19/01/2025 | 13:28 GMT+7, Hà Nội

Xung đột thương mại Mỹ - Trung: Cơ hội nào cho nông sản Việt Nam?

Cập nhật lúc: 29/08/2018, 21:01

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, cuộc xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có nguy cơ kéo dài sẽ mở ra cho Việt Nam những cơ hội thuận lợi không nhỏ đối với nhiều mặt hàng nông sản chủ lực, nhưng cũng không phải là không có những nguy cơ lớn.

Thủy sản sẽ hưởng lợi?

Xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã có những tác động khá rõ rệt lên bức tranh xuất khẩu (XK) của một số ngành hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2018. Trong đó, thủy sản (nhất là tôm nước lợ và cá thịt trắng các loại) là ngành hàng có những chuyển dịch về thị trường XK khá rõ nét.

Xung đột thương mại Mỹ - Trung được dự báo sẽ có lợi cho ngành thủy sản Việt Nam

Xung đột thương mại Mỹ - Trung được dự báo sẽ có lợi cho ngành thủy sản Việt Nam

Cụ thể theo VASEP, 7 tháng đầu năm 2018, XK cá tra đã có sự tăng trưởng khá tốt trong những tháng gần đây tại thị trường truyền thống Mỹ với kim ngạch đạt 255,3 triệu USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 7/2018, giá trị XK sang thị trường này đạt mức cao nhất (cao hơn cả giá trị XK sang thị trường Trung Quốc - Hong Kong), đạt gần 58,5 triệu USD, chiếm 30% tổng kim ngạch XK cá tra.

Việc Việt Nam đã hoàn thành xong việc đánh giá tương đương về chương trình thanh tra cá da trơn với phía Mỹ cũng đã giúp XK mặt hàng này vào Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục có những bứt phá mạnh mẽ thời gian tới.

Đối với cá rô phi, đây vốn là mặt hàng mà Trung Quốc có sức cạnh tranh rất mạnh với Việt Nam tại thị trường Mỹ, tuy nhiên việc Mỹ áp mức thuế rất cao lên các mặt hàng thủy sản của Trung Quốc khiến các nhà NK Mỹ đã hạn chế NK mặt hàng này từ Trung Quốc trong thời gian gần đây. Điều này đang giúp mặt hàng cá rô phi của Việt Nam đang rất thuận lợi tại thị trường Mỹ.

Đối với mặt hàng tôm nước lợ, năm 2017, kim ngạch XK mặt hàng này từ Việt Nam sang Trung Quốc ước đạt khoảng 700 triệu USD (trong đó 94% là tôm nguyên liệu).

Mặc dù khó khăn trong XK được dự báo có thể khiến các DN Trung Quốc hạn chế NK tôm nguyên liệu từ Việt Nam, tuy nhiên điều này cũng đồng thời là cơ hội để các DN chế biến tôm Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường XK, đặc biệt là tại thị trường Mỹ, EU...

Theo đánh giá của các chuyên gia, khó khăn trong XK cũng có thể diễn ra làn sóng đầu tư mới của các DN Trung Quốc ngay tại Việt Nam. Đây cũng là nguồn lực mà Việt Nam có thể tận dụng để thu hút đầu tư nước ngoài.

Ông Chu Văn Chuông, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN-PTNT) cho biết qua nắm bắt thời gian qua, đã có làn sóng tăng cường đầu tư rõ rệt về giống, vật tư đầu vào của ngành thủy sản (nhất là tôm và cá rô phi) đến từ các DN Trung Quốc. Đây là điều kiện để hạ giá thành cho thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ có nguy cơ nếu như Việt Nam không quản lí chặt chất lượng vật tư thủy sản.

Bên cạnh đó theo ông Chuông, Việt Nam cũng cần hết sức cảnh giác đối với nguy cơ các doanh nghiệp FDI nói chung có thể tuồn sản phẩm thủy sản của họ sang Việt Nam (nước thứ 3), sau đó “đội lốt” sản phẩm có nguồn gốc tại Việt Nam để được hưởng thuế quan ưu đãi khi XK sang thị trường Mỹ.

