19/01/2025 | 01:23 GMT+7, Hà Nội

1001 nỗi khổ của cư dân chung cư (kỳ 2): Chất lượng công trình, hệ thống PCCC nhiều lần hù dọa cư dân

Cập nhật lúc: 19/12/2018, 19:00

Sau không ít những vụ hỏa hoạn xảy ra ở chung cư khiến cho cư dân hoang mang và lo lắng thì câu chuyện về chất lượng công trình, thiết bị PCCC càng được dư luận quan tâm hơn. Những vụ tranh chấp, khiếu nại giữa cư dân và chủ đầu tư xung quanh vấn đề này cũng vì thế mà ngày một nhiều.

Công trình xuống cấp khi mới bàn giao

Hồi tháng 3/2018, cư dân block A1.2 thuộc chung cư cao cấp Giai Việt (quận 8, TP.HCM) đã kéo đến trụ sở chủ đầu tư là Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai, phản ánh tình trạng nhiều hạng mục chung cư bị xuống cấp nhưng không được chủ đầu tư sửa chữa đúng mực. Cụ thể, đường ống cung cấp nước sinh hoạt thường xuyên bị vỡ, tường nhà bị bong tróc, cửa tủ điện ở tầng trệt bị hỏng; rác thải không được dọn dẹp nằm chất đống trong tầng hầm giữ xe, gây mùi hôi thối khắp nơi. Đặc biệt, cư dân đã vào ở nhưng cơ sở hạ tầng của chung cư vẫn chưa hoàn thiện, chưa được nghiệm thu; tầng 29, 30 và tầng thượng của dãy nhà chưa được chống thấm, nhiều căn hộ bị nước ngấm vào tường. Người dân định cư đã lâu nhưng chưa tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu ra ban quản trị đại diện quyền lợi cư dân. Vì không hài lòng với cách giải quyết mang tính “đối phó” của chủ đầu tư, một số hộ đã phải tự bỏ tiền thuê thợ sửa chữa và khắc phục sự cố. Tiếp đó, ngày 7/5/2018 khi đoàn công tác của Bộ Công an, Bộ Xây dựng và UBND TP.HCM bất ngờ kiểm tra thì phát hiện hàng loạt lỗi vi phạm về PCCC của khu căn hộ cao cấp này.

Nhìn lại năm 2017 cũng là một năm u ám với nhiều cư dân khi họ vô tình mua phải dự án kém chất lượng. Tại dự án Đạt Gia Residence Thủ Đức, ngày 22/8/2017, cư dân nhận được thông báo của Công ty Đạt Gia về việc bàn giao căn hộ. Tuy nhiên, chưa kịp vui thì người dân “tá hỏa” bởi khi tới nghiệm thu căn hộ thì phát hiện nhiều hạng mục chưa được thi công xong. Thậm chí, chủ đầu tưcó dấu hiệu thi công sai với quy định tại hợp đồng mua bán. Những vấn đề này sau đó đã được chính chủ đầu tư thừa nhận trong văn bản gửi cho khách hàng.

Tương tự, tại dự án căn hộ cao cấp Saigonres Plaza, do Công tyCP Địa ốc Sài Gòn Nam Đô (thuộc Công ty CPĐịa ốc Sài Gòn – Saigonres) làm chủ đầu tư, nhiều người dân vướng phải tình trạng “dở khóc dở cười” bởi sau khi nhận nhà được vài tháng, chất lượng của khu căn hộ được gắn mác cao cấp đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều căn hộ xảy ra tình trạng rạn nứt bất thường, thấm dột nghiêm trọng. Thêm vào đó, chất lượng bởi toàn bộ thiết bị vệ sinh cũng bị nghi ngờ bởi dù là sản phẩm của thương hiệu nổi tiếng tuy nhiên chỉ mới sử dụng được vài tháng, nhiềuthiết bị vệ sinhđã bốc mùi hôi thối và có hiện tượng rỉ sét bất thường. Hệ thống thoát nước tại một số tầng cũng bị trào ngược, sủi bọt mỗi khi trời mưa khiến nước thải bẩn tràn vào nhà từ đường ống thoát trong nhà tắm, hành lang…Nguy hiểm hơn, thang máy ở block B thường xuyên rơi tự do khiến nhiều cư dân lo lắng có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Đáng lo ngại hơn nữa, một số công trình chung cư còn không đảm bảo chất lượng về kết cấu. Kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra nhiều vi phạm của Chung cư cao tầng kết hợp thương mại dịch vụ, quận 5 - The EverRich Infinity l do Công ty Phát Đạt làm chủ đầu tư. Theo đó, công trình này không tuân thủ thiết kế giới hạn chịu lửa tối thiểu của cấu kiện kết cấu, chiều dày lớp bê tông bảo vệ cốt thép chịu lực và bề rộng tiết diện của một số dầm không đảm bảo yêu cầu, thiếu hồ sơ quản lý chất lượng công trình, chưa có văn bản nghiệm thu phòng cháy chữa cháy nhưng vẫn nghiệm thu đưa vào sử dụng. Thêm vào đó, chủ đầu tư đã ký hợp đồng đặt cọc và mua bán nhà ở không đúng quy định và chưa được giải chấp tại ngân hàng. Có thể nói, một dự án có quá nhiều sai phạm như vậy cần được xử lý càng sớm càng tốt để giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng đến lợi ích của cư dân.

