19/01/2025 | 05:57 GMT+7, Hà Nội

1001 nỗi khổ của dân chung cư: Kỳ 1: Lao đao tranh chấp diện tích sở hữu chung, riêng

Cập nhật lúc: 10/12/2018, 20:31

Những vụ tranh chấp liên quan đến sở hữu chung riêng, như: hầm để xe, hành lang, nhà sinh hoạt cộng đồng… tại các dự án nhà chung cư đang chiếm tỷ lệ lớn trong mâu thuẫn ở các chung cư hiện nay. Bỏ ra một số tiền lớn để mua nhà nhưng cư dân không những không được hưởng quyền lợi một cách chính đáng mà thay vào đó, họ phải trầy trật đi đấu tranh đòi lại quyền lợi của mình.

Vài năm trở lại đây, tình trạng tranh chấp tại chung cư trở đã thành câu chuyện nan giải ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. Nếu như trước đây, số vụ tranh chấp xảy ra với tần suất thưa thớt thì hiện nay, tần suất của các vụ việc này ngày một nhiều và càng nảy sinh nhiều vấn đề. Trước thực trạng này, nhiều người đã phải đặt dấu hỏi chấm trước hoạt động xây dựng - kinh doanh, vận hành nhà chung cư của các chủ đầu tư hiện nay.

Trước diễn biến ngày càng gia tăng của số vụ tranh chấp chung cư, mới đây, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng cho biết, qua tổng hợp báo cáo của 43 địa phương và số lượng đơn thư gửi về bộ này cho thấy, có 215 dự án có khiếu nại, tranh chấp, trong đó có 108 dự án xảy ra tranh chấp giữa CÐT với cư dân hoặc giữa các chủ thể liên quan trong phạm vi dự án, còn lại 107 dự án có khiếu nại, tranh chấp không thuộc phạm vi báo cáo.

Trong đó, thời gian qua, tranh chấp về phần diện tích sở hữu chung, sở hữu riêng như nhà để xe, phòng sinh hoạt cộng đồng, các diện tích kinh doanh cho thuê… là một trong những tranh chấp gay gắt nhất khi có tới 40 trong tổng số 108 dự án vấp phải vấn đề này, chiếm khoảng 37%. Cùng đó là các tranh chấp liên quan đến cách tính diện tích căn hộ như cách tính ban công, logia, diện tích tim tường, thông thủy… với 7 trong tổng số 108 dự án, khoảng 7%.

Cư dân tố chủ đầu tư ở dự án Artemis

Cư dân tố chủ đầu tư ở dự án Artemis

Nhìn lại một năm qua, phải nói rằng vấn đề tranh chấp chung cư lại nóng hơn bao giờ hết. Cư dân chưa hết hoang mang bởi số tiền 2% quỹ bảo trì bị chủ đầu tư ngang nhiên chiếm dụng thì lại phải bức xúc với những chiêu trò biến diện tích sở hữu chung của chung cư để cho thuê kiếm lời...

Hồi tháng 7/2018, liên quan đến vụ tranh chấp giữa cư dân tòa nhà 71 Nguyễn Chí Thanh (phường Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội) với CĐT là Công ty CP Xây dựng Công nghiệp vì lý do đơn vị này có nhiều sai sót trong quản lý và vận hành tòa nhà. Cụ thể, theo như tố cáo của người dân thì đơn vị này đã không bàn giao hồ sơ nhà chung cư theo quy định; không nghiêm túc chuẩn bị hồ sơ nhà chung cư, nhằm có thời gian chiếm dụng tầng 26 để làm văn phòng và sử dụng tầng hầm để kinh doanh; trông giữ xe không có giấy phép; trong quá trình vận hành không có báo cáo quyết toán về thu chi tài chính hằng năm cho cư dân được biết; có ý định chiếm đoạt gần 500 triệu đồng tiền bảo trì do cư dân đóng góp.

Đáng nói, phải đến ngày 29/8/2018 khi Đoàn kiểm tra của Sở Xây dựng Hà Nội, do ông Trần Ngọc Minh (Phó Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản) làm phó trưởng đoàn, chủ trì và ban hành biên bản kiểm tra tòa nhà thì sau đó sự việc mới tạm lắng xuống.

Ở một diễn biến khác, tại tòa nhà H2 KÐT Việt Hưng (quận Long Biên) do Tổng công ty Ðầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm CÐT cũng đang xảy ra tranh chấp liên quan đến diện tích sở hữu chung, riêng. Theo phản ánh của người dân, ngay từ đầu đơn vị này đã có nhiều hành động mập mờ, chiếm dụng diện tích chung của chung cư để cho thuê, thu lợi nhuận hàng chục tỷ đồng.

Cụ thể, phòng sinh hoạt cộng đồng của tòa nhà không có nhưng lại có hơn 400 m2 ki-ốt cho thuê làm quán cà phê. Ban đầu, đơn vị thông báo quỹ bảo trì còn hơn 90 triệu đồng, thế nhưng sau nhiều lần đấu tranh đòi hóa đơn, chứng từ thì con số này đã lên gấp… 10 lần. Còn tại tòa CT21A, Ban quản trị đã được thành lập từ tháng 5/2017 nhưng đến nay vẫn chưa ký bàn giao với CÐT. Tại tầng 1 có bảy nhà xe, nhưng CÐT chỉ bàn giao bốn nhà xe, ba nhà xe không bàn giao cũng không đưa vào sử dụng. Mặc dù cư dân đã nhiều lần kiến nghị mở cửa để tránh lãng phí thế nhưng ba nhà xe này vẫn bị bỏ hoang.

