19/01/2025 | 09:21 GMT+7, Hà Nội

Giá thép trong nước tăng điên cuồng: Có hay không chuyện các doanh nghiệp bắt tay `thổi giá`?

Cập nhật lúc: 01/05/2021, 06:20

Từ đầu năm tới nay, giá thép trong nước liên tục tăng giá, khiến các nhà thầu đứng ngồi không yên vì độn thêm chi phí, ảnh hưởng rất lớn tới các dự án đang thực hiện.

Thép tăng 40% trong 3 tháng là phi lý

Theo số liệu của Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), bình quân giá thép trong quý I/2021 đã tăng đồng loạt 30% - 40%, tùy loại.

Đơn cử, giá thép 6 Việt Mỹ trong quý 3/2020 là 13.145 đồng/kg thì hiện nay, tại Đà Nẵng được bán với giá 18.370 đồng/kg, tăng 40%. Chi phí mua thép xây dựng chiếm khoảng 28% chi phí xây dựng 1 căn hộ chung cư và khoảng 35% chi phí xây dựng 1 căn nhà liền kề. Như vậy, giá thép tăng đến 40%, tác động lên giá bán nhà không nhỏ.

Giá thép tăng 40% trong quý I/2021.
Giá thép tăng 40% trong quý I/2021.

Trước tình trạng giá thép tăng phi mã, Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ có những biện pháp bảo vệ các nhà thầu xây dựng Việt Nam trong nước đang đứng trước nguy cơ vỡ trận, phá sản vì tình hình giá thép tăng đột biến một cách phi mã trong quý I/2021, đặc biệt là những ngày tháng 4 này.

"Mặc dù từ đầu tháng 1/2021, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản 389 nhắc các bộ ngành xử lý vấn đề này. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có phản hồi mà tình hình thì càng phức tạp hơn, giá cả tiếp tục tăng", VACC nhấn mạnh.

Trao đổi với PV Báo Nhà báo và Công luận, ông Dương Văn Cận, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các nhà thầu Việt Nam (VACC) cho biết: Việc giá thép tăng phi mã trong quý I/2021 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành xây dựng. Riêng chi phí xây dựng đã bị độn thêm 30% - 40% tổng vốn dự án.

Theo ông Cận, với các dự án sử dụng ngân sách Nhà nước, khi giao dự án cho các nhà thầu thường khoán tổng vốn, để tự nhà thầu cân bằng chi tiêu. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, bất cứ biến động nào của mặt bằng giá cả, nguyên vật liệu đều tác động tới nhà thầu xây dựng.

Ví dụ, nhà thầu A được Nhà nước giao xây dựng tuyến đường vanh đai, sử dụng 100% vốn nhà nước, với tổng số vốn được khoán là 1.200 tỷ đồng. Như vậy, khi xây dựng dự án dưới 1.200 tỷ đồng, nhà thầu mới có lãi.

Trong trường hợp trong quá trình thực hiện dự án, giá thép tăng 40% đã phá vỡ các tính toán trước đó của nhà thầu, khiến độn chi phí lên cao. Như vậy, 1.200 tỷ đồng đã khoán, sẽ không đủ để thực hiện dự án. 

“Khi Nhà nước đã khoán vốn, thì dù giá cả thị trường có biến động thế nào cũng không được truy thu. Như vậy, các nhà thầu chỉ còn nước chờ chết”, ông Cận nói.

Mặc dù làm trong ngành xây dựng nhiều năm, tuy nhiên, ông Cận cũng không thể lý giải được mức tăng phi lý của giá thép trong quý I/2021.

“Một số đơn vị cung cấp thép có thể nói giá thép tăng là do nguyên liệu đầu vào tăng, điều này có thể tác động tới giá thép, nhưng việc tăng tới 40% chỉ trong 3 tháng là điều phi lý. Không loại trừ khả năng, có sự bắt tay của các công ty thép trong nước nhằm đẩy giá thép lên cao”, ông Cận nói.

Do đó, ông Dương Văn Cận kiến nghị Chính phủ nên mở một cuộc điều tra quy mô lớn để đi tìm nguyên nhân vì sao giá thép trong nước tăng đột biến.

“Chính phủ phải tìm ra được nguyên nhân, từ đó mới có giải pháp kiềm chế đà tăng của giá thép. Trong trường hợp, giá thép tiếp tục tăng giá trong quý II, thậm chí có thể sang quý III/2021, các doanh nghiệp xây dựng chỉ còn nước nộp đơn phá sản”, ông Cận nói.

Doanh nghiệp thép: "Chúng tôi đang mang tiếng oan"

Trong khi đó, đại diện một doanh nghiệp sản xuất thép có thị phần lớn nhất nhì tại Việt Nam khẳng định, không có chuyện các doanh nghiệp thép bắt tay nhằm đẩy giá thép lên cao.

Vị này cho biết, sở dĩ giá thép tăng là do giá nhân công tăng, giá nguyên liệu đầu vào, và một số chất phụ gia nhập khẩu tăng. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng từ dịch bệnh, khiến việc vận chuyển (logistics) nguồn nguyên liệu trở nên khó khăn. Tất cả các yếu tố này cộng hưởng lại khiến giá thép tăng chóng mặt.

Doanh nghiệp thép kêu oan.
Doanh nghiệp thép kêu oan.

“Ở thời điểm này, dù giải thích thế nào, phía các nhà thầu đều phủ nhận, mắng thậm tệ các doanh nghiệp thép “ép” giá, thổi giá và tạo sức ép nhằm hạ giá thành. Tuy nhiên, thời điểm này rất khó để hạ giá thép. Nếu không hạ thì nhà thầu thiệt, còn nếu hạ công ty thép chịu thiệt. Hai cách giải quyết đều không đi đến đâu cả, nên chỉ còn cách nhờ Chính phủ phân xử”, vị này nói.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, các dự báo trước đó nói giá thép sẽ chỉ tăng tối đa là hết quý 2/2021. Nhưng hiện tại, mọi thứ đang thay đổi, nhiều dự báo điều chỉnh giá thép có thể tăng hết quý 3/2021.

Các yếu tố tác động đến giá thép xây dựng trong nước chủ yếu đến từ việc giá nguyên liệu tăng mạnh. Tháng 3, giá thép phế nội địa tiếp tục tăng nhẹ từ 300 đồng/kg, giữ mức 8.850 - 9.100 đồng/kg. 

Giá thép phế nhập khẩu ở mức 438 USD/tấn. Giá phôi nhập khẩu cũng tăng ở mức 17 USD/tấn, đạt 606 - 608 USD/tấn.Theo nhận định của Hiệp hội Thép Việt Nam, xu hướng diễn biến giá cả nguyên liệu và thép thành phẩm trên thế giới trong năm nay sẽ có nhiều biến động, có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới như thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính 2008.

Nguồn: https://congluan.vn/gia-thep-trong-nuoc-tang-dien-cuong-co-hay-khong-chuyen-cac-doanh-nghiep-bat-tay-thoi-gia-post130661.html