Đó là chỉ vài trong số rất nhiều trường hợp các doanh nghiệp quảng cáo và rao bán rầm rộ nhưng thực tế khi bàn giao nhà cho khách hàng thì hoàn toàn khác xa. Và không ai khác, người mua nhà chính là những người đầu tiên phải chịu thiệt thòi.

Hiểm họa cháy nổ “lơ lửng” trên đầu cư dân

Không chỉ xảy ra khiếu nại về chất lượng của các công trình chung cư, nhiều dự án cũng bị cộng đồng cư dân lên tiếng phản đối bởi các quy chuẩn về an toàn PCCC không đảm bảo.

Gây rúng động dư luận nhất phải kể đến vụ hỏa hoạn ở chung cư Carina quận 8 TP.HCM vào hồi tháng 3 vừa qua dẫn đến cái chết thương tâm của 13 cư dân. Nguyên nhân của vụ việc được xác định là do sự cố cháy xe máy ở hầm gửi xe, tuy nhiên trong quá trình điều tra, cảnh sát phát hiện có nhiều dấu hiệu sai phạm về công tác PCCC. Hệ thống chữa cháy tự động trước đó gần như không hoạt động, lực lượng chữa cháy tại chỗ không có nên khi lính cứu hỏa đến nơi thì lửa khói đã rất lớn và khó kiểm soát. Người dân sinh sống tại đó cho biết họ không nghe thấy tiếng chuông báo cháy mà khi phát hiện hỏa hoạn, cư dân tự thông báo cho nhau cùng thoát ra ngoài. Lúc cứu hộ đến hiện trường, điện đã tắt, không có đèn tín hiệu dẫn đường thoát hiểm cho nạn nhân. Và sau đó là một kết cục bi thảm.

Ngay sau vụ việc này, nhiều cư dân chung cư đã tạo nên một làn sóng phản đối, khiếu nại về các hành vi gian lận, mập mờ trong lắp đặt hệ thống PCCC của chủ đầu tư.

Hiện trường vụ cháy chung cư Carina (Nguồn: internet)

Hiện trường vụ cháy chung cư Carina (Nguồn: internet)

Tháng 4/2018, cư dân tòa nhà hỗn hợp Sông Đà (Hà Đông, Hà Nội) đã cùng nhau xuống đường,căngbăng rôn để phản đối việc hệ thống PCCC hoàn toàn không hoạt động. Đặc biệt, siêu thị điện máy Mediamart thuê trong khuôn viên tòa nhà tự ý lắp đặt 2 máy phát điện gây nguy hiểm, mất an toàn PCCC tại sân trước của tòa nhà. Được biết tòa nhà hỗn hợp Sông Đà, Hà Đông được xây dựng từ năm 2008, bàn giao và đi vào hoạt động từ cuối năm 2010 do Công ty CP Đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Sông Đà làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn không bàn giao hệ thống PCCC (một phần của hồ sơ tòa nhà) cho Ban quản trị cư dân sau một thời gian dài các căn hộ được đưa và sử dụng. Nhiều thời điểm như ngày 10 và 21/11/2017; ngày 1/2 và 22/3/2018, Cảnh sát PCCC đã lập biên bản kết luận trách nhiệm PCCC thuộc chủ đầu tư, buộc Mediamart phải di dời 2 máy phát điện. Thậm chí, ngày 26/3 các cơ quan quản lý đã thống nhất cần cưỡng chế Mediamart, nhưng đơn vị này vẫn chây ỳ không giải quyết.

