19/01/2025 | 15:15 GMT+7, Hà Nội

Đề xuất quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động tín dụng

Cập nhật lúc: 15/09/2021, 06:15

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo Dự thảo, rủi ro môi trường là khả năng xảy ra tổn thất về tài sản, vốn và thu nhập của chủ thể thực hiện các dự án, phương án sản xuất - kinh doanh có tác động xấu đến môi trường, phát sinh các sự cố môi trường hoặc do vi phạm quy định về bảo vệ môi trường bị cơ quan xử lý theo quy định của pháp luật.

Rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng là rủi ro tín dụng của tổ chức tín dụng do khách hàng gặp rủi ro môi trường theo quy định tại Thông tư này.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đánh giá rủi ro môi trường trong hoạt động cho vay là việc đo lường mức độ rủi ro môi trường của dự án đầu tư, phương án sản xuất - kinh doanh được đề xuất cho vay và các khoản cho vay đối với dự án đầu tư, phương án sản xuất - kinh doanh của khách hàng phải đánh giá rủi ro môi trường theo quy định tại Thông tư này.

Quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng là việc phân loại, nhận dạng, đo lường rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng và việc theo dõi, kiểm soát, đề xuất giải pháp khắc phục, hạn chế rủi ro phát sinh.

Ngân hàng nhà nước (NHNN) cho biết, dự thảo Thông tư nhằm mục đích tạo ra khuôn khổ pháp lý chung, yêu cầu bắt buộc TCTD (Tổ chức tín dụng)  thực hiện quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng. Theo đó, TCTD căn cứ vào quy mô, năng lực quản lý của ngân hàng và hướng dẫn của NHNN để ban hành, triển khai quy định quản lý rủi ro môi trường thông qua  2 hình thức: TCTD lồng ghép vào quy trình cho vay, quản lý rủi ro tín dụng hiện có; hoặc TCTD ban hành quy trình quản lý rủi ro môi trường độc lập.

Dự thảo cũng nêu rõ 4 nguyên tắc quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng.

Thứ nhất, TCTD xây dựng hệ thống quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng độc lập hoặc lồng ghép trong quy định nội bộ về cấp tín dụng và kiểm soát nội bộ, nhưng đảm bảo nguyên tắc phân định trách nhiệm với khâu quyết định cấp tín dụng theo quy định của pháp luật về các hoạt động cấp tín dụng.

Thứ hai, TCTD đánh giá rủi ro môi trường, rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng và quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng theo quy trình nội bộ do TCTD xây dựng theo quy định.

Thứ 3, TCTD thực hiện đánh giá rủi ro môi trường để xác định rủi ro của khoản cấp tín dụng, là căn cứ xếp hạng tín dụng khách hàng, xác định lãi suất, chi phí cấp tín dụng và các điều kiện cấp tín dụng phù hợp hoặc bổ sung các điều kiện cấp tín dụng, cảnh báo khách hàng về rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng khi có biến cố hoặc phát sinh sự cố về môi trường.

Cuối cùng, TCTD thực hiện phân loại, trích lập dự phòng rủi ro và quản lý rủi ro tín dụng đối với khoản cấp tín dụng có rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng theo quy định hiện hành của NHNN.

Bên cạnh đó, dự thảo nêu rõ TCTD xây dựng và công bố chính sách về môi trường của tổ chức mình, trong đó bao gồm cam kết quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng. Chính sách về môi trường của TCTD phải được phê duyệt bởi Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Ban điều hành của TCTD.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/de-xuat-quan-ly-rui-ro-moi-truong-trong-hoat-dong-tin-dung-59397.html