19/01/2025 | 09:42 GMT+7, Hà Nội

Tết xưa đầu đời

Cập nhật lúc: 07/02/2019, 07:33

Nhớ về tết xưa không hiểu sao tôi cứ nhớ mãi chẳng bao giờ quên một chi tiết nhỏ nào ở cái tết lính đầu tiên ấy. Tôi gọi đó là cái tết đầu đời.

Đó là năm 1972, những ngày đầu năm dương và chỉ còn hơn tháng nữa là tết âm. Cánh lính Hà Nội chúng tôi nhập ngũ và được phiên chế vào một đơn vị huấn luyện tân binh ở Nga Sơn, Thanh Hóa. Lúc đó tôi còn rất trẻ và đây là lần đầu tiên xa nhà, thực sự phải chịu trách nhiệm về mình. Chưa đủ tuổi nhập ngũ phải khai tăng rồi làm đơn tình nguyện mới được chấp nhận, thế nên, ở tôi tất cả là mọi sự vụng dại, bỡ ngỡ. Ngoại trừ mấy năm trẻ con sơ tán thì đây chính là những ngày khó khăn nhất với tôi trong môi trường quân đội kỷ luật khắc nghiệt. Dạo sơ tán tiếng thế còn có mấy anh em ruột bên nhau và họ hàng ở quê còn bây giờ thì lần đầu tiên phải sống độc lập bên trong một tập thể với nhiều tính cách khác nhau.

Cữ ấy rét lắm. Làng tôi đóng quân sát dãy núi đá Hoàng Cương nên càng lạnh. Gần Tết rét hanh hao. Dù phải tập luyện quân sự vất vả hàng ngày, tối tối còn đeo sọt đá hành quân đường dài để luyện sức song cánh lính trẻ vẫn cảm nhận được không khí Tết đang dần dần tỏa đến. Cửa hàng mua bán HTX đặt cạnh sân kho, nơi đại đội tân binh đặt bếp ăn tập thể đã nhích nhắc nhập hàng Tết về. Hàng Tết nhiều nên cửa hàng hào phóng tháo khoán bán ra giá cao thuốc lá Hòn Mê, Sầm Sơn, Lạch Trường. Tôi nhớ giá bao thuốc Hòn Mê là 1 đồng. Chỉ còn chưa đầy tháng nữa là Tết. Cánh lính tráng đã râm ran phiễu phão đủ điều về Tết Hà Nội. Nỗi nhớ nhà, nhớ bố mẹ gia đình tăng lên rất nhiều. Những anh lớn có người yêu, có vợ thì hẳn còn nhớ nhung gấp thếp lên. Đôi ba người táo gan úp úp mở mở chuyện “tút” về ăn Tết. Chuyện bàn tán này có lẽ đã lọt đến tai cấp chỉ huy hoặc giả họ là cán bộ khung huấn luyện chuyên nghiệp nên có quá nhiều kinh nghiệm nhất là đối với lính tráng đất “thánh” Hà Nội. Từ cấp tiểu đội hắt lên kiểm tra kỹ càng quân số. Càng gần Tết càng báo động kiểm tra quân số liên tục.

Đến khoảng rằm tháng Chạp nghĩa là chỉ nửa tháng nữa là Tết, đêm đó đơn vị hành quân dã ngoại trong núi Hoàng Cương. Dãy núi này trải dài từ sát biển kéo ra gần đến Đồng Giao. Nơi ấy có ga tàu hỏa và quốc lộ. Khi đơn vị hành quân về tập kết nơi sân kho hợp tác thì tất cả tá hỏa. Đã có khoảng chục chiến sĩ bốc hơi. Sau thì biết các con giời nhân lúc trời tối đã lỉnh khỏi hàng quân và men núi đi thoát ra quốc lộ và ga. Khỏi nói đơn vị bị xiết kỷ luật thế nào. Một số chốt chặn được lập nhưng tình hình xem ra không mấy khả quan. Lác đác vẫn có người đi lọt. Cần phải nói rõ là số người trốn đi xác định chỉ là về ăn Tết Hà Nội chứ không hề có ý đào ngũ. Những người ở lại càng bồn chồn. Tôi được mấy người lính bạn bè thân ở trung đội khác rủ rê. Nằm nghĩ chán rồi cũng tặc lưỡi, nhớ nhà lắm, về mấy ngày Tết đâu chỉ có mỗi mình, thôi thì đành liều vậy.

Hôm ấy có lẽ khoảng 20 âm gì đó. Đã được gọi là 20 Tết, tôi cùng một nhóm vượt núi lúc nửa đêm. Trót lọt qua mấy trạm gác vì chúng tôi đi đường vòng. Đi bộ suốt đêm hơn hai chục cây số đến tang tảng sáng thì chúng tôi đến được Đồng Giao. Nhưng gì thế kia, quân cảnh ở đâu nhiều thế túa ra chặn cả nhóm lại. Tôi đứng ngay cán tàn. Số còn lại ùa chạy. Cũng có mấy người chạy thoát còn cái thằng tôi nhát gan bị tóm sống với những người khác thiếu may mắn. Những kẻ đào ngũ bị giải về đơn vị. Trước đó chưa ai rơi vào tình cảnh bị tóm lại như nhóm tôi nên bao nhiêu định kiến, giận dữ của chỉ huy đại đội trút cả vào mấy thằng bị bắt. Ngay cạnh cửa hàng mua bán HTX có cái nhà thúc mầm là nơi cho thóc giống vào trong đó thúc cho nảy mầm để gieo thành mạ. Bởi thế nó kín bưng. Rét gặp được căn nhà kín gió cũng đỡ nhưng tường gạch, nền xi măng cả bọn co ro suýt soa không thể ngủ được. Đêm 21 Tết, trăng giấc tốt manh mảnh nhờ nhờ vẫn lọt qua khe cửa ra vào khiến cả bọn buồn rũ.

