19/01/2025 | 02:30 GMT+7, Hà Nội

Zara Việt Nam: Sự nhầm lẫn về nguồn gốc xuất xứ đến "nực cười"

Cập nhật lúc: 05/07/2019, 15:01

Giữa tâm bão “lùm xùm Asanzo hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt” người tiêu dùng lại tiếp tục hoang mang khi hàng loạt sản phẩm của Zara có dấu hiệu tương tự...

Người tiêu dùng liên tiếp phản ánh đến cơ quan báo chí về sản phẩm của Zara kém chất lượng, nhập nhèm về tem mác. Chị T.L đã có trải nghiệm cùng Zara mua sắm, ở những sản phẩm giảm giá chị chọn mua được chiếc quần sau khi giảm giá nhiều đợt còn 399.000 VNĐ. Vì thời gian gần đây vướng nhiều nghi án hàng nhập nhèm thương hiệu nên chị kiểm tra chiếc quần rất kỹ. Thế nhưng, sau đó chị tá hoả khi mác trên quần là “Made in Việt Nam”, nhưng tem phụ lại là “sản xuất tại Trung Quốc”...

Khách hàng tá hoả khi phát hiện ra mắc chính

Khách hàng tá hoả khi phát hiện ra mác chính "Made in Việt Nam" tem phụ gắn "Made in Trung Quốc" trên sản phẩm của Zara...

“Khi Zara đến Hà Nội, tôi cũng háo hức và muốn mua cho mình những món đồ thương hiệu thời trang. Tôi thành tín đồ của Zara từ bao giờ không hay, nhưng được một thời gian tôi càng thất vọng về chất lượng của hãng thời trang này...” – chị T.L chia sẻ.

Sau khi nhận được phản ánh của bạn đọc, PV đã có mặt tại Zara - Bà Triệu (Hà Nội) để khảo sát thực tế. Tại cửa hàng của Zara, PV phát hiện nhiều sản phẩm tem nhãn phụ không ghi rõ xuất xứ, nhiều sản phẩm tem mác không đồng nhất. Chiếc áo sơ mi có giá 369.000 VNĐ, mác trên áo có ghi xuất xứ Turkey (Thổ Nhĩ Kỳ - PV) nhưng trên tem phụ lại là xuất xứ Pakistan. Một chiếc mũ xuất xứ Trung Quốc nhưng phần tem phụ lại "nhòe" về thông tin. Đó chỉ là một trong những sản phẩm “bất nhất nguồn gốc”, còn rất nhiều mặt hàng của Zara, tem phụ đều mờ khiến khách hàng hoang mang về xuất xứ sản phẩm. 

Chiếc áo sơ mi có giá 369.000 VNĐ, mác trên áo có ghi xuất xứ Turkey (Thổ Nhĩ Kỳ -PV) nhưng trên tem phụ lại là xuất xứ Pakistan...

Chiếc áo sơ mi có giá 369.000 VNĐ, mác trên áo có ghi xuất xứ Turkey (Thổ Nhĩ Kỳ -PV) nhưng trên tem phụ lại là xuất xứ Pakistan...

Gần đây, vấn đề nhập nhèm thương hiệu đang là đề tài nóng được người tiêu dùng và nhà nước đặc biệt quan tâm. Để có những thông tin đa chiều, PV đã liên hệ quản lý của Zara tại Hà Nội và được hướng dẫn gửi thông tin phản ánh đến chi nhánh TP Hồ Chí Minh.

Sau hơn một tuần, nhiều lần cố gắng liên lạc tới đại diện chi nhánh của Zara, những phản ánh của người tiêu dùng cũng như ghi nhận thực tế của PV gửi tới Zara được hồi đáp.  

Theo phía Công ty Mitra Adiperkasa Việt Nam – Nhà phân phối nhãn hiệu ZARA tại Việt Nam phản hồi: “Đây là trường hợp nhầm lẫn trong quá trình bổ sung thêm thông tin trên nhãn phụ và chỉ xảy ra ở một vài sản phẩm. Với số lượng sản phẩm lên đến hơn 10.000 mẫu mã tại cửa hàng nên đôi khi việc nhầm lẫn một vài mẫu là điều không tránh khỏi, nhưng chúng tôi có thể khẳng định chúng tôi luôn có nhân viên tại cửa hàng để giải thích với khách hàng nếu khách hàng có bất kỳ thắc mắc về vấn đề này và tất cả hàng hóa được bán tại cửa hàng đều được nhập khẩu chính thức với các thông tin về nguồn gốc xuất xứ theo đúng quy định của nhà nước Việt Nam”…

Tem phụ rất mờ khó đọc, sản phẩm sờn vải, tuột chỉ...

Một sản phẩm khác của Zara gắn mác phụ rất mờ khó đọc, sản phẩm sờn vải, tuột chỉ...

Trước câu trả lời từ phía Zara, giả thiết về việc quá nhiều mẫu mã sản phẩm khiến cho quá trình gắn tem mác có sự nhầm lẫn. Nhưng sự nhầm lẫn có những điểm bất hợp lý như: Xuất xứ Turkey (Thổ Nhĩ Kỳ -PV) nhưng trên tem phụ là xuất xứ Pakistan, mác chính gắn trên áo là Made in Việt Nam, tem phụ lại là sản xuất tại Trung Quốc...

Người tiêu dùng tiếp tục đặt câu hỏi: Quy trình Công ty Mitra Adiperkasa Việt Nam – Nhà phân phối nhãn hiệu ZARA tại Việt Nam đang thực hiện có đúng theo tiêu chuẩn, quy định của thương hiệu Zara? Để xảy ra nhầm lẫn trong quá trình gắn tem mác như vậy Zara đã thật sự kiểm soát tốt nguồn sản phẩm? Liệu sản phẩm có đảm bảo chất lượng nếu có những sai sót cơ bản như vậy?...

Mác gắn trên một sản phẩm đã bị đứt...

Mác gắn trên một sản phẩm đã bị đứt...

 

Cửa hàng Zara tại Bà Triệu, Hà Nội.

Cửa hàng Zara tại Bà Triệu, Hà Nội.

Zara vốn được ưa chuộng trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Ngay từ khi xuất hiện ở thị trường Việt Nam, thương hiệu thời trang bình dân thế giới lại vô cùng đắt đỏ. Song việc chất lượng sản phẩm có thật sự “đình đám” như cái tên của Zara (?!).

Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm về hãng thời trang nổi tiếng này cũng khiến nhiều người tiêu dùng  bức xúc. Nhưng câu trả lời trên của Công Ty Mitra Adiperkasa Việt Nam – Nhà phân phối nhãn hiệu ZARA tại Việt Nam chắc hẳn chưa đủ thuyết phục?

Giữa “ma trận" made in Việt Nam, “hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt”, người tiêu dùng hoang mang, e ngại, thắc mắc cũng là điều dễ hiểu. Đề nghị các cơ quan chức năng, Cục quản lý thị trường, Bộ Công thương, kiểm tra, thanh tra, nhanh chóng làm rõ nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, để người tiêu dùng có được thông tin chính xác, đảm bảo quyền và lợi ích khi sử dụng sản phẩm.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc./.