22/11/2024 | 18:09 GMT+7, Hà Nội

Bài học nào rút ra sau hàng loạt "lùm xùm" tại trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa)?

Cập nhật lúc: 20/12/2018, 21:05

Việc xét tuyển giáo viên chức trường Lam Sơn năm học 2018-2019 có nhiều dấu hiệu vi phạm thể hiện sự chủ quan, thiếu minh bạch, khách quan của người tham gia trực tiếp vào công tác xét tuyển. Nguyên nhân không loại trừ việc cơ sở giáo dục này phớt lờ các cảnh báo trước đó của dư luận.

Như đã phản ánh từ trước, trong khi tìm hiểu thông tin về việc trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa): Biến nhà thi đấu đa năng thành nơi kinh doanh, PV còn phát hiện thêm những "lùm xùm" khác, điển hình là vụ tuyển viên chức tại trường Lam Sơn.

Liên quan đến những sai phạm trong vụ tuyển giáo viên tại trường chuyên Lam Sơn đang gây xôn xao dư luận, không ít ý kiến đã cảnh báo từ trước rằng, việc giao chức Chủ tịch Hội đồng xét tuyển cho Hiệu trưởng  trường THPT chuyên Lam Sơn là không đúng quy định, không khách quan và rất dễ nảy sinh những tiêu cực trong quá trình tuyển dụng. Quả thật, lo ngại đó là có cơ sở khi mới đây cơ quan có thẩm quyền phát hiện nhiều vi phạm xung quanh việc tuyển dụng tại cơ sở giáo dục này.

Nhiều hồ sơ không đủ điều kiện vẫn được tham gia xét tuyển?

Những lùm xùm về tuyển dụng viên chức tại trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) tiếp tục làm "nóng" dư luận khi mới đây cơ quan có thẩm quyền phát hiện nhiều vi phạm trong quá trình thực hiện quy trình xét tuyển viên chức tại cơ sở giáo dục này.

Theo đó, tài liệu mà phóng viên có được cho thấy, ngày 24/10/2018, Hiệu trưởng trường THPT Quảng Xương 1 phản ánh về việc nhà trường có 3 giáo viên tham gia dự tuyển tại trường THPT chuyên Lam Sơn nhưng không báo cáo Hiệu trưởng. Cả 3 giáo viên này làm đơn xin nghỉ dạy ngày 23/10/2018 với lý do “việc riêng” nhưng chưa được phép của Hiệu trưởng.

Sau khi nhận được thông báo tổ chức tuyển dụng giáo viên của trường THPT chuyên Lam Sơn, chúng tôi đã thông báo nội dung tuyển dụng này tại cuộc họp tổ trưởng tổ chuyên môn, đồng thời niêm yết thông báo công khai tại bảng tin hội trường số 2 của nhà trường để giáo viên có nguyện vọng tham gia đăng ký dự tuyển. Tuy nhiên, không có giáo viên nào đăng ký đề nghị nhà trường xác nhận đơn dự tuyển và sơ yếu lý lịch.

Ngày 22/10/2018, 3 giáo viên (ông Trần Văn Nam, bà Hoàng Thị Thu Hằng và bà Nguyễn Thị Hương) viết giấy xin phép nhà trường nghỉ dạy ngày 23/10/2018 với lý do “có việc riêng”. Nhưng thực tế, ngày 23/10/2018, cả 3 giáo viên này tham gia tiết dạy bắt buộc tại trường THPT chuyên Lam Sơn chứ không phải xin nghỉ dạy vì việc riêng. Ông Trần Văn Nam, bà Hoàng Thị Thu Hằng nhờ cán bộ giáo viên gửi giấy xin phép cho tổ chuyên môn vào sáng ngày 23/10, nhưng tổ chuyên môn và nhà trường chưa đồng ý”, thầy Lê Văn Dị - Hiệu trưởng trường THPT Quảng Xương 1 cho biết.

