4 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu 2,1 triệu tấn thép các loại
Cập nhật lúc: 15/05/2021, 06:15
Cập nhật lúc: 15/05/2021, 06:15
Báo cáo thị trường thép công bố mới đây bởi Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cho hay, trong tháng 4/2021, sản xuất thép các loại đạt 2.819.655 tấn, giảm 4,75% so với tháng trước nhưng tăng 52,2% so với cùng kỳ 2020. Bán hàng thép các loại đạt 2.703.395 tấn, giảm 6,22% so với tháng 3/2021, nhưng tăng 56,7% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt 534.162 tấn, giảm 14,61% so với tháng trước, nhưng tăng gấp đôi so với cùng kỳ tháng 4/2020.
Lũy kế 4 tháng đầu năm, sản xuất các sản phẩm thép đạt 10,4 triệu tấn, tăng 38,3% so với cùng kỳ năm trước; bán hàng đạt 9,4 triệu tấn, tăng 40,3%. Xuất khẩu thép các loại đạt 2,1 triệu tấn, tăng 67,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, tiêu thụ thép xây dựng đạt 3,7 triệu tấn, tăng 16,3%; HRC đạt 2,45 triệu tấn, tăng 117%; thép cán nguộn đạt 822.629 tấn, tăng 22,5%; tôn mạ đạt 1,6 triệu tấn, tăng 46,5%; ống thép đạt 875.982 tấn, tăng 30%.
VSA cho rằng sản lượng sản xuất và bán hàng thép xây dựng các tháng đầu năm duy trì mức cao trong vòng 5 năm trở lại đây là nhờ vào chính sách đẩy mạnh đầu tư công. Theo đó, tốc độ giải ngân đầu tư công tháng 4 và 4 tháng đầu năm đạt mức cao nhất giai đoạn 2017 - 2021.
Giá nguyên vật liệu và giá bán thép tiếp tục tăng trong tháng 4. Cụ thể, về giá nguyên vật liệu sản xuất thép, quặng sắt loại 62% Fe đã tăng 19 USD/tấn so với đầu năm; giá than mỡ luyện cốc giảm nhẹ với mức giảm khoảng 5 USD/tấn so với đầu năm; giá thép phế liệu có xu hướng tăng nhẹ.
Giá bán thép trong nước bình quân khoảng 16.300 - 16.500 đồng/kg tùy chủng loại sản phẩm và doanh nghiệp. Dự bán tháng 5 nhu cầu thép vẫn tốt, giá bán có khả năng điều chỉnh để bù đắp giá nguyên liệu đầu vào.
VSA đánh giá, xu hướng diễn biến giá nguyên liệu và thép thành phẩm trên thế giới trong năm 2021 có nhiều biến động, có thể thiết lập mặt bằng giá mới như thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính 2008. Nguyên nhân đến từ nhu cầu nội địa Trung Quốc gia tăng với nhiệm vụ kép phục hồi sau Covid-19 và mở đầu kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2021 - 2025. Trong khi, quốc gia này siết chặt nguồn cung với chính sách kiểm soát ô nhiễm và giảm hoàn thuế xuất khẩu từ 13% xuống 9%, thậm chí 0% có hiệu lực từ 1/5/2021.
Mới đây, Tổng cục Thống kê đã chỉ ra 3 nguyên nhân cơ bản khiến giá thép tăng đột biến thời gian qua:
Thứ nhất, giá các nguyên liệu đầu vào như quặng sắt, phế liệu, phôi thép và chi phí vận chuyển tăng làm giá sản xuất sản phẩm sắt, thép tăng.
Tính đến ngày 6/4/2021, giá phôi thép ở mức 633 USD/tấn, tăng 30 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 3/2021 và tăng khoảng 200 USD/tấn so với cùng thời điểm năm 2020, tác động làm tăng giá sắt, thép trong nước. Cụ thể, tại miền Bắc, giá sắt, thép tháng 4/2021 dao động từ 14,2 - 15,4 triệu đồng/tấn, tăng 3,3% so với tháng 3/2021, tăng 29% so với tháng 10/2020 và tăng 31,8% so với cùng kỳ năm trước. Tại miền Nam, giá sắt, thép tháng 4/2021 dao động từ 15,5 - 16,4 triệu đồng/tấn, tăng 4,9% so với tháng 3/2021, tăng 24,6% so với tháng 10/2020 và tăng 24,9% so với cùng kỳ năm trước.
Thứ hai, nguồn cung sắt, thép toàn cầu giảm do Trung Quốc thực hiện chính sách kiểm soát sản lượng tại khu vực Đường Sơn kết hợp với kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các thành phố sản xuất quặng sắt. Bên cạnh đó, chính sách nhập khẩu phế liệu của Trung Quốc ảnh hưởng đến thị trường phế liệu toàn cầu năm 2021 sau khi Trung Quốc kiểm soát được dịch Covid-19 và thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế như đầu tư cơ sở hạ tầng mở đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025). Theo đó, nhu cầu nhập khẩu sắt, thép của Trung Quốc tăng và tác động tăng giá sắt, thép toàn cầu. Tại châu Âu và Mỹ, việc thiếu hụt nguồn cung sắt, thép do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thời gian giao hàng nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất kéo dài là nguyên nhân chính khiến giá sắt, thép tăng mạnh.
Thứ ba, tại Việt Nam, dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt, sản xuất phục hồi, hoạt động xây dựng khởi sắc. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh tăng cường nhập khẩu nguyên liệu đầu vào sản xuất sản phẩm sắt, thép, các công trình xây dựng gấp rút triển khai, đồng thời tăng cường mua sản phẩm sắt, thép đề phòng giá tăng ảnh hưởng đến chi phí xây dựng công trình…
"Những yếu tố này tác động giá sắt, thép trong nước tăng mạnh", Tổng cục Thống kê nhấn mạnh. Cùng với đó là tác động từ nhu cầu sử dụng sắt, thép trên thị trường cuối năm 2020 và đầu năm 2021 tăng cao do việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công xây dựng cơ sở hạ tầng./.
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/4-thang-dau-nam-viet-nam-xuat-khau-21-trieu-tan-thep--20201231000002118.html
11:00, 04/05/2021
06:20, 01/05/2021
10:15, 28/04/2021
15:05, 12/03/2021