19/01/2025 | 02:46 GMT+7, Hà Nội

Vụ STDA chế bài hát Quốc ca: Thiếu tôn trọng lịch sử

Cập nhật lúc: 25/10/2015, 07:38

Theo một số luật sư, bài hát Quốc ca chính là bài hát Tiến quân ca do nhạc sỹ Văn Cao sáng tác, nên việc đặt lời chế cho một bài ca mà không được phép tác giả đã là vi phạm bản quyền theo quy định của Bộ luật Dân sự về quyền tác giả và quyền liên quan.

Liên quan đến thông tin hát “Cen ca” chế lời Quốc ca của hệ thống siêu thị Dự án bất động sản STDA khu vực phía Nam, trao đổi với chúng tôi, luật sư Lê Văn Thiệp (Trưởng VP Luật sư Toàn Cầu, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng:

"Hàng trăm người cùng đứng đồng ca bài hát này cho thấy lớp trẻ đã không tôn trọng các giá trị của lịch sử, coi thường Quốc ca, tầm thường hóa tính thiêng liêng đối với bài Quốc ca.

Đồng thời, có thể thấy đây là hành vi vô văn hóa của những người làm công tác truyền thông, sự kiện của hệ thống siêu thị STDA này", luật sư Thiệp nói.

Cũng theo luật sư Thiệp, thực tế hiện nay, trong Bộ Luật Hình sự hiện hành thì chỉ có tội danh “Xúc phạm Quốc Kỳ, Quốc huy” quy định tại điều 276 BLHS.

"Theo quy định, đối tượng tác động của tội phạm là Quốc kỳ, Quốc huy, tức là những đối tượng vật chất cụ thể, hữu hình và mang tính biểu tượng dễ nhận biết, hiện diện mang tính phổ biến.

Còn Quốc ca, xét về mặt bản chất, cũng là biểu tượng thiêng liêng, là dấu hiệu nhận diện trong các sự kiện quốc tế, tuy nhiên tính phổ biến hay hiện diện ít hơn so với Quốc kỳ, Quốc huy.

Hiện nay, trong BLHS không quy định về vấn đề này nên không thể xử lý hình sự đó là chưa kể các dấu hiệu cấu thành tội khác có thỏa mãn hay không?.

Còn việc xem xét động cơ, mục đích, mức độ tác động xã hội, hậu quả ra sao, sau đó cơ quan chức năng mới có thể xem xét xử lý", luật sư Thiệp cho biết thêm.

Luật sư Thiệp cũng bày tỏ, thực chất nếu vụ việc dừng lại ở đây thì phù hợp, bởi lẽ mục đích của họ trong sáng, tuy nhiên cách tiếp cận và phương pháp lại trái đạo đức, gây phản cảm, búc xúc dư luận.

"Đồng thời vấn đề này cũng đặt ra yêu cầu điều chỉnh pháp luật, xây dựng và hoàn thiện pháp luật hình sự để đáp ứng nhu cầu điều chỉnh pháp luật trong tình hình mới đối với các quan hệ xã hội mà Luật hình sự cần bảo vệ", luật sư Thiệp nhấn mạnh.

Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng văn phòng Luật sư Interla (Đoàn Luật sư Hà Nội) cũng đánh giá, việc một lãnh đạo doanh nghiệp bắt nhịp cho nhân viên hát bài chế Quốc ca là không thể chấp nhận được.

"Đó là một sự xúc phạm đối với lịch sử, với uy tín của Quốc gia thể hiện ở Quốc kỳ, Quốc huy và Quốc ca", luật sư Hòe nói.

Chi nhánh phía Nam của hệ thống STDA tại quận 1.

Chi nhánh phía Nam của hệ thống STDA tại quận 1.

Có thể bị xử phạt hành chính

Theo luật sư Hòe, bài hát Quốc ca chính là bài hát Tiến quân ca do nhạc sỹ Văn Cao sáng tác, nên việc đặt lời chế cho một bài ca mà không được phép tác giả đã là vi phạm bản quyền theo quy định của Bộ luật Dân sự về quyền tác giả và quyền liên quan.

Theo khoản 3 Điều 13 Hiến pháp năm 2013 thì “Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời của bài Tiến quân ca, chính vì thế, việc chế lời bài hát không chỉ dừng ở việc vi phạm bản quyền tác giả mà nó là cấm, không được phép", luật sư Hòe cho hay.

Cũng theo luật sư Hòe, hành vi này đã vi phạm những điều cấm trong hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng được quy định tại Điều 3 văn bản hợp nhất số 3201 ngày 03/9/2013 của Bộ VH TT&DL.

