22/01/2025 | 11:21 GMT+7, Hà Nội

Xây dựng trường đua ngựa: Đừng "lấy mỡ nó rán nó"!

Cập nhật lúc: 10/03/2019, 06:00

Sau khi đề án Dự án tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - trường đua ngựa tại Sóc Sơn, TP. Hà Nội được phê duyệt, thị trường mừng ít nhưng lo nhiều. Mừng vì mở ra cơ hội mới không chỉ cho người dân mà còn cho kinh tế khu vực, nhưng còn lo đấy, vì đã có không ít những dự án hàng nghìn tỷ, ôm hàng trăm hecta đất nhưng rồi đến nay vẫn “đắp chiếu” nằm chờ… Làm sao để dự án đạt được mục tiêu như mong đợi?

Năm 2011, trường đua Phú Thọ tại TP.HCM đã phải đóng cửa mà một trong những lý do cơ bản là không thể kinh doanh cá cược hợp pháp (Chính phủ mới chỉ cho phép thực hiện cá cược thông qua Nghị định 06 ban hành đầu năm 2017). Trong khi đó, trường đua Thiên Mã (Lâm Đồng) với điều kiện tự nhiên vị trí thuận lợi cũng từng kỳ vọng về một bức tranh lợi nhuận sáng màu đạt 208 triệu USD doanh thu vào năm thứ 10 và nộp thuế giá trị gia tăng khoảng 7,3 triệu USD, nhưng đến nay, dự án cũng đang trong tình trạng "đắp chiếu".

Mới đây, vào cuối tháng 12/2018, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt điều chỉnh, bổ sung "Dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - Trường đua ngựa" vào Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Tổ hợp dự án trường đua ngựa Sóc Sơn được kỳ vọng mang về con số lợi nhuận khoảng 4.800 tỷ đồng mỗi năm, nộp ngân sách hằng năm trên 1.500 tỷ đồng. Dự án có quy mô sử dụng đất dự kiến là 125ha, nằm tại địa phận xã Tân Minh và một phần xã Phù Linh. Trong đó, đất nông nghiệp chiếm 80ha, đất phi nông nghiệp hơn 22ha.

Với bức tranh tươi sáng được vẽ ra, tổ hợp dự án trường đua ngựa Sóc Sơn mang tới nhiều kỳ vọng về nguồn thu ngân sách Nhà nước cũng như trở thành điểm du lịch của Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, đến hiện tại, có không ít những lo ngại về con đường thành công của dự án này cũng như những hệ lụy phát sinh.

Cà phê cuối tuần xin chia sẻ ý kiến phân tích của PGS.TS Bùi Thị An - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội; ĐBQH Dương Trung Quốc; TS. Nguyễn Minh Phong; luật sư Trần Đức Phượng – Đoàn Luật sư TP.HCM.

PV: Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tổ hợp vui chơi giải trí đa năng – trường đua ngựa tại Sóc Sơn, TP. Hà Nội. Dự án được kỳ vọng sẽ đạt doanh thu bình quân khoảng 4.800 tỷ đồng/năm từ hoạt động đặt cược, tham quan, nghỉ dưỡng và con số nộp ngân sách hằng năm trên 1.500 tỷ đồng. Các chuyên gia nhận định như thế nào về chủ trương này?

PGS.TS Bùi Thị An: Đây là một chủ trương đúng đắn nếu làm tốt. Trường đua ngựa Sóc Sơn sẽ là điểm nhấn cho Thủ đô Hà Nội. Trước hết, đây sẽ là nơi thu hút khách bao gồm cả khách đầu tư và khách du lịch. Nếu phát huy đúng vai trò là tựa điểm để phát triển kinh tế, trường đua ngựa Sóc Sơn có những đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, tôi cho rằng, dự án chỉ thực sự đạt được mục tiêu đặt ra nếu chúng ta làm tốt.

ĐBQH Dương Trung Quốc: Thực ra, hoạt động đua ngựa đã có tại Việt Nam từ rất lâu. Năm 1932, trường đua Phú Thọ được xây dựng và là trường đua duy nhất của TP.HCM cũng như Việt Nam lúc bấy giờ. Năm 2011, UBND TP.HCM ra quyết định đóng cửa trường đua này do thiếu các yếu tố pháp lý để hoạt động.

