19/01/2025 | 10:34 GMT+7, Hà Nội

Xuân về trên Làng Di sản Ký ức thế giới Trường Lưu

Cập nhật lúc: 08/02/2019, 04:00

Ghé thăm làng di sản ký ức thế giới Trường Lưu (xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) từ tinh mơ chưa tỏ mặt người, chúng ta dễ dàng bắt gặp những thanh âm kĩu kịt vui tai của chuyến xe phiên chợ cuối năm, những tiếng lạch cạch dọn dẹp trong phấn khởi, xốn xang.

Sắc xuân buông nhẹ lên cây cỏ quyện vào lớp sương mờ huyền ảo đang phủ lên mái đình gốc đa, dệt nên một bức tranh xuân cổ kính bí ẩn như minh chứng cho sự trường tồn của ngôi làng lịch sử với thời gian.

Những chiếc lá bàng đỏ cuối cùng đã rụng xuống đêm qua, vạt cải lấm tấm hoa vàng đang nghiêng mình đón những hạt nắng ấm áp đầu tiên. Trên các cành cây khẳng khiu trơ trụi được “cài” lên bằng chồi non, lộc biếc. Bên dưới nền đường, màu lá úa phủ khắp lối đi. Cơn gió nhẹ thoáng qua cũng đủ làm nhiều những chiếc lá rơi xào xạc. Đâu đó trong mỗi gốc cây ngọn cỏ, nàng xuân lẩn khuất và e thẹn nhẹ nhàng bước chân mùa xuân đến với mọi người, mọi nhà và đến với làng quê Trường Lưu. Sắc xuân đang lan tỏa đến từng nhà, từng thôn xóm ở vùng quê này; con cháu trong Làng ở phương xa có rất nhiều người trở về, bởi Tết năm này đặc biệt hơn mọi năm khi Làng Trường Lưu vốn đã nổi tiếng với di sản Mộc bản Trường học Phúc Giang, nay lại vừa vinh dự đón nhận công bố Hoàng hoa sứ trình đồ là Di sản tư liệu ký ức thế giới.

ảnh 1

Khoảnh khắc lịch sử của những sự kiện đặc biệt này, không khí náo nức, nhộn nhịp bắt đầu lan tỏa khắp xóm làng. Trên mỗi gương mặt cụ già, con trẻ, ai nấy dường như ánh lên nét tươi vui, phấn khởi, tràn đầy niềm tin yêu cuộc sống. Trong mỗi câu chuyện, trong từng hồi ức của họ lấp lánh niềm tự hào về những giá trị mà ông cha đã tạo dựng, và thêm một lần nữa những giá trị văn hóa độc đáo của dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu lại được tô đậm, đóng góp quan trọng vào dòng chảy văn hóa của dân tộc.

Dẫn chúng tôi dạo trên tuyến đường rạo rực sắc xuân trong làng, các cụ cao niên cho biết, làng này xuất hiện cách đây 600 năm. Trước, làng nằm ngoài đồng làng Vạc gần bờ sông, giáp Song Lộc, Phú Lộc sau chuyển về núi Phượng Lĩnh rồi phát triển rộng ra thành một ngôi làng rộng lớn, con cháu sum vầy, cơ nghiệp ngày mỗi phát triển.

“Hiếm có đất nào như Trường Lưu, có đến hai niềm tự hào đóng góp vào di sản thế giới UNESCO. Đó là Mộc bản Trường học Phúc Giang và Di sản Tư liệu Ký ức thế giới Hoàng hoa sứ trình đồ. Ngoài ra còn nổi tiếng với nghề dệt vải và hát phường vải. Làng đã từng nhiều lần được đón các bậc túc nho, sau này trở thành những con người kiệt xuất của đất nước và thế giới đến hát phường vải như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ”, cụ Quang tự hào kể lại.

Tại Trường Lưu còn có 11 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia. Toàn xã có 40 dòng họ, thì dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu đã chiếm 2/3. Trải qua 20 đời, dòng họ Nguyễn Huy đã đóng góp cho dân tộc 3 danh nhân văn hóa, 2 di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới và gần 40 viện sỹ, tiến sỹ, giáo sư đầu ngành. Những “tài sản” ấy không chỉ làm rạng danh dòng họ, quê hương mà còn góp phần to lớn vào các thời kỳ dựng xây đất nước.

ảnh 2

Các lễ hội ở Trường Lưu đều gắn với truyền thống tâm linh, bởi họ luôn coi trọng tín ngưỡng, hướng niềm tin vào sự che chở, độ trì của tổ tiên và các đấng thần linh. Trong dịp Tết đến, xuân về, từng đoàn người nối nhau thành kính đến nhà thờ dòng họ thắp hương, vái lạy tổ tiên. Những nghi thức cổ truyền trang trọng: các bàn thờ sáng rực nén nhang, tỏa ngát hương trầm. Những bình hoa đủ màu, khoe sắc, bên những mâm cỗ bồng đầy ắp hoa quả, bánh trái, tạo nên không khí trang nghiêm, cổ kính. Con cháu đến đây với lòng thành kính, cầu mong tổ tiên phù hộ, độ trì để có phúc, an lành, làm ăn phát tài, phát lộc.

ảnh 3

Nếu may mắn được đến đây trong giờ cúng tế hoặc lễ rước sắc phong vào đêm giao thừa thì bạn mới thấy hết được cái hồn Xuân nơi làng quê di sản này. Những vị chức sắc trong ban tế lễ với trang phục áo dài, khăn đóng truyền thống cùng bà con trong làng nối dài nhau rước sắc phong trên kiệu hoa từ nơi cất giữ về đình làm lễ, và ở lại cùng với con cháu trong ba ngày Xuân. Đoàn người hòa trong tiếng nhạc ngũ âm, tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng kèn vang lên rộn rã, réo rắt cho ta cái cảm giác đang sống lại những ngày xa xưa cùng với ông bà, tổ tiên những ngày đầu khai hương, lập ấp. Dứt lễ cúng, mọi người cùng nhau đàm đạo thân mật bên cốc rượu, chén trà trong không khí ấm cúng, thấm đượm tình làng nghĩa xóm.

Sự ấm áp của họ hàng, trong xóm đã trở thành giá trị văn hóa, kết nối tâm hồn con cháu ở nơi xa có dịp về quê. Mỗi người con Làng Trường Lưu dù đi đâu cũng luôn nhớ về cội nguồn, nơi đã sinh ra và bồi đắp, nuôi dưỡng họ trở thành những con người hữu ích, những ông Trạng, ông Nghè làm rạng danh cho đất nước.

Trần Phong