Tại trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn, Thanh Hóa, ông Đặng Xuân Cảnh, Hiệu trưởng nhà trường cũng cho biết, ông không xác nhận đơn xin dự tuyển và sơ yếu lý lịch của bà Thịnh Thị Bạch Tuyết - ứng viên dự thi vào trường THPT chuyên Lam Sơn.

Trường THPT Quảng Xương 1. Ảnh của giaoduc.net.vn.

Trường THPT Quảng Xương 1. (Ảnh: giaoduc.net.vn).

Trước thực tế trên, Sở Giáo dục và Đào tạo đã cử đoàn kiểm tra toàn bộ hồ sơ đăng ký dự tuyển và quy trình thu nhận hồ sơ của trường THPT chuyên Lam Sơn, đồng thời chỉ ra những thiếu sót tồn tại của Hội đồng tuyển dụng này.

Theo đó, kết quả báo cáo của đoàn kiểm tra, giám sát việc xét tuyển dụng giáo viên trường THPT chuyên Lam Sơn năm học 2018-2019 cho thấy, sau khi kiểm tra lại hồ sơ của 11 ứng viên dự xét truyển, có 04 hồ sơ đăng ký dự tuyển chưa đầy đủ theo quy định tại Quyết định 2977/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh.

Cụ thể, đơn đăng ký dự tuyển chưa nêu rõ quá trình công tác, thành tích đạt được và thiếu xác nhận của thủ trưởng cơ quan nơi đang công tác. Sơ yếu lý lịch thiếu xác nhận của thủ trưởng cơ quan nơi đang công tác.

Các trường hợp vi phạm về hồ sơ gồm: Bà Thịnh Thị Bạch Tuyết, giảng viên Toán, trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn; ông Trần Văn Nam, giáo viên Toán, trường THPT Quảng Xương 1; bà Hoàng Thị Thu Hằng, giáo viên Tin học trường THPT Quảng Xương 1; bà Nguyễn Thị Hương giáo viên Ngữ Văn, trường THPT Quảng Xương 1.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, trường THPT chuyên Lam Sơn tiếp nhận hồ sơ, chưa thực hiện tốt việc kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký dự tuyển dẫn đến hồ sơ của 4 giáo viên có tên nêu trên không hợp lệ (đơn và sơ yếu lý lịch) là vi phạm quy định tại điểm 3.3, khoản 3, Điều 1, Quyết định số 2977/QĐ-UBND ngày 14/8/2017 về việc duyệt phương án tuyển dụng giáo viên trường THPT chuyên Lam Sơn năm học 2017-2018.

Bài học nhãn tiền

Những vi phạm về việc tuyển dụng tại trường THPT chuyên Lam Sơn cho thấy một thực tế, đơn vị được giao trọng trách xét tuyển và những người được giao nhiệm vụ, trong đó không loại trừ Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lam Sơn có dấu hiệu thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, trong việc thực hiện nhiệm vụ.

Tại báo cáo kết quả xem xét, kiểm điểm việc xét tuyển giáo viên trường THPT chuyên Lam Sơn năm học 2018-2019 nêu rõ: “Chủ tịch Hội đồng xét tuyển dụng chưa phân công nhiệm vụ cho thư ký, lãnh đạo và từng thành viên hội đồng. Tiếp nhận hồ sơ, chưa tổ chức tổ chức kiểm tra, đánh giá về hồ sơ của các giáo viên đăng ký xét tuyển theo quy định (không có biên bản kiểm tra) trước khi trình Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo phê duyệt dẫn đến còn 4 giáo viên hồ sơ không hợp lệ. Trong khi đó, Hội đồng vẫn sát hạch chuyên môn, nghiệp vụ là vi phạm quy định tại điểm b, khoản 5, Điều 1, Quyết định 2977/QĐ-UBND ngày 14/8/2017.

Để xảy ra những thiếu sót, tồn tại nêu trên, trách nhiệm thuộc về Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lam Sơn – Chủ tịch Hội đồng xét tuyển và các cá nhân có liên quan trong Hội đồng xét tuyển cùng với 4 giáo viên có hồ sơ đăng ký dự tuyển không đúng quy định”, kết quả kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền chỉ rõ.