Điều này có thể gây ra nguy cơ Mỹ sẽ áp dụng các biện pháp ngăn chặn, có thể ảnh hưởng rất tiêu cực tới hoạt động của ngành thủy sản Việt Nam nếu phát hiện được. Tình trạng “đội lốt” hàng Việt Nam để hưởng ưu đãi về thuế đã từng được phát hiện và là bài học cho mặt hàng mật ong của Việt Nam trong những năm trước đây.  

Ngành gỗ cần “phòng xa”

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, hiện kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường Mỹ chiếm tới 41% (so với 13% sang Trung Quốc).

Mặc dù hiện nay, gỗ chưa nằm trong nhóm các mặt hàng bị Mỹ tăng thuế trong xung đột thương mại với Trung Quốc, tuy nhiên theo các DN có kinh nghiệm trong ngành XK gỗ, nếu xung đột thương mại Mỹ - Trung tiếp tục diễn ra trong thời gian dài, không loại trừ trong tương lai không xa, đây cũng sẽ là mặt hàng mà Mỹ có thể đưa vào danh sách tăng thuế NK từ Trung Quốc.

Ngành gỗ Việt Nam cần siết chặt nguồn gốc gỗ nguyên liệu NK

Ngành gỗ Việt Nam cần siết chặt nguồn gốc gỗ nguyên liệu NK

Trong khi đó hiện nay, số lượng doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đang chiếm tới 40-45%, trong số này có số lượng lớn là các DN Trung Quốc và Đài Loan. Vì vậy nếu kịch bản gỗ của Trung Quốc bị áp tăng thuế XK sang Mỹ, làn sóng tăng cường đầu tư của các DN Trung Quốc vào ngành chế biến gỗ của Việt Nam là điều có thể xẩy ra.

Đây vừa là cơ hội để thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành gỗ của nước ta, tuy nhiên cũng là sức ép cạnh tranh lên ngành chế biến gỗ của Việt Nam nếu các doanh nghiệp FDI tăng cường NK gỗ nguyên liệu và kéo theo sự hạn chế sử dụng nguyên liệu gỗ trong nước.

Bên cạnh đó, cần hết sức thận trọng trong việc kiểm soát nguồn gốc gỗ nguyên liệu, tránh tình trạng các doanh nghiệp FDI tuồn gỗ nguyên liệu từ bên ngoài vào chế biến tại Việt Nam, nhưng lại lấy mác gỗ có xuất xứ của Việt Nam để hưởng ưu đãi về thuế khi XK sang thị trường Mỹ.

Về vấn đề này, ông Cao Chí Công, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết: Ngành lâm nghiệp đang triển khai quyết liệt việc chống gian lận thương mại trong hoạt động chế biến gỗ để bảo vệ cho SX trong nước, nhất là kiểm soát chặt nguồn gốc gỗ tại biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, đảm bảo nguyên liệu gỗ NK phải có nguồn gốc hợp pháp, truy xuất được nguồn gốc.

Về dài hơi, Việt Nam cần có chính sách ưu tiên cho việc sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước nhằm bảo vệ SX và phát triển bền vững ngành lâm nghiệp, nhất là trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung có thể có những ảnh hưởng tới ngành gỗ Việt Nam trong thời gian tới.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thủy sản của Việt Nam sẽ là ngành có nhiều cơ hội nhất trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung hiện nay. Bên cạnh đó, rau quả, và đặc biệt là nhóm mặt hàng hạt khô các loại (trong đó có hạt điều) cũng sẽ là các nhóm hàng mà Việt Nam sẽ có lợi khi Mỹ áp thuế với mức cao đối với Trung Quốc. Các nhóm mặt hàng như hồ tiêu, cà phê của Việt Nam được đánh giá là sẽ không có nhiều tác động do các mặt hàng này không có sự cạnh tranh đến từ Trung Quốc...