22/11/2024 | 07:46 GMT+7, Hà Nội

Zara, H&M 'tuồn' được bán như thế nào?

Cập nhật lúc: 18/07/2019, 06:01

Nhiều cửa hàng bán quần áo ở Hà Nội quảng cáo bán hàng hiệu Zara, H&M xách tay trực tiếp từ các nước về Việt Nam, nhưng theo điều tra của phóng viên thấy không phải như vậy.

 Zara, H&M bán rẻ bất ngờ

Trước đây, để sở hữu được một món đồ của 2 hãng thời trang lớn này, khách hàng Việt luôn phải tìm nhiều cách như order (đặt mua) thông qua trung gian từ web của hãng, nhờ người thân ở nước ngoài mua hộ hay thậm chí sang các quốc gia lân cận Thái Lan, Singapore,… để mua sắm.

Sau đó, để phục vụ khách hàng, nhiều người đã mở shop bán đồ của 2 thương hiệu này với cái tên chung rất phổ biến – hàng xách tay. Họ “xách” hàng từ nước ngoài về rồi bán cho người tiêu dùng Việt. Mặc dù Zara, H&M mở cửa hàng chính thức tại Việt Nam, nhưng những shop này vẫn tồn tại và đông khách.

Để tìm hiểu nguyên nhân khách hàng vẫn mua ở những cửa hàng này, phóng viên đã đi khảo sát thị trường và hầu hết đều nhận được câu trả lời từ người mua rằng “hàng xách tay rẻ hơn trong cửa hàng của Zara, H&M và do tin tưởng”.

Nhiều năm qua, cũng như những khách hàng mua quần áo tại những cửa hàng này, người dân đều tin họ bán hàng xách tay chính hãng. Thế nhưng khi phóng viên tìm hiểu lại không phải hoàn toàn như vậy…

Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề, PV đã tìm về Hải Phòng – thành phố cảng biển lớn nhất Miền Bắc. Dạo quanh một vòng đường Trần Quang Khải, Phan Bội Châu hay khu Nhà hát lớn, Cầu Đất, Trần Phú…, khách hàng sẽ bắt gặp rất nhiều cửa hàng bán quần áo xách tay của Zara, H&M và của các thương hiệu nổi tiếng khác.

Trong vai một khách buôn muốn nhập hàng tại cửa hàng HM Trần Quang Khải (địa chỉ tại số 51 Trần Quang Khải, TP. Hải Phòng) về bán, PV đã nhận được nhiều câu trả lời "giật mình".

Ấn tượng đầu tiên khi bước vào cửa hàng này là quần áo được chất thành những đống lớn, bày la liệt trong cửa hàng chừng mấy chục m2 từ váy, quần, áo sơ mi,... đến cả đồ nội y, giày và túi xách. Khách đến mua hàng thì tự chọn, bới tìm quần áo mình cần rồi mua. Vì theo như lời giới thiệu của hàng, ở đây bán buôn là chính, ít bán lẻ.

 Quần áo

 Quần áo "hàng hiệu" Zara, H&M được chất thành những đống lớn như hàng chợ.

Sau một hồi PV trình bày mong muốn nhập hàng, bà chủ HM Trần Quang Khải không đắn đo, nghi ngờ hay kiểm tra thông tin mà hỏi luôn: "Em muốn nhập bao nhiêu? Không bán buôn với số lượng quá ít đâu em nhé! Mua nhiều thì chiết khấu càng cao”.

“Mỗi mã sản phẩm, em nhập từ 12 chiếc trở lên thì chiết khấu xuống còn 280.000 đồng/mã sản phẩm nhưng em phải nhập ít nhất từ 10-12 triệu đồng trở lên thì mới có giá đó. Vì đây là giá kịch sàn tính chung cho tất cả các sản phẩm có mức giá bán ra khác nhau, 500.000 đồng, 800.000 đồng hay 1.200.000 đồng… cũng chỉ bán đồng giá buôn 280.000 đồng”, chủ quán nói.

Giá bán buôn là vậy, nhưng giá bán lẻ thì vẫn đắt như ngoài thị trường từ 500.000 đồng tới vài triệu đồng một sản phẩm. Như vậy, lợi nhuận mua hàng từ những nơi này khiến cho những chủ shop nhập hàng Zara, H&M phải mờ mắt.

Lý giải nguyên nhân giá bán buôn rẻ như vậy, chủ quán nói: “Hàng ở đây có cả hàng “tuồn ra” lẫn hàng nhập về nên giá thành rẻ hơn nhiều so với mua trực tiếp tại các cửa hàng ở nước ngoài”.

Chủ quán này còn bật mí, những cửa hàng lớn, nổi tiếng chuyên bán đồ của Zara, H&M ở Hà Nội đều nhập hàng ở đây về bán vì giá “quá hời”. “Hàng mới của chị về liên tục, mẫu mới có liên tục nên họ nhập khá nhiều và nhập với số lượng lớn. Em còn nhập ít do em mới bán, chứ khách quen của chị không ai nhập chục triệu như em đâu”, chủ quán đon đả nói.

 Quần áo gắn mác Zara, H&M này được bán cho rất nhiều cửa hàng bán đồ xách tay ở Hà Nội và các tỉnh lân cận.

 Quần áo gắn mác Zara, H&M như thế này được bán cho rất nhiều cửa hàng bán đồ xách tay ở Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Ngoài ra, trên các trang quảng cáo của shop này, chủ cửa hàng rất chăm chỉ up những mẫu New arrivals/Spring-Summer 2019 và không quên giới thiệu: “Mỗi lần có hàng châu Âu là em phải thức đêm luôn vì lệch giờ bên kia, nhưng không sao miễn là hàng đẹp, khách thích” để hút khách.