Có thể thấy, trong vụ việc này, cư dân chính là những người phải chịu nhiều thiệt thòi nhiều nhất trước những hành động gian lận của chủ đầu tư. Nếu như sự việc không được đưa ra ánh sáng thì không biết đơn vị này sẽ còn tiếp tục sai phạm đến bao giờ?

Gần đây nhất, vài ngày qua, cư dân chung cư Artemis do Cty CP ACC Thăng Long làm chủ đầu tư đã xuống đường căng băng rôn phản đối chủ đầu tư khi bị đơn vị này cắt nước, khóa bánh ô tô nhiều ngày. Trước đó, nhiều cư dân chung cư Artemis đã gửi đơn thư tới các cơ quan chức năng phản ánh về những tồn tại, bức xúc tại chung cư Artemis như: Việc đánh số tầng không đúng theo Hợp đồng mua bán; chủ đầu tư thiếu minh bạch trong việc thu chi, quản lý quỹ bảo trì của tòa nhà; chủ đầu tư không tổ chức hội nghị chung cư, thành lập ban quản trị. Đặc biệt, việc chủ đầu tư không phân định rõ ràng về sở hữu chung, riêng của tòa nhà (khu đất tam giác theo quy hoạch được duyệt là khu cây xanh - kỹ thuật hiện nay được xây dựng thành nhà 3 tầng cho thuê bán bia)…

Trước sự cầu cứu của người dân, ngày 27/9/2018, Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản số 8798/SXD - TTR, gửi UBND quận Thanh Xuân về việc xử lý sai phạm của chủ đầu tư chung cư Artemis nhưng mãi gần đây, CĐT mới dừng việc kinh doanh dịch vụ tại tầng 2 và tầng 3 của khối nhà kỹ thuật tại khu đất số 3. Như vậy, trong khoảng thời gian gần 2 tháng kể từ khi Sở Xây dựng vào cuộc thì đơn vị này mới dừng hẳn việc kinh doanh. Trước đó, hồi tháng 10, việc kinh doanh vẫn ngang nhiên diễn ra, phớt lờ luật pháp.

Nghị định 139 ra đời đã có những chế tài xử lý đối với CĐT, cũng như đảm bảo được quyền lợi cơ bản của người dân. Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, CĐT vẫn ngang nhiên vi phạm còn người dân thì vẫn liên tiếp phải chịu những thiệt thòi.

Theo quy định tại Điều 100 Luật nhà ở năm 2014 quy định về những phần sở hữu riêng và những phần sở hữu chung của nhà chung cư.

Phần sở hữu riêng trong nhà chung cư, bao gồm:

Thứ nhất, phần diện tích bên trong căn hộ bao gồm cả diện tích ban công, lô gia gắn liền với căn hộ đó.

Thứ hai, phần diện tích khác trong nhà chung cư được công nhận là sở hữu riêng cho chủ sở hữu nhà chung cư.

Thứ ba, hệ thống trang thiết bị kỹ thuật sử dụng riêng gắn liền với căn hộ hoặc gắn liền với phần diện tích khác thuộc sở hữu riêng.

Phần sở hữu chung của nhà chung cư, bao gồm:

Thứ nhất, phần diện tích còn lại của nhà chung cư ngoài phần diện tích thuộc sở hữu riêng quy định tại khoản 1 Điều 100 Luật nhà ở năm 2014; nhà sinh hoạt cộng đồng của nhà chung cư.

Thứ hai, không gian và hệ thống kết cấu chịu lực, trang thiết bị kỹ thuật dùng chung trong nhà chung cư bao gồm khung, cột, tường chịu lực, tường bao ngôi nhà, tường phân chia các căn hộ, sàn, mái, sân thượng, hành lang, cầu thang bộ, thang máy, đường thoát hiểm, lồng xả rác, hộp kỹ thuật, hệ thống cấp điện, cấp nước, cấp ga, hệ thống thông tin liên lạc, phát thanh, truyền hình, thoát nước, bể phốt, thu lôi, cứu hỏa và các phần khác không thuộc phần sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà chung cư.

Thứ ba, hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài nhưng được kết nối với nhà chung cư đó, trừ hệ thống hạ tầng kỹ thuật sử dụng vào mục đích công cộng hoặc thuộc diện phải bàn giao cho Nhà nước hoặc giao cho chủ đầu tư quản lý theo nội dung dự án đã được phê duyệt.

Thứ tư, các công trình công cộng trong khu vực nhà chung cư nhưng không thuộc diện đầu tư xây dựng để kinh doanh hoặc phải bàn giao cho Nhà nước theo nội dung dự án đã được duyệt bao gồm sân chung, vườn hoa, công viên và các công trình khác được xác định trong nội dung của dự án đầu tư xây dựng nhà ở được phê duyệt.