Qua đó để nói đua ngựa với Việt Nam không phải là mới, dự án như trường đua ngựa tại Sóc Sơn là một đề án để phục hồi lại môn này. Nếu đây là nhu cầu xã hội, là sản phẩm du lịch và chúng ta có không gian tốt để phát triển thì đó là tin vui, Việt Nam có cơ hội để hội nhập thêm với thế giới.

PV: Dù được kỳ vọng trở thành dự án mang lại hình ảnh mới cho Thủ đô Hà Nội cũng như đóng góp vào ngân sách Nhà nước, song rất nhiều e ngại đang đặt ra về những hệ lụy phát sinh từ việc xây dựng trường đua ngựa. Thực tế, trước dự án trường đua ngựa Sóc Sơn, chúng ta cũng đã có nhiều dự án trường đua ngựa khác không đạt được như kỳ vọng, có thể kể tới dự án trường đua Thiên Mã (Lâm Đồng). Sau hơn một năm đi vào hoạt động thì dự án lại đang ở "chế độ nghỉ"… Quan điểm của các chuyên gia về vấn đề này?

TS. Nguyễn Minh Phong: Rất khó nếu so sánh dự án tại Sóc Sơn với Thiên Mã bởi mỗi nơi có nhu cầu riêng, và không có tiền lệ thì lại càng không nói được. Dự án được thông qua thì nhà đầu tư đã có đánh giá, nghiên cứu để phát triển. Quan điểm của tôi là ủng hộ nhưng cần tránh việc lạm dụng, ví dụ như lấy đất để kinh doanh bất động sản.

Đối với dự án trường đua tại Sóc Sơn cần đặt ra câu hỏi: Có phải tất cả diện tích đất quy hoạch là để xây dựng trường đua ngựa hay không? Để hạn chế những sai lầm thì chúng ta cần hết sức thận trọng, kiểm toán rõ ràng để không xảy ra tình trạng lạm dụng, sử dụng đất vào mục đích khác.

ĐBQH Dương Trung Quốc: Vấn đề như trường đua Thiên Mã là do quản lý đất đai kém, nếu lấy đất mà để không thì phải phạt, mà phạt theo lũy tiến.

Để đất sinh lợi là lợi cho cả doanh nghiệp và cho xã hội, còn việc anh không làm, để đất “chết” thì được hiểu là anh đầu cơ, anh không có năng lực thì anh "nhảy vào" làm gì? Làm không được thì anh hãy trả đất cho người ta.

Theo quan điểm của tôi, cần ngăn chặn tình trạng đầu cơ, trong khi người nông dân mất đất, mất công ăn việc làm thì nhiều doanh nghiệp xin đổi đất xây dựng dự án nhưng rồi lại bỏ không - đó là vi phạm quyền sử dụng đất đai. Anh có đất mà anh không khai thác là vô trách nhiệm!

Luật sư Trần Đức Phượng: Đã có không ít những dự án ở tình trạng kêu gọi rất nhiều nhà đầu tư vào nhưng rồi giới đầu tư lại không khai thác, phát triển được, còn cơ quan chức năng thì buông lỏng quản lý.

Theo Luật Đầu tư, dự án nào cũng phải có thời hạn thực hiện, nếu chậm tiến độ hay không đáp ứng được kế hoạch thì doanh nghiệp phải làm văn bản xin cơ quan chức năng gia hạn. Trong trường hợp xin gia hạn mà vẫn không làm được thì thu hồi đất đó lại, giải quyết theo hướng tìm chủ đầu tư mới hoặc chuyển mục đích sử dụng, không thể cứ bỏ đất hoang, đất “chết”.

Còn theo nguyên tắc, dự án phải thực hiện đúng theo giấy chứng nhận đầu tư, không thực hiện thì phải bị xử lý. Trong trường hợp dự án bị bỏ không, xuất hiện sai phạm thì người dân có quyền thực hiện giám sát, tố cáo hành vi sai phạm để cơ quan chức năng xử lý.

