19/01/2025 | 09:24 GMT+7, Hà Nội

Giá xây dựng càng nhiều, căn hộ càng cao cấp? Sai lầm!

Cập nhật lúc: 10/12/2018, 06:30

Thông thường, nhiều người có quan điểm rằng, để đánh giá một căn hộ có cao cấp hay không, phải nhìn xem giá thành xây dựng nó tốn thế nào thì GS. Đặng Hùng Võ lại nhận định, điều này là một sự lầm tưởng.

GS. Đặng Hùng Võ nói: “Chúng ta hãy nhìn lại đánh giá cao cấp của chúng ta hiện nay thế nào? Thế giới người ta đánh giá càng xanh càng cao cấp, còn chúng ta lại nhìn vào giá thành xây dựng của căn hộ đó để đánh giá đấy là cao cấp. Đây là một sự lầm tưởng”.

Điều này đã được ông chia sẻ tại hội thảo Xu hướng đầu tư căn hộ công nghệ xanh diễn ra mới đây khi bàn về quan điểm thế nào là căn hộ cao cấp, trung cấp và bình dân. Lý giải cho nhận định của mình, ông Võ cho rằng vào lúc này, các dự án xây dựng chung cư đã phát triển nhiều quá rồi thì dự án nào có triết lý xanh càng lớn thì sẽ càng có giá trị cao. Đó chính là giá trị không tạo từ tiền mà tạo ra từ trí tuệ.

Nói đến triết lý xanh, GS. Đặng Hùng Võ cũng nhấn mạnh: Chúng ta đừng nghĩ xanh chỉ là cây, mà phải bắt đầu từ kiến trúc. Kiến trúc sao cho để ánh sáng trời vào được nhiều nơi nhất trong căn hộ, sao cho gió trời lùa được nhiều nhất vào hệ thống thông gió; việc sử dụng năng lượng, tài nguyên, nước… phải tiết kiệm nhất đồng thời có giải pháp tái tạo nguồn nước để có thể tưới cây.

ông Võ cho rằng vào lúc này, các dự án xây dựng chung cư đã phát triển nhiều quá rồi thì dự án nào có triết lý xanh càng lớn thì sẽ càng có giá trị cao

GS. Đặng Hùng Võ cho rằng hiện nay dự án nào có triết lý xanh càng lớn thì sẽ càng có giá trị cao. (Ảnh minh họa)

Xu hướng chung thế giới đang làm là những căn hộ thông minh, những khu chung cư thông minh. Bên cạnh yếu tố xanh, chất lượng gắn với thiên nhiên thì các dịch vụ trong khu ở phải có chi phí ít nhất mà tiện lợi cao nhất. Tức là người ở được lợi nhất nhưng phải trả tiền thấp nhất.

Việc bỏ tiền ra mua một căn hộ mới chỉ là bước đầu còn chi trả cho dịch vụ sống ở đó là việc còn quan trọng nhiều khi hơn cả khoản đầu tư ban đầu. Chúng ta sống hàng tháng ở đó phải chi trả bao nhiêu, ví dụ như hạ tầng xã hội, y tế, văn hóa, giáo dục… Chi trả hàng ngày cho nhưng tiện ích đó hết bao nhiêu. Căn hộ thông minh thì thiết bị có thể thay thế cho con người, việc quản lý sao cho tiện lợi nhất cho nhà chung cư đó nhưng trên nguyên tắc Giảm chi phí và tăng tiện ích trong toàn bộ quá trình khai thác sau này.

Quan điểm của GS. Võ có thể không hợp ý những người cho rằng cứ nhiều tiền là đắt, nhưng thực tế, hiện nay xu hướng triết lý xanh đang ngày càng trở nên phổ biến đối với các công trình nhà ở trên thế giới cũng như tại Việt Nam.

Điều này cũng dễ hiểu khi mà nguồn nhiên – nguyên liệu trên thế giới ngày càng cạn kiệt, còn con người phải tìm mọi cách để giảm thiểu những ảnh hưởng xấu tới trái đất. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các dự án công trình xanh có thể tiết kiệm cho chủ đầu tư từ 20 - 40% chi phí vận hành mỗi tháng nhờ thiết kế thông minh và quy trình vận hành được tính toán kỹ càng.

Cụ thể, như KTS. Hoàng Mạnh Nguyên, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu và phát triển Đô thị xanh Việt Nam, từng chia sẻ: Đầu tư xây dựng công trình xanh sẽ đòi hỏi tăng vốn đầu tư trung bình từ 3 - 8% so với đầu tư thông thường. Tuy nhiên, các công trình xanh sẽ tiết kiệm được từ 15 - 30% năng lượng sử dụng, giúp giảm 30 - 35% lượng khí thải carbon, tiết kiệm 30 - 50% lượng nước sử dụng và từ 50 - 70% chi phí xử lý chất thải. Không những thế, các công trình xanh sẽ góp phần bảo tồn các nguồn tài nguyên, thân thiện với môi trường, chi phí sử dụng thấp, đảm bảo sức khỏe người sử dụng và đặc biệt là tăng tuổi thọ công trình. Bởi vậy, nếu tính toán chi tiết, có thể thấy dù khoản đầu tư, phát triển công trình xanh ban đầu có cao hơn nhưng kết quả thu về sẽ bền vững, hiệu quả lâu dài, kiểu “một vốn bốn lời”.

Quan điểm này cũng nhận được sự đồng tình từ một người đã có kinh nghiệm xây dựng chung cư xanh ở Việt Nam là ông Trịnh Tùng Bách, Giám đốc Ban Nghiên cứu và Phát triển Tập đoàn Capital House. Theo ông Bách, khi doanh nghiệp bỏ thêm 1 đồng để xây dựng công trình xanh thì trong quá trình 50 năm sử dụng, họ sẽ tiết kiệm được không chỉ 10 đồng mà có thể đến 100 đồng từ việc tiết kiệm năng lượng.