Xã "giàu nhất xứ Nghệ": Cái giá là cá cược mạng sống để đến miền đất hứa (!)
Cập nhật lúc: 02/11/2019, 19:00
Cập nhật lúc: 02/11/2019, 19:00
Để có sự thay da đổi thịt này phải đánh đổi bằng máu, nước mắt và cả sinh mạng.
Đánh đổi tất cả để đổi đời
Xóm Đông Thị, Phú Vinh, Ngọc Sơn… của xã Đô Thành là những xóm có nhiều người đang lao động ở châu Âu. Một người dân ở xóm Đông Thị chỉ vào những ngôi nhà cao tầng, biệt thự san sát nói: "Tiền từ những con em lao động ở nước ngoài gửi về để xây cả đó. Dọc tuyến đường dài hơn 1 km trong xóm Đông Thị này nhà thấp tầng có thể đếm được chứ cao tầng thì khó vì quá nhiều".
Xã Đô Thành được mệnh danh là xã giàu nhất xứ Nghệ.
Dứt lời, người khác nói thêm: "Hầu hết thanh niên ở trong làng đều đi lao động ở nước ngoài. Phần lớn là đi các nước châu Âu. Số ít hơn thì đi Nhật, Hàn, Đài Loan và Lào. Đi các nước châu Âu thì làm được nhiều tiền hơn nhưng chi phí để đi qua đây cũng rất lớn. Bởi thế gia đình nào cũng cố vay mượn cho con em mình đi các nước châu Âu. Giờ ở xóm thì đi châu Âu trở thành một phong trào để làm giàu".
Những ngôi nhà cao tầng, biệt thự san sát ở xóm Đông Thị.
Một người sang làm ăn ổn định có tiền gửi về xây nhà cao tầng, mua xe hơi dần dần kéo theo anh em ruột thịt sang. Cứ thế số người lao động ở nước ngoài ngày càng nhiều.
Anh N.V.Đ (xóm Đông Thị) chia sẻ, để đi lao động ở nước ngoài có nhiều cách. Nhiều người chọn cách đi xuất khẩu lao động hợp pháp ở các nước đã có hợp tác lao động với nước ta như Nga, Đức, Ba Lan... Sau khi hết thời hạn hợp đồng thì bỏ trốn ra ngoài làm chui và tìm cách đến các nước khác. Hầu hết những lao động này đều chọn đích đến là Đức, Anh.
Theo lời giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà anh T. - người từng đi lao động theo con đường "chui" để rõ hơn về hành trình di chuyển này.
Anh T. chia sẻ, năm 2003 anh sang Nga theo con đường xuất khẩu lao động. Khi hết hợp đồng 3 năm thì trốn ra ngoài và được nhiều người Việt bên này rủ sang nước Đức bằng con đường đi "chui". Chi phí cho chuyến đi này khoảng 3000 USD. "Đây là chi phí dự kiến chưa kể khi bị bắt thì phải mất khoảng 1000 USD để được chuộc ra rồi nhiều chi phí dọc đường nữa" – Anh T. nói.
Để sang Đức, môi giới giới thiệu hai con đường. Đường đi hướng sang Ba Lan và hướng Slovakia. Anh T. chọn hướng đi Slovakia. Sau khi thống nhất, người môi giới dẫn khoảng 20 người (gồm cả nam nữ, già trẻ) đi bộ trong rừng hơn 10 km từ biên giới Nga để sang Ucraina. Mọi người ở đây khoảng 10 ngày trong một chuồng ngựa với đồ ăn chủ yếu là bánh mì, nước suối. Sau đó, sẽ được vượt biên qua con sông rộng khoảng 60m, sâu lút đầu người.
"Để qua sông, mỗi người chúng tôi được cột chặt một sợi dây thừng qua ngực. Sau đó, môi giới đứng bên kia bờ kéo sang. Thấy nhiều người uống no nước, ho sặc sụa ai cũng hãi hùng nhưng không còn cách nào khác buộc phải vượt sông" – Anh T. kể.
Qua được Slovakia, 20 người được nhét cứng trong 2 chiếc xe ô tô 4 chỗ rồi phóng nhanh đi quãng đường hơn 50 km để qua Séc. Ở đây 2 tuần, mọi người được đưa sang Đức thành công. "Công việc chủ yếu của chúng tôi ở đây là làm nail hoặc làm bưng bê trong quán ăn" – anh T. nói.
