20/01/2025 | 20:54 GMT+7, Hà Nội

Xử lý thế nào vụ 152 du khách Việt Nam “biến mất” ở Đài Loan?

Cập nhật lúc: 29/12/2018, 15:30

Các chuyên gia cho rằng, trong vụ việc này có nhiều vấn đề cần được làm rõ. Bởi nếu không có sự hứa hẹn, sắp đặt, tổ chức thì không thể có câu chuyện 152 người đồng loạt “mất tích” sau khi đi du lịch ở Đài Loan (Trung Quốc).

 Thanh tra Sở Du lịch TPHCM làm việc với đại diện Công ty Kỳ nghỉ quốc tế - doanh nghiệp cung cấp dịch vụ visa cho 152 khách Việt Nam “mất tích”. Ảnh: Trung Hiếu

Thanh tra Sở Du lịch TPHCM làm việc với đại diện Công ty Kỳ nghỉ quốc tế - doanh nghiệp cung cấp dịch vụ visa cho 152 khách Việt Nam “mất tích”. Ảnh: Trung Hiếu

Vụ du khách “biến mất” lớn nhất từ trước đến nay

Liên quan đến việc 152 khách Việt Nam biến mất tại Đài Loan, đại diện Văn phòng Kinh tế Văn hóa Đài Bắc tại TPHCM đã có cuộc họp khẩn với các công ty du lịch Việt Nam. Theo đó, Đài Loan tiếp tục cấp visa cho người Việt, tuy nhiên việc quản lý du khách sau khi nhập cảnh sẽ được siết chặt để tránh xảy ra trường hợp tương tự.

“Hiện tại các tour du lịch đi Đài Loan không bị ảnh hưởng gì do chính sách visa Quan Hồng không có gì thay đổi. Các công ty được chỉ định vẫn có thể làm visa đoàn theo quy định nhưng cần phải ghi rõ thông tin ngày tháng năm sinh từng người như trong hộ chiếu, không được lấy đại ngày 1/1 chung cho tất cả như trước đây”, đại diện Vietravel cho biết.

Hiện tại, Sở Du lịch TPHCM đã làm việc với Công ty TNHH Thương mại Du lịch Kỳ nghỉ Quốc tế để làm rõ trách nhiệm liên quan đến đoàn khách có 152 người biến mất trên. Tuy nhiên, đại diện công ty này cho biết, họ chỉ hỗ trợ thủ tục làm visa cho 153 người, không tổ chức tour.

Công ty ETholiday của Đài Loan chịu trách nhiệm về đoàn khách Việt Nam cho rằng các nhân viên của họ đã mất cảnh giác và khi phát hiện sự cố, họ lập tức báo cáo Cục Du lịch Đài Loan, Cơ quan Quản lý Xuất nhập cảnh Đài Loan (NIA) và Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc.

Đại diện Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc cho biết, đang phối hợp với chính quyền sở tại để tìm kiếm và làm rõ thông tin về nhóm khách biến mất. Hiện tại, cơ quan ngoại giao Đài Loan đã hủy visa của 152 người trên. Đội đặc nhiệm của NIA tại thành phố Cao Hùng đã xác định được hành trình của nhóm khách trên và tiếp tục tìm kiếm.

Trước đó, Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Đài Loan (NIA) cho biết, họ nhận được thông tin về đoàn khách 153 người đến từ Việt Nam, trong đó 152 người biến mất ở Cao Hùng. NIA sau đó xác nhận thông tin của nhóm gồm 102 nam và 50 nữ. Những người này nhập cảnh vào Đài Loan theo diện visa Quan Hồng.

Đây là loại visa có hiệu lực từ năm 2015. Visa Quan Hồng chỉ cấp cho đoàn du lịch có sự bảo trợ của công ty lữ hành Việt Nam được Đài Loan chỉ định. Thủ tục xin e-visa Quan Hồng khá đơn giản, chỉ cần hộ chiếu còn hạn ít nhất 6 tháng và không mất chi phí.

Trong 3 năm trở lại đây, tổng cộng có khoảng 150 khách theo diện visa Quan Hồng trốn lại Đài Loan. Vụ 152 người Việt Nam cùng “biến mất” vừa qua là vụ lớn nhất từ trước đến nay.

Làm rõ “mất tích” hay “bỏ trốn”?

 Camera an ninh ghi lại hình ảnh một thành viên nhóm du khách Việt Nam đi bộ ra đường khi những người khác bước vào một khách sạn ở Cao Hùng hôm 23/12. Ảnh: Taipei Times

Camera an ninh ghi lại hình ảnh một thành viên nhóm du khách Việt Nam đi bộ ra đường khi những người khác bước vào một khách sạn ở Cao Hùng hôm 23/12. Ảnh: Taipei Times

Bàn về tính pháp lý của sự việc, luật sư Nguyễn Thành Công (Giám đốc Công ty Đông Phương Luật) cho biết: Việc khách du lịch có hành vi “bỏ trốn” hiển nhiên vi phạm pháp luật nước Việt Nam. Theo đó, tùy vào mức độ mà họ có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc nặng hơn là chịu trách nhiệm hình sự.

Luật sư Công phân tích, hành vi này có ý thức muốn xuất cảnh và cư trú trái pháp luật Việt Nam, vì vậy họ sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng theo Điểm a và b Khoản 3 Điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Cụ thể, Điều 17 Nghị định này quy định rõ về vi phạm các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại. Theo đó, sẽ phạt tiền nếu ai qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định; Trốn hoặc tổ chức, giúp đỡ người khác trốn vào các phương tiện nhập cảnh, xuất cảnh nhằm mục đích vào Việt Nam hoặc ra nước ngoài.

