19/01/2025 | 10:29 GMT+7, Hà Nội

Nạn tin nhắn rác: Phải xử lý từ nhà mạng?

Cập nhật lúc: 02/05/2018, 06:10

Mỗi sim rác có thể phát tán vài chục, vài trăm tin nhắn rác một ngày nhưng các gói dịch vụ của các nhà mạng cho phép nhắn hàng triệu tin nhắn chỉ bằng một cú click.

Bổ sung ảnh chân dung: Đúng nhưng vô nghĩa?

Những ngày cuối tháng 4 này, cả triệu người rồng rắn dẫn nhau ra các trung tâm giao dịch của Mobifone, Viettel, Vinaphone trên khắp cả nước để chụp ảnh chân dung và bổ sung thông tin thuê bao kể cả những trường hợp từng cất công đăng ký trước đó.

Việc làm này xuất phát từ Nghị định 49/2017 của Chính phủ nhằm thắt chặt quản lý thuê bao di động trả trước. Trong đó, yêu cầu các chủ thuê bao di động trả trước phải bổ sung thông tin nhân thân và ảnh chân dung, kể cả trong trường hợp đã đăng ký thông tin chính chủ trước đó.

Quy định chụp ảnh chân dung chủ thuê bao điện thoại di động đặt ra nhiều câu hỏi

Quy định chụp ảnh chân dung chủ thuê bao điện thoại di động đang đặt ra nhiều câu hỏi về tính hiệu quả. Ảnh: Tuổi trẻ cười. 

“Về chủ trương, việc thắt chặt quản lý các thuê bao trả trước để giảm thiểu sim rác là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, cách làm của các nhà mạng hiện mới chỉ mang tính hình thức chứ chưa đi vào thực chất”, luật sư Vũ Quốc Bình (Công ty Luật Vinam, Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhận định.

Phân tích cụ thể hơn, luật sư Bình cho rằng việc bổ sung thông tin cho thuê bao di động, dù trả trước hay sau thì đều cần thiết, nhưng mục đích của việc bổ sung ảnh chân dung để làm gì thì chưa thấy ai đề cập.

“Tất cả các hợp đồng, kể cả hợp đồng kinh tế, hợp đồng lao động, hợp đồng dịch vụ,… từ xưa đến giờ đều không yêu cầu phải có ảnh của 2 bên. Vậy tại sao bây giờ, riêng loại hợp đồng này lại yêu cầu có ảnh? Nếu cần ảnh thì đã có ảnh ở chứng minh thư (hoặc các giấy tờ tùy thân có ảnh khác theo quy định pháp luật) khi chủ thuê bao đăng ký mới. Vậy tại sao bây giờ lại yêu cầu phải có thêm 1 cái ảnh nữa ngoài ảnh trên chứng minh thư (CMT)?”, luật sư Bình đặt câu hỏi.

“Ở đây, có thể, yêu cầu bổ sung ảnh chân dung xuất phát từ mục đích chống nguy cơ gian lận từ khâu bán hàng. Trước giờ có nhiều trường hợp người bán hàng lợi dụng 1 CMT là có thể đăng ký nhiều thuê bao mà khách hàng không biết và nhà mạng cũng không hay. Đây là kẽ hở khiến nảy sinh tình trạng sim rác tràn lan trên thị trường trong thời gian qua”.

“Nếu đứng trên góc độ này thì việc bổ sung ảnh chụp khi khách hàng đến mở dịch vụ, đồng thời phải xử lý dữ liệu ảnh là một quy trình bắt buộc và cần thiết, đặc biệt là khi ảnh gửi qua hệ thống đăng ký online, 1 người có thể lên mạng và đăng ký cho hàng trăm người khác. Nếu không có khâu thẩm định ảnh thì lấy gì làm căn cứ để khẳng định đấy là hình ảnh của chủ thuê bao?” 

Tin nhắn rác tràn lan

Tin nhắn rác tràn lan khiến người sử dụng rất đau đầu.

