22/11/2024 | 23:08 GMT+7, Hà Nội

Nội thất xanh bắt đầu phát triển, nội thất thông minh là “điểm sáng” của thị trường

Cập nhật lúc: 10/12/2018, 07:00

Dự báo xu hướng thị trường nội thất 2019, ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho rằng nội thất xanh bắt đầu phát triển nhưng chưa thật sự sôi động, đóng vai trò chủ đạo sẽ là thị trường nội thất thông minh ở phân khúc tầm trung và cao cấp.

Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), ông Huỳnh Văn Hạnh.

Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) Huỳnh Văn Hạnh.

PV: Trong vòng 10 năm trở lại đây, nhiều ngành hàng bán lẻ của Việt Nam chịu sức ép rất lớn từ những cuộc xâm nhập thị trường của các doanh nghiệp nước ngoài, gây khó khăn rất lớn cho các cửa hàng bán lẻ vừa và nhỏ trong nước. Theo ông, thị trường nội thất có ảnh hưởng bởi sức ép đó?

Ông Huỳnh Văn Hạnh:Nội thất là ngành có thể kiểm soát được tốt nhất và ít sản phẩm nhập vào so với các ngành hàng khác. Bấtkểthị trường nào, mặc dù xuất khẩu đi nhiều nước, thì vẫn phải nhập khẩu sản phẩm. Đơn cử như nước Ý, rất nổi tiếng về thị trường nội thất nhưng họ vẫn phải nhập khẩu nội thất, trong đó có nhập nội thất của Việt Nam.

Như vậy, việc nhập khẩu làm đa dạng thị trường, bởi trong một thị trường vốn đan xencác phân khúc khác nhau. Có khách hàng thích dùng đồ ngoại, có khách hàng lại thích hàng hiệu nổi tiếng hoặc hàng nội địa, miễn là sản phẩm đó có công năng đáp ứng nhu cầu và không gian ngôi nhà của họ.

Mặt khác, Việt Nam có nhưng lợi thế về đồ nội thất mà những doanh nghiệp ở nước ngoài không thể cạnh tranh. Sự “đổ bộ” của các doanh nghiệp nước ngoài vào bất cứ ngành hàng nào cũng đều sẽ tạo áp lực cạnh tranh. Nhưng nhìn theo chiều hướng tích cực, sự cạnh tranh của các doanh nghiệp nước ngoài sẽ khiến thị trường nội thất nội địa phải luôn vận động đi lên để có thể chiếm lĩnh thị trường. Các sản phẩm phải có nhiều công năng, mẫu mã đẹp, phù hợp với mọi không gian từ nhỏ đến lớn. Và khi thị trường nội thất phát triển, sẽ kích hoạt cho những ngành công nghiệp khác phát triển đi theo nó.

PV: Trước nhu cầu ngày càng cao của thị trường, khái niệm công trình xanh đang ngày càng được chú trọng, các sản phẩm nội thất không chỉ thông minh, mẫu mã đẹp mà về lâu dài, sẽ phải có thêm tiêu chí thân thiện với môi trường. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Ông Huỳnh Văn Hạnh: Có thể nói, nội thất xanh đã bắt đầu phát triển, tuy nhiên, vẫn chưa thật sự sôi động. Trong môi trường sống công nghiệp hiện nay, sau những ngày làm việc căng thẳng và mệt mỏi, ai cũng mong muốn được sống trong bầu không khí trong lành, gần gũi thiên nhiên bên gia đình. Từ đó, người dân có xu hướng tiếp cận nhiều hơn đến những công trình xanh, vật liệu xây dựng xanh và nội thất xanh.

Riêng về nội thất, bên cạnh mẫu mã, công năng, khách hàng sẽ quan tâm nhiều hơn về chất liệu làm nên sản phẩm. Trong đó, gỗ được xem là chất liệu hoàn hảo của một sản phẩm nội thất xanh. Gỗ được đánh giá là chất liệu đảm bảo độ bền, độ chắc chắn, an toàn nhất cho sản phẩm nội thất.

Gỗ được xem là chất liệu hoàn hảo của một sản phẩm nội thất xanh (ảnh minh họa)

Gỗ được xem là chất liệu hoàn hảo của một sản phẩm nội thất (ảnh minh họa)

PV: Như ông vừa phân tích ở trên, gỗ là chất liệu hoàn hảo của ngành nội thất, đặc biệt là nội thất xanh. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc phát triển nội thất gỗ đồng nghĩa với việc gia tăng phá rừng. Ông đánh giá như thế nào về ý kiến trên?

Ông Huỳnh Văn Hạnh: Theo tôi, đó là ý kiến rất phỏng đoán và phiến diện. Vào thập niên 80, chúng ta khai thác và bán tài nguyên rừng đi để lấy ngoại tệ đem về phục vụ cho nền kinh tế đất nước. Từ thập niên 90 trở đi, bên cạnh việc khai thác, người dân bắt đầu chú trọng đến việc trồng rừng thay thế phần đã khai thác, đồng thời thay vì xuất khẩu thô đã chế biến sản phẩm để tăng giá trị hàng hóa. Năm 2011, diện tích che phủ rừng chỉ là 39%, đến nay con số này đã tăng lên 41,5%.

Cũng từ năm 2011 đến 2015, Nhà nước chỉ cho phép khai thác trung bình khoảng 200 nghìn mét khối gỗ trong một năm. Với thói quen dùng tăm sau khi ăn, 3 lần/ngày của người Việt thì 200 nghìn mét khối gỗ được khai thác thậm chí không đủ để sản xuất tăm, lấy đâu gỗ để làm nội thất?

Mặt khác, năm 2014, Nhà nước đóng cửa rừng hoàn toàn, nhưng ngành nội thất vẫn phát triển, đi lên. Điều đó chứng tỏ rằng ngành nội thất đang không cầnmét khốigỗ nào của rừng tự nhiên, vậy thì tại sao lại nói là phá rừng?

Ngược lại, ngành nội thất càng phát triển sẽ kích hoạt nhu cầu về sử dụng nguyên liệu, khiến người dân tham gia trồng rừng nhiều hơn, nhờ vậy, diện tích rừng che phủ sẽ tăng lên.

PV: Như vậy, với thế mạnh về gỗ, Việt Nam sẽ có rất nhiều lợi thế để phát triển nội thất xanh, thưa ông?

Ông Huỳnh Văn Hạnh: Gỗ chính là nguyên liệu chủ yếu để phát triển thị trường nội thất xanh trong tương lai. Mặt khác, Việt Nam có rừng, người Việt Nam trồng được rừng và điều đó giúp chúng ta chủ động về mặt nguyên liệu. Người Việt cũng rất khéo léo và với những kỹ năng đặc biệt, có thể làm nên những sản phẩm nội thất tinh xảo, rất thuận lợi để phát triển ngành nội thất nói chung và nội thất xanh nói riêng.

PV: Vậy theo ông, nội thất xanh liệu có phải là xu hướng của thị trường nội thất 2019?

Ông Huỳnh Văn Hạnh: Nội thất xanh đang ngày càng được chú trọng, khuyến khích bởi nhu cầu của người dân về không gian xanh ngày càng cao. Tuy nhiên, theo tôi, năm 2019, phân khúc nội thất thông minh vẫn sẽ thống lĩnh thị trường. Nội thất thông minh thường thu hút 40% tổng tiêu dùng đồ nội thất của thị trường. Năm 2019 thị trường nội thất sẽ tiếp tục tăng trưởng, tập trung ở phân khúc trung cấp và cao cấp.

Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Liên Liên - Minh Đức