PGS. TS Bùi Thị An:Như tôi đã trao đổi, muốn dự án thành công thì phải làm tốt. Để triển khai thực hiện dự án trường đua ngựa Sóc Sơn, chúng ta cần phải quan tâm tới rất nhiều vấn đề khác nhau mà điển hình là vấn đề giải phóng mặt bằng, phải xử lý với những quỹ đất nông nghiệp và phi nông nghiệp như thế nào? Đối với người nông dân, người được giao đất trước đó cũng cần có kế hoạch cụ thể giải quyết công ăn việc làm cho họ. Làm thế nào để chuyển đổi đất phải hợp lý, thu hồi đất làm dự án nhưng không ảnh hưởng tới đời sống, kinh tế của người dân.

Thứ hai, chúng ta cần đánh giá tác động của dự án tới môi trường nói chung, trong đó có cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Môi trường xã hội chính là vấn đề mà tôi vừa nhắc tới ở trên. Còn môi trường tự nhiên, đó là phải đánh giá trước những vấn đề khí thải, nước thải,… Khi lượng khách tới đông thì môi trường sẽ cần các biện pháp như thế nào.

Chúng ta phải đánh giá toàn diện các khía cạnh. Nếu ổn định thì mới có thể xây dựng và triển khai dự án trường đua được. Bên cạnh đó, chất lượng trường đua buộc phải đảm bảo, đáp ứng các tiêu chuẩn quy định, chứ không thể tạo ra sản phẩm “nửa vời”.

PV: Cũng có ý kiến cho rằng, sự đổ vỡ của những dự án còn xuất phát một phần từ việc lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án. Nhất là những bài học từ các dự án dang dở càng đặt ra yêu cầu khắt khe về việc "chọn mặt gửi vàng" nhà thầu. Quan điểm của các chuyên gia về vấn đề này?

PGS.TS Bùi Thị An: Trường đua ngựa muốnthực sự làm tốt trước hết phải xác định vấn đề giao cho ai. Phương thức để chọn nhà thầu như thế nào cần phải làm rõ. Giao theo hình thức nào? Tiêu chí nào chọn nhà thầu? Đó phải là đơn vị có năng lực tổ chức, tiềm năng về tài chính, khả năng quản lý. Phải chọn người giao cho đúng. Từ khâu giải phóng phóng mặt bằng đến thi công, giao đất, quản lý, giám sát phải minh bạch, rõ ràng, công bằng.

Luật sư Trần Đức Phượng: Thực chất câu chuyện nhà đầu tư năng lực yếu kém được giao dự án không có gì là lạ. Bởi từ khâu quản lý không nghiêm nên dẫn đến tình trạng có nhiều doanh nghiệp năng lực tài chính yếu kém vẫn đăng ký dự án để bán lại dự án.

Và một câu chuyện nữa là hầu hết các dự án đều mở rộng, kêu gọi đầu tư nhưng cơ quan chức năng lại không sàng lọc được doanh nghiệp có năng lực thực sự. Nếu kêu gọi đầu tư nhưng không sàng lọc được doanh nghiệp chất lượng, có năng lực thì rất dễ đi vào “vết xe đổ”. Nhiều trường hợp một doanh nghiệp đăng ký nhiều dự án khác nhau, trong khi đó, cơ quan quản lý lại chỉ nhìn vào báo cáo tài chính, nhìn vào số vốn để kết luận doanh nghiệp đủ điều kiện hay không.

PV: Vậy theo các chuyên gia, đâu là giải pháp để không đặt niềm tin nhầm vào đơn vị thực hiện, tổ chức dự án?

PGS.TS Bùi Thị An: Tôi nghĩ cần phải để người dân giám sát. Chỉ có sự giám sát mới tạo ra được bộ máy vận hành tốt. Chứ không thể cuối cùng một dự án có mục tiêu tốt lại giao cho một doanh nghiệp yếu kém thì không khác gì "lấy mỡ nó rán nó".

Luật sư Trần Đức Phượng: Để nhận biết năng lực thực sự của doanh nghiệp cơ quan quản lý cần có thao tác tổng hợp những dự án mà doanh nghiệp đó đăng ký, từ đó chia ra để ra con số vốn thực tế mà đơn vị đó có.

Bên cạnh đó, đối với những đơn vị có quá nhiều sai phạm hay đã có những dự án chậm tiến độ, kém chất lượng thì cũng cần phải xem xét kỹ lưỡng để tránh tình trạng dẫm phải “vết xe đổ”.

- Xin cảm ơn chia sẻ của các chuyên gia!

Nhật Minh - Gia Minh (thực hiện)