24/11/2024 | 06:02 GMT+7, Hà Nội

3 đòn bẩy vững chắc cho bất động sản xanh trong năm 2021

Cập nhật lúc: 15/02/2021, 09:09

Đi qua những thăng trầm của năm 2020, thị trường bất động sản năm 2021 được dự báo sẽ định hình và phát triển theo tiêu chí xanh bền vững nhằm mang lại nhiều giá trị cho người mua, chủ đầu tư và cả cộng đồng.

Theo các chuyên gia bất động sản, năm 2021, để vượt qua khó khăn và bước vào giai đoạn phát triển mới, thị trường bất động sản sẽ cần nhiều lực đẩy giúp phục hồi và tăng tốc trở lại. Trong đó, yếu tố xanh và bền vững sẽ được các chủ đầu tư chú trọng hướng tới trong tương lai gần và xa. Theo đó, sẽ có 3 đòn bẩy vững chắc giúp thị trường và các doanh nghiệp thực hiện mục tiêu bền vững này.

Doanh nghiệp chú trọng mảng xanh

Nhu cầu sống xanh dù đã hình thành từ lâu nhưng chỉ thực sự bùng nổ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam từ đầu năm 2020. Cơn sốt bất động sản xanh đang trở thành "từ khoá" tất yếu trong thị trường nhà ở hiện nay. Tại Việt Nam, nhu cầu về bất động sản xanh gia tăng đột biến sau dịch Covid-19. Bởi hơn ai hết, người dân hiểu được tầm quan trọng của thiên nhiên trong việc đảm bảo sức khỏe gia đình.

Theo khảo sát của CBRE trong quý I/2020, xu hướng lựa chọn không gian sống của khách hàng đều hướng đến yếu tố xanh bền vững, tận dụng tối đa ánh sáng và thông khí tự nhiên.

Nói về triển vọng của bất động sản xanh trong năm 2021, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cũng cho rằng: “Sức hút của các mô hình bất động sản xanh, thông minh vẫn là liên kết mật thiết giữa cung - cầu và quan điểm lấy khách hàng làm trọng tâm. Khi cơ hội tiếp cận với mô hình bất động sản xanh và thông minh của người mua ngày càng lớn, các chủ đầu tư cần chủ động cải thiện chất lượng dịch vụ, thiết kế dự án, bổ sung nhiều yếu tố công nghệ hơn vào bất động sản”.

Chính sách đang dần hoàn thiện

Hiện nay, các cơ quan ban ngành đều khuyến khích các doanh nghiệp bất động sản làm dự án xanh nhằm phục vụ nhu cầu sống ngày càng chất lượng của người dân, đồng thời ứng xử văn minh với môi trường sống. Tháng 5/2016, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 419 về “Kế hoạch hành động của ngành xây dựng về tăng trưởng xanh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Theo kế hoạch này, đến năm 2030, 50% đô thị lớn và vừa đạt tiêu chí đô thị xanh.

Đặc biệt, đại diện Bộ Xây dựng mới đây cho biết, trong năm 2021 cơ quan này sẽ ban hành hướng dẫn chứng nhận công trình hiệu quả năng lượng và công trình xanh.

Bộ Xây dựng cũng đang tiếp tục nghiên cứu xây dựng hệ thống đánh giá - công nhận khu đô thị xanh và các chính sách thúc đẩy phát triển các khu đô thị xanh ở Việt Nam, dự kiến sẽ ban hành vào cuối năm 2022.

Ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng cho biết, đối với bối cảnh của ngành xây dựng những năm vừa qua cùng với quá trình tăng trưởng kinh tế của đất nước trung bình từ 6 - 7%, thì tốc độ đô thị hóa được coi là nhanh. Hàng năm, tốc độ đô thị hóa tăng thêm, đến năm 2020 tăng thêm khoảng 40%. Điều này gây áp lực đến đầu tư hạ tầng để đáp ứng được yêu cầu của người dân, của xã hội và của sự phát triển kinh tế, đặc biệt tại các đô thị lớn trong cả nước.

Với số lượng các công trình nhà cao tầng, số lượng đô thị, số hộ gia đình xây dựng nhà kiên cố thì tỷ lệ tiêu thụ năng lượng trong lĩnh vực xây dựng và dân dụng ngày càng tăng. Điều này gây áp lực đến nguồn cung về năng lượng.

Cách đây 10 - 15 năm, việc tiếp cận các sản phẩm công nghệ có tính năng tiết kiệm năng lượng là tương đối khó khăn, giá thành đắt. Ví dụ, đèn led là một trong những thiết bị tiết kiệm năng lượng nhưng đến nay, đây là nguồn sáng thông thường, không đủ tiêu chí đánh giá công trình xanh nữa. Như vậy chúng ta có thể thấy rằng, sự phát triển công nghệ nhanh tạo áp lực cho đầu tư công trình xanh. Tác nhân hay động lực thúc đẩy việc tiết kiệm năng lượng là cam kết của Chính phủ về bảo vệ môi trường và giảm thiểu rác thải, mạnh mẽ đầu tư đổi mới công nghệ cũng như có giải pháp giảm tác hại nhà kính.

