19/01/2025 | 02:02 GMT+7, Hà Nội

Kỳ 4: ‘Virus tin giả’ và vai trò của báo chí

Cập nhật lúc: 02/03/2020, 13:38

Cùng với tốc độ lây lan nhanh chóng của Covid-19 những thông tin sai sự thực, tin giả và "thuyết âm mưu" về dịch bệnh bùng phát đã xuất hiện tràn lan trên các phương tiện truyền thông xã hội...

Cùng với tốc độ lây lan nhanh chóng của Covid-19 những thông tin sai sự thực, tin giả và "thuyết âm mưu" về dịch bệnh bùng phát đã xuất hiện tràn lan trên các phương tiện truyền thông xã hội, làm gia tăng tâm lý sợ hãi, hoang mang trong người dân…

Hơn lúc nào hết, để triệt hạ những “virus tin giả” các cơ quan báo chí phải thể hiện được rõ vai trò quan trọng của mình trong việc trung thực về dịch bệnh, từ đó giành lấy lòng tin của xã hội.

Đồn đoán vô căn cứ gây hoang mang

Tin giả (fake news) đang là vấn đề được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp. Từ những thần dược cho đến những thuyết âm mưu, các tin giả về virus dùng dịch bệnh này như là một phương tiện lý tưởng để kiếm tiền, hoặc để gây hoang mang dư luận.

Lợi dụng khả năng ẩn danh trên mạng xã hội, một số người không ngần ngại đăng tải thông tin bịa đặt, ác ý về tình hình dịch bệnh. Chẳng hạn, việc người từ vùng dịch trở về và buộc phải cách ly để theo dõi do yêu cầu của công tác phòng bệnh lập tức bị bóp méo thành ca mắc bệnh mới.

Thậm chí, không ít cá nhân còn nhân cơ hội này để bịa đặt, vu cáo cơ quan chức năng che giấu thông tin, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, che giấu dịch bệnh. Cá biệt, tình trạng dịch bệnh ở một số địa phương cũng thành đề tài bị một số đối tượng lợi dụng, xuyên tạc trên mạng xã hội như tung tin về “ổ dịch mới” bị phát hiện, thậm chí nêu tên một số địa phương để kỳ thị.

Vấn nạn lan truyền tin tức giả xuất hiện nhiều trên mạng xã hội.

Quanh vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) Vũ Mạnh Cường cho rằng, mạng xã hội là mảnh đất màu mỡ cho các thông tin trái chiều, fake news, các thông tin không được kiểm chứng xuất hiện.

Cụ thể, thời gian qua có rất nhiều thông tin dịch không chính xác. Lấy ví dụ về vấn đề này, ông Cường cho biết thời gian gần đây, trên mạng lan truyền thông tin, Chính phủ Nga tuyên bố virus Corona là do rò rỉ, là nhân tạo. Điều này ngay lập tức bị xuyên tạc và gây nên những thuyết âm mưu.

Ngay sau đó, một dịch giả nổi tiếng đã phải lên tiếng về thông tin này và khẳng định thông tin trên là do… dịch sai. “Thời gian qua, chúng tôi nhìn thấy rất nhiều thông tin dịch sai, chưa được kiểm chứng từ các bác sĩ, nhà khoa học. Các thông tin không chuẩn xác sẽ gây hoang mang cho cộng đồng” - Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và thi đua khen thưởng nhận định.

Tương tự, quanh Covid-19 cũng gây không ít đồn đoán. Dễ thấy là những lời đồn quanh thuyết âm mưu vật chủ truyền bệnh là dơi, chuột, rắn, ngoài ra có ý kiến là một cơ sở nghiên cứu virus...

Lý giải quan điểm quanh vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khẳng định: “Với vụ dịch này, tôi thấy thuyết âm mưu này không phù hợp lắm. Vì nếu lọt ra từ phòng thí nghiệm thì phải lây ra nghiên cứu viên, từ đó lây ra vợ, con sau đó mới ra cộng đồng. Virus không tự bay từ phòng thí nghiệm ra được.

Các virus từ ống nghiệm có chui được vào con dơi không? Chắc chắn là không. Vì virus được cách ly nghiêm ngặt. Kiến chui vào các phòng thí nghiệm còn không được chứ chẳng nói là con dơi”.

Lý giải sâu hơn về vấn đề này, bác sĩ Cấp cho biết, trong 6 chủng Corona virus, có chủng gây bệnh ở dơi, lạc đà, các loài thú hoang như chồn, sóc, cá heo… các nhà nghiên cứu giải trình gen của tất cả loại và đưa vào thư viện gen của toàn cầu.