Cụ thể: Nghiêm cấm các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa có nội dung xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm vĩ nhân, xúc phạm dân tộc, vu khống, xúc phạm danh dự, uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.

Với hành vi nêu trên, cơ quan chức năng cũng có thể lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt theo quy định tại khoản 7 Điều 13 Nghị định 158/2013/NĐ-CP về vi phạm quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang.

Cụ thể, phạt tiền từ 25 đến 30 triệu đồng đối với hành vi tổ chức biểu diễn tác phẩm có nội dung truyền bá tệ nạn xã hội, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.

Sẽ bổ sung tội danh xúc phạm quốc ca

Một TS luật hình sự, cựu giảng viên luật hình sự của Đại học Luật Hà Nội cho biết theo Hiến pháp 2013, điều 13 quy định về cả Quốc ca, Quốc kỳ và Quốc huy. Trong đó “Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời của bài Tiến quân ca”.

Mặc dù vậy, theo TS này, tại luật Hình sự hiện hành, không có quy định cụ thể về việc cố ý xúc phạm Quốc ca. Tuy nhiên, tại điều 276 có quy định tội xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy. Theo đó, luật quy định người nào cố ý xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. “Tôi nghĩ cả Quốc kỳ, Quốc huy và Quốc ca đều là những biểu tượng thiêng liêng của đất nước”, ông nói.

Tuy nhiên, vị TS này cũng cho biết thêm, tại dự thảo luật Hình sự sửa đổi bổ sung, dự kiến sẽ trình vào cuối năm nay, tội danh xúc phạm Quốc ca cũng đã được bổ sung.

Trong khi đó, ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL cho biết: “Việc chế lời Quốc ca, hát ở nơi công cộng, chắc chắn sẽ bị xử phạt”. Cũng theo ông Phúc, có hai căn cứ để có thể xử phạt hành vi này vì hành vi xuyên tạc lời ca. Đó là Nghị định 79, Nghị định 158.

Trước đó, như đã thông tin, chiều 15/10, khoảng 500 nhân viên thuộc hệ thống siêu thị dự án bất động sản STDA khu vực phía Nam có mặt tại khu du lịch Bình Quới 1 để dự lễ kỷ niệm 13 năm thành lập.

Đến 13h30, hàng trăm nhân viên dưới phần lĩnh xướng của ông Trần Minh Long - Tổng giám đốc phía Nam đã hát bài “Cen ca” trên nền nhạc Quốc ca.

Nội dung bài hát chế lời rất tùy tiện và phản cảm. Điển hình là đoạn “Đoàn quân Việt Nam đi/ Chung lòng cứu quốc" được sửa thành “Đoàn quân nhà Cen đi/Chung lòng chốt chốt” (thể hiện quyết tâm chốt hợp đồng giao dịch)…

Các đoạn bị sửa tùy tiện khác như: Lòng ta vững chí ra biển lớn/Sóng dù to ta cũng sẽ vượt qua/Mười ba năm quyết chí không ngừng/Biết bao nhiêu anh tài/Tiến lên/Cùng tiến lên/Chúc cho nhà CEN ta/Vững bền!

Điều đáng nói, việc hát lời bài hát giữa nơi công cộng của lãnh đạo và nhân viên hệ thống siêu thị dự án bất động sản STDA đã gây bất bình cho người chứng kiến và dư luận xã hội.

Ngay sau khi nhận được phản ảnh, ngày 19/10, cán bộ điều tra thuộc cơ quan an ninh điều tra (Công an TP.HCM) đã tiếp xúc với PV để xác minh nội dung, thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc.

Dự kiến trong tuần này, cơ quan an ninh sẽ mời lãnh đạo hệ thống siêu thị dự án bất động sản STDA (đơn vị tổ chức) hát lên truy hỏi nhằm xác định nguồn gốc cũng như tác giả của bài hát "chế" để có cơ sở xử lý.

Theo thông tin trên tờ VietNamNet, trước khi diễn ra lễ kỷ niệm 13 năm thành lập, trước đó vài ngày nhân viên hệ thống siêu thị này đã nhận được mail nội bộ, yêu cầu học thuộc lòng bài “Cen ca” - dự kiến sẽ được hát trong lễ kỷ niệm.

Thậm chí trước giờ khai mạc chương trình, bài hát này còn được tập dượt nhiều lần trước khi được hát chính thức lúc 13h30 ngày 15/10.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc./.