Áp lực nữa là cạnh tranh sản phẩm bán ra thị trường và cạnh tranh giá. Đây là một trong những xu thế để phát triển công trình xanh. Ngoài ra còn có áp lực từ phía người dân, bởi nhận thức của người dân ngày càng tăng lên, do đó yêu cầu về chất lượng cuộc sống tiện nghi cũng ngày càng cao hơn. Điều này thúc đẩy các chủ đầu tư nghiên cứu những công trình vừa đảm bảo về chất lượng vừa đảm bảo thân thiện với môi trường.

Với những người làm chính sách, ông Thịnh cho rằng các Bộ ngành, Chính phủ phải nghiên cứu các quy định của pháp luật như Luật Năng lượng tiết kiệm hiệu quả, Chiến lược Công trình xanh, Luật Bảo vệ môi trường… Tuy Việt Nam có quy chuẩn nhưng đối với công trình về hiệu quả năng lượng hiện còn thiếu bộ tiêu chuẩn cụ thể để đánh giá chứng nhận công trình hiệu quả năng lượng.

“Thực tế, số lượng công trình xanh có vốn đầu tư công rất ít. Hơn 150 công trình xanh hầu hết có vốn đầu tư nước ngoài và công trình tư nhân. Bên cạnh niềm vui có khối tư nhân tham gia, tại sao có rất nhiều công trình công nhưng công trình công áp dụng xanh lại tương đối ít? Đây là vấn đề chúng ta cần phải suy nghĩ và tìm định hướng phát triển trong thời gian tới”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Như vậy, việc các bộ ngành đang hoàn thiện những chính sách, quy định pháp luật về bất động sản xanh và sớm ban hành trong thời gian tới sẽ trở thành động lực lớn để thị trường phát triển các sản phẩm xanh bền vững.

ông nghệ xanh 4.0 là bạn đồng hành

Tại Việt Nam, cuộc đua đưa công nghệ vào lĩnh vực bất động sản ngày càng mạnh mẽ. Bên cạnh gia tăng tiện nghi cho gia chủ, các công nghệ được ứng dụng hướng đến mục tiêu cao hơn: cho không gian sống xanh hơn. 

Ngày nay, nhiều công nghệ mới xuất hiện không chỉ giúp tiết kiệm chi phí năng lượng mà còn tiết kiệm cả về mặt kinh tế và tạo ra được một tỷ suất hoàn vốn nội bộ “kha khá”.

TS.KTS. Lê Thị Bích Thuận, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng khẳng định: “Xu thế mới, các công nghệ mới trên nền tảng cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến nhiều lợi thế và tiềm năng về hiệu quả và chất lượng, bước ngoặt đổi mới trong lĩnh vực kiến trúc và quy hoạch đô thị”.

TS.KTS. Thuận cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang và sẽ có những ảnh hưởng rất lớn tới ngành xây dựng thế giới cũng như tại Việt Nam. Công nghệ giúp doanh nghiệp tiếp cận dự án tốt hơn, thiết kế hợp lý hơn và cũng quản lý hiệu quả hơn. Nhận biết, hiểu và áp dụng công nghệ vào ngành xây dựng là nhu cầu cấp thiết đối với doanh nghiệp muốn tạo ra lợi thế cạnh tranh trong môi trường kinh doanh hiện đại.

TS.KTS. Lê Thị Bích Thuận cho biết: “Trong quá trình phát triển đô thị bền vững, việc sử dụng năng lượng thông minh và vật liệu xanh trong thiết kế xây dựng, góp phần giảm thiểu lượng ô nhiễm phát thải ra môi trường và tiết kiệm năng lượng từ quá trình xây dựng, vận hành đến sử dụng lâu dài về sau là cần thiết. Công nghệ mới đã và đang ứng dụng rộng rãi trong giải pháp thi công công trình có thể kể tới như: Internet vạn vật - IOT; Phân tích dự báo dựa trên dữ liệu lớn - Big Data; Máy móc tự cải tiến - Learning Machine; Robot xây nhà; Công nghệ thực tế ảo - VR…

Ông Vũ Hồng Phong, Chuyên gia công trình xanh (IFC) cũng cho biết, một trong những ứng dụng công nghệ mới vào kiến trúc hiện nay tại khâu thiết kế, đó là phần mềm mô phỏng năng lượng. Sự biến đổi của khí hậu, yêu cầu của khách hàng càng trở nên khắt khe, tiêu chí tiết kiệm chi phí gia tăng thì nhiều doanh nghiệp địa ốc rất chú trọng vấn đề tiết kiệm năng lượng cho toà nhà.

Các chuyên gia đều nhấn mạnh, sự tham gia ngày càng sâu rộng của công nghệ 4.0 sẽ tạo ra thay đổi về tư duy, quá trình thực hiện, triển khai trong xây dựng những toà nhà cao ốc xanh. Công trình sẽ càng tiệm cận với tiêu chí hoàn hảo về chất lượng, tiêu chuẩn xanh hoàn mỹ về thiết kế thông minh cho công trình bền vững./.

Nguồn: https://reatimes.vn/3-don-bay-vung-chac-cho-bat-dong-san-xanh-trong-nam-2021-20201224000001016.html