22/11/2024 | 18:16 GMT+7, Hà Nội

WHO: Bệnh sởi có nguy cơ trở thành đại dịch truyền nhiễm nguy hiểm nhất trong lịch sử

Cập nhật lúc: 19/04/2019, 11:43

Thông tin mới nhất do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa đưa ra cho thấy, trong 3 tháng đầu năm nay, số ca mắc sởi trên toàn thế giới đã tăng 300% so với cùng kỳ năm 2018

Tiêm vaccine cho trẻ là cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh sởi. Ảnh minh họa.

 

Tiêm vaccine cho trẻ là cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh sởi. 

 

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chỉ trong 3 tháng đầu năm 2019, số ca mắc sởi được báo cáo đã tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. WHO nhận định, xu hướng mắc sởi gia tăng đang diễn ra ở cấp độ toàn cầu. Dịch bệnh lây lan nhanh chóng giữa những người không được tiêm chủng.

Cơ quan này cho biết thêm, thế giới đang chứng kiến một sự bùng phát bệnh sởi chưa từng có trong lịch sử, trong đó châu Phi chứng kiến sự gia tăng mạnh nhất với khoảng 700%, con số thực tế có thể lớn hơn nhiều. 

Đáng báo động, theo WHO, bệnh sởi đã tái xuất hiện ngay tại cả các quốc gia giàu có, nơi tỷ lệ tiêm vaccine thường cao và cả những quốc gia từng tuyên bố thanh toán dịch bệnh này.

Trong đó, Nhật Bản từng được tuyên bố xóa sổ bệnh sởi, song từ đầu năm tới nay đã lại ghi nhận hơn 200 ca nhiễm sởi. Tương tự, Mỹ cũng có hơn 300 ca mắc sởi trong 3 tháng đầu năm 2019 dù đã tuyên bố xóa sổ bệnh này từ năm 2000.

Tại Ukraine, Madagascar, Ấn Độ là một số quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch sởi, khi cứ 1 triệu người dân thì có hàng chục nghìn trường hợp mắc sởi.

Tại Brazil, Pakistan, Yemen sởi gây ra nhiều ca tử vong nhất cho trẻ nhỏ, dịch còn xảy ra ở những quốc gia sởi đã biến mất nhiều năm nay như Mỹ, Thái Lan.

 

Theo tổng kết của WHO, có khoảng 170 quốc gia đã báo cáo về các trường hợp mắc sởi, với 112.163 ca, con số này tăng gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm 2018, chỉ là 28.124 trường hợp ở 163 quốc gia.

Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân của dịch bệnh này là do phong trào bài trừ vaccine đang  lan ra nhiều quốc gia trên thế giới.

 

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cao, hơn cả Ebola, bệnh lao hay bệnh cúm. Một người có thể nhiễm virus sởi trong vòng hai giờ đồng hồ sau khi một người mắc bệnh sởi ra khỏi căn phòng. Virus sởi lây lan trong không khí và làm nhiễm trùng đường hô hấp, có khả năng gây tử vong đối với trẻ em suy dinh dưỡng hoặc trẻ em quá nhỏ chưa thể tiêm vắc xin. Một khi người bệnh đã bị nhiễm sởi, thế giới chưa có thuốc điều trị cụ thể nào cho bệnh này, do vậy tiêm phòng vắc xin là biện pháp để cứu mạng sống cho trẻ em.