“Còn nếu những khách du lịch này đã bị xử lý vi phạm hành chính thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 347 Bộ luật Hình sự 2015 về tội Vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh đối với hành vi xuất cảnh trái phép của mình, chế tài lúc này là bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”, luật sư Nguyễn Thành Công nói.

Luật sư Nguyễn Thành Công Công phân tích thêm, theo thông lệ, nếu có hành vi đi du lịch rồi trốn ở lại nước ngoài không về Việt Nam cũng là hành vi nhập cảnh và cư trú ở nước ngoài bất hợp pháp. Vì vậy, họ cũng phải chịu trách nhiệm cho hành vi của mình theo pháp luật sở tại.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) thì cho rằng: Sau khi tìm được các du khách Việt Nam “mất tích” ở Đài Loan và lấy lời khai các bên, có khả năng Đài Loan sẽ áp dụng biện pháp trục xuất những du khách này về Việt Nam. Khi đó, Việt Nam sẽ xem xét xử phạt hành chính hoặc hình sự tùy mức độ vi phạm, hậu quả xảy ra (nếu có).

Ngoài ra, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng cũng nhấn mạnh, trong vụ việc này còn nhiều vấn đề cần được làm rõ, rằng nếu không có sự hứa hẹn, sắp đặt, tổ chức thì không thể có câu chuyện 152 người đồng loạt “mất tích” ở Đài Loan.

“Đây là một tập thể cả trăm người chứ không phải 1 hoặc 2 người. Phải có sự bàn bạc, thống nhất, lên kế hoạch và mục đích... Việc này sẽ rõ hơn trong quá trình lấy lời khai của từng vị khách, khi Đài Loan tìm thấy họ; thông tin từ người thân/gia đình họ, từ các công ty tổ chức chuyến đi...”, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nhận định.

Cũng theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, nếu chứng minh được các tình tiết “mất tích” thực chất là “bỏ trốn”, các cơ quan chức năng có thể khởi tố vụ án “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép” theo Điều 349 Bộ luật Hình sự năm 2015, sau đó sẽ tiến hành lấy lời khai, xác minh để làm rõ cá nhân, tổ chức đóng vai trò chủ mưu để xử lý hình sự theo quy định pháp luật.

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin về vụ việc, Bộ đã chỉ đạo Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc liên hệ với các cơ quan chức năng của Đài Loan đề nghị cung cấp thông tin, làm rõ vụ việc và phối hợp giải quyết, không để ảnh hưởng đến hoạt động du lịch và giao lưu của người dân.

Trong khi đó, Bộ VH-TT&DL nhận định đây là vấn đề nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin. Bộ VH-TT&DL cho rằng, có thể đây là hình thức lợi dụng hoạt động du lịch và chính sách nới lỏng visa nhập cảnh du lịch để trốn lại lao động trái phép.

Ngoài ra, Bộ này cũng cho rằng không loại trừ khả năng hình thành đường dây tổ chức đưa người Việt Nam đi nước ngoài bất hợp pháp. Thanh tra Bộ, Tổng cục Du lịch đang tiếp tục làm việc với phía Đài Loan và cơ quan liên quan để xác minh các vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật.

Hà Nội yêu cầu công ty du lịch sớm đưa du khách “mất tích” tại Đài Loan về nước

Ngày 27/12, Sở Du lịch Hà Nội làm việc với Công ty TNHH Twin Bright và Công ty Golden Tralver đốc thúc việc đưa hàng chục du khách “mất tích” tại Đài Loan về nước trong thời gian sớm nhất. Ngoài việc tiếp tục làm việc với 2 công ty du lịch kể trên, sáng 28/12, lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội đã có báo cáo UBND TP về sự việc liên quan đến 152/153 du khách Việt Nam “mất tích” tại Đài Loan.

Thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội cho biết, đến nay liên ngành TP Hà Nội đã thống nhất 3 vấn đề liên quan đến sự việc. Cụ thể là yêu cầu Công ty TNHH Twin Bright và Công ty Golden Tralver tích cực làm việc với đơn vị liên quan bảo đảm an toàn cho du khách, đồng thời đưa du khách về Việt Nam trong thời gian sớm nhất.

Liên ngành TP Hà Nội đề nghị Bộ Công an, Bộ VH-TT&DL có biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách “mất tích” tại Đài Loan, đồng thời có biện pháp bảo vệ môi trường du lịch Việt Nam.

Sở Du lịch Hà Nội cũng tiếp tục kiểm tra, làm rõ những thông tin liên quan đến 152 du khách “mất tích” tại Đài Loan để có biện pháp xử lý Công ty TNHH Twin Bright và Công ty Golden Tralver nếu phát hiện vi phạm.

Công ty TNHH Twin Bright và Công ty Golden Tralver là 2 công ty đóng trụ sở trên địa bàn Hà Nội. Trong vụ việc, đến nay Sở Du lịch đã xác định được Công ty Golden Tralver đưa 23 người sang du lịch tại Đài Loan. Còn với Công ty Twin Bright, đến nay vẫn chưa xác định được đưa bao nhiêu người trong tổng số 152 người “mất tích”.

Báo cáo với Sở Du lịch Hà Nội, đại diện Công ty Golden chưa nêu rõ được lý do khách du lịch bị “mất tích”. Công ty này chỉ trình bày sự việc từ ngày 21-24/12, các du khách sang đây vẫn tham gia những hoạt động bình thường. Đến đêm 24/12, hướng dẫn viên phát hiện các đoàn khách không còn ở khách sạn.

Nhóm Phóng Viên