18/01/2025 | 19:05 GMT+7, Hà Nội

Xóm chạy thận Bạch Mai: “Chúng tôi đã được nhận được sự quan tâm rất nhiều!”

Cập nhật lúc: 02/04/2020, 16:42

Vừa phòng, chống dịch, vừa quan tâm hỗ trợ hộ nghèo, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có các bệnh nhân chạy thận, bảo đảm trong cuộc chiến chống dịch “không ai bị bỏ lại phía sau” - tinh thần đó...

Vừa phòng, chống dịch, vừa quan tâm hỗ trợ hộ nghèo, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có các bệnh nhân chạy thận, bảo đảm trong cuộc chiến chống dịch “không ai bị bỏ lại phía sau” - tinh thần đó đã được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp của thành phố thực hiện nghiêm túc nhằm chăm lo đời sống của nhân dân.

“Người trong xóm liên tục được mời ra nhận quà. Dịch bệnh xảy ra trên địa bàn cả nước, rất nhiều việc phải làm, nhưng những ngày qua, chúng tôi đã nhận được sự quan tâm rất nhiều...”, ông Phạm Xuân Trường, bệnh nhân chạy thận năm thứ 6 tại Bệnh viện Bạch Mai xúc động nói.

Suốt những ngày qua, khi bắt đầu thực hiện cách ly tại xóm trọ, 87 bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Bạch Mai đã luôn sống trong những cảm giác ấm áp như thế, bởi mỗi ngày đều nhận được sự động viên, quan tâm kịp thời và tình cảm sẻ chia yêu thương mà các cấp chính quyền thành phố cũng như cả cộng đồng đang hướng về.

Ông Mai Anh Tuấn, Trưởng xóm chạy thận theo dõi giờ giấc đi lại của 131 cư dân trong xóm ngay đầu "chốt" kiểm soát.

Chiều 1-4, tại chốt cách ly ngay đầu xóm trọ, ông Mai Anh Tuấn (43 tuổi, quê ở huyện Ba Vì, Hà Nội), Trưởng xóm chạy thận tại đường Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bận bịu khi liên tục vào sổ theo dõi việc đi lại, sinh hoạt của bệnh nhân, lại vừa thông báo, mời bà con ra nhận gạo, dầu ăn, nước mắm, sữa và khẩu trang.

Giờ đi, giờ về chạy thận của từng bệnh nhân trong xóm được ghi chép đầy đủ, cẩn thận.

Trưởng xóm chạy thận cho biết, từ ngày 30-3, khi Bệnh viện Bạch Mai liên tiếp phát hiện người nhiễm Covid-19, được coi là ổ dịch tại Hà Nội, 131 bệnh nhân trong xóm, trong đó có 87 bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Bạch Mai (bệnh nhân còn lại chạy thận ở Bệnh viện Bưu điện) được tạo điều kiện cách ly ngay tại xóm.

Hằng ngày, bệnh nhân chạy thận được cán bộ y tế của phường đón tận nơi, đưa ra xe của lực lượng quân đội do quận Hai Bà Trưng bố trí bên ngoài để sang viện. Sang đến nơi, các nhân viên khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai sẽ đón mọi người và đưa vào bằng lối riêng. Các bệnh nhân chạy thận mỗi tuần 3 lần, xen kẽ nhau, đều được “đặc cách” đưa đón để bảo đảm an toàn do sức đề kháng của mỗi người đều kém.

Bệnh nhân chạy thận trong xóm trọ Lê Thanh Nghị được đưa đón hằng ngày trên xe quân đội, có lối vào riêng tại Bệnh viện Bạch Mai và được theo dõi sát sao diễn biến sức khỏe.

“Ngay từ ngày đầu tiên thực hiện cách ly, bà con trong xóm chạy thận đã được cung cấp đầy đủ về nhu yếu phẩm. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, quận Hai Bà Trưng và phường Đồng Tâm đã hỗ trợ các gia đình 1 tấn gạo và mỗi bệnh nhân 1,2 triệu đồng. Sau đó, liên tiếp các tổ chức, cá nhân hảo tâm khác trong những ngày qua cũng đã thông qua chính quyền phường hoặc trực tiếp hỗ trợ thêm cho bà con, từ hộp khẩu trang cho đến gói muối gia vị, chai dầu ăn, nước mắm, đường sữa… để không ai phải thiếu thốn”, ông Tuấn nói.

Chiều 1-4, mỗi "nhân khẩu" trong xóm chạy thận được nhận thêm gạo và nhiều nhu yếu phẩm khác.

Chờ xếp hàng để nhận gạo trong chiều 1-4, ông Phạm Xuân Trường (67 tuổi, quê Nam Định), bệnh nhân chạy thận năm thứ 6 tại Bệnh viện Bạch Mai rất vui vì xóm chạy thận những ngày này nhận được nhiều sự quan tâm của mọi người. “Người trong xóm liên tục được mời ra nhận quà. Đúng là giống như Tết, khi chúng tôi được quan tâm nhiều đến thế này”, ông Trường xúc động so sánh.

Xếp hàng chờ nhận gạo, ông Trường có ý thức giữ khoảng cách với mọi người. Ông cảm nhận không khí trong xóm những ngày này đầm ấm như Tết bởi nhận được nhiều sự quan tâm, giúp đỡ.