Tết của người lính xa nhà (Ảnh minh họa)

Tết của người lính xa nhà (Ảnh minh họa)

Mọi việc rồi cũng qua. Sau màn viết kiểm điểm hứa hẹn không tiếp tục trốn về ăn Tết, cả bọn thoát bị nhốt nhà mầm mà chuyển sang đào công sự chiến đấu. Hình phạt này nhẹ hều nên cả bọn coi như thoát nạn. Tết đến càng gần vẫn còn lác đác kẻ liều mạng trốn về nhưng nhìn chung số còn lại đã coi như yên phận ăn Tết đơn vị.

Lúc này chúng tôi được ở nhà dân. Cứ hai, ba người ở một nhà. Mỗi trung đội bố trí ở một xóm cho tiện sinh hoạt. Toàn đại đội sinh hoạt thì ra sân kho hợp tác xã. Bữa ăn cũng đều ăn tập trung ở sân kho cả 3 bữa sáng, trưa, chiều. Mưa thì được quyền lấy cơm về nhà ăn. Sát sàn sạt Tết thì không khí xuân đã hoàn toàn tràn ngập đơn vị. Một số người thân từ Hà Nội vào đơn vị thăm con, em kèm theo quà của các gia đình gửi vào. Trà Hồng Đào, Ba Đình… cùng các loại thuốc lá thơm Thủ Đô, Thăng Long, Điện Biên, Tam Đảo bao bạc cùng kẹo Hải Châu, Hải Hà, bánh nướng, bánh khảo ê hề. Được cái lính tráng có gì ngon đều san sẻ cho nhau. Tiêu chuẩn Tết của đơn vị tôi nhớ mang máng đâu như mỗi người được 2 bao thuốc Sầm Sơn, 1 gói chè Bãi Trành và được ăn “tiểu táo” đủ 3 ngày Tết tính từ chiều 30. “Tiểu táo” là suất ăn đặc biệt hơn “đại táo” tiêu chuẩn cơm lính thường nhật hình như là 6,8 hào một ngày.

Tết thật vui. Cánh lính đã quên tiệt chuyện “tút” trước đấy, mỗi người một việc lo Tết. Mỗi tiểu đội cử người xuống giúp nhà bếp mổ lợn, gói bánh chưng. Nhóm khéo tay thì lo báo tường và dựng một cái cây “hái hoa dân chủ”. Trên cây có hoa giấy gấp trong đó ghi nội dung. Không có quà hiện vật mà chủ yếu là chỉ định hát hò, độc tấu…Ai gắp được cái gì thì phải thực hiện nội dung ghi trong hoa giấy. Bữa cơm Tết mọi người được lấy mang về ăn cùng gia chủ. Nga Sơn dạo đó dân nghèo nhưng vì là dân có biển, có núi nên thực phẩm không đến nỗi nào. Chủ nhà tôi ở thịt hẳn một con dê to tướng ăn oải mấy ngày Tết không hết. Đây cũng là cái Tết đầu tiên tôi được chính thức công khai nâng chén rượu uống đàng hoàng. Hình như tất cả cánh lính lúc đó đều chưa biết uống nên say lử lả không ít người.

Đêm 30 sau tiết mục hái hoa dân chủ liên hoan văn nghệ, đơn vị tổ chức đốt pháo mừng xuân. Cho đến tận lúc ấy khi tiếng pháo giao thừa vang rền thì tất cả chúng tôi những đứa con của Hà Nội không ai bảo ai đều nhìn về một hướng. Nơi đó là Hà Nội yêu dấu, nơi gia đình thân yêu của chúng tôi chắc cũng đang nhớ đến những người lính trẻ xa nhà.

Sau Tết, cả những người đào ngũ không thành cũng đều bị kỷ luật cảnh cáo. Tuổi trẻ hồn nhiên đi qua rất nhanh những vấp váp ấy. Đơn vị tôi sau đó vài tháng thì kết thúc khóa huấn luyện. Một nửa quân số bổ sung vào chiến dịch Quảng Trị. Tôi cùng số còn lại được chuyển sang binh chủng cao xạ tham gia bảo vệ Hà Nội 12 ngày đêm sau đó vào chiến trường Đông Nam Bộ để rồi có mặt trong đội hình đánh trận sau cùng tiến vào Sài Gòn. Bạn bè tôi nhiều người đã nằm lại không về.

Nhớ về cái Tết đầu đời ấy, bao giờ tôi cũng nguyên vẹn những ấn tượng khó quên. Từ cái mốc Tết đó, tôi đã trưởng thành là một người lính thật sự./.