10 sự kiện tiêu dùng nổi bật năm 2015 (phần 1)
Cập nhật lúc: 01/01/2016, 05:12
Cập nhật lúc: 01/01/2016, 05:12
Ngày 18/12, bị cáo Võ Văn Minh đã bị TAND tỉnh Tiền Giang tuyên phạt 7 năm tù giam vì tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
Theo bản án sơ thẩm, khoảng 15 giờ 30 ngày 27/1, tại một quán cà phê thuộc huyện Cái Bè (Tiền Giang), các trinh sát Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45) Công an tỉnh Tiền Giang đã bắt quả tang Võ Văn Minh, bán quán cơm tại huyện Cái Bè, đang nhận 500 triệu đồng của Công ty TNHH TM&DV Tân Hiệp Phát.
Tại cơ quan điều tra, Minh khai cuối tháng 12/2014, lúc đem chai nước ngọt hiệu Number One để bán cho khách, Minh phát hiện bên trong chai có con ruồi nên đã gọi điện thoại báo công ty này. Sau đó, Minh yêu cầu công ty nói trên phải đưa cho Minh 1 tỉ đồng, nếu không sẽ phát tờ rơi, cung cấp thông tin cho báo chí đăng.
Sau nhiều lần thương lượng, Công ty Tân Hiệp Phát đã đồng ý đưa Minh số tiền là 500 triệu đồng, đồng thời trình báo vụ việc cho Công an. Khi Minh đang nhận tiền thì bị bắt quả tang.
Tiếp sau đó, đến ngày 7/2, Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) đã có kết luận giám định vụ chai nước Number One bằng nhựa của Công ty Tân Hiệp Phát do Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang trưng cầu giám định.
Nội dung kết luận: “Phát hiện thấy dấu vết biến dạng nắp chai nước nhãn hiệu Number One gửi giám định, dấu vết có chiều từ dưới lên trên, từ trong ra ngoài hình thành do công cụ sắc nhọn tạo ra. Mực nước trong chai gửi giám định thấp hơn mực nước trong chai gửi làm mẫu so sánh. Các dị vật bên trong chai nước nêu trên là các bộ phận cá thể ruồi”.
Tỷ lệ 3%, tương đương khoảng 750 loại thuốc kém chất lượng đang lưu hành trên thị trường là con số không hề nhỏ, ẩn chứa hiểm họa khôn lường đối với sức khỏe mọi người dân. Trong khi đó, các biện pháp nhằm kiểm soát tình hình của cơ quan chức năng lại đang bộc lộ nhiều kẽ hở và bất cập.
Thuốc là mặt hàng đặc biệt, thiết yếu. Số lượng thuốc sản xuất, lưu hành tại thị trường nước ta hiện có khoảng hơn 25.000 mặt hàng, với gần 1.000 hoạt chất tân dược, mỗi hoạt chất lại có rất nhiều chủng loại, hàm lượng, quy cách đóng gói, dạng bào chế, nhà sản xuất khác nhau.
Cũng bởi vậy mà việc ngăn chặn mối nguy từ thuốc kém chất lượng luôn là đòi hỏi bức thiết không chỉ từ phía người dân. Từ đầu tháng 9/2015 đến nay, Cục Quản lý Dược đã ra quyết định rút số đăng ký lưu hành khoảng 70 loại thuốc, trong đó có nhiều loại thuốc không bảo đảm chất lượng.
Trước đó, trong hai năm (2013-2014), qua kiểm tra cơ quan chức năng đã đình chỉ lưu hành, hoặc buộc phải tái xuất hơn 110 lô thuốc do không bảo đảm tiêu chuẩn.Cảnh báo về mức độ nguy hại của thuốc kém chất lượng, bác sĩ Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Trung tâm Dị ứng, miễn dịch lâm sàng - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, người bệnh luôn đối mặt với những di chứng khó lường khi không may sử dụng phải thuốc kém chất lượng.
“Với một bệnh nhân bị đái tháo đường được chỉ định sử dụng thuốc hạ đường huyết, nhưng do mua phải thuốc kém chất lượng khiến đường huyết chẳng những không xuống mà lại tăng cao hơn, rất dễ tử vong.
