18/01/2025 | 20:08 GMT+7, Hà Nội

Xử lý mạnh các bệnh viện không thực hiện nghiêm việc lập chốt sàng lọc bệnh nhân

Cập nhật lúc: 19/08/2020, 14:35

Ngày 18/8, Sở Y tế Hà Nội tổ chức hội nghị trực tuyến giao ban công tác phòng chống Covid-19 với các bệnh viện công lập và ngoài công lập. Ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội chủ trì hội nghị.

Tại Hà Nội, từ ngày 25/7 đến nay có 34 ca mắc Covid-19, chưa có trường hợp tử vong. Trong đó 11 ca ngoài cộng đồng và 23 ca từ bên ngoài đã được cách ly ngay khi nhập cảnh (22 ca từ Guine Xích đạo và 1 ca từ Mỹ). Với 11 ca lây nhiễm trong cộng đồng có 8 ca phát hiện tại bệnh viện (khi đến sàng lọc phát hiện tại bệnh viện).
Xử lý mạnh tay các bệnh viện không thực hiện nghiêm lập chốt sàng lọc bệnh nhân. Ảnh minh họa.

Qua công tác kiểm tra an toàn bệnh viện, tính đến ngày 17/8, tổng số bệnh viện được kiểm tra là 33 (25 bệnh viện công và 8 bệnh viện tư). Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng đã kiểm tra các bệnh viện: Bệnh viện Phổi Hà Nội, Bệnh viện Mắt Hà Nội, Bệnh viện Việt Nam - CuBa, Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt… Các đoàn kiểm tra cũng đã yêu cầu bệnh viện cần có phương án cụ thể trong phòng chống dịch bệnh, kể cả phương án cách ly toàn bệnh viện.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, Hà Nội đang đứng vị trí thứ hai so với toàn quốc về số lượng người mắc Covid-19 (154 bệnh nhân). Hiện có 2 chùm ca bệnh liên quan đến Đà Nẵng. Chùm ca thứ nhất là từ bệnh nhân 447 lây sang bệnh nhân 812. Chùm ca bệnh thứ hai là từ bệnh nhân 962 lây sang bệnh nhân 979.

Theo Phó Giám đốc CDC Hà Nội, để phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, tại các khu cách ly của các bệnh viện đang thu dung, theo dõi điều trị cho những trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 cần lưu ý các đối tượng có các biểu hiện bệnh đường hô hấp cấp tính nhưng không xác định được nguyên nhân, và đặc biệt những trường hợp bệnh lý hô hấp cấp tính nặng cần phải lấy mẫu xét nghiệm ngay để tránh bỏ sót.

Trong việc lấy mẫu xét nghiệm, đã có thêm que mềm để lấy dịch tỵ hầu, do vậy đề nghị tất cả các mẫu lấy trong bệnh viện lấy cả 2 dịch đường hô hấp (dịch tỵ hầu bằng que mềm và dịch hầu họng bằng que cứng). Nếu lấy được cả 2 mẫu dịch này thì xét nghiệm sẽ cho độ chính xác cao hơn rất nhiều.

Trước khi cho bệnh nhân ra viện phải hướng dẫn, tư vấn cho bệnh nhân khi trở về địa phương. Sau khi đủ tiêu chuẩn ra viện vẫn cần tiếp tục theo dõi tại địa phương trong vòng 4 tuần và được xét nghiệm 4 lần. Với những đối tượng xét nghiệm loại trừ Covid-19 cho kết quả âm tính, nhưng khi về địa phương vẫn phải tư vấn nếu có bất kì triệu chứng bất thường nào liên quan đến Covid-19 thì phải liên hệ ngay với bệnh viện để kiểm tra lại và những đối tượng này cũng cần thông báo cho các trung tâm y tế quận/huyện nơi cư trú để phối hợp giám sát.

Kết luận hội nghị, TS Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các bệnh viện trong và ngoài công lập bắt buộc thực hiện nghiêm việc lập chốt kiểm soát tại cổng bệnh viện. “Đơn vị nào không đảm bảo điều kiện đề nghị đóng cửa bệnh viện đối với các bệnh viện ngoài công lập. Còn đối với các bệnh viện công lập đề nghị kiểm điểm tạm dừng việc điều hành của giám đốc đơn vị”- Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền nhấn mạnh.

Đồng thời, Giám đốc Sở Y tế yêu cầu các đơn vị hoàn tất về bố trí chốt kiểm soát, sàng lọc cho các đối tượng. Các chốt kiểm soát phải sàng lọc được người ra vào bệnh viện, đo thân nhiệt, khai báo y tế, không cho người nhà bệnh nhân ra vào tự do trong bệnh viện. Triển khai xét nghiệm các đối tượng nghi ngờ mắc Covid-19, những bệnh nhân chạy thận nhân tạo và bệnh nhân nặng hồi sức, đảm bảo trong tháng 8 phải hoàn thành. Tăng cường khám chữa bệnh từ xa, khám chữa bệnh tại nhà, điều trị ngoại trú cho bệnh nhân. Kiểm soát chặt trong bệnh viện từ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cho đến nhân viên y tế để tránh tình trạng lây nhiễm chéo tại chính bệnh viện. Ngoài ra, các đơn vị giao ban ít nhất 1 lần/tuần để rút kinh nghiệm và triển khai việc phòng bệnh Covid-19 đạt hiệu quả cao nhất.