“Vì vậy, nếu đã yêu cầu bổ sung ảnh chân dung thì nhà mạng cũng phải có hệ thống phần mềm so sánh và nhận dạng ảnh chân dung, xem ảnh chân dung và CMT có khớp với nhau không. Sau khi so sánh, các nhà mạng phải trả lời khách hàng là ảnh đấy có khớp hay không, có chấp nhận ảnh chân dung đấy hay không trong một thời gian giới hạn, có thể là 2-3 phút để khách hàng xử lý bước tiếp theo”.

“Còn nếu nhà mạng chỉ dừng lại ở việc yêu cầu chủ thuê bao cung cấp ảnh chân dung một cách hời hợt như bây giờ thì đây là một hành động hoàn toàn vô nghĩa, thậm chí là vô cùng tốn kém bởi nếu mấy chục triệu thuê bao đều gửi ảnh đến thì nhà mạng sẽ quản lý, lưu trữ như thế nào?”, luật sư Bình nhận định.

Nạn tin nhắn rác: Cần xử lý từ nhà mạng chứ không phải khách hàng

"Trước hết, chúng ta cần hiểu rõ khái niệm tin nhắn rác và cuộc gọi rác. Một ngày tôi nhận khoảng hơn chục tin nhắn và điện thoại từ những người, đơn vị để chào mời các dịch vụ. Đây có phải là tin nhắn rác và cuộc gọi rác không? Nếu có, thì chính bản thân các nhà mạng mới là những nguồn phát hành tin nhắn rác khủng khiếp nhất."

Nữa là, tình trạng sao chép trái phép thông tin khách hàng cũng đang diễn ra khá tràn lan. Rất nhiều khách hàng không biết sim mình đang dùng lại do một người khác làm chủ thuê bao, tức là có rất nhiều người đang được dùng sim mà không phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Vấn đề này cho thấy khâu quản lý thông tin của nhà mạng đang rất nhiều lỗ hổng. Như vậy, rõ ràng, trong trường hợp này thì yêu cầu chụp ảnh tại chỗ cũng không giải quyết được gì.

Bên cạnh đó là trong khi nhiều người kêu gọi thắt chặt quản lý sim rác để hạn chế tin nhắn rác thì lại bỏ qua mất đối tượng phát tán lượng tin nhắn nhiều nhất chính là… các nhà mạng.

Thực tế cho thấy mỗi sim rác có thể phát tán vài chục, vài trăm tin nhắn rác một ngày nhưng các gói dịch vụ của các nhà mạng cũng cho phép nhắn hàng triệu tin nhắn chỉ bằng một cú click mà không có biện pháp quản lý và đảm bảo là khách hàng đã chấp thuận cho việc nhận các thông tin này.

Nhà

Các gói dịch vụ của các nhà mạng cũng cho phép nhắn hàng triệu tin nhắn chỉ bằng một cú click. Ảnh chụp từ điện thoại của một khách hàng Mobifone.

Hiện không có số liệu cụ thể nào về việc mỗi thuê bao của Viettel, Mobifone, Vinaphone phải nhận bao nhiêu tin nhắn rác quảng cáo từ đầu số dịch vụ của nhà mạng mỗi ngày. Tuy nhiên, con số này chắc chắn không hề nhỏ vì chỉ cần khách hàng để “lộ” số điện thoại ở bất kỳ một điểm mua sắm nào thì chỉ sau đó vài ngày, thông tin thuê bao đấy đã đượcchuyển giao, bổ sung thêm vào danh sách buộc phải nhận tin nhắn quảng cáo hàng ngày.

“Tôi cho rằng, muốn hạn chế tình trạng tin nhắn rác thì các nhà mạng phải có công cụ, biện pháp đảm bảo dịch vụ tin nhắn quảng cáo của mình là tới các thuê bao đã đồng ý nhận tin của mình, nếu không đây cũnglà nguồn cung cấp tin rác khổng lồ”, luật sư Vũ Quốc Bình nhấn mạnh.