấn đề có quy mô toàn cầu, có ảnh hưởng lớn và nghiêm trọng đến phát triển bền vững, an toàn sinh thái, an ninh xã hội và an ninh lương thực…

Theo GS.TS Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), ở Việt Nam hiện nay, suy thoái đất được phân chia thành 4 mức độ.

Cảnh đồng ruộng khô nứt nẻ ở Nghi Lộc, Nghệ An. (Ảnh: Báo Giao thông)
Cảnh đồng ruộng khô nứt nẻ ở Nghi Lộc, Nghệ An. (Ảnh: Báo Giao thông)

Đầu tiên là nhóm diện tích đất có nguy cơ suy thoái, khoảng 6,7 triệu ha. Tiếp theo là nhóm diện tích đất có dấu hiệu suy thoái, khoảng 2,4 triệu ha. Thứ 3 là nhóm diện tích đất đã bị suy thoái, khoảng 1,3 triệu ha. Cuối cùng là nhóm diện tích sa mạc, hình thành từ nhóm thứ 3, hiện nay có diện tích không đáng kể.

Sa mạc hóa ngày nay lan rộng không chỉ ở vùng khô hạn mà còn lan ra ở vùng mưa và ẩm, do việc sử dụng tài nguyên đất không hợp lý. 

Tài nguyên biển, đặc biệt là tài nguyên sinh vật biển ở ven bờ đã bị suy giảm đáng kể

Theo Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016-2020, tài nguyên biển đang bị khai thác quá mức, thiếu tính bền vững. Ước tính, cỏ biển trên toàn vùng biển nước ta từ Quảng Ninh đến Hà Tiên đã mất khoảng 40 - 60%; rừng ngập mặn mất đến 70% và khoảng 11% các rạn san hô đã bị phá hủy hoàn toàn, không có khả năng tự phục hồi.

Những cánh rừng ngập mặn nguyên sinh hầu như không còn. Sự suy giảm trầm trọng diện tích rừng ngập mặn đã kéo theo sự suy giảm đa dạng sinh học biển, đặc biệt mất bãi sinh sản và nơi cư ngụ của các loài thủy sinh.

Đáng lưu ý, hệ sinh thái thảm cỏ biển là một trong những hệ sinh thái biển quan trọng, nhưng hiện nay đang đứng trước nguy cơ bị tổn thương và suy thoái. 

Bên cạnh đó, trong vòng hơn 20 năm qua, Việt Nam đã mất 12% số rạn san hô; 48% số rạn san hô khác đang trong tình trạng suy thoái nghiêm trọng. Diện tích các rạn san hô bị mất, tập trung chủ yếu ở các vùng có dân cư sinh sống như Vịnh Hạ Long, các tỉnh ven biển miền Trung và một số đảo có người sinh sống nhiều nơi độ phủ giảm trên 30%. Sự suy giảm diện tích và những tổn thương của nhiều rạn san hô làm suy giảm đa dạng sinh học, sinh thái và chất lượng môi trường biển; thiệt hại cho ngành du lịch, thủy sản và sinh kế của các cộng đồng vùng ven biển.

Tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, tài nguyên sinh vật, các hệ sinh thái... sử dụng không hợp lý

Do quản lý thiếu đồng bộ, công nghệ khai thác lạc hậu, nhất là việc khai thác, sử dụng nhiều nhóm tài nguyên chưa hợp lí… đang là những nguyên nhân dẫn đến lãng phí nguồn lực quốc gia, tài nguyên bị suy thoái, cạn kiệt, đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước.

Hoạt động khai thác cát sỏi trái quy định vẫn diễn ra tràn lan.
Hoạt động khai thác cát sỏi trái quy định vẫn diễn ra tràn lan.

