18/01/2025 | 19:20 GMT+7, Hà Nội

Xây dựng quy định về xử lý tin giả: Cần chế tài đủ mạnh

Cập nhật lúc: 09/03/2020, 13:52

Tin giả, tin sai sự thật trên mạng xã hội là vấn đề mang tính toàn cầu, không chỉ riêng Việt Nam, mà cả thế giới đang phải đối diện. Kinh nghiệm cho thấy, bên cạnh hành lang pháp lý hiện có...

Tin giả, tin sai sự thật trên mạng xã hội là vấn đề mang tính toàn cầu, không chỉ riêng Việt Nam, mà cả thế giới đang phải đối diện. Kinh nghiệm cho thấy, bên cạnh hành lang pháp lý hiện có, các quốc gia đều có quy định riêng xử lý tin giả, trong đó có những chế tài xử phạt rất nặng và đây sẽ là bài học cho Việt Nam trong việc xây dựng quy định về xử lý tin giả.

Tin giả, tin sai sự thật trên mạng xã hội gây tâm lý hoang mang cho nhiều người. Ảnh: Lê Tuấn

Theo công bố của Công ty Nghiên cứu thị trường Ipsos (Pháp - năm 2019) thì 86% người dùng internet (khảo sát với 25.000 người dùng tại 25 quốc gia) thừa nhận họ bị lừa do tin giả. Các tin giả này chủ yếu xuất phát từ Facebook, tiếp đó là một số nền tảng khác như YouTube, Twitter và các trang blog. Tại Việt Nam, tin giả, tin sai sự thật xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng xã hội không chỉ gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức, mà trong một số trường hợp còn gây tâm lý hoang mang cho xã hội. Điển hình nhất là hàng loạt thông tin sai sự thật trên Facebook những ngày qua về hành trình sau khi về nước của bệnh nhân thứ 17 tại Việt Nam nhiễm Covid-19, khiến nhiều người không khỏi thảng thốt.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, bà Phạm Anh Linh, chủ tài khoản fanpage Facebook Bun Bếp Quán (chuyên kinh doanh hàng trực tuyến - online) cho biết, cơ quan chức năng cần có chế tài cụ thể và “mạnh tay” với những đối tượng tung tin giả để răn đe cũng như đem lại công bằng cho những cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng. Còn Trung tá Dương Bảo Thạch, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông và trật tự Công an quận Hoàn Kiếm đề xuất, các chế tài mạnh hơn để xử lý hành vi đưa tin sai sự thật đang là yêu cầu bức thiết.

Theo đánh giá của Viện Chiến lược thông tin và truyền thông (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông), các hành vi phát ngôn nói xấu, bôi nhọ tổ chức, cá nhân, đưa tin sai sự thật đã được điều chỉnh ở một số văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó phải kể đến Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng và các nghị định của Chính phủ. Tuy nhiên, với mức độ tác động và tầm ảnh hưởng của các thông tin sai sự thật trên mạng trong thời gian gần đây, mặc dù hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đã cập nhật, nhưng vẫn bộc lộ bất cập, hạn chế.

Ông Đỗ Quý Vũ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược thông tin và truyền thông cho biết, các quy định hiện hành chưa cụ thể hóa, bao quát hết các đối tượng và hoạt động cần quản lý, đặc biệt chưa làm rõ các nội dung liên quan đến tin giả trên mạng xã hội. Cụ thể, vẫn còn thiếu định nghĩa thế nào là tin giả, cơ quan xác định tin giả... "Trong thời đại công nghệ số, tin giả ngày càng có xu hướng phát triển và tinh vi hơn. Vì vậy, chúng ta cần xây dựng, ban hành một quy định, hoặc luật riêng biệt để xử lý tin giả, phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển trên không gian mạng của thế giới hiện nay", ông Đỗ Quý Vũ nhấn mạnh.

Chuyên gia truyền thông Phạm Văn Nghĩa cho biết, nhiều nước như Thái Lan, Singapore, Đức, Pháp, Nga đã ban hành các quy định liên quan đến nội dung xử lý đăng và lan truyền tin giả có chủ đích trên mạng xã hội. Mỗi nước đều đưa ra chế tài xử lý khác nhau, nhưng có một điểm chung là hầu hết các mức phạt đều rất nặng, thậm chí hình sự hóa tội danh nếu việc đưa tin giả có chủ đích tác động lớn đến xã hội và cộng đồng...

Trước mắt, từ ngày 15-4 tới, khi Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc xử lý các vi phạm hành chính trong môi trường bưu chính, viễn thông có hiệu lực, các hành vi tung thông tin giả, sai lệch gây hoang mang trên mạng xã hội sẽ bị xử phạt rất nặng. Theo đó, mức phạt có thể lên đến 20 triệu đồng. Với những chế tài mạnh của Nghị định này, có thể hy vọng môi trường mạng xã hội ở Việt Nam sẽ ít tin giả, sai sự thật hơn.