Mặc dù giới thiệu là hàng “tuồn”, nhưng vị chủ quán này cũng “khá cứng” trong việc buôn bán và khẳng định, khách có nhu cầu thì nhập về bán, nếu tỏ ra nghi ngờ về chất lượng hàng hóa thì shop không tiếp.

"Chị bán buôn cho khắp các tỉnh ở miền Bắc, làm ăn lớn người ta còn không lo, huống chi em nhập có chục triệu”, chủ cửa hàng nói.

Như vậy, thương hiệu  dành cho lớp trung lưu trở lên lại đang được buôn bán thành đống như chợ đầu mối Ninh Hiệp – Bắc Ninh,  Đồng Xuân – Hà Nội. Đây chỉ mới là một cửa hàng bán buôn “hàng xách tay”, còn vô số những cửa hàng khác cũng đang hoạt động và thường xuyên bán hàng cho các shop bán hàng Zara, H&M xách tay khắp các tỉnh thành của miền Bắc.

Hàng tuồn là hàng gì?

Theo luật thì hàng gia công ở nước khác không được xuất ra thị trường của nước đó mà phải đi 1 vòng qua thị trường khác rồi mới về trở lại bán cho người dân, nếu tuồn thẳng hàng ra thì doanh nghiệp sẽ thiệt hại rất lớn.

Các hàng  bán trên thị trường có thể được lấy ra bằng nhiều cách, nhưng chủ yếu là 2 cách chính: Thứ nhất, hàng lỗi hoặc do ăn cắp, chính vì vậy hàng này thường dơ hoặc có 1 số lỗi nhẹ và số lượng nhỏ giọt.

Cách thứ 2, hàng xí nghiệp sản xuất dư thanh lý: về cơ bản thì điều này là trái với hợp đồng nhưng vẫn có 1 số cơ sở làm điều này để kiếm thêm. Ví dụ đơn đặt hàng thương hiệu đặt là 1.000 chiếc áo thì xí nghiệp ở nước được gia công phải làm 1.100 đôi để trừ hao hư hỏng. Sau khi trừ hao còn 40 đôi, thì hàng thanh lý chính là 40 đôi đó, các shop thu lại và bán lẻ.

Như vậy, dù được “tuồn” bằng cách nào thì những sản phẩm của Zara, H&M được khách hàng mua với cái giá “xách tay” cũng là đồ không đảm bảo và vi phạm pháp luật.

Một điều lạ, khi PV hỏi, nếu khách hỏi bill mua hàng thì làm thế nào, chủ của hàng này liền chia sẻ luôn bí quyết: “Em nói khéo với họ một chút, khách hàng đôi khi mua bằng niềm tin và cảm xúc nên nói khéo là để em tìm bill vì hàng nhiều quá, tìm được  bill em sẽ nhắn tin gửi chị.

 Mặc dù giá bán buôn chỉ 250.000 đồng/sản phẩm nhưng giá bán lẻ vẫn bằng giá thị trường từ vài trăm nghìn tới vài triệu đồng tùy sản phẩm. 

 Mặc dù giá bán buôn chỉ 250.000 đồng/sản phẩm nhưng giá bán lẻ vẫn bằng giá thị trường từ vài trăm nghìn tới vài triệu đồng tùy sản phẩm. 

Trong trường hợp, khách khó tính khăng khăng đòi bill thì chị gửi bill cho em. Trăm tờ cũng có chứ đừng nói 1, 2 tờ bill. Khách lúc đó có nhìn cũng không đủ kiên nhẫn để tra xem đồ mình mua ở đâu trong đống bill đó”, chủ cửa hàng bật mí.

Chủ cửa hàng giới thiệu là vậy, nhưng câu hỏi được đặt ra, liệu đây có phải là hàng “tuồn” hay không hay nó lại được sản xuất nhái ở Trung Quốc hoặc ngay tại chính ở nơi nào đó trên đất nước Việt Nam rồi bán ra cho khách hàng với cái mác “hàng xách tay”?

Không ai kiểm chứng, cơ quan chức năng không kiểm tra chặt chẽ đã khiến những cửa hàng này ngang nhiên hoạt động bao năm qua và lừa dối niềm tin của người tiêu dùng rằng họ đang mua đồ của Zara, H&M chính hãng xách tay.

Zara, H&M nổi tiếng trên thế giới là hàng thời trang bình dân, giá rẻ, nhưng khi về Việt Nam, các hãng này ở một tầng mới - lớp trung lưu trở lên. Tất nhiên, giá bán của Zara, H&M không dành cho số đông.

Thương hiệu thời trang Zara chính thức thâm nhập thị trường Việt Nam với cửa hàng đầu tiên tại Vincom Center Đồng Khởi vào ngày 8/9/2016. Đúng một năm sau đó, một thương hiệu thời trang khác của thế giới là H&M cũng mở cửa hàng đầu tiên của mình tại đây.

Hiện H&M đã nâng số cửa hàng của mình lên con số 7 trong khi Zara vẫn chỉ duy trì 2 cửa hàng, 1 ở miền Bắc và 1 ở miền Nam. Sau khi ra mắt rầm rộ tại TP.HCM và Hà Nội, 2 đơn vị này đã tạo nên sức hút lớn, như một làn gió mới trên thị trường thời trang nội địa của Việt Nam.

Cơn sốt trên càng khiến cho người tiêu dùng Việt coi trọng Zara, H&M và họ sẵn sàng móc hầu bao, chi thêm tiền để được sở hữu những món hàng trong bộ sưu tập ra hàng tháng của Zara, H&M.

Năm 2018, riêng thương hiệu Zara đạt doanh số gần 1.700 tỷ đồng, tương đương doanh thu bình quân khoảng 4,6 tỷ đồng/ngày. HM thấp hơn đạt 760 tỷ đồng.