Bên cạnh đó, khi thuốc không bảo đảm các hoạt chất như đăng ký, còn có thể chứa các chất có tác dụng phụ gây hại sức khỏe như gây dị ứng, nhiễm độc...”, bác sĩ Đoàn nói.
Tại Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã tiếp nhận không ít trường hợp cấp cứu do dùng phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng bị ngộ độc. Đại diện Trung tâm Chống độc cũng thông tin, một số loại thuốc thường gây ngộ độc là thuốc kháng histamine (thuốc chống dị ứng), thuốc á phiện, thuốc ngủ, thuốc nhỏ mũi, thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau nhức các loại…
Thuốc giả không chỉ đánh lừa người tiêu dùng, chúng còn vô hiệu hóa các liệu pháp điều trị để cứu sống bệnh nhân và trong rất nhiều trường hợp thuốc giả gây ra tác hại to lớn như gây dị ứng, nhiễm độc kim loại nặng... Đã có những trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc thuốc không được cứu chữa kịp thời đã tử vong.
Nguy hiểm là vậy, song theo thừa nhận của các cơ quan quản lý, việc phân biệt được đâu là thuốc thật, đâu là thuốc kém chất lượng lại không thể tiến hành bằng mắt thường.
Phát hiện thuốc kém chất lượng chỉ có cách duy nhất là đưa đến kiểm nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương.
Việc phát hiện thuốc giả được trông chờ vào các cơ quan như quản lý thị trường, hải quan, căn cứ vào mẫu mã sản phẩm không giống hàng thật, hoặc nhái hàng thật để phát hiện.
Ảnh minh họa. |
Năm 2015, lực lượng Thanh tra Bộ NN&PTNT đã phối hợp với lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường C49 lấy 89 mẫu thức ăn chăn nuôi (TĂCN) của các công ty nghi vấn.
Trong đó, có 23 mẫu dương tính với chất cấm Salbutamol, 16 mẫu vượt ngưỡng cho phép và hiện Thanh tra Bộ NN&PTNT đang phối hợp với C49 xác lập hồ sơ để xử lý và điều tra mở rộng nơi cung cấp.
Ông Dũng cũng cho biết thêm, trong tháng qua, lực lượng Thanh Tra của Bộ đã tiến hành thanh tra đột xuất 13 cơ sở sản xuất, kinh doanh và sử dụng TACN tại các tỉnh (Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội) có dấu hiệu sử dụng chất cấm. Kết quả, cơ quan thanh tra đã phát hiện 2 Công ty có sử dụng Salbutamol là Công ty TNHH thức ăn chăn nuôi Trường Phú (Hải Dương) và Công ty TNHH Thịnh Đức (Bắc Giang).
Ngoài ra, trong quá trình thanh tra 2 công ty này còn bị bắt quả tang đang sử dụng chất vàng ô và chất tạo màu công nghiệp Auramine để phối trộn vào TAWCN. Được biết, chất phẩm màu công nghiệp Auramine được các cơ sở này trộn vào TĂCN khiến người tiêu dùng nhầm tưởng thành phần chính là ngô.
Thời gian gần đây việc các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi sử dụng, buôn bán chất cấm Salbutamol liên tiếp bị phát hiện đang gây xôn xao dự luận. Trước khi phát hiện 2 công ty này có sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, cơ quan chức năng cũng đã phát nhiều đơn vị khác cũng có sử dụng và buôn bán chất độc hại này.
Đơn cử, mới đây, đoàn kiểm tra của Cục Quản lý Dược đã phát hiện Công ty TNHH Hóa dược quốc tế Phương Đông (địa chỉ đăng ký kinh doanh tại số 7 ngõ 39/1 Pháo Đài Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa Hà Nội) đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh nguyên liệu Salbutamol làm thuốc.
Cụ thể, công ty này đã nhập khẩu nguyên liệu Salbutamol với số lượng thực tế nhiều hơn 200 kg so với số lượng nguyên liệu trên đơn hàng nhập khẩu được Cục Quản lý Dược duyệt. Công ty này sau đó bán buôn nguyên liệu Salbutamol cho đơn vị, cá nhân không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc (phạm vi sản xuất thuốc hoặc phạm vi bán buôn nguyên liệu làm thuốc).
