18/01/2025 | 20:04 GMT+7, Hà Nội

Vụ STDA chế bài hát Quốc ca: Vi phạm quyền tác giả

Cập nhật lúc: 24/10/2015, 10:01

Đại diện Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM khẳng định việc chế bài hát Quốc ca đã vi phạm quyền tác giả. Hiện công an đang điều tra, mời các bên liên quan lên làm việc, xác minh.

Trao đổi với PV, một cán bộ Thanh tra Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM khẳng định có một bài hát chế quốc ca lan truyền trên mạng: “Sở vừa nhận được nội dung vụ việc từ chiều ngày 21/10. Đơn vị gửi nội dung chính là phía công an TP.HCM.

Thông tin ban đầu, cơ quan công an cho biết đang vào cuộc xác minh điều tra vụ việc nên chưa thể khẳng định ai là tác giả chế bài hát này. Bởi thông tin trên mạng nhiều khi đưa chưa chính xác.

Tuy nhiên, cũng dựa vào đó, Phòng An ninh Văn hóa, A83, Công an TP.HCM đã vào cuộc làm việc. Chúng tôi chỉ nắm nội dung sơ bộ như thế. Còn khi chưa có kết luận chính thức từ cơ quan công an thì chúng tôi chưa thể trả lời báo chí.

Tôi cho rằng, với việc chế bài hát từ bài Quốc ca thì một điều chắc chắn rằng, tác giả chế bài hát này đã vi phạm quyền tác giả. Hiện công an đang điều tra ai là tác giả, và cũng đang mời các bên liên quan lên làm việc xác minh. Sau khi có kết luận chúng tôi mới xử lý vụ việc căn cứ vào mức độ sai phạm của tác giả”.

Theo Luật sư Lê Quang Vy, các thừa kế của cố nhạc sĩ Văn Cao có quyền nộp đơn khởi kiện tại tòa án để yêu cầu bên vi phạm xin lỗi công khai, đồng thời bồi thường thiệt hại (nếu có).

Ngoài ra, hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính từ 5 đến 10 triệu đồng (Điều 10 nghị định 131/2013/NĐ-CP ngày 16.10.2013).

Căn cứ vào Khoản 1 Điều 2 Luật Quảng cáo, hành vi của tập đoàn Cen Group được xem là một hình thức quảng cáo, tuy nhiên hình thức lẫn nội dung quảng cáo này bị cấm bởi Khoản 5 Điều 8 Luật Quảng cáo “Quảng cáo gây ảnh hưởng xấu đến sự tôn nghiêm đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Đảng kỳ, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước”.

Hình ảnh STDA hát chế Quốc ca được lan truyền trong cộng đồng mạng khiến dư luận bất bình.

Hình ảnh STDA hát chế Quốc ca được lan truyền trong cộng đồng mạng khiến dư luận bất bình.

Cũng chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Thọ Tuyển, Giám đốc Hệ thống Siêu thị Dự án Bất động sản STDA cho biết: “Hiện chúng tôi mới chỉ nghe báo cáo sơ bộ nên chưa rõ về nội dung này. Tôi nghĩ là anh em chế bài hát với mục đích vui là chính, chứ lãnh đạo hệ thống chưa bao giờ chỉ đạo sáng chế bài hát như thế. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra và xác minh lại vụ việc này. Hiện tôi chưa rõ ai là người sáng chế bài hát này”.

Liên hệ với lãnh đạo hệ thống siêu thị dự án bất động sản chi nhánh tại TP.HCM để tìm hiểu vụ việc, một nhân viên công ty cho biết: “Chúng tôi chỉ là chi nhánh công ty con của tập đoàn nên không thể phát ngôn báo chí được. Hơn nữa tôi nghĩ chuyện này chỉ là chế cho vui vẻ không khí công ty nhân ngày kỷ niệm, nên chúng tôi hưởng ứng theo.

Không ngờ sau khi vụ việc xảy ra thông tin chế bài hát của công ty tôi lại lan truyền nhanh trên các phương tiện truyền thông. Chúng tôi hi vọng sẽ không có chuyện gì xảy ra sau khi cơ quan chức năng vào làm việc”.

Trong một diễn biến khác, trả lời PV, ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin về vụ việc đã đề nghị Thanh tra Sở VH-TT TP.HCM làm rõ để xử lý.

"Việc hát chế lời Quốc ca như vậy là không thể chấp nhận được, nhất là tại nơi công cộng. Chắc chắn đơn vị tổ chức sẽ bị xử phạt”, ông Phúc nói.

Trước đó, để kỷ niệm 13 năm thành lập (2002-2015), hệ thống siêu thị dự án bất động sản STDA khu vực phía Nam tổ chức buổi họp mặt tại Khu du lịch Bình Quới 1 (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) với sự tham gia của gần 500 nhân viên đã làm chuyện cực kỳ vô ý thức, gây phản cảm và phẫn nộ trong công chúng.

Đó là việc chính ông Trần Minh Long - Tổng Giám đốc STDA khu vực phía Nam đã “sáng tác” và lĩnh xướng cho hơn 500 nhân viên của mình hát lời chế từ Quốc ca.

Dư luận chỉ trích gay gắt, rằng STDA đã dám lấy Quốc ca - quốc hồn, quốc túy của dân tộc để... mua vui cho nhân viên bằng những lời chế đầy rẻ rúng: “Đoàn quân nhà Cen đi, chung lòng chốt chốt...”.

Chuyện nhạc “chế” có thể tạo ra không khí vui vẻ, hài hước khi mượn bài hát nào đấy để theo nhạc nhưng thay lời khi định nói về vấn đề cụ thể như nghệ sĩ Tự Long hay “chế” trong chương trình “Gặp nhau cuối năm” trên truyền hình.

Người nghe không hề bức xúc và nhạc sĩ tác giả bài hát thậm chí còn vui vì thường bài hát được “chế” là bài nổi tiếng, đã đi vào lòng công chúng. “Chế” mà không bị phản đối vì cả người “chế” và người nghe cùng ngầm thống nhất đây là chuyện đùa.

Thế nhưng Quốc ca là bài ca thiêng liêng không thể biến thành chuyện đùa , sự vô ý thức với mục đích làm “cơ quan ca”.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc./.