19/01/2025 | 10:32 GMT+7, Hà Nội

Các thực phẩm làm tăng đề kháng, giúp trẻ phòng ngừa bệnh sởi

Cập nhật lúc: 19/04/2019, 09:40

Chăm sóc dinh dưỡng, chọn đúng thực phẩm là vô cùng quan trọng trong dự phòng và hỗ trợ điều trị bệnh sởi.

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, chăm sóc dinh dưỡng, chọn đúng thực phẩm là vô cùng quan trọng trong dự phòng và hỗ trợ điều trị bệnh sởi để giúp cơ thể tăng sức đề kháng chống lại tác nhân gây bệnh, giảm nguy cơ mắc các biến chứng hay giảm nhẹ biến chứng khi đã mắc.

Những thực phẩm làm tăng đề kháng, giúp trẻ dự phòng bệnh sởi

1. Rau bina

Lá rau bina mềm, màu sắc tươi ngon, giàu vitamin C, carotene, protein và các khoáng chất như sắt, canxi, phốt pho.

Thường xuyên ăn rau bina có thể thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển, tăng sức đề kháng, chất carotene trong rau bina có thể chuyển hóa thành vitamin A trong cơ thể, có thể bảo vệ thị lực và sức khỏe các tế bào trên da, tăng cường khả năng phòng các bệnh truyền nhiễm.

cac thuc pham lam tang de khang giup tre du phong benh soi
Chăm sóc dinh dưỡng, chọn đúng thực phẩm là vô cùng quan trọng trong dự phòng và hỗ trợ điều trị bệnh sởi

2. Cà rốt

Các loại rau củ quả có chứa nhiều Vitamin A và Vitamin C cũng giúp tăng cường hệ miễn dịch cho bé.

Vitamin A là loại vitamin quan trọng cho mắt, chống lại sự tấn công của virus sởi vào mắt bé. Vitamin A bạn có thể tìm thấy ở các loại rau củ quả có màu cam như đu đủ, cà rốt, bí đỏ.

3. Bông cải xanh

Bông cải xanh dễ dàng thấy ở trong các siêu thị và cửa hàng thực phẩm, nó là yếu tố cơ bản để tăng cường hệ miễn dịch.

Một nghiên cứu cho thấy, hóa chất trong bông cải xanh có thể kích thích hệ thống miễn dịch của chuột. Hơn nữa, bông cải xanh giàu dinh dưỡng, có thể bảo vệ cơ thể tránh bị bệnh tật tấn công.

Ngoài ra, loại rau này còn chứa cả vitamin A, vitamin C và glutathione. Có thể thêm một chút pho mát ít béo để làm một món salad với đầy đủ vitamin A, B, C, D giúp cải thiện hệ miễn dịch.

4. Nấm hương

Trong nấm hương không những có chứa axit béo không bão hòa cao, mà còn chứa một lượng lớn ergosterol và fungisterol có thể chuyển hóa thành vitamin D, có tác dụng rất tốt trong việc tăng đề kháng với bệnh, phòng ngừa và điều trị bệnh cúm.

Nấm hương còn được coi là “cao lương mỹ vị”, là thực phẩm giàu dinh dưỡng với hàm lượng protein và chất béo cao.

5. Yến mạch

Yến mạch có khả năng tăng cường hệ miễn dịch, đẩy nhanh tốc độ khỏi bệnh và còn có thể giúp thuốc kháng sinh phát huy tác dụng tốt hơn.

Các bậc bà mẹ nên cho con ăn yến mạch khoảng 3 lần/tuần xen kẽ với việc ăn cơm gạo và các loại thực phẩm tinh bột khác.

6. Hải sản

Kẽm giúp tăng cường chức năng hệ miễn dịch. Kẽm có rất nhiều trong hải sản.

7. Quả họ chua (cam, chanh, bưởi)

Vitamin C có thể tìm thấy ở các loại hoa quả như chanh, bưởi, cam …

Dinh dưỡng, cách chọn thực phẩm đối với trẻ đặc biệt

Trẻ suy dinh dưỡng thường dễ bị mắc sởi và bị biến chứng nặng. Cần chú trọng 4 nhóm thực phẩm.

Đối với trẻ còn trong độ tuổi bú, mẹ cần tiếp tục cho con bú, cho bú nhiều lần kết hợp với ăn bổ sung hợp lý. Cho trẻ ăn đủ nhu cầu dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm (đủ 4 nhóm: chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin và chất khoáng với 15-20 loại thực phẩm), không quá kiêng khem để bù lại các chất dinh dưỡng mất đi (đặc biệt là năng lượng và protein) do quá trình nhiễm trùng và tiến triển bệnh.

Cho trẻ dùng đủ các thức ăn giàu đạm, đặc biệt là thực phẩm giàu đạm có giá trị sinh học cao như thịt, cá (chép, quả, ba sa, bông lau, hồi, trích…), trứng, sữa, hải sản…

Cần cho trẻ ăn tăng rau, quả có màu vàng, đỏ (như cà rốt, cà chua, bí đỏ, cam, xoài, đu đủ, dưa hấu…) và các loại rau có lá xanh sẫm (như rau muống, rau ngót, rau dền đỏ, cải bó xôi, súp lơ xanh…) vì có nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin A, vitamin C… giúp tăng cường miễn dịch…

Ngoài việc lựa chọn và bổ sung thực phẩm giàu Vitamin A, cần lựa chọn các thực phẩm giàu kẽm cho bữa ăn. Trong đó, thực phẩm có nhiều kẽm là tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan heo, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành, các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, lạc...), đậu xanh nảy mầm.

Với trẻ nhũ nhi, để có đủ kẽm, nên cố gắng cho bú sữa mẹ vì kẽm trong sữa mẹ dễ hấp thu hơn nhiều so với sữa bò.

Bên cạnh đó, bữa ăn cần có các thực phẩm giàu vitamin C nhằm chống lại dị ứng, tăng chức năng miễn dịch. Vitamin C có nhiều trong các loại quả chín như cam, bưởi, chuối, xoài, dưa hấu… và các loại rau như rau muống, ngót, dền, đay, mồng tơi…

Khi đang bị bệnh sởi, không nên dùng các loại gia vị cay nóng như ớt, hạt tiêu, quế, hành tây, tỏi, cà ri...; hạn chế các thức ăn chứa nhiều chất béo no, nội tạng động vật; Tuyệt đối tránh, không dùng các thức ăn đã từng bị dị ứng hoặc thức ăn lạ.

Nhân Mã