Chất cấm trong chăn nuôi gây ung thư mà các công ty thức ăn chăn nuôi sử dụng chủ yếu là chất tạo nạc, chất vàng ô. |
Chánh Thanh tra Bộ NN-PTNT liệt kê các chất “tử thần” như vàng - ô (Vat-yellow) sử dụng trong nhuộm vải, nhuộm giấy được bán công khai để tạo màu óng vàng cho sản phẩm chăn nuôi.
Chất này tồn dư sẽ làm giảm chức năng nội tạng như thận, gan, đường ruột, có nguy cơ gây ung thư. Tiếp đến là chất kích thích tăng trưởng, tạo nạc, giảm mỡ (salbutamol, clenbuterol, ractopamime) cho vật nuôi có thể gây ngộ độc hoặc ung thư.
Theo ông Việt, chỉ với 1 kg chất vàng - ô có thể sản xuất được 5 tấn thành phẩm và 1 kg chất kích thích tăng trưởng salbutamol sản xuất ra 250 tấn thức ăn chăn nuôi. Giá các chất cấm này chỉ khoảng 2 triệu đồng/kg nên lợi nhuận đem lại cho nhà sản xuất, kinh doanh vô cùng lớn.
Theo TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế cho biết, lũy kế từ 01/01/2015 đến 30/11/2015, Cục trưởng Cục ATTP phẩm đã ra quyết định xử phạt 238 công ty vi phạm về an toàn thực phẩm với tổng số tiền phạt gần 4,3 tỷ đồng, trong đó có 201 Công ty vi phạm về quảng cáo thực phẩm bị phạt trên 3,3 tỷ đồng;
Thu hồi 30 Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, 07 Giấy xác nhận nội dung quảng cáo, tạm dừng lưu thông 60 lô sản phẩm, thu hồi tiêu huỷ 03 sản phẩm và 230kg sản phẩm vi phạm về chất lượng, chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng khác xử lý 15 trường hợp.
Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong cũng cho biết thêm, Cục ATTP sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thực phẩm chức năng, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, thực hiện công bố công khai cơ sở vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.
Những lo ngại về an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng Việt đã trở nên báo động hơn bao giờ hết trước hàng loạt các vụ việc thực phẩm bẩn bị phanh phui thời gian qua.
“Con đường từ dạ dày tới nghĩa địa của mỗi người chúng ta chưa bao giờ lại trở nên ngắn và dễ dàng đến thế”, đây là ý kiến của đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đưa ra trong phiên họp Quốc hội ngày 16/11.
Ý kiến của đại biểu Trần Ngọc Vinh hoàn toàn có căn cứ khi hàng loạt những vụ vụ việc thực phẩm bẩn bị phanh phui thời gian qua từ: mỡ bẩn, gà thì nhiễm chất vàng ô, bánh Trung thu được làm với nhân bánh không rõ nguồn gốc…
1 tấn thực phẩm bẩn gồm hàng chục túi nội tạng, thịt lợn đã phân hủy, bốc mùi được cơ quan chức năng phát hiện tại chợ Phùng Khoang. |
Sự nguy hiểm rình rập không chỉ trực chờ từ con đường dạ dày, mà cả qua con đường tiếp xúc, tay chân. Cụ thể, những miếng dán đồ chơi được nhiều thế hệ trẻ em ưa thích, giá cả phải chăng, hình thù bắt mắt, có xuất xứ từ Trung Quốc được cảnh báo với nhiều nguy hại từ các chất gây ung thư.
Và nhiều người sẽ phải giật mình nếu được biết số lượng người mắc bệnh nguy hiểm, bệnh hiểm nghèo, và ung thư trong những năm gần đây của Việt Nam.
Theo thống kê của Dự án phòng chống ung thư Quốc gia, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 70.000 người chết và hơn 200.000 người mắc mới (gấp 7 lần tử vong do tai nạn giao thông). Nếu đem so với khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có tỷ lệ mắc đứng hàng thứ 3.
Có nhiều nguyên nhân gây ra ung thư song hơn 80% là do từ thức ăn, môi trường… Và tỉ lệ mắc các bệnh ung thư đường tiêu hóa ngày càng tăng nhanh trong vòng 10 năm nay.
Còn nữa...
01:31, 01/01/2016
18:44, 29/12/2015
18:35, 29/12/2015
08:16, 29/12/2015
06:49, 27/12/2015