19/01/2025 | 16:18 GMT+7, Hà Nội

Đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản: Cần sớm hoàn thành khung pháp lý

Cập nhật lúc: 12/12/2017, 18:47

Dù đã áp dụng tại Việt Nam cách đây 20 năm nhưng khái niệm về “Đồng quản lý” trong việc bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản còn khá mơ hồ đối với những ngư dân các tỉnh vùng biển nước ta. Tuy nhiên, khi hiểu rõ về khái niệm này và áp dụng hợp lý vào thực tiễn sản xuất thì hiệu quả mang lại rất lớn.

Minh chứng từ thực tế

Cũng giống như các địa phương khác trên cả nước, tình trạng khai thác thủy sản mang tính hủy diệt nguồn lợi đã làm suy giảm đáng kể số lượng sinh vật biển tại Thuận Quý (Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) khiến cho nhiều ngư dân tại đây lâm tình cảnh khó khăn.

Trước tình hình này, vào năm 2008, ông Nguyễn Nùng, Hội cộng đồng ngư dân xã Thuận Quý cùng với những ngư dân ở Thuận Quý đã viết đơn đề xuất với chính quyền giao cho cộng đồng ngư dân bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản ở vùng biển địa phương mình. Tuy nhiên do thiếu cơ chế, chính sách của nhà nước và nhiều nguyên nhân khác nên ý tưởng này vào thời điểm đó không thể thực hiện được.

Ông Nguyễn Nùng, Hội cộng đồng ngư dân xã Thuận Quý (Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) giới thiệu các hoạt động của Hội trong mô hình đồng quản lý sò lông tại địa phương. Ảnh: LK

Ông Nguyễn Nùng, Hội cộng đồng ngư dân xã Thuận Quý (Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) giới thiệu các hoạt động của Hội trong mô hình đồng quản lý sò lông tại địa phương. Ảnh: LK

Mãi đến năm 2014, nhờ sự giúp đỡ của Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận, cộng đồng ngư dân xã Bình Quý đã tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ của chương trình UNDP – GEF/SGP để triển khai ý tưởng ngư dân tự bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Mô hình thí điểm về đồng quản lý tại xã Thuận Quý được thực hiện với đối tượng là loài sò lông trên diện tích 16,5 km2. Mô hình được thực hiện từ tháng 1/2015 đến 6/2017.

Sau khi các ban ngành chức năng được hướng dẫn xây dựng cơ cấu tổ chức và nắm rõ cách thức hoạt động của mô hình đồng quản lý, tổ cộng đồng ngư dân xã Thuận Quý được hỗ trợ tổ chức các hoạt động thực tiễn như: thả bổ sung 112,4 tấn sò lông giống, thả 18 điểm chà đánh dấu vùng biển và thu hút nguồn lợi, mua sắm trang thiết bị hỗ trợ tuần tra, tổ chức cho cộng đồng thực hiện hoạt động giám sát vùng biển, định kỳ khảo sát, đánh giá môi trường – nguồn lợi thủy sản, xây dựng, vận hành quỹ vay vốn xoay vòng để ngư dân thực hiện các hoạt động sinh kế thay thế...

Sau gần 3 năm hoạt động, tổ cộng đồng ngư dân Thuận Quý đã gặt hái được những thành quả khả quan như nguồn lợi dần phục hồi. Mật độ sò lông thời điểm cao nhất hiện tại là 150 con/m2. Trứng mực xuất hiện dày trên các sọt đá neo chà, có nhiều tôm hùm con, cá ngựa trên vùng biển dự án. Xuất hiện nhiều bãi trứng ốc trên nền đáy biển. Bãi triều ven bờ xuất hiện dày đặc chem chép, ngao nháng... Sản lượng mực, một số loài cá có sự gia tăng đáng kể.

Tại Bến Tre, mô hình đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi nghêu theo hình thức HTX cũng rất thành công. Tỉnh Bến Tre đã quy hoạch quản lý nguồn lợi nghêu thành 3 vùng gồm: Vùng lõi (390ha, là vùng nghêu bố mẹ phân bố được bảo vệ 100%), vùng đệm (383ha, là vùng có nguồn lợi nghêu giống tự nhiên hàng năm thường xuyên xuất hiện được bảo vệ, chăm sóc và khai thác hợp lý), vùng phát triển (4.631ha là vùng thích hợp để nuôi nghêu thương phẩm, có kế hoạch chăm sóc thường xuyên và định kỳ kiểm soát thu hoạch).

Các hoạt động thả và thu hoạch sò giống của cộng đồng ngư dân Thuận Quý. Ảnh: LK

Theo bà Trần Thị Thu Nga, Chủ tịch Hội Thủy sản tỉnh Bến Tre, phương thức khai thác nghêu tại vùng đồng quản lý ở Bến Tre cũng được xây dựng rất rõ ràng từ công cụ khai thác cho đến từng đối tượng khai thác. Theo đó, khai thác bằng công cụ thủ công có mắt lưới phù hợp với kích cỡ của từng vùng quy hoạch; khai thác có chọn lọc: tại khu vực quy hoạch vùng phát triển khi thu hoạch nghêu lớn (5-6cm) được chừa lại trên bãi bồi để bổ sung đàn nghêu bố mẹ, nghêu giống chỉ được khai thác khi đạt cỡ >= 5.000 con/kg (trường hợp cá biệt phải có ý kiến của UBND tỉnh); khai thác có bảo tồn: Ước khoảng 5 – 10% sản lượng thường xuyên lưu bãi và tuyệt đối không khai thác vùng lõi.