Khi xuất hiện chủng Corona virus thứ 7 và đối chiếu thấy rất gần gũi với chủng Corona virus họ hàng với Sars và trùng hợp 99% với virus đang gây bệnh từ dơi nên có nghi ngờ là từ dơi.

Thể hiện rõ vai trò của báo chí chính thống

Thực tế cho thấy, thời gian qua, với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, sự đồng hành với ý thức trách nhiệm cao của người dân trong việc hợp tác cùng chính quyền thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, Việt Nam đã kiểm soát tốt tình hình. Đặc biệt, các cơ quan báo chí đã thể hiện được rõ vai trò quan trọng của mình.

Nhận diện thông tin xấu độc và ngăn chặn hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật là hết sức cần thiết.

Các cơ quan báo chí đã chủ động tăng thời lượng, số lượng các tin, bài khuyến cáo, hướng dẫn người dân nhận thức đầy đủ nguy cơ và cách thức phòng ngừa dịch bệnh, cũng như nâng cao ý thức về việc tuân thủ các khuyến cáo, biện pháp của cơ quan chức năng nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Việc cập nhật thường xuyên, liên tục, chính xác, đầy đủ của cơ quan báo chí về diễn biến tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống, ngăn chặn lây lan dịch bệnh từ nguồn chính thức của cơ quan cơ quan có thẩm quyền đã giúp ngăn chặn sự hoang mang, lo lắng do “virus tin giả” Covid-19 gây ra.

Chia sẻ quan điểm của mình, ông Vũ Mạnh Cường nhận định dịch Covid-19 lần này, việc truyền thông tương đối đồng điệu.

“Chúng tôi mong các tòa soạn đừng hối thúc phóng viên của mình đưa những thông tin giật gân về dịch bệnh. Các báo hãy đưa những khuyến cáo của ngành y tế về phòng chống dịch vào các bài báo, thay vì những tin tử vong, điều trị, không giúp ích gì cho các đối tượng truyền thông nguy cơ. Như vậy, chúng ta mới giúp cộng đồng, công chúng biết và ý thức được các biện pháp để bảo vệ mình và người thân” – ông Cường bày tỏ quan điểm.

Theo bác sĩ Trần Văn Phúc – Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Xanh Pôn, cho rằng tin giả bao giờ cũng có đặc điểm là dựa trên một thông tin có thật. Người lan truyền tin giả sẽ sửa đổi tin thật khiến người đọc hiểu sai bản chất thông tin. Vì thế các đơn vị có liên quan phải có chế tài xử phạt các trường hợp tung tin giả và tạo ra tin giả. Tuy nhiên, mức độ xử phạt hiện nay vẫn chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn tin giả.

“Tôi hy vọng mỗi một cá nhân khi tham gia mạng xã hội phải có ý thức không tạo ra tin giả, có bộ lọc thật tốt để phát hiện tin giả, đặc biệt, không tự biến mình trở thành người lan truyền tin giả trong cộng đồng” – bác sĩ Trần Văn Phúc nhắn gửi.

Rõ ràng, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng để bảo vệ sức khỏe người dân, rất cần có sự chung sức, đồng lòng của toàn xã hội, thực hiện tốt các chỉ đạo, khuyến cáo trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Dịch bệnh sẽ không đáng lo ngại quá mức nếu cộng đồng thật sự hiểu và chủ động biết cách phòng, chống không hoang mang, lo lắng thái quá. Ngoài ra, bản thân mỗi người cần hết sức bình tĩnh, sáng suốt trong tiếp nhận và xử lý thông tin, theo dõi sát thông tin chính thống về tình hình dịch bệnh, không nghe theo, không lan truyền thông tin không xác thực, kịp thời thông báo đến cơ quan chức năng các trường hợp đăng thông tin bịa đặt, sai sự thật.

Luật An ninh mạng (đã có hiệu lực hơn 1 năm) cùng các văn bản pháp luật khác là “liều thuốc” nhằm ngăn ngừa thông tin giả trong bối cảnh nóng bỏng của dịch bệnh Covid-19. Thực thi nghiêm Luật An ninh mạng đã minh chứng một cách rõ ràng rằng những hành vi tung tin thất thiệt vì động cơ khác nhau đều bị nghiêm trị.

Bên cạnh đó, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, trong đó quy định các tổ chức, cá nhân cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật… sẽ bị xử phạt nặng.

Cụ thể, Điều 101 Nghị định 15 quy định phạt tiền 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Với tính đặc thù là lan truyên trên internet, mạng xã hội khó có thể kiểm soát, ngăn chặn các thông tin xấu độc. Luật An ninh mạng, cùng các văn bản pháp luật khác chưa thể giải quyết dứt điểm "căn bệnh" tin giả, hạn chế một lượng lớn loại thông tin này.