22/11/2024 | 04:06 GMT+7, Hà Nội

Xóa nạn sim rác: Khóa thuê bao thiếu thông tin chỉ như xây nhà từ nóc

Cập nhật lúc: 31/05/2018, 22:10

Theo thông báo từ Viettel thì chỉ còn 2 ngày nữa để các chủ thuê bao trả trước bổ sung thông tin cá nhân, ảnh chân dung nếu không muốn bị khóa một chiều.

Trước đó, ngày 18/5, nhà mạng Viettel đã chính thức gửi tin nhắn tới nhóm khách hàng chưa bổ sung thông tin theo Nghị định 49 để ra “hạn chót” thêm 15 ngày kể từ ngày nhận thông báo.

Cụ thể, sau ngày 2/6, các thuê bao trả trước nếu vẫn không bổ sung thông tin cá nhân và ảnh chân dung sẽ bị tạm ngừng cung cấp dịch vụ một chiều.  

2 ông lớn khác trong ngành viễn thông là Mobifone và Vinaphone, dù chưa có thông báo gì cụ thể nhưng được cho rằng cũng sẽ sớm có những động thái tương tự bởi đã quá hơn một tháng so với thời hạn mà Nghị định 49 yêu cầu nhà mạng phải bổ sung đầy đủ thông tin khách hàng kèm ảnh chân dung.

Tuy nhiên, thay vì việc nhận được sự đồng thuận của người tiêu dùng thì thông báo này càng khiến nhiều người cảm thấy bức xúc vì cho rằng các nhà mạng đang đẩy cái khó về phía người dân. 

Đẩy khó cho khách hàng

Quả thực, các nhà mạng di động đang đẩy cái khó cho người dân. Bởi sau một thời gian dài buông lỏng quản lý loại hình sim trả trước, tạo điều kiện cho sim rác, tin nhắn rác hoành hành, giờ đến khi có quy định yêu cầu “siết” chặt đối tượng này thì các nhà mạng, thay vì tìm kiếm biện pháp đảm bảo quyền lợi khách hàng lại vội vã yêu cầu gần 40 triệu thuê bao đi bổ sung thông tin trong vòng 1-2 tháng.

Chị Dung (Cầu Giấy, Hà Nội), một khách hàng của nhà mạng Viettel trong lúc chờ đợi đến lượt bổ sung thông tin bức xúc: “Khi mua sim, tôi đã đăng ký thông tin trực tiếp tại quầy giao dịch của Viettel, họ còn bắt đưa CMTND để sao lưu một bản photocopy, vậy mà không hiểu sao giờ tôi vẫn phải đi bổ sung thông tin thêm một lần nữa. Mà thông tin của tôi vẫn như thế, hoàn toàn không hề thay đổi.”

“Tôi không hiểu nhà mạng quản lý thế nào mà khách hàng phải đăng ký đến lần thứ 2, bằng cùng một cái CMTND và thông tin cá nhân y xì nhau thì mới có thể được dùng chính cái sim mình đã bỏ tiền ra mua”, chị ngao ngán.

Một khách hàng khác, anh Minh, cũng tại quầy giao dịch Viettel Cầu Giấy cho biết, anh đã thử cập nhật thông tin trên ứng dụng My Viettel nhưng không thành công nên buộc phải ra điểm giao dịch trực tiếp.

“Mất thời gian lắm, nhưng số điện thoại này tôi dùng lâu lắm rồi, giờ không dùng nữa thì lại phải thông báo lại cho họ hàng, cũng ngại nên đành phải ra”, anh Minh cho biết khi được hỏi về việc cung cấp thông tin bổ sung cho nhà mạng.

Người

Hàng triệu người dân phải đổ đi bổ sung thông tin thuê bao di động mà họ đã từng đăng ký một lần và sử dụng ổn định trong một thời gian dài. Ảnh: Kim Bách. 

Không chỉ tại các quầy giao dịch của Viettel mà tình trạng tương tự cũng đang diễn ra ở hàng nghìn điểm giao dịch khác của MobiFone, Vinaphone. Ước tính, mỗi khách hàng chỉ mất 3-4 phút để cập nhật thông tin nhưng thời gian chờ đợi có thể lên tới vài tiếng đồng hồ, đặc biệt trong những ngày cuối tuần.

Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, cả nước có tới hơn 40 triệu thuê bao thuộc diện cần bổ sung thông tin và ảnh chân dung thì có thể thấy sự lãng phí thời gian của xã hội là vô cùng lớn.

Không những vậy, điều đáng nói là mặc dù các nhà mạng đã đẩy cái khó cho người dân, bắt người dân đi bổ sung thông tin cá nhân và ảnh chân dung nhưng việc làm vừa mất thời gian, công sức này này thực chất lại… hoàn toàn vô nghĩa không khác gì xây nhà từ nóc.

Xây nhà từ nóc

Luật sư Vũ Quốc Bình (Công ty Luật Vinam, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, yêu cầu bổ sung thông tin và ảnh chân dung của nhà mạng là đúng nhưng… vô nghĩa.

Khoảng 40

Cả nước có khoảng 40 triệu thuê bao thuộc diện cần bổ sung thông tin cá nhân và ảnh chân dung. 

 “Nếu đã yêu cầu khách hàng bổ sung ảnh chân dung thì nhà mạng cũng phải có hệ thống phần mềm so sánh và nhận dạng ảnh chân dung, xem ảnh chân dung và CMT có khớp với nhau không. Đặc biệt là khi ảnh gửi qua hệ thống đăng ký online, một người có thể lên mạng và đăng ký cho hàng trăm người khác. Lấy gì làm căn cứ để khẳng định đấy là hình ảnh của chủ thuê bao?”

“Sau khi so sánh, các nhà mạng phải trả lời khách hàng là ảnh đấy có hợp lệ hay không, có chấp nhận ảnh chân dung đấy hay không trong một thời gian giới hạn, có thể là 2-3 phút để khách hàng xử lý bước tiếp theo.”

“Còn nếu nhà mạng chỉ dừng lại ở việc yêu cầu chủ thuê bao cung cấp ảnh chân dung một cách hời hợt như bây giờ thì đây là một hành động hoàn toàn vô nghĩa, thậm chí là vô cùng tốn kém bởi nếu mấy chục triệu thuê bao đều gửi ảnh đến thì nhà mạng sẽ quản lý, lưu trữ như thế nào?”, luật sư Bình đặt câu hỏi.

Bên cạnh đó, sau khi chủ thuê bao đã cung cấp đầy đủ thông tin thì quy định về việc bảo vệ, sử dụng dữ liệu của khách hàng cũng cần phải hết sức chặt chẽ, tránh tình trạng thông tin khách hàng bị sử dụng tràn lan như hiện nay. Mà để làm được điều này thì vấn đề nằm ở chính các nhân viên nhà mạng chứ khách hàng không thể tự sao chép thông tin cá nhân của mình để đăng ký cho các sim rác khác được.

Như vậy, có thể thấy quy định bổ sung ảnh chân dung và thông tin cá nhân của khách hàng mà các nhà mạng đang gấp rút triển khai gần như không có mấy hiệu quả, thậm chí là còn gây tốn kém cho chính các nhà mạng, làm mất thời gian và gây phiền hà cho các khách hàng chính thức.

Trong khi đó, nạn sim rác, tin nhắn rác vẫn khó mà có thể được ngăn chặn khi mà vấn đề mấu chốt là quản lý thông tin, dữ liệu khách hàng trong nội bộ các nhà mạng vẫn còn lỏng lẻo và nhiều kẽ hở.