Trong một diễn biến khác, hồi tháng 4 vừa qua, trong một đợt bàn giao căn hộ, cư dân chung cư Horizon Tower khu Ngoại giao đoàn do Công ty CP Xây dựng và Kỹ thuật Việt Nam (Vinaenco) làm chủ đầu tư đã phát hiện sai phạm về điều kiện PCCC của đơn vị này. Cụ thể, cư dân tại đây đã đề nghị chủ đầu tư xuất trình các văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận cho công trình được đưa vào khai thác sử dụng, chứng nhận PCCC cho cả tòa nhà. Tuy nhiên, các văn bản mà cư dân yêu cầu, chủ đầu tư đều không xuất trình được. Bên cạnh đó, một dự án khác của Vinaenco là New Horizon City 87 Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) cũng đang lâm vào tình trạng tương tự, vi phạm về an toàn PCCC, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng... khi đưa công trình vào sử dụng nhưng chưa đáp ứng đủ điều kiện. Ngày 1/11/2017, UBND TP. Hà Nội có Quyết định số 7636/QĐ-UBND về việc xử phạt vi phạm hành chính 80 triệu đồng về PCCC đối với Vinaenco theo quy định tại khoản 6, điều 36, Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Cũng trong tháng 4/2018, dự án chung cư cao cấp Discovery Complex 302 Cầu Giấy nằm ngay trung tâm quận Cầu Giấy (Hà Nội) bị phát hiện mắc nhiều sai phạm trong vấn đề PCCC. Theo đó, thông báo số 24 ngày 3/4/2018 của Ủy ban nhân dân phường Dịch Vọng sau buổi kiểm tra an toàn PCCC tại tòa nhà 302 Cầu Giấy kết luận rằng Chủ đầu tư Dự án Discovery Complex 302 Cầu Giấy là Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Dịch vụ Cầu Giấy - một công ty thành viên của Công ty CP đầu tư Xây dựng phát triển thương mại Kinh Đô bàn giao căn hộ và đưa cư dân vào sửa chữa, ăn ở khi chưa được nghiệm thu về PCCC theo quy định. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên 30 lỗi vi phạm về PCCC, cụ thể như khu vực tầng 8 khối đế, tầng hầm một, tầng một chưa hoàn thiện các giải pháp ngăn cháy lan, thoát nạn; đường giao thông nội bộ phục vụ chữa cháy chưa hoàn thiện; tủ kỹ thuật điện và cục nóng điều hòa đặt tại tầng hầm chưa được đặt ngăn cách với các khu vực khác bằng vật liệu ngăn cháy. Cùng với đó, hệ thống báo cháy và chữa cháy của công trình chưa được lắp đặt đầy đủ; tủ trung tâm báo cháy còn nhiều tín hiệu báo lỗi, báo giả; màn nước ngăn cháy chưa hoạt động ở chế độ tự động....

Thông báo cũng yêu cầu chủ đầu tư di chuyển ngay toàn bộ hộ dân đang sinh sống ra khỏi công trình và chỉ được phép hoạt động khi đã được nghiệm thu về PCCC. Tuy nhiên, chủ đầu tư dự án Discovery Complex 302 Cầu Giấy vẫn tiếp tục bàn giao nhà cho khách hàng mặc dù chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu về PCCC, thể hiện sự thiếu trách nhiệm, coi thường tính mạng của cư dân.

Theo thông tin từ Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Hà Nội, tính đến ngày 23/3, toàn thành phố có 402/1066 công trình xảy ra các vi phạm quy định về PCCC. Trong số đó, 79 chung cư cao tầng bị “bêu tên” vi phạm quy định về PCCC trong lĩnh vực đầu tư xây dựng từ năm 2017, nhưng vẫn còn 31 chung cư cao tầng chậm chạp, chưa khắc phục xong vi phạm.

Có thể nói, các vấn đề liên quan đến chất lượng công trình và các tiêu chuẩn PCCC rất được cư dân quan tâm bởi đây là những vấn đề “sát sườn”, ảnh hưởng tiếp đến chất lượng cuộc sống và tính mạng của cư dân. Bỏ ra một số tiền lớn để sở hữu các căn hộ chung cư, người dân luôn mong muốn được sử dụng những sản phẩm và tiện ích tốt, tuy nhiên điều đó còn phụ thuộc rất nhiều vào uy tín và trách nhiệm của các chủ đầu tư hiện nay.

Hoài Thu