19/01/2025 | 02:06 GMT+7, Hà Nội

Cuộc chiến chống tin giả

Cập nhật lúc: 22/06/2019, 10:00

Vài năm trở lại đây, đặc biệt là từ cuối năm 2016 đến nay, thế giới đề cập nhiều về tin tức giả, từ định nghĩa, hiện trạng tin tức giả đến các biện pháp ứng phó.

Thời đại công nghệ 4.0 với sự kết nối mạnh mẽ của mạng Internet đã tạo ra nhiều giá trị tích cực cho cộng đồng, nhưng mặt trái của nó là vấn nạn tin giả với dụng ý bóp méo sự thật đang ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống chính trị - xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới. Vậy báo chí có vai trò như thế nào trong cuộc chiến chống tin giả, tin xuyên tạc.

Tràn ngập tin tức giả

Vài năm trở lại đây, đặc biệt là từ cuối năm 2016 đến nay, thế giới đề cập nhiều về tin tức giả, từ định nghĩa, hiện trạng tin tức giả đến các biện pháp ứng phó.

Tin tức giả được phân thành hai loại: Loại thứ nhất là những thông tin hoàn toàn không chính xác (bao gồm cả những thông tin thông thường và những thông tin được trình bày giống như một tin báo chí) được cố tình đăng tải, lan truyền vì một mục đích nào đó. Loại thứ hai là những thông tin có thể có một phần sự thật nhưng không hoàn toàn chính xác do người viết không kiểm chứng toàn bộ sự thật trước khi đăng tải chia sẻ hoặc có thể họ phóng đại một phần của câu chuyện đó.

Cuộc chiến chống tin giả - Ảnh 1

Tại Việt Nam, những tin tức giả kiểu này xuất hiện không ít. Mới đây trên facebook xuất hiện tài khoản giả mạo mang tên “Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam”. Tài khoản này copy đầy đủ hình ảnh các lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, với nhiều nội dung được chia thành các chuyên mục. Và chỉ trong vòng vài chục giờ đồng hồ, tài khoản mạo danh này đã đăng hàng loạt trạng thái về những vụ việc gần đây được công chúng quan tâm. Ví dụ: “Cảnh giác với chiêu trò kêu gọi ký tên vì công lý cho Hà Văn Nam; cảnh giác với chiêu bài bảo vệ nước mắm truyền thống; và tiếp tục đưa ra những lời lẽ bình phẩm về vấn đề khai trừ đảng một phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - Xã hội TP.Đà Nẵng”…Gần như cùng lúc, trên mạng xã hội Facebook cũng xuất hiện fanpage mạo danh “Báo Công an”, trong đó đăng clip về vụ một Việt kiều về nước, tranh cãi với nhân viên sân bay Tân Sân Nhất vì cho rằng hành lý của họ bị cắt khóa, lấy đồ tại sân bay Việt Nam, nhưng thực chất không phải như vậy. Clip này làm ảnh hưởng tới hoạt động của hàng không Việt Nam và tạo ra hình ảnh méo mó, xấu xí về đất nước và con người Việt Nam…

Đánh giá về những hệ lụy của tin tức giả, Đại tá Đỗ Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng Internet cao nhất thế giới với khoảng 64 triệu người dùng Internet, chiếm 67% dân số. Các thiết bị thông minh đã trở nên phổ biến và quen thuộc, gắn với sinh hoạt, học tập, lao động của hầu hết người dân, góp phần quan trọng hình thành xã hội thông tin và nền kinh tế tri thức… Tuy nhiên, song hành với những lợi ích to lớn đó, Việt Nam đã và đang phải chịu tác động mạnh mẽ bởi các diễn biến của tình hình an ninh mạng thế giới, đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức không nhỏ từ không gian mạng, thậm chí đe dọa đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Trong đó phải kể đến những ảnh hưởng tiêu cực từ các thông tin xấu, độc được lan truyền trên mạng cũng như vấn nạn tin giả - Fake News. Người dùng Internet Việt Nam, nhất là giới trẻ, học sinh và thậm chí trẻ em bị tác động tiêu cực bởi hàng ngàn thông tin, hình ảnh bạo lực, kích động được phát tán tự do trên không gian mạng gây băng hoại giá trị đạo đức xã hội trong giới trẻ.

Vai trò của báo chí trước vấn nạn tin giả

Vấn nạn tin giả với nhiều hệ lụy, gây hoang mang, đe dọa ổn định trật tự xã hội đã liên tục được cảnh báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Các cơ quan chức năng cũng tích cực vào cuộc, yêu cầu các trang mạng xã hội như Facebook, Google gỡ bỏ hàng nghìn tài khoản vi phạm pháp luật, video clip có nội dung xấu độc, bịa đặt, vu khống cá nhân, chính quyền, kêu gọi biểu tình, kích động nhân dân chống phá Đảng, Nhà nước... gây bất ổn trong xã hội, đất nước.

