25/11/2024 | 05:07 GMT+7, Hà Nội

Muôn kiểu sự cố thang máy chung cư: Bục trần, rơi tự do

Cập nhật lúc: 08/12/2018, 16:31

Mới đây, người dân sống ở chung cư HH1B Linh Đàm được phen hú vía khi thang máy đang di chuyển thì bất ngờ bị bục trần, rơi xuống một sợi dây to màu đen.

Theo thông tin cư dân tòa nhà chia sẻ, sáng 6/12, một thang máy tại tòa nhà HH1B chung cư Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã gặp sự cố. Một người có mặt tại hiện trường sự việc đã chụp lại hình ảnh này và đăng lên mạng xã hội kèm chú thích: “HH1B, thang đang về tầng 1 thì bục cáp rơi xuống, trong thang có người may mắn không sao, đang cảm thấy bất an”.

Hình ảnh thang máy chung cư HH Linh Đàm bất ngờ bị bục trần

Hình ảnh thang máy chung cư HH Linh Đàm bất ngờ bị bục trần được cư dân tòa nhà chia sẻ trên mạng xã hội

Đơn vị bảo trì thang máy cho biết sự việc xảy ra vào lúc 5h sáng khi thang đã về đến tầng 1 nên không có ai bị thương.

Một cư dân khác sống ở đây cho biết đây không phải là lần đầu tiên thang máy tòa nhà xảy ra sự cố, trước đây thang máy đã xảy ra một số lần, may mắn không gây hậu quả nghiêm trọng về người và của.

Đây không phải là lần đầu thang máy ở các tòa chung cư gặp sự cố. Với tần suất hoạt động liên tục và thường xuyên trong tình trạng đầy ắp người, các thang máy đôi khi cũng gặp phải các vấn đề khiến người sử dụng “thót tim”.

Trước đó, vào vào khoảng 16h20 ngày 4/1/2018, tại chung cư IHome (quận Gò Vấp, TP.HCM) xảy ra một vụ rơi thang máy tự do. Người gặp sự cố, chị Nguyễn Thị Lan Hoa cho biết, chị và con gái vào thang máy từ tầng 9. Khi cửa thang máy vừa đóng lại thì đèn tắt và thang bắt đầu rơi xuống tầng 7, sau đó đèn sáng lại rồi tiếp tục tắt và thang máy tiếp tục rơi xuống tầng B. Đi cùng thang máy còn có bà cụ bế cháu nhỏ. Mọi người có mặt trong thang máy khi đó đã rất hoảng loạn, bật khóc.

Gặp cảnh tương tự như chị Hoa là chị Hoàng Bích Hạnh, cư dân ở tòa nhà HHB - Khu đô thị Tân Tây Đô (Tân Lập, Đan Phượng, Hà Nội). Hồi đầu tháng 12/2017, khi đang bế con nhỏ đi từ tầng 18 xuống tầng 1, thang máy tòa nhà bất ngờ tự do khiến chị vô cùng hoảng sợ. May mắn hai mẹ con chị vẫn bình an.

Một sự cố khác xảy ra vào ngày 6/8/2018, thang máy bên trong tòa nhà thuộc Công ty TNHH Bất động sản Bình An Phúc nằm trên đường 30-4 (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) bất ngờ mất điện. Khi đang di chuyển từ tầng 1 lên tầng 5, thang máy gặp sự cố và dừng lại giữa tầng 4 và tầng 5 khiến chị Nguyễn Thị Cẩm Ly (SN 1993) không thể ra ngoài. Sau hơn 20 phút gọi hỗ trợ, chị Ly mới được cứu ra.

Cũng tại Đà Nẵng, cư dân dãy chung cư 12T2 dành cho người thu nhập thấp (tổ 45 và 46 phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) từng nhiều lần thấp thỏm khi đi thang máy bởi tình trạng thỉnh thoảng lại… rơi tự do. Như ngày 26/2/2018, em Lê Thị Kim Ngân (trú tại phòng 1008, tầng 8 chung cư 12T2) và bạn đã bị mắc kẹt trong thang máy cả tiếng đồng hồ. Khi đi từ tầng 10 xuống, thang máy bỗng dừng khựng tại tầng 8, hai em học sinh bấm chuông bên trong thang không kêu, phải liên tục đập cửa mới có người nghe thấy rồi báo cho bảo vệ tòa nhà giải cứu.

Cư dân chung cư G9, Bắc Từ Liêm, Hà Nội phải đi trên mái nhà vì thang máy hỏng (Ảnh Zing.vn)

Cư dân chung cư G9 phải đi trên mái nhà vì thang máy hỏng (Ảnh: Zing)

Một trường hợp khác khá hy hữu cũng thường xuyên được nhắc lại, đó là việc cư dân chung cư G9 (Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) phải leo lên mái nhà để… đi thang máy ròng rã nhiều tháng trời. Ông Phạm Đăng Ngọc, trưởng ban quản trị chung cư G9, từng chia sẻ với VTCNews: “Tòa nhà có 6 thang máy thì 5 cái hỏng. Chúng tôi đã báo cáo với thành phố và công ty quản lý nhà nhưng họ cho biết không có tiền sửa chữa, bà con phải chờ đợi”. Điều này dẫn đến vấn đề di chuyển của gần 400 con người chỉ trong 2 sự lựa chọn: một là đi cầu thang bộ, hai là leo lên mái nhà để đi sang đơn nguyên bên cạnh sử dụng chiếc thang máy chưa hỏng. Những người sức khỏe yếu không thể đi thang bộ, chỉ có lựa chọn duy nhất là phương án thứ hai – leo mái nhà.

 

Nói đến vấn đề an toàn vận hành thang máy, một nhân viên bảo trì thang máy cho biết, một trong những nguyên nhân khiến thang máy hư hỏng, dẫn đến tai nạn là do cách vận hành, bảo trì của người sử dụng không đúng cách. Theo quy định, cứ trung bình 1 - 2 tháng, nhân viên bảo trì cần phải tiến hành kiểm tra, bảo trì thang máy một lần.

Theo thông tư 32/2011/TT-BLĐTBXH ngày 14/11/2011 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, thang máy được đưa vào danh mục các loại thiết bị, máy móc, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, bắt buộc phải kiểm định để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người sử dụng. Kiểm định thang máy được thực hiện bởi các đơn vị được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động.

Nghị định số 95/2013NĐ-CP ban hành ngày 22/08/2013 đã quy định mức xử phạt đối với các trường hợp chủ sở hữu thang máy không thực hiện kiểm định là: từ 1 triệu đến 3 triệu, từ 3 triệu đến 5 triệu, cao nhất từ 50 triệu đến 70 triệu nếu cố tình đưa thang máy không đủ điều kiện an toàn vào sử dụng.

Mỹ Thuận