Ngoài chăm chồng chạy thận, bà Vũ Thị Ngát (63 tuổi) trước đây vẫn tranh thủ đi nhặt “đồng nát”, kiếm thêm đồng ra đồng vào. Nhưng 2 tuần gần đây, do dịch Covid-19 nên bà chỉ loanh quanh trong phòng trọ, chuyên tâm vào việc cơm nước, giặt giũ phục vụ ông Trường. Bà Ngát bảo, hai ông bà đều có tuổi, sức ăn kém nên số gạo, thực phẩm liên tục nhận được những ngày qua là thoải mái để duy trì cuộc sống hằng ngày. Việc ông đi chạy thận giờ lại có cả xe đưa đón nên cả nhà càng yên tâm hơn.

Không đi nhặt "đồng nát" để có thêm đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống như mọi bận, bà Ngát yên tâm nấu nướng, giặt quần áo phục vụ ông Trường.

Nằm chếch phòng trọ của ông Trường về phía cuối ngõ khoảng 2 hộ, leo qua một làn cầu thang nhỏ lên tầng 2 là phòng trọ của chị Đoàn Thị Lực (quê Bắc Giang). Lịch chạy thận trong ngày 1-4 của chị được xếp vào ca 2, từ 10h30 đến 15h, đều có xe ô tô đưa, đón.

Cầu thang dẫn lên căn phòng trọ chỉ rộng hơn 5m2 của chị Lực.

Về đến nhà nằm, vừa kịp ngả lưng chốc lát cho ổn định nhịp tim và huyết áp, thấy chị em trong xóm í ới gọi nhau ra nhận gạo, nhận sữa, chị Lực tranh thủ ra nhận hộ luôn cho cả hai bệnh nhân khác trong ngõ đang đi chạy ca 3.

“Lúc đầu mới có dịch, tôi còn lo lắng đi đong thêm mấy cân gạo, nhưng giờ được cho nhiều gạo thế này, tôi ăn cũng không hết”, người phụ nữ 53 tuổi chỉ vào những bao gạo trong phòng trọ, cười an tâm.

“Chồng con dưới quê liên tục gọi điện lên lo lắng nhưng tôi còn động viên ngược lại mọi người, vì tôi ở đây đã có Nhà nước, cơ quan, đoàn thể quan tâm nhiều. Dịch bệnh nên mỗi người cần cố gắng một chút”, chị Lực kể.

Chị Lực động viên chồng con dưới quê yên tâm vì cuộc sống trong thời gian cách ly tại xóm trọ không thiếu thốn thứ gì.

Từ sau khi phát hiện ca bệnh thứ 17 tại Hà Nội, chị cũng đã thay đổi hẳn thói quen chợ búa, cơm nước. Thay vì đi chợ hằng ngày, chị đi một lần mua tôm khô, thịt ăn cho cả tuần. Không có tủ lạnh bảo quản đồ ăn nên chị thường làm món thịt áp chảo, cho vào âu kín, lấy mỡ phủ lên để bảo quản.

Cũng kể từ khi Bệnh viện Bạch Mai xuất hiện các ca nhiễm Covid-19 đến nay, chị Nguyễn Thị Thuật (46 tuổi, quê Phú Thọ) đã tạm ngừng việc bán nước chè ngay trong Bệnh viện. Để tiếp tục kiếm thêm “đồng ra đồng vào”, chị túc tắc muối dưa cà, làm giá đỗ bán trước cửa phòng trọ, phục vụ bà con trong xóm.

Chị Thuật bên "quầy hàng" mới mở phục vụ bà con trong xóm khi dịch Covid-19 bùng phát.

“2 lạng đỗ, ngâm 5 hôm thì mới được một mẻ giá 1 kg. Tôi ngâm làm liên tục để vừa ăn, vừa bán cho người trong xóm ăn thay rau. Biết là giá sạch tôi tự làm, không có thuốc men gì nên ai ăn cũng yên tâm”, chị Thuật kể. Gắn bó với xóm chạy thận đã 14 năm, cuộc sống của chị giờ chỉ gói gọn trong căn phòng rộng chưa đầy 10m2 nhưng luôn đầy sự quan tâm, hỗ trợ, chia sẻ của mọi người.

Cư dân xóm chạy thận an tâm thực hiện cách ly trong sự quan tâm của cấp chính quyền và cả cộng đồng hướng về.

“Cư dân của xóm chạy thận mỗi người một hoàn cảnh, nhưng đều túng thiếu, khó khăn như nhau cả. Ai cũng có quê hương, nhưng vì bệnh tật mà đều phải bỏ lên Hà Nội, “sống chết” gì cũng không thể rời cái xóm chạy thận này được. May mắn là xóm luôn nhận được sự quan tâm của cả xã hội nên vào mỗi dịp lễ, Tết hay trong đợt dịch Covid-19 này, bà con không chỉ nhận được đầy đủ nhu yếu phẩm, mà còn là biết bao tình cảm, để mỗi người không còn tủi thân hay vơi bớt cô đơn, tiếp tục cùng nhau gây xựng xóm trọ đầm ấm hơn”, Trưởng xóm chạy thận Mai Anh Tuấn giãi bày.

Sáng 2-4, bà Lê Khánh Giang, Chủ tịch UBND phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng) cho biết, thực phẩm bà con cần dùng được thống kê, chuyển tới một siêu thị để chuyển vào hằng ngày. Những nhu yếu phẩm khác như, gạo, dầu ăn, gia vị, sữa, khẩu trang… đã được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và phường vận động các đơn vị, tổ chức, cá nhân gửi tặng đầy đủ. Những ngày tới, phường sẽ tiếp tục chuyển thêm những thực phẩm khô, dễ bảo quản để bữa ăn của bà con thêm phong phú, chất lượng.