23/11/2024 | 10:55 GMT+7, Hà Nội

Xuân về trên chiến khu D

Cập nhật lúc: 07/02/2019, 12:46

Nắng vàng của những ngày giáp Tết càng làm cho sắc hoa thêm rực rỡ. Trên con đường gần 20km, hoa sứ trắng tinh khôi đan xen màu thắm đỏ, hồng xác pháo, cam sữa, vàng tươi... của hoa giấy khiến cho con đường chạy vào chiến khu D đẹp dịu dàng như những cụm màu vung vẩy ven đường.

Đường vào chiến khu D trở nên lãng mạn khi xuân về.

Đường vào chiến khu D trở nên lãng mạn khi xuân về.

Đi giữa núi rừng chiến khu, xen lẫn trong tiếng kèn lá của đồng Chơ Ro, tiếng chim véo von gọi mùa xuân về dường như là những thanh âm của Tết kháng chiến đầu tiên ở Chiến khu D (năm 1946) của Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ (1914-1977) - một nhà hoạt động cách mạng, chỉ huy quân sự nổi tiếng về tài thi ca trong bài thơ “Xuân chiến khu” từ xưa vọng về: “Xuân vẫn về đây giữa chiến khu/Rừng thông nay bỗng hết âm u/Núi non hớn hở thay màu áo/Suối biếc ngừng reo mấy nhịp cầu. Ánh sáng tưng bừng trên lá non/Chim đồi mát giọng hát véo von/Xa xa vọng gác thùng nhịp trống/Bướm giật mình bay: những mảnh hồn. Chiến sĩ từng đoàn dưới nắng tươi/Bên hoa ngồi kể chuyện, nô cười/ - Xuân sau ăn tết nơi đâu nhỉ?/ - Tùy bóng cờ kia sẽ trả lời!. Phấp phới cờ bay với gió xuân/Quân ca từng khúc, nhịp xa gần/Từng đoàn chiến sĩ đi ra trận/Có bướm, chim đưa tận cuối rừng”.

Nằm thọt lỏm giữa Khu Bảo tồn thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai (xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu – Đồng Nai), chiến khu D được coi như một biểu tượng tiêu biểu cho ý chí, sức mạnh tinh thần của “Miền Đông gian lao mà anh dũng”. Suốt chiều dài lịch sử những năm tháng kháng chiến, chiến khu D không chỉ nổi danh là một căn cứ cách mạng mà còn là nơi hội tụ những người con kiên trung của đất nước - “Mã Đà sơn cước anh hùng tụ” như: Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công, Võ Văn Kiệt… Trong cả 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chiến khu D là nơi nhiều cơ quan đầu não từng tồn tại như: Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy miền Đông Nam bộ và Địa đạo suối Linh.

Chiến khu D - biểu tượng của Chiến khu D - biểu tượng của "Miền Đông gian lao mà anh dũng" đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển.

Chiến khu D cách TP.HCM khoảng 30km đường chim bay, nằm án ngữ hành lang nối Bắc và Trung bộ vào miền Đông Nam bộ, nối nhiều chiến trường với nhau. Vì vậy, chiến khu D trở thành một khu vực lý tưởng cho việc xây dựng căn cứ, cất giấu lực lượng, điểm liên lạc, tiếp nối, trung chuyển quan trọng từ hậu phương miền Bắc vào miền Nam, góp phần giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Trong thời chiến, chiến khu D được mệnh danh là “vùng đất chết” bởi bom mìn dày đặc, hố bom ngổn ngang. Sau gần 44 năm đất nước thống nhất, cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới, vùng đất chiến khu dần thay da đổi thịt từng ngày, “vùng đất chết” năm nào nay đã hóa thành nơi “Đất lành chim đậu”! Vùng chiến khu không chỉ được đầu tư điện, đường, trường, trạm mà nhiều cơ sở vật chất văn hóa khác như: hồ bơi, khu vui chơi giải trí, sân thể dục - thể thao cũng đang được đầu tư. Vùng đất không chỉ là nơi đồng bào Chơro sinh sống mà còn là điểm đến đầy hấp dẫn của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Trên con đường nhựa quanh co uốn lượn giữa bạt ngàn rừng nguyên sinh dẫn đến căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ và Trung ương Cục miền Nam, một vườn tượng điêu khắc nằm yên bình trên vạt đồi lộng gió giữa chiến khu D. Vườn tượng được hình thành từ nhiều trại sáng tác đã được tổ chức tại đây nhằm ghi dấu những trang sử vẻ vang của chiến khu D.

Theo ghi nhận, hiện có hơn 100 tác phẩm của các nhà điêu khắc nổi tiếng Việt Nam đương đại có mặt ở vườn tượng này. Không đơn thuần đầu tư phát triển du lịch, vườn tượng giữa khu rừng nguyên sinh Mã Đà với nhiều loại cổ thụ cao to, rậm rạp còn là một công trình văn hóa đầy quyến rũ khi chiến khu vào xuân.

Với lợi thế có nhiều sông, hồ, thác, rừng tự nhiên được bảo tồn gần như nguyên vẹn và là nơi trú ngụ của các loài động vật quý hiếm trong sách đỏ nên tiềm năng của vùng đất này đang được các tổ chức, tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước nhắm đến để đầu tư phát triển du lịch, phục vụ nghiên cứu khoa học.

Thác Ràng ở Chiến khu D.

Thác Ràng ở Chiến khu D.

Điển hình, Công ty TNHH Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài (TP. Biên Hòa) nhiều năm nay đang xúc tiến thực hiện dự án khu vườn thú hoang dã (safari). Với mục đích vừa làm du lịch vừa góp phần bảo tồn, nhà đầu tư dự kiến sẽ đầu tư một khu nuôi dưỡng và phát triển nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm đặc trưng Đông Nam bộ và thế giới. Giám đốc Công ty TNHH Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài cho biết: “Hiện công ty đã nhập về nhiều loài thú quý hiếm và chuẩn bị sẵn vốn đầu tư gần 10 triệu USD để khi dự án hoàn thành các thủ tục sẽ tiến hành làm một khu safari hấp dẫn”.

Ông Trần Văn Mùi - Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, cho biết doanh nghiệp thuê vài trăm ha ở bìa rừng để làm khu vườn thú hoang dã không ảnh hưởng gì đến bảo tồn và phát triển rừng. Ngược lại, dự án vườn nuôi và phát triển nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm này hoàn thành và đi vào hoạt động hứa hẹn sẽ làm cho chuyến về nguồn chiến khu D hấp dẫn hơn và kết nối được với những điểm du lịch khác tại Đồng Nai tạo thành tour khá mới lạ, hấp dẫn du khách.

Vùng đất chiến khu D còn nằm trong Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thứ 580 của thế giới với tổng diện tích gần 970.000ha, hiện đã ghi nhận được gần 2,4 ngàn loài thực vật và trên 8.000 loài động vật, trong đó có nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm thuộc sách đỏ Việt Nam và thế giới như: voi, bò tót, gấu chó, tê giác java, gà so cổ hung... Ngoài ra, Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai còn bảo tồn nhiều loại thực vật quý hiếm: gõ đỏ, cẩm lai, giáng hương, thủy tùng, căm xe, trắc…

Thanh Hải