Song cũng cần thẳng thắn khẳng định rằng trong một số trường hợp, không ít báo chí chính thống dường như lép vế, phản ứng chậm trước tin giả, không kịp thời phát hiện để cung cấp thông tin xác thực mà dư luận quan tâm. Đã có không ít trường hợp báo chí cũng bị mắc bẫy tin giả, hoặc mất phương hướng. Chẳng hạn vụ đăng tải thông tin về dàn siêu xe gắn biển xanh của TP. Cần Thơ, hoặc bài tập làm văn của em bé viết thư cho bố công tác ở đảo xa, vụ “Cậu bé 11 tuổi tự tử vì không có áo mới đến trường” tại Gia Lai… Hệ lụy là nhiều cơ quan báo chí đã bị cơ quan quản lý nhắc nhở, xử phạt.

Ngày 12/6/2018, Luật An ninh mạng đã được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ 1/1/2019 là cơ sở pháp lý cần thiết, quan trọng để ngăn chặn, xử phạt nạn tin giả. Nhưng cuộc chiến chống tin giả sẽ vẫn còn vô cùng cam go, khốc liệt bởi hàng ngày, hàng giờ, tin giả giống như một bệnh dịch vẫn tìm mọi con đường, mọi cách thức để len lỏi, gieo rắc, phát tán trong cộng đồng thông tin sai sự thật, xuyên tạc, thổi phồng sự sợ hãi, gây hoang mang trong dư luận xã hội. Vậy trước vấn đề này vai trò của báo chí sẽ như thế nào trong cuộc chiến chống tin giả.

Cuộc chiến chống tin giả - Ảnh 2

Ông Lê Quốc Minh, Phó tổng giám đốc TTXVN cho rằng, vai trò của báo chí chính thống vẫn đặc biệt quan trọng. Báo chí phải là người tiên phong trong việc giáo dục ý thức của người đọc, nâng cao khả năng cảm thụ, phân tích tính đúng đắn của tin tức. “Chính vì vậy, báo chí phải hành động chứ không thể ngồi chờ cơ quan chức năng ra luật, chờ các công ty công nghệ thay đổi thuật toán, chờ người dùng trở nên thông minh hơn để tự xa lánh fake news”- Phó tổng giám đốc TTXVN nhấn mạnh.

Cũng theo ông Minh, báo chí cần phải kết nối với độc giả, khán thính giả một cách hiệu quả hơn. Các tòa soạn cần phải đầu tư nhiều hơn vào nội dung chất lượng cao, cần có những hành động để đối phó với những nội dung kích động thù hận, phân biệt chủng tộc, hoang tin, thông tin bóp méo sự thật gây phương hại cho các cá nhân, tổ chức, quốc gia. Cần dành nhiều nguồn lực hơn cho báo chí điều tra, gắn chặt hơn với những giá trị đạo đức trong việc quản lý và quản trị truyền thông; đồng thời có các biện pháp nâng cao nhận thức cho công chúng nói chung về tin giả. Bên cạnh đó, cần xây dựng những liên minh báo chí để bảo vệ bản quyền, tìm kiếm những mô hình kinh doanh bền vững và quan trọng hơn là để đối phó với tình trạng fake news. Các cơ quan báo chí ở Pháp và Đức đã tạo lập các liên minh nhằm đối phó với fake news trước khi diễn ra các cuộc bầu cử quan trọng. Đang có nhiều nỗ lực trên thế giới để xây dựng nên những website chuyên kiểm chứng thông tin. Tính đến giữa năm 2017, có 114 dự án thẩm định thông tin như thế, hoạt động tại 47 quốc gia.

 Các chuyên gia cũng dự đoán rằng khi trí tuệ nhân tạo được áp dụng rộng rãi vào quá trình sản xuất nội dung báo chí thì đồng thời số lượng tin giả do máy viết cũng ra đời và sẽ nhanh chóng vượt trội về số lượng. Một tương lai không mấy sáng sủa nếu không hành động nhanh. Các nhà báo chúng ta không thể khoanh tay đứng nhìn, bởi chúng ta còn khoác trên mình trách nhiệm to lớn với xã hội. Đưa tin đúng là chưa đủ mà các nhà báo cần có nghĩa vụ vạch trần và dập tắt tin giả cũng như thông tin bị bóp méo, vốn thường được nhiều người đọc và chia sẻ trên mạng hơn là sự thật; tăng thêm lượng thông tin sạch cho người dân, hạn chế cơ hội cho những đối tượng lợi dụng sự kém hiểu biết, sự tò mò của người dân… để kích động, trục lợi. Do đó, để phát huy vai trò của báo chí trong cuộc chiến chống tin giả, chắc chắn không gì hơn là tăng cường sự lành mạnh của báo chí, cung cấp thông tin nhanh nhạy, trung thực, chính xác. Khi không còn niềm tin và hiểu rõ bản chất tin tức vô căn cứ trên mạng xã hội, người dân sẽ đặt niềm tin vào các kênh thông tin chính thức để xác minh thông tin họ quan tâm. Từ đó định vị và khẳng định sự tin cậy.

Nguồn: http://baodansinh.vn/cuoc-chien-chong-tin-gia-d99867.html