“Với hệ thống quản lý phù hợp, diện tích nghêu giống và nghêu bố mẹ phát triển ngày càng nhiều, tính hệ thống và tổ chức cộng đồng ngư dân ngày càng rõ nét, tính dân chủ, công khai minh bạch được phát huy”, bà Nga cho biết.  

Cần thiết lập một khung pháp lý

Dù các mô hình đồng quản lý tại các địa phương cho thấy hiệu quả như vậy nhưng vẫn chưa được nhân rộng ra nhiều tỉnh thành khác trong cả nước. Nguyên nhân của vấn đề này chính là việc thiếu một khung pháp lý cần thiết trong các mô hình đồng quản lý nguồn lợi thủy sản. Điều này khiến cho chính quyền địa phương tỏ ra lúng túng, không thể phát huy được hết vai trò của cộng đồng dẫn đến dừng lại ở mô hình.

Tại Hội nghị quốc gia về “Đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản” vừa qua thì các địa phương có những mô hình đồng quản lý hiệu quả chính là nhờ vào sự linh hoạt của chính quyền trong việc xây dựng các cơ chế, hệ thống phù hợp, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức cộng đồng ngư dân sử dụng được quyền lợi và trách nhiệm của mình trên tư cách là người hưởng lợi trực tiếp.

Ví dụ như tại tỉnh Bến Tre, do chưa có khung pháp lý về đồng quản lý nên để thực hiện giao quyền cho cộng đồng quản lý, khai thác, sử dụng bãi bồi và nguồn lợi nghêu tự nhiên, tỉnh phải vận dụng rất nhiều luật khác nhau như Luật Thủy sản, Luật Hợp tác xã, Luật Đất đai... để ban hành quyết định và chính sách cho các HTX thủy sản thuê đất để quản lý khai thác nghêu theo mô hình đồng quản lý dưới hình thức HTX thủy sản.

Tương tự, tại Thừa Thiên Huế, tỉnh này đã bắt đầu thực hiện mô hình đồng quản lý từ việc xây dựng thể chế và hệ thống. Theo đó, tổ chức ngư dân được xây dựng một cách chính thống: Chi hội nghề cá cơ sở nằm trong hệ thống Hội Nghề cá Việt Nam; chi hội nghề cá có tư cách pháp nhân là sự hiệp thương giữa chính quyền cơ sở cấp xã và Tỉnh hội Nghề cá Thừa Thiên Huế.

Vùng quy hoạch sò lông theo mô hình đồng quản lý ở Thuận Quý được tiến hành trên diện tích 16,5 km2. Ảnh: NK

Vùng quy hoạch sò lông theo mô hình đồng quản lý ở Thuận Quý được tiến hành trên diện tích 16,5 km2. Ảnh: NK

Cùng với đó, việc hoàn thành thể chế về “quản lý nghề cá dựa vào dân” cũng được chú trọng. Những điều cụ thể được xây dựng trong “Quy chế quản lý nghề cá đầm phá Thừa Thiên Huế” như: Chi hội Ngề cá cơ sở là tổ chức ngư dân được ủy quyền cụ thể trên một thủy vực xác định để chủ động tự tổ chức quản lý, khai thác, nuôi trồng thủy sản không trái với kế hoạch quản lý chung của nhà nước và cùng nhà nước quản lý trên nhiều khía cạnh khác nhau như ngư trường, nguồn lợi thủy sản, môi trường thủy sinh, giao thông thủy...

Theo ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế, thì mô hình đồng quản lý ở tỉnh này đã đạt được nhiều kết quả: Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 7.000 hội viên, tập hợp trong 86 chi hội nghề cá cơ sở với các loại hình thức vừa đánh bắt vừa nuôi trồng hoặc đánh bắt hoặc nuôi trồng; tổ chức ngư dân, các chi hội nghề cá cơ sở ở Thừa Thiên Huế có thể được cấp giấy phép/quyền đánh cá trong một thủy vực nhất định; quyền đánh cá (giấy phép khai thác thủy sản) đã được cấp chính thức cho 47 chi hội nghề cá với hơn 73% diện tích đầm phá cùng 23 khu bảo vệ thủy sản với tổng diện tích bảo vệ nghiêm ngặt đến 614,2ha.

“Ngoài kinh phí hạn hẹp của nhà nước, có sự chung tay huy động nguồn lực đầu tư của xã hội, đặc biệt công sức của ngư dân, các tổ chức Chính phủ, phi Chính phủ trong nước và quốc tế, hiện có hàng chục tổ chức, dự án đã và đang quan tâm giúp đỡ tài trợ Hệ thống đồng quản lý/quản lý nghề cá dựa vào cộng đồng tại Thừa Thiên Huế”, ông Bình cho biết.

Hiệu quả của mô hình đồng quản lý đã thấy rõ tại các địa phương ở Việt Nam. Trên thế giới, mô hình này cũng đã được áp dụng rất nhiều và đạt được nhiều thành tựu trong đó đặc biệt là ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Do vậy, rất cần các ngành chức năng sớm ban hành cơ chế, cụ thể hóa khung pháp lý trong vấn đề đồng quản lý cùng với việc tổng kết kinh nghiệm từ các mô hình thí điểm để nhân rộng và phát huy tối đa hiệu quả mô hình này.