Trường THPT chuyên Lam Sơn, nơi xảy ra vi phạm trong việc tuyển dụng viên chức. (Ảnh: An Nguyên)..

Trường THPT chuyên Lam Sơn, nơi xảy ra vi phạm trong việc tuyển dụng viên chức. (Ảnh: An Nguyên).

Từ những vi phạm trên, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đã phê bình nghiêm khắc đối với Hội đồng tuyển dụng giáo viên trường THPT chuyên Lam Sơn năm học 2018-2019, từ đó kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét trách nhiệm của ông Chu Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lam Sơn, Chủ tịch Hội đồng xét tuyển giáo viên trường THPT chuyên Lam Sơn. Trước đó, cá nhân ông Chu Anh Tuấn – Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng nhận trách nhiệm trước Sở Giáo dục và Đào tạo đồng thời xin rút kinh nghiệm trong việc triển khai việc xét tuyển viên chức.

Sở Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu Hiệu trưởng trường THPT Quảng Xương 1 phê bình và kiểm điểm đối với 3 giáo viên xin nghỉ tiết dạy nhưng chưa được sự đồng ý của Hiệu trưởng, không thực hiện nghiêm túc, đúng quy định về điều kiện hồ sơ dự tuyển giáo viên trường THPT chuyên Lam Sơn.

Ông Lê Văn Dị, Hiệu trưởng trường THPT Quảng Xương 1 cho rằng, những vi phạm về ý thức tổ chức kỷ luật của giáo viên trường THPT Quảng Xương 1 liên đến vụ xét tuyển giáo viên tại trường THPT chuyên Lam Sơn là chuyện đáng buồn: "Trường THPT Quảng Xương 1 là trường có bề dày truyền thống, thành tích thuộc tốp đầu khối THPT của tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, sự việc xảy ra cho thấy, ý thức tổ chức kỷ luật của 3 giáo viên nói trên còn có nhiều hạn chế. Câu chuyện vừa qua là chuyện hết sức đáng buồn và ít nhiều ảnh hưởng đến uy tín, cá nhân của giáo viên và nhà trường".

Bên cạnh đó, 1 giáo viên tại trường Dự bị đại học dân tộc Sầm Sơn cũng bị đề nghị phê bình vì không thực hiện nghiêm túc, đúng quy định về hồ sơ đăng ký tuyển giáo viên tại trường THPT chuyên Lam Sơn.

Đến đây, dư luận đã phần nào thấy rõ những bất cập trong việc tuyển dụng giáo viên tại trường THPT chuyên Lam Sơn. Những vi phạm tại Hội đồng tuyển dụng viên chức tại trường THPT chuyên Lam Sơn đã đề cập nêu trên phần nhiều mang tính chủ quan, thậm chí có dấu hiệu tùy tiện của người có trách nhiệm trong việc tuyển dụng, trong đó có trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng - Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lam Sơn và các cá nhân có liên quan khác.

Rõ ràng những cảnh báo trước đó của dư luận về việc nếu giao chức Chủ tịch Hội đồng xét tuyển là Hiệu trưởng trường chuyên Lam Sơn (theo quyết định 2977), trong đó các thành viên trong ban giám khảo hoàn toàn là giáo viên trường THPT chuyên Lam Sơn thì việc xét tuyển sẽ khó đảm bảo tính khách quan, công bằng, thậm chí sẽ nảy sinh tiêu cực trong việc xét tuyển, quả thật không phải là thừa. Những vi phạm trong tuyển dụng viên chức tại cơ sở giáo dục này (như đã nêu) cho thấy nhận định trên là có cơ sở.

Hay nói cách khác, nếu việc tuyển dụng viên chức tại trường THPT chuyên Lam Sơn được thực hiện theo đúng quy định tại văn bản 1942, thì liệu có xảy ra những vi phạm đáng tiếc như đã nêu trên hay không?