18/01/2025 | 15:04 GMT+7, Hà Nội

Cách ly toàn xã hội là gì?

Cập nhật lúc: 01/04/2020, 15:30

Nhiều người vẫn chưa hiểu rõ bản chất của cụm từ "cách ly toàn xã hội" và những việc nên và không nên làm để phòng chống dịch Covid-19. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc đó.

Như đã thông tin từ trước, trưa ngày 31/3, Thủ tướng chính phủ chính thức ban hành chỉ thị 16 về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19. Trong đó, Thủ tưởng ra yêu cầu cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày bắt đầu từ 0h ngày 1/4/2020.

Cụ thể, toàn bộ các tỉnh thành của đất nước thực hiện cách ly toàn xã hội theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định...

Tại thời điểm hiện tại, người dân đã hiểu rõ rằng phòng chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng nhất song không phải ai cũng hiểu bản chất của cách ly toàn xã hội là gì.

Bản chất của cách ly toàn xã hội

WHO định nghĩa, cách ly toàn xã hội là hạn chế tối đa sự tiếp xúc giữa người với người nhằm tránh làm tăng nguy cơ lây lan virus. Đây là biện pháp "phi dược phẩm" để ngăn ngừa sự lây lan của một bệnh truyền nhiễm bằng cách duy trì khoảng cách vật lý giữa mọi người và giảm số lần người với người tiếp xúc gần gũi với nhau.

Cách ly toàn xã hội là hạn chế tối đa sự tiếp xúc giữa người với người nhằm tránh làm tăng nguy cơ lây lan virus.

Đã có rất nhiều trường hợp cho thấy, virus có thể bị phát tán bởi những người có triệu chứng không thực sự rõ ràng hoặc thậm chí không hay biết rằng mình mắc bệnh, khiến dịch Covid-19 có thể lây lan chóng mặt. Nếu không tiến hành cách ly toàn xã hội thì nguy cơ hệ thống y tế rơi vào tình trạng quá tải là điều rất dễ xảy ra.

Cách ly toàn xã hội từng được minh chứng hiệu quả trong quá khứ từ đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 đến đại dịch cúm 2009 tại Mê-xi-cô. Có thể nói đây chính là chiến lược sáng suốt, đặc biệt phù hợp với tình huống cấp bách hiện nay khi dịch Covid-19 lây lan ngày càng rộng ở khắp nơi trên toàn cầu.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020 ngày 1/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giải thích thêm về vấn đề cách ly xã hội được nêu trong Chỉ thị 16 trên.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết, cách ly xã hội là một tình huống pháp lý không trái pháp luật để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của nhân dân.

Cách ly xã hội mang ý nghĩa là giữ khoảng cách trong xã hội, chứ chưa phải phong tỏa, để đối phó với tình huống nguy hiểm, bùng phát dịch bệnh, giữ khoảng cách người với người, cộng đồng với cộng đồng; không phải là ngăn cấm giao thông mà chỉ là hạn chế.

Cũng theo Thủ tướng, trong bối cảnh ấy, chúng ta vẫn phải duy trì hàng hoá lưu thông, sản xuất an toàn, nhất là hàng thiết yếu, vật tư y tế, hàng hoá xuất khẩu, đặc biệt xuất khẩu bằng đường biển, đường bộ vẫn bình thường. Bảo đảm làm việc tại nhà bình thường, chất lượng công việc tốt.

Nói về cụm từ “cách ly toàn xã hội”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam lý giải, có chỗ thì đang dùng cách ly xã hội, chỗ dùng ngăn cách xã hội, chỗ dùng giãn khoảng cách địa lý... nhưng theo nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng thì "chẳng qua là làm sao hạn chế một cách tối đa việc người bị bệnh tiếp xúc với những người lành hoặc là hạn chế tối đa những người lành tiếp xúc với người bệnh để không lây nhiễm sang nhau, bởi vì virus lây theo tiếp xúc gần, khi chạm vào dụng cụ, bề mặt có virus của người bệnh thải ra bám vào”.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, các biện pháp mà Chính phủ đưa ra chính là để hạn chế đến mức tối đa người bị bệnh không tiếp xúc với người lành, hạn chế tối đa việc người lành tiếp xúc người bệnh để dịch không lây từ người này sang người khác, không lây từ vùng này sang vùng khác. 

Vì vậy, mỗi người dân cần có ý thức chấp hành nghiêm bởi vì việc chấp hành rất quan trọng trong giai đoạn chống dịch hiện nay. Nhà nước dù có xử phạt cũng không làm sao kiểm tra hết được, chỉ mỗi người dân phải có ý thức mới hạn chế được dịch bệnh lây lan.

Cách ly xã hội khác với cách ly y tế

Trao đổi trên báo Gia đình & Xã hội, nhìn nhận vấn đề ở góc độ xã hội, chuyên gia xã hội học, TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội cho biết, cách ly xã hội sẽ khác với cách ly về mặt y tế.

Cách ly y tế là lực lượng chức năng thường có biện pháp cưỡng chế người nhiễm và nghi nhiễm đến địa điểm cách ly riêng biệt. Còn cách ly xã hội là cả xã hội tự trách nhiệm và thực hiện việc cách ly một cách nhịp nhàng, ăn ý.

Cách ly xã hội yêu cầu, đòi hỏi rất cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân. Mỗi người dân đều phải chủ động tự cách ly mình với người khác, phải cùng người dân khác hoặc cán bộ y tế hay lực lượng chức năng hợp tác để tạo ta sự cách ly một cách nhịp nhàng, ăn ý. Tất cả đều sẽ là vô nghĩa nếu 1 bên cách ly mà bên khác không thực hiện cách ly, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.