Theo đó, các loài sinh vật quý hiếm đứng trước nguy cơ tuyệt chủng rất cao. Ở Việt Nam có khoảng 100 loài thực vật và gần 100 loài động vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Bên cạnh đó, tài nguyên khoáng sản đang dần cạn kiệt sau việc khai thác quá mức và sử dụng lãng phí. Tài nguyên đất cũng đang gặp rất nhiều khó khăn như đất nông nghiệp đang bị chuyển dần qua đất phục vụ cho công nghiệp và dịch vụ, đất bị nhiễm mặn, bị sa mạc hóa ngày một tăng… 

Ô nhiễm môi trường, trước hết là môi trường nước, không khí và đất ở mức trầm trọng

Tình trạng ô nhiễm môi trường tiếp tục diễn biến phức tạp, với nhiều điểm nóng, chất lượng môi trường nhiều nơi suy giảm mạnh. Đáng lo ngại, các sự cố môi trường tiếp tục gia tăng nghiêm trọng, nhiều vụ ảnh hưởng trên phạm vi rộng, diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho công tác quản lý và khắc phục hậu quả. Nhiều vấn đề về vệ sinh môi trường phức tạp đã phát sinh ở các khu vực thành thị, nông thôn.

Mặt khác, hiện chất lượng không khí ở các đô thị, nhất là các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM có xu hướng giảm và ngày càng nghiêm trọng. Với sự gia tăng các nguồn ô nhiễm không khí, chất lượng không khí vượt ngưỡng cho phép đã ảnh hưởng lớn đến đời sống và sức khỏe người dân. Trong khi đó, chất thải rắn sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn; Tỉ lệ chôn lấp chiếm hơn 70%, chủ yếu là không hợp vệ sinh; vẫn còn gần 36,5% chất thải sinh hoạt khu vực nông thôn chưa được thu gom, xử lý… 

Tác hại của chiến tranh, đặc biệt là các hóa chất độc hại

Chiến tranh đã qua đi nhưng hậu quả của nó cực kỳ nghiêm trọng đối với môi trường thiên nhiên và con người Việt Nam.

Khoảng 86% lượng chất độc đã được phun rải lên các vùng rừng rậm; 14% còn lại được dùng để phá hủy ruộng vườn, hoa màu, chủ yếu là đồng lúa và nương rẫy ở các vùng đồi núi. Diện tích rừng ngập mặn bị ảnh hưởng chất độc hóa học là 150.000 ha, điển hình là khu rừng ngập mặn ở Cà Mau.

Chất độc màu da cam có chứa dioxin được phun trên một khu vực rừng rậm ở ĐBSCL.
Chất độc màu da cam có chứa dioxin được phun trên một khu vực rừng rậm ở ĐBSCL.

Với một lượng khổng lồ chất độc hóa học phun rải lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, môi trường bị ô nhiễm nặng nề, các hệ sinh thái bị đảo lộn, nhiều loài thực vật và động vật bị tiêu diệt. Do rừng bị tàn phá nặng nề nên chức năng bảo vệ môi trường của rừng phòng hộ đầu nguồn của 28 lưu vực sông cũng bị phá vỡ, gây nhiều thiệt hại rất lớn đến nền kinh tế.

Gia tăng dân số quá nhanh trên cả nước

Việc phân bố không đồng đều và không hợp lý lực lượng lao động giữa các vùng và các ngành khai thác tài nguyên là những vấn đề phức tạp nhất trong quan hệ dân số và môi trường.

Cơ sở vật chất - kỹ thuật còn hạn chế

Trong khi nhu cầu sử dụng hợp lý tài nguyên không ngừng tăng lên, yêu cầu về cải thiện môi trường và chống ô nhiễm môi trường ngày một lớn và phức tạp, thì hệ thống cơ sở vật chất - kỹ thuật, cán bộ, luật pháp để giải quyết các vấn đề môi trường còn nhiều hạn chế, bất cập.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/8-van-de-moi-truong-cap-thiet-can-duoc-uu-tien-giai-quyet-hien-nay-60239.html