"Đi đường "chui" là đường máu, nước mắt. Đi chỉ dựa vào may mắn còn không thì mất hết tất cả thậm chí bỏ mạng mà không biết mình là ai vì không có một giấy tờ gì. Xác định đi "chui" là đánh đổi tất cả" – anh T. trầm ngâm nói.
Đồng tiền xương máu và nỗi cô đơn người ở nhà
Đi "chui" sang Đức đã gian nan, nguy hiểm nhưng hành trình từ Đức, Pháp sang Anh thì gian nan, nguy hiểm gấp thêm nhiều lần. Những thanh niên ở xóm Đông Thị nói, để sang Anh thì có hai gói. Đó là gói "đi cỏ" giá rẻ hơn và "đi Vip" giá đắt hơn.
Giải thích ngắn gọn về hai gói này, một người nói, "đi cỏ" thì người môi giới không biết lái xe mà chỉ tìm, chọn xe có khả năng đi Anh sau đó bẻ khóa để người lao động chui vào xe. Hành trình thế nào, đến đâu thì người lao động tự chịu. Còn "đi vip" thì môi giới đã liên hệ với lái xe và cũng chỉ biết dựa vào may mắn mới sang được Anh.
Ông L.M.T như ngồi trên đống lửa khi con trai đang mất liên lạc khi qua Anh.
Sự việc các cơ quan chức năng Anh phát hiện 39 thi thể trong container khiến nhiều người ở xã Đô Thành bàng hoàng. Ông Nguyễn Đình S. (xã Đô Thành) có con trai là anh N.Đ.T (26 tuổi) bỗng mất liên lạc khi trên đường qua Anh mấy ngày qua đứng ngồi không yên. Gia đình đã vay mượn ngân hàng hơn 300 triệu đồng để T. đi lao động ở Rumani, rồi T. sang Đức kiếm việc làm. Đầu tháng 10, T. có liên lạc về gia đình bảo sẽ đi Anh vì bên đó có thu nhập cao hơn và sẽ đi bằng đường chui.
Để qua Anh, cũng như những người khác, T. phải bỏ 11.000 Bảng Anh. Lần cuối gia đình liên lạc được với T. khi T. đang ở Pháp, chuẩn bị đi qua Anh. Tuy nhiên, đến ngày 22/10 thì gia đình không liên lạc được với T. nữa.
Cách nhà ông S. không xa, gia đình ông L.M.T như ngồi trên đống lửa khi con trai ông là anh L.V.H (30 tuổi) cũng mất liên lạc từ ngày 21/10. Ông T. kể hơn 3 tháng trước, H. ngỏ ý muốn đi xuất khẩu lao động ở các nước Châu Âu. Để có tiền cho con đi, gia đình đã cầm cố 2 sổ đỏ.
"Nó xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất, sau đó qua Malaysia, rồi qua Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp rồi đến Pháp, chi phí mất 22.000 USD. Đến Pháp, H. tiếp tục bỏ 11.000 Bảng Anh để được đưa qua Anh. Thế nhưng từ ngày 21/10, gia đình không thể liên lạc được với con" – ông T. nghẹn ngào nói.
Cũng như tâm trạng của hai người đàn ông cùng xã, bà P. (xóm Ngọc Sơn) có chồng và hai con đang lao động ở châu Âu hết sức lo lắng sau khi biết thông tin 39 người tử vong trong container. "Tôi biết để qua Anh, chồng và đứa con trai đầu của tôi chắc cũng đi bằng con đường này. Nghĩ lại việc này mà tôi rùng mình. Giờ đứa thứ 2 đang ở Đức tôi cũng tâm sự và khuyên bảo nó nhiều. Mong nó ổn định và làm tốt công việc ở Đức chứ đừng di chuyển nữa" – bà P. nói.
Nhắc đến chồng con, bà P. rưng rưng nước mắt: "Đi nước ngoài thì có tiền nhưng xa chồng con tôi nhớ lắm. Mỗi tối quanh quẩn trong nhà một mình buồn, cô đơn cũng chẳng biết tâm sự với ai. Giờ tôi chỉ mong cả nhà quây quần bên mâm cơm dù có khổ thì cũng cảm thấy hạnh phúc".